Hội nghị tổng kết chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư đồng bằng sông Cửu Long
Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 đã được thực hiện từ năm 2001 đến năm 2008 với tổng số vốn gần 5.770 tỷ đồng và được đánh giá hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Các địa phương bao gồm Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Cần Thơ đã đầu tư xây dựng 804 dự án cụm, tuyến dân cư và bờ bao đê để đảm bảo chỗ ở cho 146.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt.
Nhằm hoàn thiện đồng bộ và phát huy hiệu quả Chương trình, đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho số hộ dân trong các khu vực sạt lở nguy hiểm và số hộ dân còn lại trong vùng ngập lũ chưa được bố trí vào các cụm, tuyến dân cư trong giai đoạn 1, ngày 26-8-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung các Dự án đầu tư (giai đoạn 2) thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu đảm bảo chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân thuộc 7 tỉnh, thành phố là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Đồng thời, bổ sung một số hạng mục thiết yếu cho một số cụm, tuyến trong giai đoạn 1. Tính đến nay, các địa phương đã triển khai thực hiện 178/179 dự án; hoàn thành tôn nền 126 cụm, tuyến và 48 bờ bao (đạt 97%); hoàn thành xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tại 107 cụm, tuyến dân cư trên tổng số 130 cụm, tuyến cần xây dựng (đạt 82%)... Đã có 49.540 hộ dân trên tổng số 56.510 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình được đảm bảo an toàn nhà ở trong các cụm, tuyến và bờ bao (đạt 88%), trong đó có 27.185 hộ vào ở trong cụm, tuyến và 22.355 hộ được đảm bảo an toàn trong các bờ bao.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long là Chương trình trọng điểm, có tính chiến lược, ý nghĩa nhân văn sâu sắc và được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Chương trình đã đảm bảo cho hơn 200.000 hộ dân, tương đương khoảng hơn 1 triệu người có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo đã xây dựng được nhà ở khang trang, an tâm lao động sản xuất và từng bước thoát nghèo bền vững. Nhiều khu dân cư vượt lũ có quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ, khi người dân vào ở đã hình thành các thị tứ, thị trấn sầm uất, từng bước hình thành cuộc sống đô thị trong vùng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Để hoàn thành toàn bộ các dự án thuộc Chương trình, trong đó có nhiều dự án phát sinh, các địa phương kiến nghị cho phép đầu tư bổ sung thêm 63 cụm, tuyến dân cư và 89 bờ bao khu dân cư có sẵn để đảm bảo cho các hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định cho 60.954 hộ dân. Đề nghị tạo điều kiện cho 8.410 hộ dân được tiếp tục vay vốn (khoảng 168,2 tỷ đồng) theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trong cụm, tuyến dân cư đến hết năm 2015. Đề nghị xem xét kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với 25.868 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo vay mua nền nhà bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (khoảng 226 tỷ đồng). Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành bày tỏ ủng hộ với kiến nghị của các địa phương và Bộ Xây dựng. “Giai đoạn 2 của Chương trình đã kết thúc, vẫn còn 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168,2 tỷ đồng, tôi hoàn toàn nhất trí với kiến nghị đối với Chính phủ về việc tạo điều kiện cho số hộ dân trên được tiếp tục vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trọng cụm, tuyến dân cư, ngân hàng sẽ tiếp cho vay nốt số tiền này” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình phát biểu.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 40 nghìn km2, dân số khoảng 17 triệu người, đóng góp 16% GDP cho đất nước, 90% sản lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản cho xuất khẩu của cả nước; là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển, đặc biệt là tiềm năng về phát triển nông nghiệp, thủy sản và ngành công nghiệp chế biến các sản phẩn từ nông nghiệp, thủy sản và các ngành nghề dịch vụ. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đồng bằng sông Cửu Long vẫn là một khu vực còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng còn kém phát triển; các chỉ số về giáo dục - đào tạo, y tế, chất lượng nguồn nhân lực thấp; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long là vùng thường xuyên bị ngập lụt, đặc biệt nơi đây được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng xâm ngập mặn. Thủ tướng nêu rõ việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở vùng ngập lũ luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. “Yêu cầu đặt ra là phải chung sống tốt với lũ một cách an toàn, ổn định và phát triển bền vững. Các tỉnh trong vùng phải năng động, sáng tạo, tìm ra những cách làm phù hợp để làm sao phải khắc phục được những hạn chế yếu kém, khai thác tối đa được tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển nhanh và bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tinh thần này và trên cơ sở kiến nghị của Bộ Xây dựng, các ý kiến phát biểu và đề nghị của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho kéo dài giai đoạn 2 của Chương trình đến năm 2020; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải thực hiện một cách tích cực, khẩn trương và hoàn thành càng sớm càng tốt. Theo đó, 8.410 hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình chưa xây dựng nhà ở, tương đương với tổng số vốn cần vay 168,2 tỷ đồng sẽ được vay vốn theo quy định để xây dựng nhà ở khi vào ở trọng cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Đồng ý cho kéo dài thời gian trả nợ thêm 3 năm đối với 25.868 hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo chưa trả được nợ với số tiền trên 226 tỷ đồng. Giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu hương án phù hợp hơn để giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân vùng ngập lụt và sạt lở mới phát sinh. “Các tỉnh phải xem đây là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, để làm sao trong nhiều cái lo cho dân có việc lo để dân không bị ngập nữa, đồng thời với đó là được vào ở trong các cụm tuyến dân cư và được hưởng những dịch vụ xã hội cơ bản nhất” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu./.
Tổng Bí thư gửi điện cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc  (10/04/2015)
Bế mạc phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13  (10/04/2015)
Truyền thông Trung Quốc đưa đậm chuyến thăm của Tổng Bí thư  (10/04/2015)
Hướng tới Ngày sở hữu trí tuệ thế giới  (10/04/2015)
Thủ tướng Campuchia tiếp Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh  (10/04/2015)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên