Biến đổi khí hậu: Hiểm họa khôn lường
TCCSĐT - Biến đổi khí hậu đang là hiểm họa nhãn tiền với mọi dân tộc trên thế giới và liên quan trực tiếp đến đời sống của mỗi cá nhân, mỗi chủ thể của trái đất. Tất cả mọi người đã được nghe thế nhưng hầu hết đều thản nhiên coi biến đối khí hậu là chuyện xa xôi, chuyện của ai đó và không liên quan đến mình. Sự biến đổi khí hậu dường như đang gây ra những thiệt hại khác nhau về người và của đối với nhiều nước trên thế giới. Con người giờ đây là nạn nhân hay là nguyên nhân của sự biến đối khí hậu này.
1. Sự hiện diện của biến đổi khí hậu đến cuộc sống con người
Thời tiết thất thường
Năm 2005, người ta chứng kiến một mùa hè với cái nóng “thiêu đốt”. Nắng nóng quá đã dẫn đến cái chết của nhiều người. Tại Hàn Quốc, chỉ trong 1 ngày, có tới 12 người bị chết đuối. Còn ở Mỹ, cảnh sát biên phòng bang A-ri-dô-na cho biết, đợt nắng nóng không dứt ở bang này đã làm ít nhất 41 người thiệt mạng kể từ đầu tháng. Riêng tại Phơ-en-níc (Phoenix), thành phố lớn nhất bang A-ri-dô-na, nhiệt độ lên tới 46oC đã làm 20 người chết, trong đó phần lớn là người vô gia cư. Nhân viên cứu nạn tại đây cho biết, những người vô gia cư bị nắng nóng tấn công nhiều nhất do họ không được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời, không có nước uống, trong khi nắng nóng làm chân người bỏng rát ngay cả khi đi giày. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà máy, xí nghiệp đã phải cho nhân viên nghỉ phép có lương cả một tháng để vừa tránh nắng nóng, vừa tránh hiện tượng quá tải điện tại quốc gia trên 1 tỉ dân này. Ở Nga, nắng nóng thậm chí còn bị nghi là thủ phạm gây cháy kho vũ khí.
Trái ngược với nắng nóng, năm 2008, “nữ hoàng băng giá" đã phủ áo choàng trắng lên khắp châu Âu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều quốc gia tại lục địa này. Tại Tây Ban Nha, tuyết rơi quá dày khiến sân bay Ba-ra-giát (Barajas) ở thủ đô Ma-đrít, sân bay lớn thứ 4 châu Âu với tần suất trung bình 1.200 chuyến bay/ngày, phải đóng cửa suốt 5 giờ trong ngày 9-1, làm hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ, 57 chuyến phải đổi hướng bay và hàng nghìn hành khách bị kẹt lại sân bay. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2-2005, tuyết - một hiện tượng vốn rất hiếm gặp, đã bao phủ thành phố cao 650 mét trên mực nước biển này.
Tại Đức, người dân cũng phải trải qua mùa đông lạnh nhất trong suốt 100 năm qua, với nhiệt độ trung bình xuống mức -34,6oC ở khu vực miền núi phía Nam. Nhiều dòng sông ở Đức bị đóng băng khiến giao thông đường thủy bị ngưng trệ.
Tại Pháp, khoảng 1.000 hộ gia đình ở thành phố Mác-xây phải sống trong tình cảnh không có điện sinh hoạt trong khi tuyết rơi dày kéo dài - hiện tượng lần đầu xuất hiện trong suốt 20 năm qua tại khu vực này.
Tại Ba Lan, Bồ Đào Nha, giá rét cũng làm gần 100 người bị chết cóng, chủ yếu là những người vô gia cư, dù cho các nhà chức trách nước này đã cung cấp lều bạt cho họ.
Tại Anh và Ai-len, tuyết trắng cũng đã khiến giao thông đường bộ, đường sắt cũng như trên không bị tắc nghẽn, hơn 800 trường học phải đóng cửa, nhiều vùng nông thôn gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài do không có con đường tiếp cận.
Thiên tai khốc liệt
Trong khi châu Âu ngập chìm trong tuyết thì tại khu vực Nam Á, nơi sinh sống của 1,5 tỉ dân lại, phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước sinh hoạt. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, dựa vào việc kiểm tra các nguồn nước sạch tại các vùng châu thổ sông Hằng - Bra-ma-pu-tra - Mê-gna, vùng châu thổ sông In-đớt, sông Hen-man, khu vực chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu này, hiện chỉ sở hữu 5% nguồn nước sạch trên hành tinh.
Còn theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tô-rôn-tô (Ca-na-đa) công bố trên Tạp chí Khoa học số ra ngày 5-2-2009 cảnh báo, hậu quả của tình trạng Trái đất ấm dần lên sẽ làm lớp băng dày khoảng 2.000 mét ở Tây Nam cực sụp đổ khiến mực nước biển tại Bắc bán cầu tiếp tục dâng cao, đẩy hai cực Bắc - Nam của Trái đất tách xa nhau 500 mét và làm thay đổi vòng quay của Trái đất xung quanh trục của nó, cũng như nhấn chìm một số thành phố lớn của Mỹ như Niu Oóc, Oa-sinh-tơn, Nam Phlo-ri-đa, Lốt An-giơ-lét… trong vài thập kỷ nữa. Hiện tượng băng tan trên dãy Hi-ma-lay-a, ở Bắc Cực cộng với tốc tan chảy băng ở đảo Grin-len và ở Nam Cực cũng đang khiến mực nước biển dâng cao khoảng 1,2 mét. Điều này sẽ khiến ¼ dân số thế giới phải sống ở những khu vực thấp hơn so với mặt biển, trong đó có 1,6 tỉ dân ở khu vực Nam Á.
Mới đây, các trận động đất mạnh tại In-đô-nê-xi-a, cơn bão Két-xa-na (cơn bão số 9) tràn vào Phi-líp-pin và Việt Nam, những trận mưa lớn gây lũ lụt nặng nề tại Ấn Độ đã cướp đi gần 2.000 sinh mạng người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ tính trong năm 2008, số người bị mất nhà cửa do thiên tai, bão lũ, động đất lên tới 36 triệu người, gấp 4 lần so với số người bị mất nhà cử trong các cuộc xung đột và chiến tranh trên toàn cầu.
Nghèo đói, dịch bệnh gia tăng
Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) trong báo cáo ngày 4-10-2009 dự báo, biến đổi khí hậu có thể đẩy thêm 25 triệu trẻ em vào tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2050 nếu các nước không có những đầu tư lớn để thích nghi với tình hình biến đổi của khí hậu. Còn Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) dự báo, do biến đổi khí hậu, vào năm 2050, sản lượng lương thực của các nước đang phát triển sẽ giảm từ 9 đến 21%. Trước đó, FAO ước tính, biến đổi khí hậu còn khiến năng suất cây trồng ở châu Á sẽ bị giảm từ 2,5 đến 10% vào những năm 2020 và giảm từ 5 đến 30% vào những năm 2050. Ở các nước đang phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào những năm 2020 sẽ có khoảng 450 triệu người dân ở tình trạng thiếu dinh dưỡng, và có khoảng 120 triệu đến 1,2 tỉ người thiếu nước dùng. Không những thế, các bệnh dịch nguy hiểm cũng sẽ gia tăng do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Bởi một trong những hậu quả của việc biến đổi khí hậu là sự gia tăng về cường độ, số lượng và độ bất thường của thiên tai. Mà như một quy luật, sau thiên tai, môi trường sống bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm là những nguyên nhân bùng phát các dịch bệnh đường ruột và các bệnh lây lan theo nguồn nước khác, bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến… Ở Việt Nam, theo báo cáo về phát triển con người giai đoạn 2007-2008 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 2°C thì 22 triệu người Việt Nam trong tương lai sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước ta, sẽ ngập chìm trong nước biển.
2. Thế giới đang làm gì để hạn chế biến đổi khí hậu
Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, thuộc Liên hiệp quốc (IPCC) và nhiều trung tâm nghiên cứu có uy tín hàng đầu trên thế giới, nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu ấm lên gần 1°C trong vòng 80 năm (từ 1920 đến 2005), và tăng rất nhanh trong khoảng 25 năm nay (từ 1980 đến 2005). Nếu không thực hiện được chương trình hành động giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo Nghị định thư Ky-ô-tô, đến năm 2035 nhiệt độ bề mặt địa cầu sẽ tăng thêm 2°C. Về dài hạn, có hơn 50% khả năng nhiệt độ tăng thêm 5°C.
Nguyên nhân (chiếm 90%) khiến nhiệt độ bề mặt Trái đất gia tăng chính là việc tăng hàm lượng khí CO2 và các loại khí thải tạo hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra. Theo số liệu quan trắc mà các nhà khoa học ghi nhận được trong 4 thập kỷ gần đây, thì cứ mỗi thập kỷ, hàm lượng CO2 trong khí quyển lại tăng 4%. Sự có mặt của một hàm lượng nhất định khí CO2 trong bầu khí quyển là tấm áo giáp ngăn chặn bức xạ nhiệt (bức xạ hồng ngoại) từ Trái đất nhưng khi hàm lương CO2 được tăng quá mức cần thiết thì lại kéo theo nhiệt độ ở hai cực tăng gấp đôi so với nhiệt độ trung bình toàn cầu, dẫn đến việc băng tan nhanh hơn, làm cho diện tích Bắc cực thu hẹp lại và làm cho mực nước biển dâng cao lên rõ rệt; bão nhiệt đới sẽ tăng lên cả về số lượng và cường độ; hiện tượng El Nino và La Nina tăng hơn cả về tần suất lẫn cường độ. Mưa và bão lụt cũng nhiều hơn, điều mà chúng ta đã tự nhận thấy trong suốt những năm gần đây. Trong khi đó, mùa hè thường nóng gắt tại nhiều nơi trên Trái đất dẫn đến nạn hạn hán nghiêm trọng tại nhiều quốc gia và nhiều hệ lụy nêu trên.
Xây dựng một dự thảo thỏa thuận hậu Ky-ô-tô về biến đổi khí hậu
Trước những hiểm họa khôn lường của biến đổi khí hậu toàn cầu, tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông quốc tế diễn ra trong hai ngày 15 và 16-1-2009 ở Nhật Bản, nhằm tìm cách ngăn chặn tình trạng khí hậu nóng lên liên quan đến lĩnh vực giao thông - lĩnh vực được xem là chiếm ¼ lượng khí thải trên toàn cầu nhưng chưa bị áp dụng các quy định nghiêm ngặt. Tại Hội nghị, các bộ trưởng cùng các đại diện đến từ 20 quốc gia, trong đó có thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G8) đã bàn về việc xây dựng một dự thảo thỏa thuận hậu Ky-ô-tô về biến đổi khí hậu. Hầu hết các quốc gia đều thừa nhận rằng, cần phải kiểm soát lượng khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải bao gồm đường bộ, đường không và đường biển, và cần có sự phối hợp quốc tế, đặc biệt trong ngành hàng hải và hàng không. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì đây là những ngành thải ra lượng khí CO2 lớn nhất, tiếp đến là giao thông vận tải.
Tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp thế giới bàn về vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch), hôm 25-5-2009, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô nhấn mạnh, tình trạng Trái đất ấm lên là do hoạt động của con người gây ra, nhưng nó lại đặt cuộc sống của loài người cũng như nền văn minh nhân loại đứng trước nguy cơ chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, sự biến đổi này cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh lên 20% trong cán cân năng lượng toàn châu Âu, thì đến năm 2020, khu vực này có thể tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới. Chính vì vậy, một nỗ lực chung của các nhà chính trị, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới là điều hết sức cần thiết. Ông M.Ba-rô-xô hy vọng, tại hội thảo về khí hậu sẽ được tổ chức tại Cô-pen-ha-gen vào tháng 12 này, các nước sẽ thông qua một thỏa thuận hành động chống lại sự biến đổi khí hậu sau khi Nghị định thư Ky-ô-tô hết hiệu lực vào năm 2012.
Kêu gọi tiếng nói mạnh mẽ hơn của các thành phố lớn trong việc chống biến đổi khí hậu
Tại các thành phố lớn, sau ba ngày nhóm họp, ngày 21-5-2009, hội nghị cấp cao về khí hậu nhóm 40 thành phố lớn trên thế giới (C40) đã bế mạc tại thành phố Xê-un (Hàn Quốc) với tuyên bố kêu gọi đem lại cho các thành phố tiếng nói mạnh mẽ hơn tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến tổ chức vào tháng 12 tại thành phố Cô-pen-ha-ghen. Tuyên bố nhấn mạnh rằng, một nửa dân số thế giới sinh sống tại các thành phố, chiếm 75% lượng năng lượng tiêu thụ toàn cầu và 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do đó, vai trò của các thành phố trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu cần phải được nhìn nhận. Trong tuyên bố, lãnh đạo các thành phố thuộc C40 cũng đặt ra mục tiêu chung giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Thị trưởng thành phố Tô-rôn-tô (Ca-na-đa) Đa-vít Mi-lơ (David Miller), Chủ tịch hội nghị lần này nhấn mạnh, nếu các quốc gia mong muốn thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất thiết phải chú trọng tới vai trò của các thành phố. Ông Mi-lơ cho rằng "sự thành bại của các kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính phụ thuộc vào các thành phố". Hội nghị lần này đã thu hút lãnh đạo của 80 thành phố lớn nhất trên thế giới cùng hơn 400 chuyên gia môi trường, các nhà hoạt động thuộc các tổ chức bảo vệ môi trường, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.
Trước những tác hại khôn lường của biến đổi khí hậu, Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc trước đây vẫn đứng ngoài Nghị định thư Ky-ô-tô cũng đã tăng cường hợp tác trong vấn đề này. Mỹ hứa sẽ cắt giảm 17% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ mức của năm 2005. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, hiệp ước chống biến đổi khí hậu mới cần quy định các nước phát triển phải cam kết cắt giảm ở mức cao hơn, khoảng 40% lượng khí thải vào năm 2020 từ mức của năm 1990.
Tại Việt Nam, quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về khả năng dễ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, cũng đã tổ chức mít-tinh và triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng sự kiện này như làm vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trồng cây; sửa chữa, xây mới các công trình cấp nước sạch, công trình nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi và đẩy mạnhtuyên truyền, phổ biến tới đông đảo nhân dân về nguyên nhân và tác hại của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tới phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe con người; tạo thói quen tự giác tham gia các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt...nhằm giới thiệu và cung cấp các thông tin, kiến thức, các công cụ để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu và hiểm hoạ thiên tai.
Chống biến đổi khí hậu - chuyện không của riêng ai
Có một sự bất hợp lý là các nước giàu là những nước thải phần lớn chất gây ô nhiễm vào khí quyển, nhưng vẫn cố tranh cãi về mục tiêu cắt giảm khí thải và các giải pháp công nghệ cao. Trong khi các nước nghèo, những quốc gia đang phát triển chỉ tham gia một phần nhỏ vào tình trạng trái đất ấm lên, lại đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề về sự biến đổi khí hậu đó. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Giắt-xtin Linh cho biết, các nước phát triển đang phải gánh chịu tới 80% tổng thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cho dù họ chỉ góp vào khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kình toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những hiểm họa về biến đổi khí hậu không chừa một ai, không chừa một quốc gia nào. Và cái giá mà con người phải trả cho những hiện tượng bất thường của thời tiết là quá lớn. Không chỉ là tiền, là của, là sự phát triển hay suy thoái về kinh tế, mà đó còn là tính mạng, là cuộc sống của mỗi người. Vì thế, nhiệm vụ chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như sự nóng lên của khí hậu toàn cầu không chỉ là cơ hội để tạo ra sự thay đổi căn bản của thế giới, mà còn chính là tạo ra sự thay đổi căn bản trong mỗi con người. Và nếu chúng ta không chung tay nhanh chóng đưa ra những biện pháp hạn chế các tác động xấu đến môi trường, không quan tâm nghiên cứu nhằm đề ra các biện pháp phòng tránh hữu hiệu cho chính mình, cho dân tộc mình thì hệ lụy có thể nói là khôn lường. Trái đất cần chúng ta - Hãy liên kết để chống lại biến đổi khí hậu./.
Bản hòa ca của tình đoàn kết, hữu nghị và vẻ đẹp văn hóa truyền thống  (10/12/2009)
Hội nghị Copenhagen: Thảo luận các đề xuất cắt giảm khí thải và viện trợ  (10/12/2009)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a  (10/12/2009)
Những dấu mốc đáng chú ý trong chiến lược của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan kể từ năm 2001 đến nay  (10/12/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 93 (11-12-2009)  (10/12/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay