Những điểm nổi bật trong Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2014
Tình trạng dễ bị tổn thương
Trong những năm gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã và đang đạt được những thành tựu vững chắc về phát triển con người. Những bước tiến về công nghệ, giáo dục và thu nhập đã đem lại tiềm năng lớn chưa từng có để con người có cuộc sống lâu hơn, khỏe mạnh và ổn định hơn. Tuy nhiên, trong thế giới hiện nay vẫn còn tồn tại những lo lắng thường trực về sinh kế, an sinh ở cấp độ cá nhân, môi trường và tình hình chính trị toàn cầu. Một thảm họa thiên nhiên, suy thoái kinh tế có thể nhanh chóng hủy hoại những thành tựu mà con người đạt được trong nhiều lĩnh vực, như y tế, dinh dưỡng. Do vậy, tiến bộ thực sự trong phát triển con người không chỉ là việc mở rộng những sự lựa chọn của con người và khả năng con người được giáo dục, có sức khỏe tốt, có mức sống phù hợp và cảm thấy an toàn mà còn là tính vững chắc của những thành tựu này và các điều kiện để phát triển con người một cách bền vững. Xem xét về tiến bộ trong phát triển con người sẽ không đầy đủ nếu thiếu việc tìm hiểu và đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương của con người.
Những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội là người nghèo, người lao động ở khu vực không chính thức; phụ nữ, người khuyết tật, người nhập cư, các nhóm người thiểu số, trẻ em, người già, thanh niên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương là các cú sốc về kinh tế, y tế, thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, rủi ro công nghiệp, xung đột, bất ổn xã hội. Báo cáo Phát triển con người chứng minh rằng, việc nâng cao năng lực của từng cá nhân và của xã hội một cách bền vững là hết sức cần thiết để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương dai dẳng này. Hiện nay tuy còn có nhiều tranh luận về ý nghĩa của khả năng chống chịu, phục hồi, nhưng Báo cáo nhấn mạnh tới việc bảo đảm cho con người có những lựa chọn đa dạng trong hiện tại và tương lai để có thể đối phó và thích ứng với các tình huống bất lợi.
Con người dễ bị tổn thương, thế giới dễ bị tổn thương
Những người phải sống trong nghèo đói và thiếu thốn cùng cực thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Mặc dù gần đây đã có những tiến bộ trong giảm nghèo nhưng vẫn còn hơn 2,2 tỷ người là người nghèo hoặc cận nghèo đa chiều. Điều đó có nghĩa là hơn 15% dân số thế giới vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương trước tình trạng nghèo đa chiều. Đồng thời, gần 80% dân số toàn cầu không được hưởng bảo trợ xã hội toàn diện. Khoảng 842 triệu người (12% dân số thế giới) chịu nạn đói kinh niên và gần một nửa trong tổng số lao động (hơn 1,5 tỷ người) làm việc ở khu vực không chính thức, hoặc làm việc tạm thời, bấp bênh.
Những người có năng lực hạn chế sẽ ít có khả năng sống theo cách họ muốn. Lựa chọn của họ có thể bị giới hạn hoặc cản trở bởi các rào cản xã hội và các tập quán mang tính phân biệt đối xử. Năng lực hạn chế cùng với khả năng lựa chọn bị giới hạn khiến họ khó ứng phó với các hiểm họa, khiến tình trạng dễ bị tổn thương tích tụ và trầm trọng hơn.
Đói nghèo thường xuyên làm gián đoạn quá trình phát triển bình thường ở tuổi ấu thơ. Hơn 1/5 trẻ em ở các quốc gia đang phát triển sống trong tình trạng nghèo về thu nhập tuyệt đối và dễ lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng. Tại các quốc gia đang phát triển (nơi hiện có 92% trẻ em sinh sống), cứ 100 trẻ thì có 7 trẻ không sống quá 5 tuổi, 50 trẻ không được đăng ký khai sinh, 68 trẻ không được hưởng giáo dục mầm non, 17 trẻ không được học tiểu học, 30 trẻ bị còi xương và 25 trẻ sống trong tình trạng nghèo. Thiếu lương thực, thực phẩm và các thiết bị vệ sinh làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và còi xương: gần 156 triệu trẻ em bị còi xương do thiếu dinh dưỡng và lây bệnh truyền nhiễm; thiếu dinh dưỡng góp phần gây ra 35% trường hợp tử vong do sởi, sốt rét, viêm phổi và tiêu chảy. Do thiếu dinh dưỡng, thiếu chăm sóc y tế cơ bản và thiếu động lực thúc đẩy sự phát triển khỏe mạnh, rất nhiều trẻ em nghèo chưa sẵn sàng đến trường, các em thường học kém, lưu ban và nhiều khả năng bỏ học. Trẻ em nghèo ở vào tình thế bất lợi ngay từ tuổi lên 6 hoặc khi đến tuổi đi học.
Giai đoạn thanh thiếu niên (từ 15 đến 24 tuổi) là giai đoạn chuyển đổi then chốt để trẻ học cách hòa nhập vào xã hội và tìm kiếm việc làm. Tại rất nhiều quốc gia, số lượng người trẻ tuổi đang tăng lên. Người trẻ trên khắp thế giới dễ bị phân biệt đối xử trên thị trường lao động do họ thiếu kinh nghiệm làm việc cũng như quan hệ xã hội. Vì vậy, họ thường rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm hoặc chỉ được làm các công việc mang tính thời vụ. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên toàn cầu năm 2012 ước tính là 12,7%, gấp ba lần tỷ lệ ở người trưởng thành.
Xây dựng khả năng chống chịu, phục hồi
Hạnh phúc của con người phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống cũng như khả năng đối phó và phục hồi trước các tình huống bất lợi, từ tự nhiên hoặc do chính con người gây ra. Khả năng chống chịu chính là nền tảng cho bất kỳ phương pháp tiếp cận nào nhằm bảo đảm và duy trì sự phát triển của con người. Điểm mấu chốt của khả năng chống chịu là chính phủ, cộng đồng và các thể chế toàn cầu hoạt động phải trao quyền cho con người và bảo vệ con người. Phát triển con người đòi hỏi phải tạo điều kiện cho những người bị thiệt thòi và bị cô lập trong xã hội được thực hiện các quyền của mình, được chia sẻ những mối quan tâm của mình một cách cởi mở, được lắng nghe và được chủ động quyết định số phận của mình.
Báo cáo Phát triển con người năm 2014 cung cấp viễn cảnh về tính dễ tổn thương, đề ra cách thức tăng cường khả năng ứng phó; đồng thời kêu gọi nỗ lực toàn cầu trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách mạnh hơn để bảo vệ xã hội và việc làm đầy đủ nhằm đạt được tiến bộ, thúc đẩy phát triển.
Báo cáo Phát triển con người nhấn mạnh một số chính sách, nguyên tắc và biện pháp chủ chốt xây dựng khả năng chống chịu để tăng cường sự lựa chọn, mở rộng vai trò của con người và thúc đẩy năng lực xã hội. Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc đạt được và duy trì những tiến bộ về phát triển con người có thể phụ thuộc vào hiệu quả của việc chuẩn bị và ứng phó khi các cú sốc xảy ra.
Phổ cập các dịch vụ xã hội cơ bản
Phổ cập các dịch vụ xã hội cơ bản có thể nâng cao năng lực xã hội và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, góp phần cân bằng cơ hội và kết quả hưởng thụ. Chẳng hạn, phổ cập giáo dục công chất lượng cao có thể thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa trẻ nhà giàu và nhà nghèo. Các chính sách phổ cập cũng thúc đẩy đoàn kết xã hội, tránh sự kỳ thị của xã hội đối với người tiếp nhận chính sách và sự phân hóa trong chất lượng dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận của các đối tượng dễ bị tổn thương.
Một quan niệm sai lầm phổ biến là chỉ có các quốc gia thịnh vượng mới có đủ điều kiện thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội hoặc phổ cập các dịch vụ cơ bản. Báo cáo Phát triển con người chứng minh rằng, ngoại trừ các xã hội đang trong tình trạng hỗn loạn hoặc bạo lực vũ trang, hầu hết các xã hội đều có thể phổ cập các dịch vụ cơ bản và thực hiện bảo trợ xã hội. Sự đầu tư ban đầu, dù chỉ bằng một phần nhỏ của GDP, cũng đem lại lợi ích lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra.
Củng cố hệ thống bảo trợ xã hội
Hệ thống bảo trợ xã hội, bao gồm bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình lương hưu và các chính sách điều tiết thị trường lao động, có thể bảo vệ con người trước các rủi ro và bất lợi trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong những giai đoạn nhạy cảm. Các chương trình bảo trợ xã hội giúp các hộ gia đình tránh cảnh phải bán hết tài sản, buộc con cái phải bỏ học giữa chừng hoặc ngừng các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết. Thêm vào đó, hệ thống phân phối và cơ chế quản lý các chương trình bảo trợ xã hội cũng có thể đưa ra các biện pháp đối phó khẩn cấp trong ngắn hạn và hỗ trợ trong các trường hợp, như thiên tai và hạn hán.
Các chính sách bảo trợ xã hội là khả thi ở những giai đoạn đầu của quá trình phát triển và có thể mang lại những lợi ích khác, như kích thích tiêu dùng và giảm đói nghèo. Các chính sách bảo trợ xã hội phổ cập hiệu quả không chỉ cải thiện khả năng chống chịu của từng cá nhân mà còn hỗ trợ khả năng chống chịu của toàn bộ nền kinh tế.
Các thể chế đáp ứng linh hoạt và các xã hội gắn kết
Xây dựng khả năng chống chịu của con người đòi hỏi phải có các thể chế đáp ứng linh hoạt. Các chính sách và nguồn lực thích hợp là cần thiết để có thể cung cấp công ăn, việc làm đầy đủ, các cơ hội về chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nhất là cho những người nghèo và dễ bị tổn thương. Những chính phủ nhận ra và hành động để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giữa các nhóm khác nhau trong xã hội có nhiều khả năng hơn trong việc duy trì nguyên tắc phổ cập, xây dựng gắn kết xã hội cũng như phòng ngừa thảm họa và phục hồi sau thảm họa.
Các thể chế quản trị đáp ứng nhanh, có trách nhiệm giải trình đóng vai trò quan trọng giúp những đối tượng dễ bị tổn thương vượt qua cảm giác bất công, bị cô lập - những yếu tố có thể kích động sự bất mãn trong xã hội.
Các chính phủ có thể can thiệp để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng theo chiều ngang thông qua việc kết hợp nhiều chính sách can thiệp vừa có hiệu quả trong ngắn hạn, vừa thúc đẩy khả năng tiếp cận bền vững và lâu dài đến các dịch vụ xã hội, việc làm và các chương trình bảo trợ xã hội cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Các thành tố của một hiệp ước xã hội toàn cầu
Năng lực có thể được tăng cường và các lựa chọn có thể được bảo đảm ở cấp quốc gia, nhưng những biện pháp quốc gia sẽ được thực hiện dễ dàng hơn nếu có các cam kết và sự hỗ trợ toàn cầu. Việc hướng đến chương trình nghị sự sau năm 2015 và xây dựng các mục tiêu về phát triển bền vững chính là cơ hội để cộng đồng quốc tế và các quốc gia thành viên cam kết phổ cập các dịch vụ xã hội, xây dựng sàn bảo trợ xã hội quốc gia và toàn dụng lao động với tư cách là các mục tiêu then chốt của cộng đồng quốc tế. Các cam kết toàn cầu nhằm thực hiện những mục tiêu này có thể mở ra dư địa chính sách ở cấp quốc gia giúp các chính phủ xác định những phương thức để tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của quốc gia mình. Các thỏa thuận quốc tế còn thúc đẩy hành động, thể hiện sự cam kết và mang lại những hỗ trợ cả về tài chính cũng như những điều kiện khác để tăng cường năng lực quốc gia hướng đến chương trình nghị sự sau năm 2015.
Tiến bộ đòi hỏi phải nỗ lực. Để đưa phát triển con người lên một bước cao hơn, chúng ta cần phải bảo vệ và phát huy các thành tựu đã đạt được. Xác định và tập trung vào những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, giảm thiểu bất bình đẳng và giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương cấu trúc là một cách tiếp cận đúng để phát triển cá nhân mỗi con người và của cả nhân loại./.
"Đại học Quốc gia Hà Nội cần chăm lo xây dựng nhân cách, lối sống đẹp"  (15/09/2014)
Các địa phương chủ động các biện pháp phòng chống bão số 3  (15/09/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-9-2014  (15/09/2014)
Đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội  (15/09/2014)
Đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội  (15/09/2014)
- Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người với việc xây dựng và phát huy nhân tố con người để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
- Phát triển tài chính toàn diện trên cơ sở mối quan hệ với công nghệ tài chính và hàm ý chính sách cho Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay