Nước Mỹ 8 năm dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ
Thâm hụt ngân sách gia tăng mỗi năm làm tăng thêm nợ quốc gia của Mỹ. Kể từ năm 2003 tới nay, khoản nợ quốc gia của Mỹ mỗi năm tăng thêm hơn 500 tỉ USD, để đến tháng 9-2008, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 9.700 tỉ USD, chia bình quân, mỗi người dân Mỹ phải cõng khoản nợ lên tới 31.700 USD/người. Con số nợ này lên tới 11.300 tỉ USD nếu gộp cả khoản tiền 700 tỉ USD trong gói đề xuất giải cứu nền tài chính nước này qua cơn khủng hoảng vừa được Quốc hội và Tổng thống thông qua. Cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng, địa ốc đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 6,1%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tính từ đầu năm đến nay, tại Mỹ đã có 760.000 lao động bị mất việc làm, trong đó chỉ riêng tháng 9, tháng chứng kiến sự sụp đổ liên tiếp của các ngân hàng, số lao động bị mất việc làm tại Mỹ lên tới 159.000 người. Đây là con số lao động thất nghiệp trong một tháng cao nhất tại Mỹ trong hơn 5 năm trở lại đây, và cao hơn mức 100.000 người mà các nhà kinh tế dự báo trước đó. Sự sa sút về kinh tế và cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay tại Mỹ không chỉ có người Mỹ phải chịu hậu quả mà còn gây rối loạn trên thị trường tài chính quốc tế. Quan trọng hơn, nó cho thấy dường như Oa-sinh-tơn đang không giữ được vai trò siêu cường của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu, mà bằng chứng là nhiều quốc gia không dùng đồng USD trong thanh toán thương mại.
Sa lầy trong cuộc chiến I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, quan hệ đồng minh rạn nứt
Sau vụ khủng bố đẫm máu ở Mỹ ngày 11-9-2001, Oa-sinh-tơn phát động cuộc chiến chống khủng bố mà chiến trường đầu tiên là Áp-ga-ni-xtan - được cho là nơi ẩn náu của trùm khủng bố Ô-sa-ma Bin La-đen, cũng như các thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa. Cuộc tấn công I-rắc cuối tháng 3 năm 2003 với lý do ngụy tạo rằng, nước này có vũ khí huỷ diệt, cũng diễn ra chóng vánh. Chế độ Ta-li-ban và chế độ của Tổng thống Sa-đam Hút-xen sụp đổ nhanh chóng, nhưng đến nay, hai cuộc chiến của Mỹ tại hai nước này chưa biết đến bao giờ kết thúc.
Hiện Mỹ có khoảng 36.000 quân, chưa kể 70.0000 binh sĩ quốc tế đồn trú ở Áp-ga-ni-xtan, nhưng tàn quân Ta-li-ban hiện nay lại hoạt động mạnh hơn bao giờ hết tại các khu vực miền núi hẻo lánh giáp Pa-ki-xtan và gia tăng các vụ tấn công trả đũa. Theo thống kê, kể từ năm 2001 đến nay, đã có 519 lính Mỹ tử trận tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan, trong đó, số lính Mỹ thiệt mạng tại đây kể từ đầu năm đến nay đã lên đến 113 người, đưa năm 2008 trở thành năm "chết chóc" nhất đối với lực lượng Mỹ ở đất nước Nam Á này.
Còn tại I-rắc, Mỹ triển khai đến 144.000 quân, nhưng trong vòng 5 năm qua, gần 4.000 lính Mỹ bị chết mà tình hình an ninh - chính trị vẫn trong tình trạng "mong manh". Trong khi đó, khi bước vào năm 2008, năm thứ 6, cái giá của cuộc chiến tranh ở I-rắc đã ở mức hơn 400 tỉ USD, trung bình 12 tỉ USD/ tháng, gấp hơn 3 lần mức chi phí vốn đã cao trong những năm đầu.
Trong cuốn sách nhan đề "Cuộc chiến 3.000 tỉ USD", nhà kinh tế được giải thưởng No-bel Giô-giép E.Sting-lít (Joseph E. Stiglitz) của trường đại học Cô-lôm-bi-a và đồng tác giả Li-da J.Bi-lơ-mi (Linda J. Bilmes) của trường đại học Ha-vớt đã nêu rõ, với đà chi phí leo thang như trong vài năm vừa qua, trong vòng 10 năm nữa, tổng chi phí của Mỹ cho hai cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan có thể từ 1.700 tỉ USD đến 2.700 tỉ USD. Nếu cộng cả những thiệt hại khác về kinh tế và xã hội, tổng chi phí thậm chí lên tới 5.000 tỉ USD.
Trên đây là những thiệt hại tính, đếm được, còn thiệt hại về tinh thần thì… Hai cuộc chiến, đặc biệt là cuộc chiến tại I-rắc đã gây chia rẽ và bất an trong xã hội Mỹ. Đa số người dân Mỹ cho rằng, cuộc chiến I-rắc đang trở thành gánh nặng ngày càng lớn đối với người đóng thuế Mỹ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này bị chao đảo và rơi vào một thời kỳ suy thoái. Cùng với những khó khăn ngày càng chồng chất về kinh tế, tại thời điểm tròn 5 năm ngày Mỹ tấn công I-rắc, nhiều người dân Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng, cuộc chiến I-rắc là một sai lầm, là một thảm họa cho cả I-rắc và Mỹ.
