Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-9-2014

Hồng Ngọc tổng hợp
16:50, ngày 15-09-2014
TCCSĐT - Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10-9, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh

Thủ tục đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Gần 10 năm qua, kể từ khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành, đã có những cải cách quan trọng theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Những tiến bộ là đáng ghi nhận, song thủ tục đầu tư, kinh doanh vẫn còn không ít bất cập. Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn thiếu đồng bộ, không ít quy định chưa cụ thể, thiếu minh bạch và nhất quán; thủ tục đầu tư, kinh doanh còn rườm rà. Kết quả rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, để triển khai dự án đầu tư sử dụng đất, nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường… được quy định tại 5 Luật, 10 Nghị định, 9 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn khác.

Quan điểm và tư duy đổi mới đối với những thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã được thể hiện cụ thể trong nội dung Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sắp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10-9, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung 2 đạo luật này phải tạo cơ sở pháp lý để người dân và doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013. Nếu Dự thảo 2 luật này được Quốc hội thông qua, sẽ không còn việc ghi ngành nghề trên Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, thủ tục Đăng ký kinh doanh sẽ được liên thông với thủ tục đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội, khắc dấu; các lĩnh vực cấm và hạn chế đầu tư kinh doanh cũng sẽ được quy định cụ thể và rõ ràng hơn…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tấn công vào “ma trận thủ tục hành chính” rối rắm, phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý nhà nước để loại bỏ những hành vi gây tổn hại đối với lợi ích đất nước, người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xác định vị trí việc làm, tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm; đề xuất, triển khai các giải pháp đột phá trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, nâng ngạch, nâng hạng công chức, viên chức, bảo đảm công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thi tuyển. Áp dụng biện pháp phòng, chống tham nhũng và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực.

Đồng thời, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; kiên quyết loại bỏ những hành vi ứng xử thiếu lành mạnh như uống rượu, bia làm ảnh hưởng tới công việc; hút thuốc lá không đúng nơi quy định; trang phục không phù hợp với môi trường làm việc; thiếu văn hóa trong giao tiếp với người dân và đồng nghiệp.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Công chức giao thông phải là công bộc của dân

Bí thứ Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng yêu cầu tập trung hơn nữa cho công tác cải cách hành chính. Người dân nộp thuế để nuôi công chức, công chức phải có nghĩa vụ phục vụ người dân tốt nhất.

Theo chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 2013, vừa được Bộ Nội vụ công bố, Bộ Giao thông vận tải đứng đầu danh sách các bộ, ngành với 81,06/100 điểm. Năm 2012, Bộ chỉ xếp thứ tư.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ việc Bộ dẫn đầu trong khối các bộ, ngành về cải cách hành chính là kết quả của sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa. Các cơ quan liên quan cần khẩn trương rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng cường cải cách hành chính.

“Chúng ta làm việc này không phải để được xếp hạng thứ nhất hay nhì mà mục đích là cùng Chính phủ xây dựng một nền hành chính hiện đại phục vụ người dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người dân Đà Nẵng không còn phải “chạy sở này, ngành kia”

Với việc khánh thành đưa vào hoạt động Tòa nhà Trung tâm hành chính mới đây, TP. Đà Nẵng triển khai mô hình một cửa tập trung, cung cấp các dịch vụ hành chính công với 4 tiêu chí: nhanh hơn, hợp lý hơn, hiện đại hơn và thân thiện hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại tầng 1 Tòa nhà, được bố trí 32 quầy giao dịch trên diện tích mặt bằng 480m2. Hàng ngày, bộ phận này phục vụ hơn 800 lượt người dân đến giải quyết thủ tục hành chính, với hơn 930 dịch vụ công do các cơ quan chuyên môn của UBND TP. Đà Nẵng cung cấp.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Công Chánh: “Đây là mô hình mới về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại TP. Đà Nẵng cũng như cả nước. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Các quy trình nội bộ, các giấy phép, giấy chứng nhận điều kiện sẽ được các cơ quan phối hợp với nhau để xử lý theo quy trình liên thông, liên kết”.

Với mô hình này, lãnh đạo TP. Đà Nẵng sẽ nắm bắt được thông tin chính xác, khách quan và trung thực nhất về cung cách, thái độ phục vụ công dân của các cán bộ, công chức trên cơ sở số liệu thống kê được phân tích trên hệ thống phần mềm một cửa. Hệ thống xếp hàng tự động, màn hình cảm ứng phục vụ tra cứu thủ tục hành chính, khảo sát hài lòng… cũng được trang bị để phục vụ thuận tiện nhất cho yêu cầu của người dân.

Để đơn giản các thủ tục, cũng như rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành quy định về việc xác thực và sử dụng hồ sơ điện tử của công dân. Theo đó, giấy tờ tùy thân của công dân được mã hóa thành các dữ liệu điện tử, được lưu trữ, bảo mật trên hệ thống và được xác thực của cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện các giao dịch hành chính. Đây cũng là tiền đề cho việc đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 khi người đăng ký dịch vụ công đã được xác thực và cấp tài khoản trên hệ thống.

Nêu cao vai trò người đứng đầu trong cải cách hành chính

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản yêu cầu các địa phương và các ngành có nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là nêu cao vai trò người đứng đầu, người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị.

Theo Sở Nội vụ Đồng Nai, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong cải cách hành chính. Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2013, trong đó Đồng Nai đạt gần 82 điểm, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 26 bậc so với năm 2012. Công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh thông qua việc giảm các bước, quy trình xử lý công việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, các địa phương, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa hoặc một cửa liên thông hiện đại tại các sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9/11 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố chính thức đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hoạt động theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại vào hoạt động.

Theo kế hoạch, trong năm 2014 sẽ có thêm 26 UBND phường, xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại./.