Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh - liệt sỹ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp các nội dung được nhiều người dân quan tâm về việc xác định danh tính hài cốt các liệt sỹ; chế độ dành cho cựu dân quân tập trung trong thời kỳ chiến đấu chống Mỹ; chính sách đối với các thế hệ sau của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam…

* Đôn đốc thực hiện việc giám định danh tính hài cốt liệt sỹ

Về công tác quy tập mộ cũng như xác định danh tính các liệt sỹ hiện nay, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được phân công trách nhiệm quản lý hồ sơ của người có công nói chung, trong đó có các liệt sỹ. Tất cả các hồ sơ liệt sỹ đều được quản lý tại Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Tâm nguyện của tất cả thân nhân liệt sỹ đều mong muốn có thể tìm thấy và đón các anh về quê. Thực hiện mong mỏi đó, Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị quản lý các liệt sỹ trước khi tham gia kháng chiến. Đến nay, trên 8.000 trường hợp liệt sỹ chưa có tên của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam chuyển tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ đã phối hợp với 3 cơ sở giám định là Viện Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ, Viện Pháp y Quân đội tiến hành lấy mẫu phẩm của trên 8.000 trường hợp này để phân tích các gen các liệt sỹ. Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lấy được hơn 2.000 nghìn mẫu phẩm của thân nhân các liệt sỹ do Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam cung cấp. Các mẫu phẩm của thân nhân liệt sỹ và các liệt sỹ đã được phân tích, chiết ghép, đến nay đã có kết quả bước đầu, dù chưa được nhiều so với con số 8.000. Vừa qua, Chính phủ đã cho phép nâng cấp 3 trung tâm phân tích gen nhằm sớm xác định danh tính các liệt sỹ. Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để đôn đốc, thực hiện việc này. Bộ trưởng hy vọng sẽ ngày càng nhiều liệt sỹ được biết tên, ngày càng nhiều gia đình được đón các anh về, thông qua việc giám định ADN này.

Liên quan đến chính sách đối với các cựu dân quân tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước luôn thể hiện trách nhiệm của mình đối với những người đã tham gia các cuộc kháng chiến. Đến nay, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với các đối tượng là cựu quân dân tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm xác lập hồ sơ, ra quyết định các đối tượng được hưởng.

* Quan tâm hỗ trợ các thế hệ sau của người có công

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, chế độ ưu đãi về học tập của con thương binh, bệnh binh đã được Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều năm nay. Theo đó, con của những thương, bệnh binh còn sống hoặc đã mất đều được hưởng chính sách của Nhà nước. Chính sách ưu đãi này gồm nhiều loại: Loại thứ nhất là con của liệt sỹ, thương bệnh binh trong độ tuổi đi học có thể nhận hỗ trợ một lần để mua sách vở hàng năm. Loại thứ hai là miễn giảm học phí, trừ trường hợp người con đó đã được hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên, còn lại con các liệt sỹ, thương bệnh binh đều được hưởng chính sách này.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Chiến tranh đã qua đi rất lâu nhưng sự ảnh hưởng nặng nề của nó vẫn còn nhiều, trong đó có các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam trong quá trình tham gia kháng chiến. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể đối với những người trực tiếp tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng chất độc da cam và con cái của họ. Theo quy định, đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến ở vùng có chất độc da cam có 17 loại bệnh. Sau khi giám định, kết quả đối tượng này bị ảnh hưởng đến đâu sẽ được hưởng chế độ đến đó. Bên cạnh đó, con của những người trực tiếp tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng, có biểu hiện trên thực thể cũng được giải quyết chính sách. Bản thân người tham gia kháng chiến bị vô sinh cũng được áp dụng giải quyết chính sách. Riêng đối với thế hệ thứ ba - cháu của người trực tiếp tham gia kháng chiến lại chưa được quy định trong các chính sách. Với trách nhiệm của mình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo Chính phủ có ý kiến đối với các cơ quan khoa học xây dựng các nghiên cứu cụ thể về mức độ ảnh hưởng của chất độc da cam đến thế hệ thứ ba như thế nào để tìm ra cách giải quyết.../.