TCCSĐT - Ngày 20-11-2015, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long phối hợp tổ chức Hội nghị Đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long thường niên lần thứ 3 năm 2015.

Tham dự hội thảo có hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam, đại diện Ủy ban nhân dân và lãnh đạo, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch các tỉnh, thành và các doanh nghiệp tiêu biểu trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, thủy sản, đây là vùng đồng bằng nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, nằm giữa Hồng Công và Xin-ga-po nên có khả năng phát triển thành trung tâm hậu cần của khu vực trong tương lai; hệ thống hạ tầng giao thông thủy, bộ, hàng không những năm gần đây được đầu tư nâng cấp, tăng khả năng kết nối nội vùng và kết nối vùng với thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, các nước Cam-pu-chia, Thái Lan,… Với dân số gần 18 triệu người, toàn vùng có trên 10,5 triệu người trong độ tuổi lao động. Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đồng bằng sông Cửu Long hiện có năng suất lao động cao hơn Cam-pu-chia, Lào, chi phí đất đai và lao động rẻ hơn, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, chính quyền nhiều địa phương ngày càng thân thiện hơn,… và đang trở thành điểm đến mới của nhiều nhà đầu tư. Từ năm 2010 đến nay, nhằm tạo điều kiện giúp đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc phát triển, Chính phủ đã ban hành 12 quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; các quy hoạch xây dựng, giao thông vận tải, phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển giáo dục - đào tạo, thủy lợi, phát triển công nghệ thông tin, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn,.. cho vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy vậy, nhiều năm qua, nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vào đồng bằng sông Cửu Long rất thấp. Từ những năm 1988 - 2014, toàn vùng thu hút được 979 dự án FDI, chỉ bằng 5,5% so với cả nước; vốn đăng ký đầu tư chỉ đạt 12,2 tỉ USD, bằng 4,8% so với cả nước. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trong thu hút đầu tư FDI được xác định là do: hệ thống hạ tầng giao thông tuy có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ, nhất là hệ thống vận tải biển còn nhiều khó khăn do chưa thông luồng tàu vào các cảng trên sông Hậu; thiếu liên kết vùng trong xây dựng các dự án đầu tư phát triển lớn có tính liên tỉnh, liên vùng; chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhất là lực lượng công nhân có tay nghề; hệ thống dịch vụ logistics giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kém phát triển; thiếu các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp; ở một số địa phương, thủ tục hành chính, quy trình xem xét, chấp thuận dự án đầu tư chưa rõ ràng, còn kéo dài; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng rõ nét;...

Hội nghị đã tập trung trao đổi những vấn đề pháp lý, kỹ thuật, chính sách,… để trong thời gian tới cải thiện môi trường đầu tư ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, cơ khí nông nghiệp, chuỗi cung ứng dịch vụ nông nghiệp; các ngành sử dụng nhiều lao động và hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), như may mặc, giày dép, đồ gỗ; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy sản; công nghệ thông tin; du lịch; giao thông vận tải; dịch vụ logistics; công nghiệp năng lượng; phát triển đô thị;…

Để tăng sức hút đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long, tại hội nghị, nhiều đại biểu thống nhất đề nghị trong thời gian tới, chính quyền các tỉnh, thành trong vùng cần chú trọng cải tiến cơ chế, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng hơn đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; lắng nghe nhiều hơn từ doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trực tiếp góp ý, đối thoại để kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Song song với việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông thủy, bộ, các địa phương cũng cần thành lập các tổ chức mang tính chất đầu mối thông tin, liên lạc, có vai trò cung cấp kịp thời các cơ hội hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư và nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư để thông báo cho chính quyền địa phương giải quyết kịp thời. Ngoài ra, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành giai đoạn 2015- 2020, các địa phương cũng cần xây dựng chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm chủ lực, chiến lược phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại,… và giới thiệu rộng rãi trên nhiều kênh thông tin để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước./.