Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ưu tiên tăng cường kết nối Á - Phi
TCCSĐT - Sáng 22-4 tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã nổi hồi cồng, khai mạc trọng thể Hội nghị Cấp cao Á - Phi, kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung năm 1955, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi, trước sự chứng kiến của 91 đoàn cấp cao các nước Á - Phi (47 đoàn châu Á, 44 đoàn châu Phi), trong đó có 23 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, 7 phó tổng thống, 6 phó thủ tướng và trên 30 bộ trưởng.
Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi năm 2015 khai mạc tại thủ đô Jakarta của Indonesia với mục đích phát huy Tinh thần Bandung và thúc đẩy sự phát triển ở cả hai châu lục này.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Iran Hassan Rouhani cùng các nhà lãnh đạo và đại diện của khoảng 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, hội nghị lại vắng mặt một số nhân vật chủ chốt như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma - người phải hủy chuyến đi do làn sóng bài ngoại bạo lực ở trong nước.
Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi lần đầu tiên tổ chức tại Bandung, Indonesia từ ngày 18 đến ngày 24-4-1955 với sự tham gia của lãnh đạo 29 nước Á - Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác giữa hai châu lục.
Hội nghị đã đưa ra 10 nguyên tắc Bandung, làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục, trong đó có các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế...
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng hội nghị trong tuần này sẽ tập trung nhiều hơn vào những nước đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của họ với những bên khác tham dự hội nghị thay vì bày tỏ tình đoàn kết. Đặc biệt phải kể đến Trung Quốc - nước đang tìm cách nhanh chóng thắt chặt các mối quan hệ với châu Phi, lục địa có thể giải “cơn khát” tài nguyên của Bắc Kinh trong quá trình phát triển.
Yemen cũng có thể là một chủ đề bàn thảo tại hội nghị, trong bối cảnh một số quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo như Iran có thể gặp nhau bên lề hội nghị để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Hội nghị Bandung năm 1955 đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ để nhân dân các nước Á - Phi đứng lên giành độc lập dân tộc và vươn lên phát triển về mọi mặt; ngày nay, vị trí, vai trò của hai châu lục Á - Phi ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà nhiều nước Á - Phi đang phải đối mặt, đặc biệt là khủng bố, xung đột vũ trang, bất ổn, tranh chấp chủ quyền, đe dọa sử dụng vũ lực, nghèo đói, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước, sự bất bình đẳng của hệ thống kinh tế, tài chính, thương mại toàn cầu...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ là một trong 29 quốc gia tham gia Hội nghị Bandung năm 1955, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ đề của Hội nghị Cấp cao lần này và kêu gọi trước tiên hai châu lục cần tăng cường hợp tác bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh - điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững.
Chủ tịch nước nhấn mạnh các nước cần tuân thủ 10 nguyên tắc Bandung mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “không xâm lược, đe dọa xâm lược và sử dụng vũ lực”, “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc”. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật thông điệp của Việt Nam là “Tăng cường kết nối Á - Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác với các nước Á - Phi; bày tỏ cảm ơn sâu sắc các nước bạn bè Á - Phi đã ủng hộ về vật chất và tinh thần đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
Về Đông Nam Á, Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam cùng các nước ASEAN đang hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay; nhấn mạnh các nước ASEAN đang nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác, trong đó có châu Phi; khẳng định Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bài phát biểu của Chủ tịch nước với thông điệp “Tăng cường kết nối Á - Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế” đã nhận được sự hoan nghênh và nhất trí cao của Hội nghị.
Trong sáng 22-4, Chủ tịch nước đã tiếp Phó Tổng thống Venezuela Jorge Arreaza, Phó Tổng thống Angola Manuel Domingos Vicente và Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Taieb Baccouche.
Tiếp Phó Tổng thống Venezuela Jorge Arreaza, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam nhất quán ủng hộ Chính quyền hợp hiến ở Venezuela, mong muốn nhân dân Venezuela anh em sớm vượt qua khó khăn, đoàn kết xây dựng đất nước hòa bình và ngày càng phồn vinh.
Chủ tịch nước đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Phó Tổng thống Elias Jaua (từ ngày 11 đến ngày 14-3-2015) và Phiên họp 3 của Ủy ban Liên Chính phủ hai nước trong dịp này (ngày 11-3-2015), khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác hỗ trợ Venezuela tăng cường sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phù hợp với khả năng của hai bên.
Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Venezuela tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các dự án đầu tư, hợp tác tại Venezuela về chiếu sáng đô thị, sản xuất đèn tiết kiệm điện, thép polime, vật liệu xây dựng... Đánh giá hai bên còn nhiều thế mạnh và dư địa hợp tác cùng có lợi, nhất là về nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, xây dựng…, Chủ tịch nước đề nghị hai bên duy trì thường xuyên và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ.
Trên bình diện đa phương, Chủ tịch nước đánh giá cao mối quan hệ phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên tinh thần anh em giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương trong thời gian qua; khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác và phối hợp chặt chẽ với Venezuela và các nước bạn bè khác nhằm bảo đảm thành công cho Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết do Venezuela đăng cai tổ chức vào tháng 9 tới.
Phó Tổng thống Jorge Arreaza bày tỏ tình cảm khâm phục và ngưỡng mộ của nhân dân Venezuela đối với những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây và xây dựng đất nước hiện nay, cho biết Venezuela luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam. Phó Tổng thống nhất trí hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển hợp tác, cần phát huy kết quả của kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ vừa qua.
Trong cuộc tiếp Phó Tổng thống Angola Manuel Domingos Vicente, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp đối với đất nước và nhân dân Angola, đánh giá cao những bước phát triển kinh tế - xã hội của Angola trong thời gian gần đây. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ truyền thống, hữu nghị với Angola.
Hai bên cần tăng cường củng cố quan hệ chính trị thông qua trao đổi và tiếp xúc cấp cao, đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là về viễn thông, nông nghiệp, thương mại. Việc tăng cường hợp tác kết nghĩa giữa các địa phương cũng là hướng phát triển mới cần được đẩy mạnh. Hai nước cần phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế.
Chủ tịch nước cảm ơn và đề nghị lãnh đạo Angola tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Angola. Phó Tổng thống Manuel Domingos Vicente cho biết lãnh đạo cấp cao Angola mong muốn thăm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống giữa hai nước. Hai bên có rất nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác, trong đó có lĩnh vực viễn thông, lao động, khai khoáng, xây dựng. Phó Tổng thống đề nghị Việt Nam cử đoàn sang Angola để thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực xây dựng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, ngay trong tháng 7-2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ thăm Angola, thành phần đoàn sẽ bao gồm Bộ Xây dựng để bàn thảo và triển khai sớm lĩnh vực hợp tác này. Hai bên cũng nhất trí tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Angola (12-11-1975 - 12-11-2015).
Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Taieb Baccouche, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng những thành tựu của nhân dân Tunisia trong việc ổn định và phát triển đất nước, khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với các bạn bè truyền thống, trong đó có Tunisia. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hai nước cần duy trì và tăng cường quan hệ chính trị, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức đa phương.
Về kinh tế, tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, hai bên cần chuẩn bị tốt cho kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp song phương vào cuối năm nay tại Tunisia, trong đó có việc ký kết một số văn bản tạo nền tảng pháp lý cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Tunisia.
Bộ trưởng Taieb Baccouche bày tỏ sự khâm phục đối với các thành tựu của Việt Nam trong kháng chiến giành độc lập, tự do cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước; cho biết thành công của Việt Nam là nguồn cảm hứng mở đường cho các dân tộc thuộc địa, trong đó có nhân dân Tunisia đấu tranh chống chế độ thực dân và giành độc lập.
Bộ trưởng nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Ủy ban Hỗn hợp, coi đây là dịp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Bộ trưởng cũng đề nghị Việt Nam xem xét mở cơ quan đại diện tại Tunisia, cho rằng quan hệ Việt Nam - Tunisia là biểu tượng cho quan hệ đối tác mới Á - Phi trên tinh thần của Hội nghị Cấp cao Á - Phi lần này./.
Tổng Bí thư lưu ý Lạng Sơn cần kết hợp kinh tế với quốc phòng  (22/04/2015)
Đối ngoại quốc phòng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới  (22/04/2015)
“Vận dụng tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay”  (22/04/2015)
Điều kiện mới với những thời cơ, thách thức, nguy cơ mới trong quá trình xây dựng Đảng  (22/04/2015)
Đột phá chiến lược về đầu tư cho hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm  (21/04/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên