Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổ chức Viện Kiểm sát
TCCSĐT - Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 38, ngày 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua các Tờ trình, Đề án của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; cho ý kiến về dự án Luật Khí tượng thủy văn và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách ủy viên Ủy ban Kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát quân sự các cấp; quy định về Kiểm tra viên Viện Kiểm sát nhân dân.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, về điều chỉnh Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát.
Theo Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nên công tác pháp chế và quản lý khoa học của ngành kiểm sát nhân dân đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc lập thêm một đơn vị mới là không cần thiết, nên giao nhiệm vụ pháp chế cho Viện Khoa học kiểm sát đảm nhiệm và đổi tên Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát. Việc đề nghị chuyển đổi tên này nhằm phản ánh đúng chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của đơn vị và không làm tăng thêm đầu mối tổ chức, bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Không tán thành với quan điểm là chuyển Viện Khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát, Ủy ban Tư pháp lý giải, theo quy định của pháp luật, Viện Khoa học kiểm sát là đơn vị sự nghiệp công lập, được thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, nhân sự và tài chính (có thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ khoa học và các hoạt động khác); đội ngũ cán bộ chủ yếu là viên chức. Trong khi đó, đây là đơn vị hành chính có chức năng tham mưu về các lĩnh vực thuộc nhiệm vụ của bộ, ngành, hoạt động theo chế độ chuyên viên, gồm những công chức theo quy định của Luật Công chức.
Nếu chuyển Viện khoa học kiểm sát thành Vụ Pháp chế và Khoa học kiểm sát thì đơn vị này sẽ đồng thời vừa làm nhiệm vụ của một đơn vị hành chính tham mưu, giúp việc về công tác pháp chế, vừa làm nhiệm vụ của một đơn vị sự nghiệp công lập là chồng chéo về vị trí pháp lý, chức năng nhiệm vụ.
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng đề nghị, nên thành lập 2 cơ quan riêng là Vụ Pháp luật và Viện Khoa học kiểm sát.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị tách Viện Khoa học kiểm sát thành 2 đơn vị là Vụ Pháp luật và Viện Khoa học kiểm sát, thực hiện hai nhiệm vụ khác nhau.
Phát biểu ý kiến về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy cần giữ lại Viện Khoa học kiểm sát để làm chức năng nghiên cứu khoa học như một đơn vị sự nghiệp công lập của ngành kiểm sát thì để nguyên, còn không phải giao cho Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, dứt khoát chức năng nghiên cứu khoa học của ngành kiểm sát là phải có.
Đối với việc điều chỉnh Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Tài chính - Hậu cần, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất không chỉ về tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động nghiệp vụ, mà cả việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, hậu cần trong toàn ngành kiểm sát nhân dân.
Thực hiện nhiệm vụ này, để bảo đảm tính thống nhất trong ngành có những công việc không thể phân cấp cho cấp dưới mà phải mua sắm, quản lý và cấp phát tập trung như trang phục, phương tiện làm việc chuyên dùng... Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy cần thiết chuyển đổi tên gọi Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Tài chính - Hậu cần cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Về vấn đề trên, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không tán thành với đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cho rằng việc nâng từ Vụ Kế hoạch - Tài chính lên thành Cục Tài chính - Hậu cần do chưa đáp ứng đủ các tiêu chí để thành lập Cục theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18-4-2012 của Chính phủ.
Khác với Vụ, ngoài chức năng tham mưu thì Cục còn có chức năng tương đối độc lập là tổ chức thực thi pháp luật về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành.
Việc thành lập Cục phải đáp ứng các tiêu chí: Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng, Trưởng ngành để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý; tổ chức hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc chuyên ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, nếu thành lập Cục sẽ phát sinh các bộ máy trung gian như văn phòng, phòng… là không phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 39 về việc không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt, thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, đề nghị tiếp tục giữ Vụ Kế hoạch - Tài chính với chức năng, nhiệm vụ như hiện nay.
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập Cục Tài chính với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình nhưng không dùng từ “hậu cần”; bởi vì khái niệm “hậu cần” có nội dung rất rộng, chỉ phù hợp trong quân đội hoặc công an nhân dân.
Tán thành việc điều chỉnh Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Cục Tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không nên dùng từ hậu cần, bởi cái gì cũng là hậu cần.
Liên quan điều chỉnh Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thành lập Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, thì mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh không còn phù hợp nữa, trong khi nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, kỹ năng công tác và bồi dưỡng kiến thức mọi mặt cho đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức trong ngành kiểm sát nhân dân đang đặt ra rất lớn.
Thực tế, hiện nay Nhà trường đang đáp ứng rất tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của ngành kiểm sát nhân dân, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cho các tỉnh phía Nam và hợp tác quốc tế, việc duy trì phát triển cơ sở đào tạo này là rất cần thiết.
Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị chuyển Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh thành Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Phân hiệu nhà trường hiện nay.
Đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cấp Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng ngành kiểm sát, chứ không có giá trị như Bằng tốt nghiệp đại học để hưởng chính sách đại học.
Về số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất số lượng Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là 15 người, nhưng hiện tại mới có 13 thành viên, trước mắt Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết cử 13 thành viên.
Không tán thành việc quyết định số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát là 15 người như Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp cho rằng Khoản 1 Điều 43 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân không quy định số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thực tế thời gian qua, số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát được quyết định theo yêu cầu thực tiễn ở từng thời kỳ, căn cứ vào số lượng nhân sự cụ thể có tại thời điểm trình. Mặt khác, Tờ trình không nêu căn cứ nào để xác định số lượng thành viên Ủy ban Kiểm sát là 15 người, trong khi số nhân sự cụ thể trình lần này chỉ có 13 người.
Góp ý về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình để 15 người, chứ không nên mở 19 người và trước mắt nên có Nghị quyết cử 13 cán bộ là thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
* Tiếp tục chương trình làm việc, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khí tượng thủy văn và Tờ trình của Chính phủ về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã.
Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật Khí tượng thủy văn là hoàn toàn cần thiết. Luật được ban hành sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội có hiệu quả.
Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn gồm 11 Chương, 61 Điều. Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ, cơ bản đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhất trí dự án Luật Khí tượng thủy văn đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp 9.
Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Khí tượng thủy văn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khí tượng thủy văn và thực tiễn: quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn... và một số vấn đề khác mà chưa có văn bản pháp luật nào quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, rành mạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác tại phiên thảo luận đánh giá nội dung của dự án Luật có liên quan đến một số công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và nhiều luật khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên nước, Luật Đo lường, Luật Giá, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thanh tra, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và pháp luật về phí và lệ phí... Vì vậy, Ban Soạn thảo cần rà soát, làm rõ hơn các nội dung của dự thảo Luật liên quan đến các công ước, điều ước quốc tế và các luật khác để bảo đảm phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật là có quy định về xã hội hóa trong hoạt động khí tượng thủy văn. Về nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể và rõ hơn nữa những nội dung này để bảo đảm tính khả thi của Luật, phát huy được mọi nguồn lực trong nước cũng như quốc tế góp phần hiện đại hóa, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, kịp thời cho hoạt động khí tượng thủy văn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội , bảo đảm an ninh và quốc phòng…
Cho ý kiến về Điều 4: Nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn, trên cơ sở tán thành với 4 nội dung đã nêu trong dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bổ sung thêm nội dung hoạt động khí tượng thủy văn phải phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và nhiều ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về cơ chế chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi dự báo sai, gây thiệt hại cho đời sống người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật cơ chế để khuyến khích, quan tâm đối với cán bộ ngành…
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chính phủ về 5 Đề án gồm thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa./.
Nga đánh giá cao sự kiện Chủ tịch nước dự lễ Duyệt binh  (13/05/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Peru Carlos Berninzon  (13/05/2015)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với Thủ tướng Cộng hòa Séc  (13/05/2015)
Tiếp tục hoạt động thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Séc của Chủ tịch nước  (13/05/2015)
Văn hóa tôn giáo với phát triển bền vững ở Việt Nam  (13/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên