Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đến 9 giờ ngày 15-9, hầu hết tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên các ngư trường ở khu vực Biển Đông nhận được thông tin về bão Kalmaegi (bão số 3) và đang trên đường di chuyển tìm nơi ẩn trú an toàn.

Tỉnh Bình Định hiện có 7.345 tàu với 42.268 lao động, trong đó có 4.651 trên tổng số 20.814 tàu neo đậu hoặc khai thác hải sản ven bờ.

Hiện nay, có 211 tàu với 2.171 lao động đang hoạt động ở vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ninh; khu vực phía Nam (từ Phú Yên đến Kiên Giang ) có 1.779 tàu và 13.766 lao động; khu vực giữa Trường Sa và Hoàng Sa có 285 tàu và 137 lao động; khu vực Trường Sa có 407 tàu với 3.290 lao động. Riêng khu vực gần quần đảo Hoàng Sa có 12 tàu và 90 lao động đã vào đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào lúc 5 giờ ngày 15-9.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, bộ đội Biên phòng, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn và địa phương ven biển tăng cường công tác theo dõi diễn biến của bão để tiếp tục kêu gọi và kiểm đếm tàu thuyền vào bờ trú bão, đồng thời chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng ứng cứu nếu có tình trạng tàu cá bị gặp nạn trên biển.

Sáng 15-9, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Thái Bình đã có Công điện khẩn số 10/CĐ-CLB gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp ngành, về việc chủ động ứng phó với bão số 3.

Theo đó, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ trưa ngày 15-9; yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành trên địa bàn khẩn trương rà soát toàn bộ số tàu thuyền, tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, trên sông di chuyển ngay vào nơi tránh bão an toàn; bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, không để người ở lại trên tàu, thuyền tại nơi neo đậu.

Cùng với đó, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, ngành phải tổ chức di chuyển toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, ngư dân trên các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu, người ở các khu vực nguy hiểm và ở trong các nhà yếu đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, bến bãi bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ... Tất cả các công việc trên phải hoàn thành trước 9h ngày 16-9.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, ngành cần kiểm tra và triển khai ngay các phương án phòng chống lụt, bão, bảo vệ an toàn các trọng điểm đê xung yếu; yêu cầu các đơn vị có công trình đang thi công, các chủ phương tiện vận tải thủy có ngay biện pháp an toàn cho người, tài sản và phương tiện.

Thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng chống lụt bão phải có mặt tại vị trí được phân công để chỉ đạo, kiểm tra, đốn đốc việc phòng, chống bão.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão cấp tỉnh.

Toàn tỉnh Thái Bình có trên 1.200 phương tiện với hơn 3.300 lao động đang hoạt động khai thác thủy hải sản. Hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy có số phương tiện tàu thuyền hoạt động khai thác thủy hải sản nhiều nhất so với các địa phương khác của tỉnh Thái Bình./.