Ngày Môi trường thế giới: “Bảy tỷ ước mơ. Một hành tinh. Tiêu thụ thận trọng”
Theo Liên hợp quốc (UN), nếu mức độ tiêu dùng và các mô hình sản xuất vẫn giữ nguyên như hiện nay còn số dân theo ước tính sẽ tăng lên 9,6 tỷ người trong tương lai thì phải cần đến ba hành tinh mới có thể bảo đảm cuộc sống ổn định và mức tiêu thụ của loài người đến năm 2050.
Ngày Môi trường thế giới năm 2015 (05-6), thông điệp được đưa ra rất rõ ràng - cần phải hành động tích cực để xoay chuyển tình thế. Chủ đề năm nay - “Bảy tỷ ước mơ. Một hành tinh. Tiêu thụ thận trọng” - hướng đến nâng cao nhận thức rằng loài người cũng như môi trường, sự vận hành các nền kinh tế và các xã hội tất cả đều phụ thuộc vào việc quản lý có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh của chúng ta.
Ngày Môi trường thế giới ra đời như một sự khẳng định rằng cách thức chúng ta tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò thiết yếu hơn việc hành tinh này có thể cung cấp cho chúng ta tới đâu; đây cũng là một thực tế tồn tại trong hàng thập kỷ. Theo các báo cáo của tổ chức phi chính phủ Global Footprint Network, vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi dân số thế giới đã vượt qua ngưỡng quan trọng thì sự tiêu thụ của loài người đã vượt quá cả tốc độ tôn tạo của Trái đất. Vậy cái giá của việc lạm dụng hệ sinh thái Trái đất là gì?
Những vạt rừng lớn của Panama đang bị mất mỗi năm do nạn phá rừng. Ảnh: Reuters
Một trong những hậu quả đầu tiên khi chúng ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhanh hơn khả năng tái sinh của chúng là sẽ tạo ra sự biến đổi khí hậu - lượng khí nhà kính được thải ra nhanh hơn tốc độ hấp thụ của những khu rừng và đại dương đang bị thu hẹp dần từng ngày. Tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên để lại hậu quả cho cả môi trường và con người bằng chính viễn cảnh mờ mịt.
Vật giá “leo thang”, ngành thủy hải sản sụp đổ, biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên là những hệ lụy rõ ràng và dễ nhận thấy nhất của việc Trái đất nóng lên.
Có thể dễ dàng chỉ ra những tác động do sự nóng lên của Trái đất. Ấn Độ đang “vật lộn” với cái nắng nóng kỷ lục đã giết chết 2.300 người; đây cũng là đợt nắng nóng khắc nghiệt thứ năm trong lịch sử Ấn Độ. Theo Hãng thông tấn Press Trust of India, hơn 1.700 người bị ảnh hưởng trầm trọng vì nắng nóng ở bang Andhra Pradesh trên bờ biển Đông Nam nước này. Nếu loài người tiếp tục đốt các nhiên liệu hóa thạch với tốc độ như hiện nay, tình trạng thậm chí có chiều hướng xấu hơn nhiều. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã cảnh báo Ấn Độ có thể còn phải đối mặt với nhiều hình thái thời tiết khắc nghiệt hơn nếu Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên.
Sự tuyệt chủng các giống loài cũng là một vấn đề khác của biến đổi khí hậu. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ước tính sự mất mát mà loài người sẽ phải gánh chịu nhiều hơn từ 1 nghìn đến 10 nghìn lần tốc độ tuyệt chủng của các giống loài trên hành tinh. Báo cáo của WWF và Hội Zoological Society of London năm 2014 cho thấy số động vật hoang dã trên thế giới đã giảm một nửa trong 40 năm qua và sự tiêu dùng quá độ, sự tàn phá rừng bừa bãi cùng với việc lạm dụng đồ ăn và năng lượng là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Những dải băng Nam Cực sẽ biến mất trong vòng 200 năm tới vì hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ảnh: Reuters
Nước - nguồn tài nguyên chiếm 70% diện tích Trái đất, có vai trò quan trọng không chỉ với cuộc sống con người mà còn với tất cả các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, kinh tế, du lịch và cả an ninh quốc phòng - hiện cũng đang bị đe dọa. Nước ngọt rất hiếm và chỉ chiếm 3% nguồn nước trên thế giới - và 2/3 trong số đó con người không thể tiếp cận được do chúng nằm trong các dòng sông băng hoặc không có sẵn để sử dụng. Khoảng 1,1 tỷ người trên thế giới đang sống mà không có nước sạch trong khi đó nhiều hệ thống thủy lợi được thiết kế nhằm duy trì môi trường sinh thái trên hành tinh và nuôi sống loài người thì lại đang bị lạm dụng.
Việc sản xuất thực phẩm cũng chung tình trạng trên. Hiện nay trên thế giới có gần 805 triệu người ăn không đủ no mỗi ngày. Tình trạng này có nguy cơ xấu hơn nếu dân số thế giới tiếp tục tăng lên, nhất là ở những nước đang phát triển với 13,5% dân số thiếu ăn.
Tuy nhiên, 1/3 số thực phẩm được sản xuất (chiếm 1,3 tỷ tấn) lại không bao giờ được tiêu thụ và sự sản xuất bắt nguồn từ việc khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Sự yếu kém trong quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên dẫn đến các cuộc tranh chấp để kiểm soát sự giàu có, nuôi dưỡng sự tham nhũng, đẩy người dân ra đường, làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe và kéo con người vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Do đó, với chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay - “Bảy tỷ ước mơ. Một hành tinh. Tiêu thụ thận trọng”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon muốn gửi đến thế giới thông điệp rằng: Mục tiêu của phát triển bền vững là nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người mà không phải tăng cường tàn phá môi trường và cũng không cần làm tổn hại đến nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên của các thế hệ tương lai. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó bằng cách chuyển sang sử dụng những hàng hóa tiêu thụ ít năng lượng, ít nước và các nguồn tài nguyên khác cũng như tránh lãng phí thực phẩm.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh những thay đổi có thể tạo ra tác động và “mặc dù mỗi quyết định cá nhân có vẻ rất nhỏ bé so với các mối đe dọa và các khuynh hướng trên toàn cầu song khi hàng tỷ người cùng chung tay vì một mục đích chung thì chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi to lớn”./.
Chính phủ Hàn Quốc trình quốc hội thông qua FTA với Việt Nam  (05/06/2015)
Chính sách bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động  (05/06/2015)
Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn  (05/06/2015)
Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn  (05/06/2015)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên