Chuyến thăm chiến lược của Thủ tướng Ấn Độ tới Nga
TCCSĐT - Chuyến thăm Nga từ ngày 6 đến ngày 8-12-2009 của Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh diễn ra sau chuyến thăm Mỹ không lâu. Nhưng khác với chuyến công du Mỹ được xem là mang tính biểu tượng nhiều hơn thực chất, chuyến công du Nga của Thủ tướng M. Xinh thực sự mang tính chiến lược.
Chính sách xem trọng nhau
Nga luôn xem Ấn Độ, một đồng minh thời Chiến tranh lạnh, là một đối tác quan trọng của nước này, mặc dù quan hệ thương mại song phương giữa Nga và Ấn Độ còn thua xa mối quan hệ thương mại giữa Nga với EU và Trung Quốc. Nga xem trọng Ấn Độ bởi vai trò và ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực châu Á đang ngày càng mở rộng.
Quan hệ mang tính chiến lược giữa Nga và Ấn Độ là một trong những phương hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của hai nước. Hai nước có thái độ trùng hợp về hầu như tất cả các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, tiềm năng quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ vẫn chưa được tận dụng triệt để. Trong kế hoạch tới đây, lãnh đạo các bên mong muốn nâng mức trao đổi hàng hoá giữa hai nước lên 10 tỉ USD/năm. Đặc biệt, xu thế gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước không bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thủ tướng Nga V. Pu-tin nói: “Mối liên hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển thuận lợi. Mỗi năm, khối lượng trao đổi hàng hóa đều tăng gần 1/3. Trong nửa đầu năm 2009, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã gia tăng, đó là hiện tượng khá hiếm hoi trong điều kiện hiện tại”.
Trong quan hệ kinh tế giữa Nga và Ấn Độ thời gian gần đây, đáng chú ý nhất là sự hợp tác về năng lượng. Trước hết, đó là sự hợp tác trong xây dựng nhà máy năng lượng nguyên tử ở thành phố Ku-dan-ku-lam của Ấn Độ và trong khai thác các mỏ dầu ở thềm lục địa Xa-kha-lin - “Xa-kha-lin-1” của Nga. Các công ty của Ấn Độ cũng muốn tham gia vào đề án khai thác dầu mỏ “Xa-kha-lin-3” của Nga.
Các công ty năng lượng của Ấn Độ, trong đó có công ty nhà nước ONGC, đang tìm cách củng cố vị thế của họ ở Nga - nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Nga đang tìm cách củng cố chỗ đứng của họ trên thị trường hạt nhân của Ấn Độ trước khi có một thỏa thuận giữa Niu Đê-li và Oa-sinh-tơn cho phép các công ty lớn của Mỹ nhảy vào thị trường này.
Nga hiện đang giúp Ấn Độ xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Ku-dan-ku-lam nằm ở bang Ta-min Na-du, phía Bắc nước này, và có kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy hạt nhân khác cho Ấn Độ.
Trong sự hợp tác Nga - Ấn, một trong những đề án có quy mô lớn nhất và đồng thời gặp nhiều khó khăn nhất là việc hiện đại hoá chiến hạm “Đô đốc Gorshkov” dành cho hải quân Ấn Độ. Ở giai đoạn đầu, đề án này trị giá 616 triệu USD. Theo kế hoạch, lẽ ra Nga phải chuyển giao chiếc tàu này cho Ấn Độ trong năm 2008, song do khối lượng công việc tăng thêm và giá thành cũng tăng cao hơn nên thời hạn hoàn tất công việc đã thay đổi.
Đối tác chiến lược
Phát biểu trước khi lên đường đi Mát-xcơ-va, Thủ tướng M. Xinh đã gọi Nga là người bạn lớn của Ấn Độ. Tuyên bố này minh chứng tầm cao của quan hệ Nga - Ấn Độ. Qua chuyến thăm này, quan hệ đối tác chiến lược giữa Mát-xcơ-va và Niu Đê-li sẽ tiến lên tầm cao hơn.
Về quân sự: Việc ký kết các hợp đồng vũ khí và đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân dân sự là hai trọng tâm chính trong chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Ấn Độ tới Nga lần này.
Thủ tướng M. Xinh đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép trong một bữa tiệc không chính thức tối ngày 6-12 và đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nga V. Pu-tin. Trên kênh truyền hình tiếng Anh “Russia Today” của Nga, Thủ tướng M. Xinh phát biểu: "Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Nga và Ấn Độ. Chúng tôi có thể mua những thiết bị và công nghệ từ Nga - những thứ mà chúng tôi không thể mua được từ các nước khác."
Trong tháng 10-2009, Nga và Ấn Độ đã nhất trí với bản phác thảo hợp đồng mua bán vũ khí trị giá ít nhất 10 tỉ USD, trong đó có việc hai nước sẽ hợp tác đóng một chiếc máy bay chiến đấu siêu âm hiện đại có thể tránh được các hệ thống ra-đa, giống như loại máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Mỹ.
Theo tiết lộ của các quan chức Ấn Độ, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng M. Xinh có thể sẽ ký kết các hợp đồng mua vũ khí của Nga, gồm một hợp đồng mua 80 máy bay trực thăng Mi-17 trị giá 1 tỉ USD và những hợp đồng lắp đặt tên lửa Brahmos cho các máy bay chiến đấu Sukhoi của Ấn Độ.
Ấn Độ và Trung Quốc là những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, nhưng các quan chức quân sự cấp cao của Ấn Độ gần đây tỏ ra không hài lòng với Nga bởi sự chậm chễ của nước này trong việc giao lại chiếm hạm “Đô đốc Gorshkov” thời Xô-viết mà Ấn Độ đã đồng ý mua và thuê Nga nâng cấp, sửa sang trong một hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ quân sự thân thiết Nga - Ấn Độ. Để làm dịu tình hình, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép hồi tháng 7 đã công khai lên tiếng phê bình xưởng đóng tàu của Nga về sự chậm chễ trong việc thực thi hợp đồng với Ấn Độ.
Về kinh tế: Điện Krem-lin cho biết, bất chấp những hậu quả tiêu cực của khủng hoảng toàn cầu, thương mại song phương Nga - Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Mục tiêu của hai nước là đạt 10 tỉ USD vào cuối năm 2010.
Thủ tướng M. Xinh cho biết, Ấn Độ rất lưu tâm đến việc đa dạng hóa các quan hệ song phương và đang tìm kiếm một số lĩnh vực hợp tác như y dược, kinh cương, hóa sinh, nano và công nghệ thông tin. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông Nga, Thủ tướng M. Xinh nói: “Chúng ta cần mở rộng hợp tác thương mại và khuyến khích đầu tư tương hỗ. Y dược, công nghệ thông tin và kim cương có thể là những lĩnh vực tăng trưởng cho tương lai”. Ông M. Xinh còn nhấn mạnh, lĩnh vực năng lượng chiếm một phần đáng kể trong tăng trưởng và giành được sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ.
Triển vọng hợp tác mới
Ngày 7-12, tại Mát-xcơ-va, sau khi kết thúc cuộc hội đàm, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép và Thủ tướng Ấn Độ M. Xinh đã thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu. Tuyên bố chung nêu rõ, Nga và Ấn Độ sẽ củng cố và mở rộng một cách toàn diện mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và tin cậy giữa hai nước, trên cơ sở coi đây là nhân tố bảo đảm hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới, đáp ứng lợi ích của cả hai bên.
Nga và Ấn Độ có chung đánh giá về những thay đổi cơ bản diễn ra trên thế giới, đang mang lại không chỉ những thách thức và nguy cơ mới, mà còn tạo ra khả năng để xây dựng một trật tự thế giới mới dân chủ và công bằng, dựa trên các nguyên tắc tập thể và luật pháp quốc tế, phù hợp với những mục tiêu và nguyên tắc do Hiến chương Liên hợp quốc quy định.
Tuyên bố chung khẳng định, Ấn Độ ủng hộ những nỗ lực của Nga trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, trước hết là trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Cáp-ca-dơ...
Tổng thống Đ. Mét-vê-đép và Thủ tướng M. Xinh cũng đã chứng kiến lễ ký các hiệp định liên chính phủ về hợp tác quân sự - kỹ thuật thời kỳ 2011-2020; hợp tác bảo dưỡng vũ khí và kỹ thuật quân sự do Nga cung cấp cho Ấn Độ; hợp tác trong lĩnh vực sáng chế và chế tạo máy bay vận tải quân sự đa chức năng; hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; chương trình trao đổi văn hóa thời kỳ 2010-2020; và hợp tác ngân hàng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Đ. Mét-vê-đép nhấn mạnh, bất chấp khủng hoảng, kim ngạch thương mại hai chiều Nga - Ấn Độ trong 9 tháng năm 2009 tăng 8%. Điều đó chứng tỏ mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn Độ phát triển rất năng động.
Trong khi đó, Thủ tướng M. Xinh bày tỏ hài lòng trước sự hợp tác hạt nhân giữa Nga và Ấn Độ. Còn Tổng thống Đ. Mét-vê-đép cho biết, thỏa thuận trên sẽ mở đường cho một sự hợp tác mới sâu rộng hơn giữa hai bên về lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự. Theo ông Đ. Mét vê-đép, Nga và Ấn Độ nên đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật - quân sự, năng lượng, giao thông, luyện kim, công nghệ thông tin, dược phẩm và công nghệ sinh học.
Theo các nhà bình luận, đối với Nga, sự hợp tác kinh tế - thương mại và đối tác chính trị chiến lược với Ấn Độ có thể đóng vai trò đầu tàu trong việc khắc phục những hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Chuyên viên Nga V. Páp-li-a-ten-kô nói: "Cả Nga và Ấn Độ đều có điểm chung về thế giới quan. Đó là cuộc đấu tranh chung chống lại những thách thức đang đe dọa toàn thế giới, cũng như hợp tác phục vụ lợi ích của các bên. Cả hai nước đều là thành viên nhóm BRIC (gồm Ấn Độ, Nga, Trung Quốc và Bra-xin). Quan hệ đối tác trong nhóm quốc tế không chính thức này khiến Nga và Ấn Độ ngày càng gần gũi nhau hơn”./.
Biến đổi khí hậu: Hiểm họa khôn lường  (10/12/2009)
Bản hòa ca của tình đoàn kết, hữu nghị và vẻ đẹp văn hóa truyền thống  (10/12/2009)
Hội nghị Copenhagen: Thảo luận các đề xuất cắt giảm khí thải và viện trợ  (10/12/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a  (10/12/2009)
Những dấu mốc đáng chú ý trong chiến lược của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan kể từ năm 2001 đến nay  (10/12/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 93 (11-12-2009)  (10/12/2009)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam