Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh
Mấy năm gần đây, Đảng bộ Trà Vinh đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Năm năm qua, Trà Vinh kết nạp thêm 1.726 đảng viên, nâng tổng số đảng viên người dân tộc Khmer lên 3.695 đồng chí. Số chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh hằng năm tăng cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ đảng viên là người dân tộc Khmer đã thực sự góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo thựchiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở địaphương.
Trà Vinh là tỉnh vùng sâu, ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Dân số hiện có hơn 1.059.000 người, trong đó dân tộc Khmer có 318.510 người, chiếm 30,27%; 65 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có 20% dân số trở lên là người Khmer, 494/783 ấp, khóm có người Khmer. Cả tỉnh có 141 chùa Khmer; hầu hết đồng bào Khmer đều theo đạo Phật.
Quán triệt Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về Công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện và đã tạo được sự chuyển biến tích cực.
Nhận thức đúng và cách làm cụ thể
Thực hiện các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, các cấp ủy, đội ngũ đảng viên trong tỉnh nhận thức đúng và nghiêm túc về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc Khmer; tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Trà Vinh đã cụ thể hóa các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng bằng các quy định, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ ấp, khóm, trường học, hợp tác xã, trạm y tế, phường, thị trấn. Các cấp ủy, chi bộ, đảng bộ cơ sở đều phải nghiêm túc xây dựng quy chế làm việc, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, chế độ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ.
Trong chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng, Đảng bộ Trà Vinh đặc biệt chú ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay, toàn tỉnh có 100% ấp, khóm có chi bộ và đảng viên là người tại chỗ; 389 chi bộ ấp, khóm có đảng viên là người dân tộc Khmer, trong đó 40 chi bộ có 100% đảng viên là người dân tộc Khmer. Số đảng bộ xã trong sạch, vững mạnh hằng năm tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Kết quả đánh giá chất lượng 59 đảng bộ xã, phường, thị trấn trên 20% số dân là đồng bào dân tộc Khmer năm 2007 như sau: có 32 đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh và 24 đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ.
Công tác cán bộ là then chốt
Về công tác cán bộ, các cấp ủy đã thực sự quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn trên cơ sở làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cơ sở. Thực hiện quy hoạch Ban Chấp hành đảng bộ xã, phường, thị trấn (thuộc 6 huyện và thị xã) nhiệm kỳ 2010 - 2015 gồm 1.594 đồng chí (trong đó có 195 đồng chí là người dân tộc Khmer, chiếm 12,23%); Ban Thường vụ đảng ủy xã, phường, thị trấn gồm 656 đồng chí (63 đồng chí là người dân tộc Khmer, chiếm 9,06%). Thực hiện chính sách thu hút người có trình độ đại học về công tác ở cơ sở, tính đến cuối năm 2007 đã có 91/102 xã, phường, thị trấn tiếp nhận 260 người (trong đó có 26 cán bộ là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 10%). Triển khai đề án đào tạo cán bộ theo địa chỉ cho xã, ấp, đã khai giảng 4 lớp có 475 học viên cho các lớp đại học, cao đẳng phát triển nông thôn, trung cấp pháp lý (trong đó người dân tộc Khmer là 54, chiếm tỷ lệ 11,36%). Hằng năm, tỉnh mở nhiều lớp đào tạo lý luận chính trị trung cấp, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, công tác đoàn thể... cho trên 10.000 lượt cán bộ xã, ấp, trong đó cán bộ dân tộc chiếm trên 30%.
Để tạo nguồn cán bộ chủ chốt, tỉnh đã thực hiện Đề tài “Thực trạng và giải pháp tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho hệ thống chính trị của tỉnh thời kỳ 2005 - 2015”, trong đó xác định tạo nguồn cán bộ người dân tộc Khmer là một khâu đặc biệt quan trọng. Tỉnh đã chủ trương chuẩn hóa đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn; giải quyết chế độ cho cán bộ không đủ chuẩn nghỉ việc hưởng trợ cấp 1 lần, năm 2007 đã giải quyết cho nghỉ việc 392 đồng chí (trong đó có 58 cán bộ dân tộc Khmer), chiếm 35,37% so với tổng số cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn; bố trí cán bộ mới đủ tiêu chuẩn thay thế số cán bộ đã nghỉ việc, hiện nay về cơ bản đội ngũ cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn nói chung và vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh nói riêng đã được chuẩn hóa một bước. Đối với cán bộ dân tộc Khmer, mặc dù có một số đồng chí tuy chưa đủ chuẩn nhưng có năng lực thực tiễn, tỉnh chủ trương tiếp tục đào tạo để bố trí làm cán bộ chủ chốt ở cơ sở.
Tính đến hết năm 2007, cấp ủy viên cơ sở là người Khmer có 227 đồng chí, chiếm 16,03% tổng số cấp ủy viên xã, phường, thị trấn; trong đó có 8 bí thư, 14 phó bí thư thường trực cấp ủy, 4 chủ tịch, 20 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, 10 chủ tịch, 30 phó chủ tịch ủy ban nhân dân. Trong số 2.781 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ (2004 - 2009) có 713 đại biểu là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 25,63%.
Công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khmer đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà các nghị quyết Đại hội VII, VIII của Đảng bộ tỉnh đề ra. Mức tăng trưởng GDP năm 2002 chỉ là 9,7%, đến năm 2006 tăng lên 14,42% và năm 2007 là 13,74%. Thực hiện các Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg và 134/2004 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết cấu hạ tầng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, đã có sự chuyển biến quan trọng. Trước đây toàn tỉnh chỉ có 23 km đường nhựa, nay đã có hơn 630 km và 1.500 km đường giao thông liên ấp được bê tông hóa, xe máy đến được 750/783 ấp, khóm, ô-tô đến được trung tâm của 100/102 xã; 100% số xã có điện và 92% số hộ sử dụng điện (84,2% hộ dân tộc Khmer), 82% số hộ sử dụng nước sạch; 9.849 căn nhà được xây dựng và bàn giao cho các hộ gia đình người Khmer gặp khó khăn về nhà ở; bình quân 19 máy điện thoại cố định/100 hộ dân; 100% xã có trạm y tế, trong đó 94% số xã có bác sĩ, hầu hết các xã đông đồng bào Khmer đều có bác sĩ; có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú với 1.167 học sinh dân tộc Khmer, bình quân hơn 4,6 người có 1 người đi học.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển khá, đến nay trong số 568 ấp văn hóa có 130 ấp, khóm có đông đồng bào Khmer được công nhận ấp, khóm văn hóa (chiếm 26,31% so với ấp, khóm có người Khmer), 51/141 chùa Khmer được công nhận cơ sở tôn giáo văn minh, 100% chùa Khmer đều có ti-vi, 34 chùa có phòng đọc sách, 60.017 hộ dân tộc Khmer được công nhận gia đình văn hóa.
Những bài học kinh nghiệm
Từ thực tiễn công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải nhận thức, quán triệt sâu sắc các quan điểm, vị trí, tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đây là nhiệm vụ then chốt, vì vùng đồng bào Khmer có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Hai là, xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, phải trên cơ sở xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; thường xuyên chăm lo xây dựng và từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh, gắn liền với lãnh đạo thực hiện đúng các chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống nhân dân; tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực phê bình, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền... Đó là những yếu tố quan trọng để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt là người Khmer thật sự có năng lực, uy tín để lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, giữ vững vai trò hạt nhân đoàn kết nội bộ. Nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền xác định đúng vị trí, vai trò của cán bộ dân tộc Khmer; quan tâm xây dựng đề án cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ và thực hiện tốt các chính sách cán bộ, ở đó sẽ có những cán bộ nòng cốt, động lực quan trọng để lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong vùng đồng bào dân tộc.
Bốn là, làm tốt việc phân công, quản lý đảng viên, kết nạp đảng viên là người dân tộc Khmer; chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt ở các ấp còn ít đảng viên; thường xuyên kiểm tra phân tích và có giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên về phẩm chất, trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng được đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tiên phong gương mẫu là điều kiện quyết định hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng ở vùng đông đồng bào dân tộc.
Năm là, nâng cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp trên trực tiếp cơ sở; phải sâu sát cơ sở, hiểu tình hình cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc về chủ trương, chính sách; kịp thời kiểm điểm, xử lý nghiêm minh các vi phạm, mạnh dạn thay đổi những cán bộ chủ chốt ở cơ sở bị hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiều năm liền; hằng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá tổ chức cơ sở đảng phải sâu sát, nắm chắc chất lượng tổ chức cơ sở đảng ở nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer và đảng viên người dân tộc Khmer, đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng cho phù hợp, rút ra những kinh nghiệm, mô hình tốt để chỉ đạo nhân rộng./.
Nhật Bản, Nga mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực  (23/10/2008)
Trung - Mỹ hợp tác giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu  (23/10/2008)
Thế giới lấy phương Tây làm trung tâm đã đến lúc hoàng hôn!  (23/10/2008)
FED ủng hộ kế hoạch kích thích kinh tế mới của Chính phủ  (23/10/2008)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Kinh tế Mỹ sẽ phục hồi  (23/10/2008)
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm