Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Nhật Bản
23:13, ngày 03-07-2015
TCCSĐT - Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7, ngày 03-7 tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong, Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Thái Lan Prayhuth Cha-ocha đã đến chào Nhà Vua Nhật Bản Akihito, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadamori Oshima và Chủ tịch Thượng viện Masaaki Yamazaki.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Nhật Hoàng cùng lãnh đạo các nước Mekong (Ảnh: TTXVN) |
Tại buổi tiếp, Nhà Vua Nhật Bản hoan nghênh các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7; khẳng định sự ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Nhật Bản với các nước, vì sự phát triển chung của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế, tái thiết khu vực bị động đất sóng thần của đất nước và nhân dân Nhật Bản; coi sự tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và phồn vinh của châu Á, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của Nhật Bản vào hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Nhà Vua và Hoàng hậu sớm sang thăm Việt Nam.
* Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng phát triển của các nước Mekong cũng như quan hệ với Nhật Bản; cho biết trong Quốc hội Nhật Bản có liên minh Nghị sỹ Hữu nghị với từng nước Mekong và Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Bản - Mekong vừa được thành lập tháng 4 vừa qua nhằm tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Mekong, đặc biệt là việc giao lưu giữa Quốc hội các nước.
Ông bày tỏ cảm ơn chân thành về sự hỗ trợ, ủng hộ của các nước Mekong đối với Nhật Bản bị chịu thiệt hại nặng nề do động đất, sóng thần 4 năm về trước; mong muốn tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết của Nhật Bản trong phòng chống thiên tai, một chủ đề quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao về những thành quả hợp tác Mekong - Nhật Bản trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực.
Thủ tướng cảm ơn về tình cảm, sự hỗ trợ của Chủ tịch Hạ viện Tadamori Oshima trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt - Nhật phát triển thực chất và sâu sắc trong thời gian qua.
Nhân dịp này, Thủ tướng chúc mừng ông Tadamori Oshima vừa được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản và chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời ông Tadamori Oshima sớm thăm Việt Nam.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản tỏ vui mừng trước sự phát triển thực chất, toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật, khẳng định sẽ ủng hộ và nỗ lực hết sức để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa khu vực Mekong và Nhật Bản nói chung, quan hệ hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Nhật Bản nói riêng.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadamori Oshima gặp lãnh đạo các nước tiểu vùng Mekong (Ảnh: Chinhphu.vn) |
* Chủ tịch Thượng viện Masaaki Yamazaki khẳng định Nhật Bản có quan hệ tốt đẹp với các nước Mekong và sự phát triển của khu vực này không chỉ thiết yếu đối với hòa bình, ổn định của châu Á, mà còn rất quan trọng đối với Cộng đồng ASEAN được hình thành vào cuối năm 2015.
Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản bày tỏ tin tưởng Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 sẽ góp phần làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa các nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của khu vực; Quốc hội Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu giữa các Quốc hội và các nghị sỹ, đặc biệt là với các nước ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, đào tạo nhân lực, môi trường cũng như những đóng góp và tình cảm của cá nhân Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Masaaki Yamazaki đối với việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt - Nhật.
Chủ tịch Thượng viện Masaaki Yamazaki tỏ vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Mekong lần thứ 7; đánh giá cao về sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, khẳng định coi trọng tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai nước, ủng hộ việc Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế, xã hội.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mời Chủ tịch Thượng viện Masaaki Yamazaki thăm Việt Nam. Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản cảm ơn và hứa thu xếp sớm thăm Việt Nam.
* Chiều 03-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Toshihiro Nikai, Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt và Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko.
Thủ tướng đề nghị ông Toshihiro Nikai cùng các nghị sỹ trong Liên minh vận động Chính phủ Nhật Bản tăng nguồn vốn ODA cho Việt Nam, mở rộng tiếp nhận điều dưỡng viên, thực tập sinh từ Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các nghị sỹ Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN về bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông.
Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Toshihiro Nikai cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian tiếp và khẳng định Liên minh sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhất là những nội dung mà Thủ tướng đã đề cập. Ông Nikai cũng thông báo tới Thủ tướng việc đang trồng hoa sen của Việt Nam tại Nhật Bản, coi đây là một biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước. Phó Chủ tịch Liên minh nghị sỹ Maeda cũng cho biết sẽ sớm thăm Việt Nam thời gian tới nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Tiếp Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ mà JICA dành cho Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA. Thủ tướng nhấn mạnh 27 tỷ USD vốn ODA mà Nhật Bản dành cho Việt Nam hơn 20 năm qua tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là nguồn vốn quan trọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA cho các dự án đang triển khai, đồng thời cam kết ODA cho một số dự án mới, quan trọng với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Chủ tịch JICA Tanaka Akihiko cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ và giúp đỡ hiệu quả của Chính phủ Việt Nam để công việc của JICA được tiến hành thuận lợi trong thời gian qua. Ông cho rằng, những dự án như nhà ga sân bay Nội Bài hay cầu Nhật Tân được khánh thành là minh chứng sống động cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên.
Ông Tanaka Akihiko cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam trong xử lý vụ án tham nhũng ODA vừa qua và khẳng định phía JICA cũng sẽ làm hết sức, có biện pháp xử lý và ngăn chặn các tiêu cực xảy ra. Ông Tanaka Akihiko cam kết sẽ tiếp tục xem xét và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án sử dụng vốn ODA mà hai bên đang triển khai trong năm nay.
* Cũng trong chiều 03-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các nước Mekong và đại diện khoảng 200 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự Diễn đàn kinh tế 5 nước tiểu vùng Mekong tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 5 nước tiểu vùng Mekong (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Đây là hoạt động nhằm tạo cơ hội cho đại diện chính phủ các nước Mekong gặp gỡ và trao đổi với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản về tiềm năng phát triển cũng như triển vọng đầu tư, kinh doanh tại khu vực tiểu vùng Mekong.
Các phát biểu tại diễn đàn nhấn mạnh sau 6 năm hình thành và phát triển, Hợp tác Mekong - Nhật Bản đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của tiểu vùng Mekong, đặc biệt là trong phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông và dịch vụ logistics. Những tiến triển này đã biến tiểu vùng Mekong thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Tiểu vùng Mekong được đánh giá là thị trường ưu tiên của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Tại diễn đàn, Chủ tịch JETRO cho biết tổ chức này đã mở sáu văn phòng đại diện tại 5 nước Mekong và trong 3 năm từ 2012-2015, đã có 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham gia làm hội viên của Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại khu vực Mekong. Năm ngoái, kim ngạch đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào khu vực Mekong đạt 6,8 tỷ USD, tương đương với quy mô đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc.
Một số điểm chính về tiềm năng và ý nghĩa của tiểu vùng Mekong đối với doanh nghiệp Nhật Bản được nêu bật tại diễn đàn gồm: Với dân số khoảng 230 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tiểu vùng Mekong hiện là một trong các điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quan trọng nhất thế giới của các doanh nghiệp Nhật Bản; kết nối khu vực ngày càng được cải thiện đã giúp hình thành mạng lưới sản xuất và có tiềm năng trở thành "công xưởng sản xuất mới của thế giới".
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu bật những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là các nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kết cấu hạ tầng cơ sở và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Nhấn mạnh với những lợi thế của mình như vị trí địa lý thuận lợi và sự ổn định về chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai và sẽ mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
* Trước đó, sáng 03-7, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và chủ trì buổi tọa đàm với 15 tập đoàn lớn của Nhật Bản trên các lĩnh vực, trong đó nhiều tập đoàn đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự tọa đàm với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản và đều là các thương hiệu uy tín toàn cầu như ngân hàng Tokyo - Mitsubishi, Canon, Mitsubishi, Sumitomo, Hitachi, Bridgestone...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thủ tướng nêu rõ “mặc dù hiện nay môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn, nhưng Việt Nam đang quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thực thi thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng... Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2016. Nhiều luật quan trọng đã được sửa đổi và ban hành mới có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định về đầu tư đối tác công - tư PPP (04-2015) và đang xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị định công nghiệp hỗ trợ... Đó là những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết thương mại tự do… ”
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp: “Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và Nhật Bản nói riêng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng cùng một số bộ trưởng đã trực tiếp lắng nghe, trao đổi thẳng thắn và giải đáp thỏa đáng nhiều kiến nghị, đề xuất của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, nhất là liên quan đến cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với đào tạo nghề; phát triển sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; các lĩnh vực, dự án phát triển năng lượng, phân phối, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, bất động sản, dược phẩm, ODA, cơ sở hạ tầng…
Đánh giá cao quan điểm và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu của Nhật Bản khẳng định cơ hội và mong muốn tăng cường, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhằm khai thác thời cơ, thuận lợi trong quan hệ kinh tế giữa hai nước trên nền tảng Đối tác chiến lược, cũng như đón bắt những cơ hội phát triển mới đem lại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương...
* Cũng trong sáng 03-7 tại Tokyo, Thống đốc tỉnh Kanagawa Kuroiwa Yuji đã đến chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thống đốc tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) Kuroiwa Yuji đã thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc tổ chức Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa do tỉnh hợp tác với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vào tháng Chín. Ông cũng bày tỏ tin tưởng đây sẽ là sự kiện giới thiệu về Việt Nam có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Nhật Bản từ trước đến nay, dự kiến thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.
Thống đốc Kuroiwa Yuji cũng báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thúc đẩy thành lập khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp Kanagawa tại Việt Nam để thúc đẩy đầu tư, nhất là trong công nghệ hỗ trợ, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực y tế, phát triển nguồn nhân lực, thể thao…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Thống đốc Kuroiwa Yuji đã có nhiều tình cảm cũng như nỗ lực và sáng kiến thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Kanagawa hợp tác với thành phố Hà Nội và khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phối hợp để Sự kiện Ngày Việt Nam tại Kanagawa thành công.
Kanagawa là tỉnh có tổng sản phẩm nội địa trên 300 tỷ USD và cũng là địa phương có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Việt Nam./.
Triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2014  (03/07/2015)
Điện mừng Quốc khánh Hoa Kỳ  (03/07/2015)
Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ  (03/07/2015)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên