Một số hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Liên hoan “Giai điệu Tổ quốc”
Tối 10-4, tại Sân khấu Sen Hồng (Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng những ca khúc các mạng với chủ đề “Giai điệu Tổ quốc”.
Liên hoan có 21 đoàn nghệ thuật của 20 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự, với hơn 400 diễn viên, ca sĩ và nhạc công. Đây là chương trình giao lưu giữa các đoàn biểu diễn nghệ thuật. Các tiết mục biểu diễn ca ngợi quê hương, đất nước, đặc biệt nhiều tiết mục đã tái hiện lại truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, còn có các tiết mục ca ngợi thành tựu của đất nước sau 40 năm giải phóng, hội nhập và phát triển, tình yêu biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các ca khúc: Diệt phát xít, Trường ca sông Lô, Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tổ quốc nhìn từ biển… đã được các đoàn thể hiện một cách sinh động, sôi nổi.
Ông Vương Duy Bảo, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Liên hoan là hoạt động văn hóa lớn góp phần xây dựng và phát triển phong trào văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Các ca khúc được các đoàn nghệ thuật biểu diễn phản ánh một phần quá trình đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt những năm qua. Qua đó, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ càng thêm trân trọng và tự hào về những thế hệ cha ông đi trước đã ngã xuống vì sự độc lập, bình yên, tự do cho cả dân tộc.
Liên hoan sẽ diễn ra đến ngày 14-4-2015.
Vang mãi những bản anh hùng ca
Ngày 11-4, Công an thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt với 321 đồng chí nguyên là cán bộ Công an thành phố Hà Nội chi viện cho chiến trường miền Nam và 67 thân nhân các liệt sỹ Công an Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ.
Những kỷ niệm của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước của những cán bộ, chiến sĩ Công an "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã được kể lại một cách đầy xúc động tại buổi giao lưu qua lời: Đại tá Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Trưởng Công an quận Đống Đa, Hà Nội - Trưởng ban liên lạc Cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội chi viện chiến trường B, C, K; bác Vũ Thọ Xương, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam; bác Quách Văn Biền, Trưởng ban liên lạc cán bộ Công an Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi gặp mặt, nhân chứng lịch sử, người áp giải Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng cách mạng, Đại úy Phạm Xuân Thệ ngày ấy, bây giờ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, đã kể lại thời khắc chỉ huy Trung đoàn 66, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc lập ngày 30-4-1975.
Những người lính già đã cùng nhau ôn lại từng trận đánh, những cảm xúc chân thực về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về những cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, tất cả với tình cảm “Bắc Nam một nhà”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, và tất cả vì khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất non sông.
Buổi gặp mặt đã nêu bật những năm tháng gian khổ, đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo, tinh thần yêu nước vô bờ bến của lớp người đi trước để các thế hệ trẻ hôm nay gìn giữ và phát huy truyền thống, không ngừng phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, giữ vững bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, gìn giữ trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Thủ đô.
“Chuyện kể về những vị tướng từng bị giam trong nhà tù thực dân”
Ngày 11-4, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề “Chuyện kể về những vị tướng từng bị giam trong nhà tù thực dân”.
Trưng bày giới thiệu 150 hình ảnh, tư liệu chân thực, cảm động về cuộc sống của những vị tướng trong lực lượng vũ trang nhân dân đã từng trải qua tháng năm gian khổ, vẫn giữ vững phẩm chất kiên cường của người chiến sỹ cách mạng, trọn đời đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc như các Đại tướng: Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng; đồng chí Võ Văn Kiệt…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến, cho biết, trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với mục đích đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam, thực dân Pháp đã dựng lên các nhà tù trên khắp cả nước. Nhiều chiến sĩ yêu nước, cách mạng không chỉ bị địch bắt, giam cầm trong nhà tù Hỏa Lò mà còn bị giam cầm ở các nhà tù như Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc… Sống trong gông cùm và những trận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ thù, các chiến sĩ vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, biến nhà tù thành trường học, tổ chức cuộc sống trong tù đầy lạc quan, hy vọng.
Từ những “trường học cách mạng” trên, nhiều chiến sỹ đã trưởng thành và trở thành những nhà cách mạng kiên trung, có tầm nhìn chiến lược, biết nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, đã đóng góp to lớn trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trở thành lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy của Đảng và Nhân dân. Qua những hiện vật sống động được trưng bày lần này, các thế hệ, đặc biệt là lớp trẻ càng thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của các thế hệ cha ông. Họ là những tấm gương lớn về lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu Tổ quốc Việt Nam cho thế hệ trẻ noi theo.
Những “ngọn lửa” sáng mãi
Hơn 80 tuổi, suốt 47 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, câu chuyện của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước như khúc tráng ca về những trận đánh oanh liệt làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Tướng Thước bắt đầu câu chuyện với một lời nhận định: Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả tất yếu. Một đường lối đúng đắn, một nghệ thuật quân sự tài tình, một lực lượng đoàn kết quân - dân thì không một kẻ thù nào có thể đè bẹp được. Nhưng có được chiến thắng ấy phải nhắc đến trận đánh mở màn, một “cú sốc” cho kẻ thù mà sau 35 năm nay, những cựu chiến binh Mỹ vẫn còn bàng hoàng và khâm phục. Đó là chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 04 đến ngày 24-3-1975) đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ, nguỵ ở Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược và điều kiện thuận lợi phát triển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Năm 1974, Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược. Khi đó ông là tham mưu trưởng, người ra Hà Nội nhận mệnh lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người phụ trách chính xây dựng các kế hoạch tấn công địch. Tây Nguyên là một địa bàn cực kì quan trọng. Quân Pháp đã từng nói: Chiếm được Tây Nguyên sẽ khống chế được cả 3 nước Đông Dương. Khi Mỹ đổ vào Đà Nẵng, 3 sư đoàn mạnh nhất của Mỹ đều lần lượt kéo lên Tây Nguyên. Mỹ cũng đánh giá rằng: Khống chế được Tây Nguyên thì khống chế được miền Nam. Với quân Mỹ, Tây Nguyên là sức ép với Lào, Campuchia, sức ép ra miền Bắc Việt Nam. Còn với quân đội ta, khống chế địch ở Tây Nguyên, ta sẽ làm chủ được toàn bộ miền Trung và gây sức ép vào Sài Gòn.
