TCCSĐT - Ngày 06-6-2015, Phiên họp lần thứ 39 của Đại hội đồng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã diễn ra tại trụ sở của FAO ở Thủ đô Rome, Italy.

Hàn Quốc: Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh MERS

Tính đến ngày 07-6-2015, hơn 2.300 người ở Hàn Quốc đã được cách ly do có tiếp xúc với những trường hợp được nghi nhiễm Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Tuy nhiên, trong tuần này, khoảng 500 người sẽ hết hạn cách ly sau khi không có triệu chứng nhiễm bệnh trong 14 ngày qua, tức là qua thời gian ủ bệnh tối đa. Đến nay, tất cả các trường hợp được ghi nhận nhiễm MERS ở Hàn Quốc đều xảy ra tại bệnh viện, vì vậy Chính phủ Hàn Quốc cho rằng tình hình chưa vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Hiện, chỉ có một trường hợp nhiễm bệnh được ra viện sau khi bình phục hoàn toàn. Sau cuộc họp với các quan chức và chuyên gia tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố trao toàn quyền cho đội đặc nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến Hội chứng hô hấp Trung Đông. Theo quyết định trên, lực lượng đặc nhiệm này ngoài một số quyền khác còn có quyền quyết định đóng cửa các bệnh viện trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định cử một nhóm điều tra tới nước này nhằm chung tay kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh Hội chứng hô hấp Trung Đông. Theo đó, Hàn Quốc phối hợp với WHO thành lập một ủy ban điều tra chung để tìm hiểu liệu chủng virus Hội chứng hô hấp Trung Đông đang phát tán tại Hàn Quốc có cùng loại với chủng virus MERS tại Saudi Arabia hay không.

Liên hợp quốc nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Xy-ri

Ngày 05-6-2015, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Xy-ri Staffan de Mistura đã có cuộc gặp với Chủ tịch Liên minh dân tộc Xy-ri (SNC) đối lập Khaled Khoja tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Xy-ri. Tuyên bố của văn phòng đặc phái viên Liên hợp quốc cho biết ông S. Mistura đã nghe thủ lĩnh lực lượng đối lập Xy-ri trình bày quan điểm về việc thực hiện Thông cáo Geneva - văn kiện vốn đặt ra nhiệm vụ lập lại hòa bình tại Xy-ri thông qua các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Xy-ri và phe đối lập tại quốc gia này. Hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tình hình xung đột hiện nay tại Xy-ri.

Song song với cuộc gặp tại Istanbul, Phó Đặc phái viên Liên hợp quốc Ramzy Ezzeldine Ramzy cũng đã có cuộc trao đổi tại Geneva với ông Ziad Tlas và ông Samir Aita - đại diện phong trào Diễn đàn dân chủ Xy-ri để tóm lược tình hình đang ngày càng xấu đi ở Xy-ri. Ông R. Ramzy cũng đã gặp gỡ phái đoàn Nhật Bản do Đại sứ Misako Kaji dẫn đầu để thảo luận về sự hỗ trợ của Nhật Bản cho các nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm cải thiện tình hình nhân đạo tại Xy-ri. Nội dung các cuộc thảo luận cũng bao gồm sáng kiến nhằm tiếp tục giúp Xy-ri đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Ông R. Ramzy cho rằng các cuộc họp tại Geneva một lần nữa khẳng định mong muốn của cộng đồng quốc tế hỗ trợ giải quyết xung đột Xy-ri và giảm thiểu hậu quả nhân đạo từ cuộc khủng hoảng này.

Trung Quốc - Nhật Bản nhất trí thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng ở châu Á

Ngày 06-6-2015, tại Vòng đối thoại cấp bộ trưởng tài chính lần thứ năm tổ chức ở Bắc Kinh, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kết cấu hạ tầng ở châu Á. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản và Trung Quốc kể từ tháng 4-2012, thời điểm quan hệ hai nước trở nên xấu đi do những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ và vấn đề lịch sử thời chiến. Trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và người đồng cấp Trung Quốc Lâu Kế Vĩ tuyên bố hai bên sẽ thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng ở châu Á, bao gồm cả việc thông qua điều phối với các tổ chức tài chính dựa trên cơ sở các lợi ích chung. Bộ trưởng Taro Aso khẳng định Nhật Bản coi trọng việc xây dựng kết cấu hạ tầng chất lượng cao tại châu Á, đồng thời hoan nghênh sáng kiến của Bắc Kinh thiết lập Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cho hoạt động này, hiện đang gia tăng nhanh chóng trong khu vực. Ngoài ra, ông Aso đề nghị AIIB phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức tài chính đa phương khác.

Hai bộ trưởng nhận định cuộc đối thoại đã góp phần làm sâu sắc việc trao đổi tình hình kinh tế vĩ mô và các biện pháp chính sách của hai nước, tăng cường hợp tác tài chính, hỗ trợ thúc đẩy quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản và Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và thảo luận phương hướng phát triển hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tương lai.

Phiên họp lần thứ 39 của Đại hội đồng FAO

Ngày 06-6-2015, với chủ đề “Phá vỡ đói nghèo ở nông thôn thông qua tăng cường sức bật của khu vực nông thôn: Bảo trợ xã hội và Phát triển nông nghiệp bền vững”, Phiên họp lần thứ 39 của Đại hội đồng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã diễn ra tại trụ sở của FAO ở Thủ đô Rome, Italy. Phát biểu khai mạc Phiên họp, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho rằng các vấn đề như biến đổi khí hậu, sự hữu hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bất ổn an ninh năng lượng và lương thực có những ảnh hưởng xuyên biên giới, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thông qua các chính sách dựa trên cơ sở các quyền cơ bản của con người tại các cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng về tài chính phát triển, khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các mục tiêu mới của Liên hợp quốc vào cuối năm nay.

Phiên họp lần này đã rà soát lại tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) và các kết quả của Hội nghị quốc tế lần thứ hai về dinh dưỡng, lâm nghiệp và thủy sản; tập trung thảo luận các kế hoạch phát triển trong tương lai của FAO, ngân sách hoạt động trong hai năm tới và bầu tổng giám đốc FAO. Trong phiên họp này, FAO cũng đã vinh danh những nước đã đạt được MDGs và các nước có thành tích tốt về xóa đói giảm nghèo. Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã bầu lại ông José Graziano da Silva, người Brazil, làm Tổng Giám đốc FAO nhiệm kỳ 2015 - 2019, cùng với cam kết của tổ chức trong cuộc chiến chống đói nghèo và thiếu lương thực./.