TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 13-11-2015, Quốc hội đã thảo luận về các dự án sửa đổi, bổ sung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), xây dựng khung khổ pháp luật về thuế ổn định, thống nhất.

Luật cần làm rõ hơn nội dung “tín ngưỡng”

Thảo luận Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu Hòa Thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phùng Khắc Đăng (Sơn La) nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Đồng thời, việc ban hành Luật sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cân nhắc sự cần thiết ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại thời điểm này và cho rằng, dự thảo luật cần được chuẩn bị kỹ hơn để giải quyết đầy đủ những vấn đề căn bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Về lĩnh vực tín ngưỡng, các đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bao quát cả lĩnh vực tín ngưỡng, song chưa giải thích rõ thuật ngữ “tín ngưỡng” được sử dụng trong phạm vi dự thảo luật này. Nội dung về tín ngưỡng trong dự thảo luật còn đơn giản, sơ sài, chưa bao quát được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như hiện nay. Dự thảo luật mới đề cập đến các cơ sở tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở này mà chưa làm rõ các hình thức tín ngưỡng khác nhau. Thực tiễn hoạt động tín ngưỡng hiện nay đang hình thành các thiết chế tương tự như tôn giáo, có tổ chức, quy tắc, lễ nghi,… song dự thảo luật còn thiếu các quy định điều chỉnh những nội dung này. Lễ hội tín ngưỡng các cấp được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô, hình thức và nội dung hoạt động đa đạng; quá trình tổ chức lễ hội cũng phát sinh nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận đòi hỏi phải có những quy định pháp lý chuyên biệt để điều chỉnh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về lĩnh vực này, nhằm bảo đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn.

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu cho rằng, cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì; đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, dự thảo luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân; hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức; do vậy, sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện và khó xác định chế tài xử lý.

Nhiều ý kiến về việc đổi tên thành Luật trẻ em

Qua thảo luận, các đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La), Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) như trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền của trẻ em; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền trẻ em; khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Về tên gọi của Luật, các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, Hoàng Đức Thắm, Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nhất trí đổi tên Luật thành Luật trẻ em như phương án 1 của Chính phủ trình và cho rằng: Tên gọi này ngắn gọn, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với cách đặt tên của những Luật đã được ban hành liên quan đến nhóm đối tượng đặc thù, như Luật thanh niên, Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị tên gọi của Luật là Luật bảo vệ quyền trẻ em.

Thảo luận về độ tuổi trẻ em, đa số các đại biểu nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi theo lập luận nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Theo các đại biểu, việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên). Đồng thời, quy định như vậy phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông; là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.

Chính sách thuế cần có tính ổn định

Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi cũng như một số nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, bao gồm Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế. Việc sửa đổi phải dựa trên quan điểm tiếp tục thực hiện chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ,...; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Ngoài ra, việc sửa đổi đạo luật về thuế còn phải nhằm bảo đảm tăng cường công tác quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng; cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nêu quan điểm, việc sửa đổi một đạo luật thuế trong khi chưa có hiệu lực thi hành có thể ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng pháp luật của Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng như cử tri và nhân dân cả nước luôn mong muốn những bộ luật, pháp lệnh khi đưa vào thực hiện phải có tính ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế có một số luật vừa có hiệu lực một thời gian ngắn thậm chí còn chưa tới thời điểm có hiệu lực thì đã phải đưa ra trình Quốc hội để tiến hành chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.

Các đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng, trong khi các quy định mới về Luật thuế giá trị gia tăng và Luật quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, hiệu lực thi hành ngày 01-01-2015 và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi hiện nay chưa đến thời điểm hiệu lực thi hành (ngày 01-01-2016), nay lại tiếp tục được đề nghị sửa đổi, dẫn tới băn khoăn của các đại biểu Quốc hội và cử tri liệu rằng, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này có thực sự là phương án cuối cùng? Cơ quan soạn thảo đã dự trù được hết những tình huống phát sinh trên thực tế hay không, hay vẫn còn những chỗ bất cập cần tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới?

Đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt khi luật này còn chưa đến thời điểm có hiệu lực, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc ) cho rằng, việc sửa đổi như vậy vừa thiếu tính ổn định trong chính sách về thu ngân sách, vừa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nêu quan điểm hiện nay, ngành sản xuất ô tô trong nước có chi phí sản xuất cao hơn so với xe nhập khẩu sản xuất ở các nước trong khu vực đến 20%, việc giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước sẽ không giúp thu hẹp được khoảng cách về chi phí này, do đó, sẽ chưa thể phát huy hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí và duy trì sản xuất trước sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập.

Thận trọng, bảo đảm công bằng khi xem xét xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước

Xung quanh điều khoản xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại như trong dự thảo luật, đa số các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận bày tỏ thái độ không đồng tình với quan điểm này vì cho rằng, quy định xử lý như vậy sẽ không bảo đảm công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp theo quy luật của nền kinh tế thị trường; thể hiện sự bất bình đẳng đối với đối tượng nộp thuế. Thậm chí, việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước còn vô tình khuyến khích doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thiếu tính nghiêm túc trong kê khai, nộp thuế. Có ý kiến đề nghị dự thảo chỉ nên quy định xóa nợ đối với doanh nghiệp Nhà nước trong những trường hợp phát sinh nợ do lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước, có như vậy mới bảo đảm thực hiện nghiêm tinh thần của Hiến pháp về việc mọi người, mọi công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, cũng tại buổi thảo luận, một số đại biểu có quan điểm tán thành với đề xuất khoản xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước như trong dự thảo luật với lập luận cho rằng, quy định như vậy sẽ tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xóa nợ thuế chỉ được tiến hành với các doanh nghiệp Nhà nước cụ thể theo danh sách kết quả rà soát, chọn lựa của Chính phủ và thống kê cụ thể tổng kinh phí chi phí xóa nợ cho các đối tượng này./.