Vị Trung tướng trên 40 năm xông pha trận mạc kể rất cặn kẽ về chiến thuật và cách đánh tài tình của quân dân ta. Quân ta nhử địch về hướng Bắc Tây Nguyên nhưng đánh vào hướng Nam Tây Nguyên với trọng tâm là Buôn Ma Thuột, làm địch hốt hoảng, không kịp trở tay. Chiến thắng đã giúp ta chia cắt chiến trường miền Nam thành hai cụm (một là Huế-Đà Nẵng, hai là Sài Gòn). Lực lượng của địch đã bị chặt đôi, như con rắn mất khúc giữa, bị cô lập hoàn toàn Bình Trị Thiên và Đà Nẵng tạo ra sức ép từ Tây Nguyên vào Nam Bộ. Chính từ thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, ta quyết định chuyển nhanh thời gian Tổng tiến công chiến lược trước mùa mưa năm 1975. Ông nói trong niềm tự hào: Chúng ta thực hiện chiến thuật đánh nghi binh. Có thể nói, đây là chiến dịch mà ta nghi binh thành công nhất trong tất cả các chiến dịch ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã làm cho địch mất phương hướng, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhắc lại những ngày tháng không thể nào quên ấy cứ như vừa mới diễn ra. Ông nhớ từng giờ từng phút, từng những cột mốc quan trọng của chiến dịch. Trong chiều dài kí ức, ông vẫn không thể cầm được cảm xúc khi nhớ đến cái ngày 12-11-1974, khi ông được vinh dự ra Hà Nội trực tiếp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quận ủy Trung ương, Tổng tư lệnh để nhận nhiệm vụ chuẩn bị mở chiến dịch. Đó là lần đầu tiên, với cương vị là tham mưu trưởng ông có cơ duyên được vị Đại tướng tài ba ấy trực tiếp giao nhiệm vụ.
Chiến dịch Tây Nguyên chiến thắng vượt kế hoạch, khiến cho địch kéo chạy tán loạn. Đây là cuộc tháo chạy lớn nhất, hoảng hốt nhất trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí Văn Tiến Dũng hạ lệnh thu quân tập kết về Bắc Sài Gòn từ ngày 03-4 và quy định 25-4 phải thu toàn bộ quân với lực lượng hùng hậu nhất. Quân ta cũng thương vong không ít nhưng rồi khí thế chiến thắng hừng hực, quân dân lại đồng lòng tiến lên vì miền Nam ruột thịt. Tướng Thước kể: Ngày ấy chúng tôi chỉ ngủ ngồi, vừa đi vừa đánh, chỉ mơ tới cái ngày chiến thắng. Rồi ngày đó cũng đến, khi ấy ông là tham mưu trưởng Quân đoàn 3, được lệnh đánh trực tiếp vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu của địch. Giọng ông cao vút khi nhắc đến ngày 30-4 đầy ý nghĩa của dân tộc. Chiến trường trở thành một trận đánh hào hùng nhất từ trước tới nay của quân đội ta. Và một điều đặc biệt là 3 mũi tấn công chính: Dinh độc lập, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu đều được kéo cờ chiến thắng đúng vào 11 giờ 30 phút. Một sự trùng hợp tạo lên lịch sử oai hùng - ông dõng dạc.
Vị Tướng nghẹn ngào: “Chiến tranh là mất mát, nhưng đau đớn nhất là cái mất mát trước mặt mà không cứu được, là cái chết của người đồng đội ngay trước giờ vinh quang”. Rồi ông kể, ngày 30-4 khi Quân đoàn đang tiến vào đánh Tổng tham mưu, hai chiếc xe tăng của quân ta, mỗi xe có 5 đồng chí đã bị quân ngụy từ trên cao bắn cháy. “Chỉ còn vài phút nữa là chúng ta giành được độc lập vậy mà 10 người chiến sỹ ấy vẫn phải ngã xuống. Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh”. Nhắc đến sự hy sinh ấy, người chiến sỹ một thời “không biết sợ cái chết” cũng ứa nước mắt. Ông chia sẻ: Cuộc đời của tôi không có gì phải trăn trở nhưng với thời cuộc thì tôi còn có nhiều điều phải nghĩ, phải trăn trở lắm. Ông đặc biệt nhắc đến chế độ cho người có công, cho bà mẹ liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với ông những gì chúng ta làm cho họ tuy cũng đã làm được nhiều nhưng thực ra cũng chưa thật thỏa đáng. Nhiều đồng đội của ông mất hết giấy tờ nên chẳng được hưởng một quyền lợi nào. Cuộc sống nghèo khó về vật chất và với họ còn nặng nề về tinh thần. Vì thế một năm có 365 ngày, xin đừng chỉ nhắc đến quá khứ, đến người lính trong "ba ngày kỉ niệm"./.
Củng cố tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam-Trung Quốc  (11/04/2015)
Quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp theo đúng kế hoạch  (11/04/2015)
Quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp theo đúng kế hoạch  (11/04/2015)
Khai mạc Hội báo Xuân Việt Nam trên nước bạn Lào  (11/04/2015)
Việt Nam mong sớm đạt Thỏa thuận toàn diện về hạt nhân Iran  (11/04/2015)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên