Ngày 9-12, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Ðan Mạch) đã bước sang ngày làm việc thứ ba.

Trong ngày làm việc thứ hai, ngày 8-12, các nước đang phát triển và các tổ chức hoạt động vì môi trường có thông tin không chính thức về một bản dự thảo mà họ coi là không công bằng do Ðan Mạch - nước chủ trì Hội nghị - đề xuất về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhóm 77 (G-77, gồm 130 quốc gia đang phát triển) phản đối mạnh mẽ đề xuất dự thảo, cho rằng đề xuất về mức cắt giảm khí thải do Ðan Mạch đưa ra trong dự thảo này chỉ có lợi cho các nước giàu, trong khi quyền lợi của các nước nghèo với số dân chiếm tới 80% số dân thế giới lại bị phớt lờ. Trong khi đó, đề cập đề xuất dự thảo nói trên, đại diện của Ðan Mạch khẳng định đây chỉ là một văn bản không chính thức và chỉ để thăm dò dư luận.

Trước đó, tại phiên khai mạc Hội nghị, đại diện của Trung Quốc đã chỉ trích các nước công nghiệp tìm cách "trút trách nhiệm" cho các nước đang phát triển trong việc chống lại sự biến đổi khí hậu, các chỉ tiêu cắt giảm khí thải của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đưa ra đều là "chưa đủ" so với chỉ tiêu của Liên hợp quốc. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Báo Người bảo vệ, Thủ tướng Anh G. Brown cho rằng, EU cần cắt giảm 30% lượng khí thải vào năm 2020, tăng so với mức 20% mà 27 nước thành viên EU đã cam kết. Tại Hội nghị, vấn đề tài trợ của các nước phát triển cho các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu là chủ đề được bàn thảo rộng rãi.../.