Một hệ quả nữa cần phải tính đến, đó là quan hệ Mỹ - phương Tây, do cuộc chiến tại I-rắc mà trở nên xa cách. Quan hệ Mỹ - Pa-ki-xtan, đồng minh thân cận chống khủng bố của Mỹ, cũng trở nên căng thẳng bởi những cuộc không kích Ta-li-ban qua biên giới Áp-ga-ni-xtan vào lãnh thổ Pa-ki-xtan mà nạn nhân lại là thường dân vô tội Pa-ki-xtan. Chính các vụ bắn nhầm này làm xói mòn lòng tin của dân chúng đối với chiến dịch "thu phục trái tim và khối óc" người dân của Mỹ.
Tiêu chuẩn kép và vị thế đi xuống của Mỹ trong thế giới đa cực đang hình thành
Sau 8 năm dưới thời Tổng thống G.Bu-sơ, hình ảnh một nước Mỹ siêu cường đang dần mai một trong con mắt thế giới, do chính sách ngoại giao đơn cực, áp đặt của chính quyền Bu-sơ và sự nổi lên của các đối thủ mạnh như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Theo nhận xét của Lê-ô Mi-sen (Léo Michel) thuộc trường đại học quân sự Mỹ, chính quyền Bu-sơ đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Thông tin sai lệch của tình báo Mỹ về vũ khí huỷ diệt, cũng như chính sách đơn phương áp đặt của Oa-sinh-tơn và tiêu chuẩn kép được Mỹ áp dụng trong các vấn đề quốc tế; từ cách giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran, của CHDCND Triều Tiên đến việc công nhận độc lập cho Cô-xô-vô thuộc Xéc-bi-a, dẫn đến đòn phản công của Nga công nhận độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a; từ việc xuất khẩu dân chủ, nhân quyền theo kiểu Mỹ, nhưng lại hành xử và ngược đãi tù nhân trong các nhà tù Goan-ta-na-mô A-bu Gra-ip, khiến uy tín của Mỹ xuống mức thấp chưa từng thấy.
Trong khi đó, quan hệ Mỹ - phương Tây cũng chẳng còn xuôi chèo mát mái trong các vấn đề mở rộng NATO, hay trong cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a. Cuộc điều tra gần đây nhất của Tổ chức Pew Global Attitude Projet (tổ chức phi chính phủ thường xuyên thực hiện việc thăm dò ý kiến công chúng trên khắp thế giới) thực hiện tại 47 nước cho thấy, phong trào chống Mỹ đã lan rộng trên thế giới. Ngay cả ở các nước đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, cũng chỉ có 9% người được hỏi là có thiện cảm với nước Mỹ.
Để sửa chữa sai lầm của chính sách đối ngoại sẵn sàng đối đầu và đơn cực, và, cũng để mang lại một chiến thắng ngoại giao nào đó trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống G.Bu-sơ đã phải điều chỉnh chính sách. Điều này thể hiện trong phát biểu của ngoại trưởng Cô-đô-li-da Rai-xơ đầu năm 2008. Khi đề cập đến CHDCND Triều Tiên, I-ran và Xi-ri, bà Rai-xơ đã nói "nước Mỹ không có những kẻ thù vĩnh viễn. Chúng tôi có chính sách mở để chấm dứt xung đột và đối đầu với bất kỳ nước nào sẵn sàng đáp ứng các điều kiện của chúng tôi".
Thành tích ngoại giao cuối nhiệm kỳ
Năm cuối cùng của nhiệm kỳ hai tại Nhà Trắng, Tổng thống G.Bu-sơ tìm cách gỡ gạc đôi chút để làm hành trang rời nhiệm sở. Ví dụ cụ thể cho động thái ngoại giao tích cực này là Hội nghị An-na-po-lít nhằm làm sống lại tiến trình hoà bình Trung Đông sau 7 năm "bỏ bẵng". Nhưng Hội nghị An-na-po-lít do Mỹ tổ chức cũng chỉ giúp cho người Pa-lét-xtin và người I-xra-en thỏa thuận sẽ đàm phán với nhau trong tương lai. Còn mục tiêu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và sự ra đời của nhà nước Pa-lét-xtin xem chừng khó có thể thực hiện được, trước cuối năm 2008.
Vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên - một trong các mặt trận ngoại giao mà ông Bu-sơ đang tập trung vào để phần nào lấy lại uy tín cho Đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, nhờ chính sách mềm mỏng hơn, đạt được kết quả ban đầu khi Bình Nhưỡng phá huỷ tháp làm lạnh của lò phản ứng Dông Piên và công bố hồ sơ hạt nhân. Tuy nhiên, tiến trình này lại rẽ sang hướng khác khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố tái khởi động lại lò phản ứng Dông Piên nhằm phản ứng lại việc Oa-sinh-tơn không đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Có lẽ thành tích ngoại giao hiếm hoi nhất của chính quyền Bu-sơ chính là Hiệp định hợp tác hạt nhân Mỹ - Ấn Độ vừa được quốc hội Mỹ thông qua, theo đó, Mỹ sẽ bán cho Ấn Độ công nghệ, nhiên liệu và lò phản ứng hạt nhân vì mục đích dân sự. Sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống G.Bu-sơ, nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong nước lẫn trên trường quốc tế. Dù ai trong số hai ứng cử viên: Giôn Mác-kên của Đảng Cộng hoà hay Ba-rắc Ô-ba-ma của Đảng Dân chủ trở thành chủ nhân thứ 44 của Nhà Trắng, cũng đều phải gánh trên vai một di sản dang dở, nặng nề mà ông G.Bu-sơ để lại sau 8 năm cầm quyền./.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức  (08/10/2008)
Họp báo về Lễ trao giải thưởng Tài năng Sáng tạo Nữ năm 2008  (08/10/2008)
Hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững  (08/10/2008)
Các thế hệ vệ tinh Sputnik của Nga  (08/10/2008)
Thế kỷ XXI, nước Nga vẫn là siêu cường vũ trụ!  (08/10/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên