TCCSĐT - Với chức năng đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cựu chiến binh, từ khi thành lập đến nay, trải qua 25 năm xây dựng, trưởng thành (ngày 06-12-1989 - ngày 06-12-2014), Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã luôn làm tốt vai trò của mình.

Xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh gắn với vận động cựu chiến binh tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân

Đây là một nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Do vậy, thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh làm tiền đề để phát huy vai trò của cựu chiến binh trong các hoạt động xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền,…

Trên cơ sở làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền thông qua mạng lưới trên 1.200 báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp Hội nên hội viên cựu chiến binh đã thường xuyên được cập nhật về tình hình mọi mặt của đất nước. Nhờ đó, tình hình chính trị, tư tưởng của toàn Hội cơ bản luôn ổn định; đại đa số cán bộ, hội viên đều tích cực học tập, nâng cao kiến thức về mọi mặt; kiên định, vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; góp phần cùng toàn dân vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Hằng năm, đều có trên 96% tổ chức cơ sở Hội đạt trong sạch, vững mạnh; hội viên cựu chiến binh gương mẫu đạt hơn 96%; gia đình cựu chiến binh văn hóa đạt trên 95%. Công tác kết nạp hội viên mới, phát triển cơ sở Hội được chú trọng, riêng 6 tháng đầu năm 2014, các cấp Hội đã kết nạp thêm 27.237 hội viên, qua đó đưa tổng số hội viên cựu chiến binh lên trên 2,78 triệu hội viên.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Gương mẫu chấp hành và tuyên truyền nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cán bộ, hội viên cựu chiến binh còn tích cực tham gia ý kiến vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của chính quyền địa phương. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, đã có hàng chục vạn hội viên cựu chiến binh được tín nhiệm bầu vào cấp ủy Đảng, trong đó có 39,5% Bí thư, 41,2% Phó Bí thư đảng bộ cơ sở, gần 60% Bí thư chi bộ là hội viên cựu chiến binh (1); gần 10 vạn hội viên được bầu tham gia công tác chính quyền (2). Hội Cựu chiến binh đồng thời cũng là lực lượng nòng cốt trong tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tham mưu và trực tiếp tham gia đấu tranh giải quyết những vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo, làm thất bại sự chống phá của các thế lực thù địch ở nhiều địa bàn…

Tổ chức, động viên cựu chiến binh vươn lên làm giàu, thực hiện xóa đói, giảm nghèo; góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Với ý chí tự lực, tự cường, đã có hàng vạn cựu chiến binh nỗ lực vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên về đường lối, chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước, các cấp Hội còn chủ động phối hợp tổ chức có hiệu quả việc bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho hàng triệu lượt cựu chiến binh. Trên cả nước, đã có hàng vạn cựu chiến binh thành công với mô hình chuyển đổi ngành nghề, dồn điền đổi thửa, xóa bỏ vườn tạp thay giống mới, trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi,… mang lại thu nhập kinh tế từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. 25 năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp từ trung ương đến cơ sở đã quản lý, khai thác có hiệu quả hơn 30 ngàn tỷ đồng từ các nguồn vốn vay, hỗ trợ trên 3 triệu lao động là cựu chiến binh và người thân phát triển kinh tế. Đến nay, cựu chiến binh Việt Nam cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo toàn Hội chỉ còn 4,22%; có 21 tỉnh, (thành phố), 76 quận, (huyện), 2.428 xã, (phường) cơ bản không còn hộ cựu chiến binh nghèo. Đã xóa được gần 78 nghìn nhà dột nát cho cựu chiến binh.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương đa dạng hóa sản xuất của Nhà nước, bám sát đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, Hội Cựu chiến binh đã khuyến khích hội viên xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác,… kết hợp hỗ trợ hội viên thành lập các doanh nghiệp sản xuất với nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú, mở rộng các hình thức dịch vụ kinh doanh. Các doanh nghiệp cựu chiến binh đã thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội nhiều địa phương phát triển. Đến tháng 10-2014, đã có trên 5.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 995 hợp tác xã, 5.265 tổ hợp tác, 52.969 trang trại, gia trại do cựu chiến binh làm chủ, tạo việc làm cho trên 41,5 vạn lao động là cựu chiến binh, cựu quân nhân, gia đình chính sách và con, em cựu chiến binh. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp cựu chiến binh có chất lượng cao được người tiêu dùng tin tưởng, một số sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế, tạo dựng được thương hiệu với cả thị trường trong và ngoài nước. Mới đây, việc thành lập Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm ăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tham gia tích cực trong giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ

Khắc sâu lời dạy của Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và cần thiết”(3), Hội Cựu chiến binh đã phối hợp chặt chẽ cùng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể, tích cực tham gia giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc, quân đội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,… Trong từng thời kỳ, Trung ương Hội Cựu chiến binh đã cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng các chương trình phối hợp hoạt động với chủ đề, nội dung phong phú. Từ năm 2012 đến nay, Chương trình phối hợp “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã được các cấp Hội tổ chức thực hiện có hiệu quả sâu rộng. Trong đó, công tác bồi dưỡng, giáo dục thanh niên ngày càng được đổi mới về cả nội dung, hình thức và phương pháp, vừa phù hợp với tâm lý, sở thích của thế hệ trẻ vừa gắn với các phong trào của Đoàn như “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”… Song song với đó, thực hiện phương châm “Ở đâu có tổ chức Hội Cựu chiến binh vững mạnh, ở đó có tổ chức Đoàn, phong trào thanh, thiếu niên tốt”, các cấp Hội cũng thường xuyên tham mưu cho cấp ủy trong xây dựng tổ chức Đoàn các cấp; tham gia bồi dưỡng hàng vạn thanh niên ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng;… Từ thực tiễn hoạt động, đã có hàng nghìn cựu chiến binh tiêu biểu được cán bộ Đoàn, đoàn viên suy tôn là “Bí thư Đoàn danh dự”. “Đoàn viên danh dự”. “Báo cáo viên của Đoàn”,… qua đó khẳng định rõ hơn vị thế của Hội Cựu chiến binh các cấp.

Ghi nhận những đóng góp quan trọng của cựu chiến binh, 25 năm qua đã có hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; Hội Cựu chiến binh Việt Nam vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai. Năm 2012, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh; đến nay đã có 21 cựu chiến binh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Hàng chục vạn cựu chiến binh đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp khen thưởng và tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục là lực lượng quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, hoạt động Hội Cựu chiến binh cần tập trung vào một số nội dung như:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với hoạt động của Hội Cựu chiến binh.

Cấp ủy đảng các cấp cần trên cơ sở nhận thức rõ vị trí quan trọng của cựu chiến binh, từ đó thường xuyên quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần và quyền lợi của hội viên Hội Cựu chiến binh; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cựu chiến binh phấn đấu, học tập nâng cao kiến thức. Đồng thời cần tích cực đổi mới, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Hội Cựu chiến binh, bảo đảm Hội thực sự hoạt động đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực. Coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp Hội Cựu chiến binh trong tổ chức các hoạt động cựu chiến binh gắn với đặc điểm tình hình thực tiễn cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

Hai là, thường xuyên động viên, phát huy tinh thần nỗ lực, cố gắng của cựu chiến binh trong học tập, lao động; kết hợp hiệu quả giữa đẩy mạnh sản xuất gia đình và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các cấp Hội Cựu chiến binh cần thường xuyên giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị kiên định; phát huy tốt bản chất, truyền thống tự lực tự cường của “Bộ đội Cụ Hồ”; bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt nhất là kiến thức trong tuyên truyền, vận động nhân dân; phát triển sản xuất;… Bên cạnh đó, động viên hội viên cựu chiến binh nỗ lực vươn lên thoát nghèo trên cơ sở vận dụng tốt các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt các hoạt động cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm cho cựu chiến binh, thân nhân cựu chiến binh; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội không ngừng phát triển.

Ba là, tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình phối hợp, phong trào thi đua gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hội Cựu chiến binh các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các chương trình phối hợp, các phong trào thi đua của cựu chiến binh; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau làm giàu” và Chương trình phối hợp “Tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Cựu chiến binh. Cần chú trọng những chương trình, phong trào hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc đã được khẳng định trong thực tiễn. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bốn là, tập trung xây dựng, củng cố các cấp Hội Cựu chiến binh thực sự trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trên cơ sở sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, các cấp Hội Cựu chiến binh cần chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Hội thật sự vững mạnh, làm tốt vai trò, chức năng tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động có hiệu quả. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, phương pháp tuyên truyền, vận động, khả năng triển khai thực hiện các phong trào hành động cách mạng của cựu chiến binh và đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở, qua đó xây dựng tổ chức Hội ngày càng trong sạch vững mạnh./.

----------------------------------------------

Chú thích

(1) Có 2.360 chủ tịch, phó chủ tịch cựu chiến binh tham gia cấp ủy xã, phường; 3.727 cựu chiến binh tham gia cấp ủy huyện, quận (18,3%); 446 cựu chiến binh tham gia cấp tỉnh, thành (18,5%).

(2) 76.800 cựu chiến binh tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã, phường (30,6%); 3.930 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng nhân dân (42,4%); 3.688 cựu chiến binh là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường (38,6%),…

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 12, tr. 498.