TCCSĐT - Ngày 12-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ các giáo sư, chuyên gia người Séc; đến thăm tỉnh Karlovy Vary, nơi có nhà máy sản xuất thủy tinh pha lê Moser Glas nổi tiếng của Cộng hòa Séc; dự lễ khai trương Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Prague (Cộng hòa Séc).

Tại cuộc gặp gỡ các giáo sư, chuyên gia người Séc, những người đã có đóng góp quý báu cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của Việt Nam trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định nhiều thế hệ người Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc những tình cảm cùng sự giúp đỡ quý báu đó của các bạn Séc.

Trong số các chuyên gia, giáo sư Séc tham dự cuộc gặp có nhà Việt Nam học Ivo Vasiljev, 80 tuổi, người từng phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đoàn đại biểu Tiệp Khắc thăm Việt Nam năm 1966 và cũng là người phiên dịch cho cuộc họp báo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Séc vừa qua.

Ông Ivo Vasiljev cũng là người Séc đầu tiên chuyển thể tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Séc.

Ngoài ra, còn có Chủ tịch Hội Séc - Việt Nam Marcel Winter; ông Vladimír Nechyba, 95 tuổi - nguyên là Phó đoàn chuyên gia địa chất của Tiệp Khắc đã sang làm việc và giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực khảo sát và thăm dò địa chất tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và mỏ Lang Hít (Thái Nguyên) từ năm 1958 - 1962; Ông Jovan Dezort - cựu phóng viên Thông tấn xã Tiệp Khắc tại Hà Nội từ năm 1968 - 1972 , người viết nhiều tin, bài ủng hộ Việt Nam trên các tờ báo lớn của Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc hiện nay...

Bày tỏ xúc động được Chủ tịch nước dành thời gian gặp gỡ, các giáo sư, chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam như quê hương thứ hai của họ và luôn dành cho đất nước, con người Việt Nam tình cảm trân trọng và yêu mến. Tự hào vì đã có những tháng năm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, hướng dẫn chuyên môn cho đồng nghiệp Việt Nam, các giáo sư, chuyên gia đều khẳng định dù tuổi đã cao nhưng sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy mối tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc, làm cầu nối để thế hệ trẻ hai nước hiểu nhau, theo đó đưa văn hóa Séc đến với Việt Nam và ngược lại.

Chủ tịch nước vui mừng thông báo cho những người bạn Séc biết hiện nay tại Việt Nam vẫn còn những công trình trước đây được xây dựng bằng sự hỗ trợ và giúp đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất của các bạn Tiệp Khắc, như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Nhà máy khóa Việt - Tiệp…

Các công trình này là sản phẩm của tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho mối quan hệ thủy chung, gắn bó Việt Nam - Séc trong suốt 65 năm qua.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng, bằng những tình cảm gắn bó sâu đậm với Việt Nam và lòng nhiệt huyết của mình, các giáo sư, chuyên gia sẽ tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Séc.

Đến thăm tỉnh Karlovy Vary, nơi có nhà máy sản xuất thủy tinh pha lê Moser Glas nổi tiếng của Cộng hòa Séc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với Thống đốc tỉnh, Thị trưởng thành phố.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao về quy hoạch đô thị, kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế của thành phố Karlovy Vary; đề nghị lãnh đạo chính quyền tỉnh và thành phố Karlovy Vary xem xét thiết lập quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố của Việt Nam nhằm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đô thị.

Thăm Nhà máy sản xuất thủy tinh pha lê Moser Glas, trao đổi với lãnh đạo Nhà máy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết người Việt Nam đã biết đến và làm quen với sản phẩm pha lê nổi tiếng của Tiệp Khắc trước đây và của Cộng hòa Séc ngày nay. Tuy nhiên, Việt Nam và Séc có khoảng cách khá xa về địa lý nên giá thành các sản phẩm pha lê của Séc tại Việt Nam còn khá cao do chi phí vận chuyển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên xem xét hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pha lê tại Việt Nam thời gian tới. Như vậy không chỉ góp phần giảm giá thành các sản phẩm pha lê của Séc tại Việt Nam mà còn có thể thông qua Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào thị trường các nước trong khu vực.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự lễ khai trương Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Prague.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, quyết định thành lập Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cộng hòa Séc xuất phát từ yêu cầu tăng cường thông tin tại địa bàn chiến lược của một quốc gia vùng Trung Âu, nơi có tới 65.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động.

Cộng hòa Séc - tiền thân là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, cũng là đất nước đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam và hiện là một đối tác quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam.

Đánh giá cao vai trò của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, trong đó có các phóng viên thường trú tại Cộng hòa Séc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, được sự giúp đỡ chí tình của các cơ quan chức năng của Cộng hòa Séc và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam trên nước bạn, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã có nhiều hoạt động báo chí bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Việc thành lập cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Séc mang nhiều ý nghĩa bởi đây là cơ quan thường trú thứ 30 ở nước ngoài của Thông tấn xã Việt Nam, được khai trương đúng vào dịp Thông tấn xã Việt Nam hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.

Chủ tịch cho rằng, bối cảnh đất nước hội nhập đang đặt ra nhu cầu bức thiết về vai trò vị trí của dòng tin chủ lưu Thông tấn, chuẩn xác, kịp thời, không ngừng nghỉ mọi lúc, mọi nơi, giúp lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo điều hành hiệu quả, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái; đồng thời cập nhật kịp thời, định hướng đến doanh nghiệp, người dân, cộng đồng người Việt ở nước ngoài những thông tin hữu ích, tình hình thời sự trong và ngoài nước.

Đứng chân tại địa bàn quan trọng như Cộng hòa Séc, các phóng viên Cơ quan thường trú tại Prague với sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, được kế thừa truyền thống của lớp cha anh, những chiến sỹ trên mặt trận thông tin, từng đồng hành với quân dân cả nước qua các giai đoạn thăng trầm để làm nên lịch sử, sẽ càng cần phải cố gắng hơn nữa để thực sự trở thành những đội ngũ tiên phong trên lĩnh vực thông tin, đồng thời là những sứ giả cho tình hữu nghị, hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, các phóng viên thông tấn phải nhanh chóng khẩn trương nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao; nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, khẳng định vai trò đại diện của hãng thông tấn quốc gia Việt Nam tại địa bàn, cung cấp một cách nhanh chóng những thông tin chính xác, hấp dẫn bằng nhiều loại hình khác nhau cho công chúng Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, góp phần thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Cắt băng khai trương và thăm hỏi động viên các phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Séc, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng hỗ trợ tạo điều kiện để phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Séc và các cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở cả trong và ngoài nước hoàn thành trọng trách thông tin được Đảng, Nhà nước giao phó./.