Chiều 28-9, tại Ninh Bình, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 11 nhằm xem xét, thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và đánh giá 4 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011- 2015) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng của năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt 5,54%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 (5,14%).

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển đạt trên 3%, cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua; khu vực dịch vụ phát triển khá; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, đạt trên 13% và tiếp tục có xuất siêu; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm; thu ngân sách Nhà nước đạt khá so với dự toán.

Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ có nhiều chuyển biến trong việc cải cách, đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, các cơ chế chính sách đổi mới khoa học công nghệ. Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân… được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, xử lý nợ xấu chậm, hiệu quả chưa cao. Tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm. Vấn đề việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm nay, dự báo có 12 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, một chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch là tạo việc làm, một chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế; nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy tăng trưởng cao hơn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện tốt các các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm giữa vững chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cũng là những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2014; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội chiếm trên 27% GDP.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 85%...

Tại phiên họp, các đại biểu nhận định: các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã có bước tiến nhưng tốc độ còn chậm, chưa tạo được sự đột phá.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Văn Minh, các chỉ tiêu đặt ra trong thời gian tới cần phải được xem xét kỹ theo thực tế, đồng thời cần có các biện pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng như việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tốc độ tăng trưởng kinh tế vì nếu không đạt được những mục tiêu này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải ngân ngân sách cho các dự án, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trượt giá, gây khó khăn cho các địa phương, đơn vị.

Về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương nêu ý kiến: Chính phủ cần tập trung vào những ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp chế tạo, vật liệu.... Về nông nghiệp, cần chú trọng đến lĩnh vực chế biến, bảo quản.

Đại biểu Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần bố trí ngân sách đáp ứng cho việc thực hiện các chương trình, chính sách đã ban hành đạt được kết quả, tránh tình trạng chậm triển khai, không đạt được mục tiêu đề ra./.