Nam Định nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ
TCCS - Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định luôn quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là cơ sở căn bản, nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tỉnh Nam Định là quê hương của các trạng nguyên Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Trần Bích San, và các nhà thơ, nhà văn Tú Xương, Nguyễn Bính, Văn Cao, Vũ Cao. Nam Định còn là quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Niềm tự hào về vùng “địa linh nhân kiệt” quý báu này đang được Đảng bộ và nhân dân Nam Định tiếp nối, phát huy tích cực trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Xã hội hóa khuyến học, khuyến tài, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo
Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương là hoạt động được Tỉnh ủy Nam Định đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chú trọng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trước hết, Đảng bộ tỉnh chủ động đề ra phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo vừa theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Ngay từ năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo năm học 1997 - 1998 và những năm 2000. Tiếp đó, tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2001 - 2015, chương trình kiên cố hóa trường học giai đoạn 2008 - 2012 và 5 chuyên đề về giáo dục - đào tạo. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu cụ thể, hướng tới sự phát triển giáo dục - đào tạo bền vững theo hướng:
Phát triển ổn định quy mô giáo dục - đào tạo, tăng cường mở rộng hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh, gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và học sinh. Hiện nay, toàn tỉnh có 257 trường mầm non, 47 nhóm trẻ gia đình đã được phép hoạt động; 291 trường tiểu học và 1 trường dành cho trẻ khuyết tật; 245 trường trung học cơ sở; 53 trường trung học phổ thông (trong đó có 41 trường công lập, 10 trường dân lập, 2 trường tư thục), 18 trung tâm giáo dục thường xuyên; 229 trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở toàn bộ 229 xã, phường, thị trấn; 18 trường chuyên nghiệp (4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp chuyên nghiệp, 2 trường trung cấp nghề và 1 trường đào tạo nghề). Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống trung tâm tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đông đảo người dân trong tỉnh, để con em họ đều được đi học. Với nỗ lực chung của các cấp, các ngành, công tác huy động học sinh đến trường đạt tỷ lệ cao: 83,9% số cháu được đến lớp mẫu giáo. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,96%. Tổng số học sinh, sinh viên đang theo học các trường, từ lớp mầm non đến cao đẳng, đại học đạt trên 500.000 em; có 1.025 lượt học sinh học các lớp văn hóa nghề, trên 4.000 học viên được đào tạo theo phương thức đào tạo từ xa. Bình quân toàn tỉnh cứ 3 người dân có 1 người đi học.
Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non nhằm thu hút ngày càng nhiều học sinh đến trường. Phong trào hội giảng, hội học, rút kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục được tiến hành sôi nổi và đồng bộ ở các nhà trường, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp. Tỉnh đặc biệt chú trọng hoạt động phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều năm qua, Nam Định luôn trong tốp các tỉnh đứng đầu cả nước về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia và kết quả thi đại học, cao đẳng.
Khuyến khích các trường học chủ động giữ vững và không ngừng củng cố nền nếp, kỷ cương học đường. Các cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh đã bắt nhịp tốt yêu cầu của cuộc vận động “hai không”, tăng cường rà soát, phân loại học sinh học lực yếu, kém, tìm nguyên nhân, đề ra giải pháp đồng bộ để khắc phục, tiến tới dần xóa bỏ tình trạng học sinh “ngồi sai lớp”.
Huy động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Ở các địa phương trong tỉnh đều có hội khuyến học, phát huy tốt nhiệm vụ hỗ trợ và khuyến khích phát triển giáo dục - đào tạo tại các cơ sở. Hoạt động khuyến học, khuyến tài được tiến hành rộng rãi trong các gia đình, dòng họ, thôn làng... không phân biệt lương - giáo (cả nhà chùa, xứ đạo đều tích cực tham gia). Điển hình là phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện Nam Trực - một mô hình sáng tạo, hiệu quả đã được Ban Khoa giáo Trung ương và Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao. Đến nay, toàn tỉnh có 105.000/466.103 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học, 1.045/3.368 dòng họ, 1.527/3.124 thôn làng, tổ dân phố, 138/424 nhà chùa, 92/309 xứ đạo được công nhận đạt tiêu chuẩn khuyến học, 155 dòng họ được nhận bức trướng khuyến học do huyện ủy, ủy ban nhân dân các huyện trao tặng. Toàn tỉnh hiện xây dựng quỹ khuyến học gồm 67 tỉ đồng, trong đó các cấp hội đã chi 29,968 tỉ đồng cho xây dựng trường, mua sắm thiết bị, và cấp 12,577 tỉ đồng học bổng, trợ cấp khó khăn cho học sinh, khen thưởng 18,067 tỉ đồng...
Với quyết tâm của Đảng bộ, sự đồng thuận và ý chí của đông đảo nhân dân trong tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nam Định đang tích cực triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008 - 2012, đầu tư xây dựng 3.145 phòng học với tổng vốn đầu tư 498 tỉ đồng nhằm xóa tình trạng phòng học tạm, hoặc xuống cấp. Tỉnh đã phổ cập xong giáo dục tiểu học năm 1991, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 1999, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2001, và hiện đang đẩy mạnh phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông. Liên tục từ năm học 1994 - 1995 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc, trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Năm 2001, ngành giáo dục và đào tạo Nam Định được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Trường Tiểu học Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng), Trường Trung học cơ sở Nam Hồng (huyện Nam Trực) và Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) được phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới. Chất lượng giáo dục - đào tạo không ngừng được nâng lên là cơ sở quan trọng cho việc phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh trong hiện tại và về lâu dài.
Trên nền tảng giáo dục - đào tạo, tăng cường công tác cán bộ
Chăm lo giáo dục - đào tạo là công đoạn quan trọng nhất của chiến lược nguồn nhân lực, công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của công cuộc đổi mới. ý thức được điều đó, từ năm 2000, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 319-QĐ/TU quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước, trong đó nhấn mạnh: trên nền tảng giáo dục - đào tạo, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sáng tạo, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn; phấn đấu thực hiện tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức, gắn với nâng cao trình độ đào tạo, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ (trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp). Những cán bộ dưới 40 tuổi thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo nói chung phải có trình độ chuyên môn, tốt nghiệp đại học chính quy, khi được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân chính trị.
Tạo thuận lợi tối đa cho đội ngũ cán bộ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được coi là hoạt động căn bản trong chiến lược xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ. Từ năm 1998 - 2008, tỉnh cử 129 người đi đào tạo chuyên môn (trong đó có 6 tiến sĩ, 88 thạc sĩ); 1.592 người đi đào tạo lý luận chính trị (trong đó, trình độ đại học là 593 người, cao cấp: 999 người); 21.922 người được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (1.362 người học về quản lý nhà nước, 270 người học về quốc phòng - an ninh). Cũng trong thời gian này, tỉnh mở 14 lớp đào tạo cán bộ công chức xã, phường, thị trấn theo chương trình trung cấp chuyên nghiệp cho 7 chức danh chuyên môn: tư pháp, văn phòng, thống kê, kế toán ngân sách xã, địa chính, xây dựng, văn hóa - xã hội, trưởng công an, trưởng quân sự với trên 800 cán bộ, công chức và cán bộ nguồn theo học.
Từ năm 2000 đến nay, Trường Chính trị Trường Chinh của tỉnh phối hợp với các thành ủy, huyện ủy, mở 262 lớp, đào tạo trên 22.800 người học trung cấp chính trị, hành chính, 4.200 người bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố hằng năm mở trên 300 lớp cho gần 40.000 học viên theo học, thực hiện 10 chương trình, giảng dạy cho đối tượng cán bộ trong hệ thống Đảng, cán bộ đoàn thể... Hằng năm, theo chỉ tiêu chiêu sinh hệ tập trung tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các trường ở Trung ương, tỉnh đều cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị. Nhờ đó, tỷ lệ cán bộ, công chức khối Đảng, đoàn thể, công chức hành chính, cán bộ viên chức sự nghiệp có trình độ chuyên môn đại học, trên đại học, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đều tăng. Đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn từng bước được chuẩn hóa: 100% có trình độ trung học phổ thông, 21,71% có trình độ lý luận chính trị trung cấp, 65,99% đạt trình độ trung cấp chuyên môn trở lên.
Gắn với chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo và nâng cao chất lượng cán bộ, những năm gần đây, Tỉnh ủy đặc biệt quán triệt việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, coi đó là sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng nhằm góp phần xây dựng chất lượng nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài hội đủ cả tài và đức. Việc tập trung tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người đã thu hút sự quan tâm, chú ý, tham gia của đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh... trên địa bàn, tạo thành không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp.
Tuy nhiên, quá trình phát triển giáo dục - đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế: ở một số nơi vẫn tồn tại tình trạng không đồng đều trong việc quan tâm đầu tư thực hiện xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Hệ thống cơ sở vật chất (trường lớp, các công cụ, thiết bị phục vụ giảng dạy...) ở không ít trường chất lượng thấp. Một số địa phương, đơn vị còn thụ động, chưa gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục - đào tạo với quy hoạch, bố trí, sắp xếp sử dụng cán bộ; chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ đi học chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, chưa thực sự tạo thành động lực động viên cán bộ đi học...
Một số kinh nghiệm chủ yếu
Thứ nhất, thực sự coi trọng và gắn chặt việc tuyên truyền, khuyến khích phát huy truyền thống hiếu học với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Đó là nguồn đầu vào tốt để xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ đức - tài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cấp ủy thường xuyên tăng cường công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động trong ngành giáo dục và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tích cực thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trong trường học theo chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên, quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục. Cán bộ trẻ, cán bộ dự nguồn được cử đi học các lớp bồi dưỡng về chính trị và quản lý giáo dục.
Thứ hai, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng cán bộ một cách đồng bộ, coi đây là hoạt động mũi nhọn có tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến nhau, tạo tiền đề cho nhau cùng phát triển. Việc tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy - học 2 buổi/ngày (nhất là ở bậc tiểu học), gắn với đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và công tác quản lý giáo dục là một trong những biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả giáo dục. Việc tăng cường giảng dạy môn ngoại ngữ và tin học, gắn với đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi trong các nhà trường (nhất là ở Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong) nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ cán bộ tương lai cũng là một chủ trương được quan tâm triển khai. Các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường thường xuyên được đổi mới nhằm thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của học sinh trong “học” và “hành”, sự gắn bó mật thiết hơn nữa giữa nhà trường và xã hội đã góp phần tạo nên một thế hệ học sinh ngày càng năng động, ham học hỏi, có thể trở thành những cán bộ, công chức hội đủ đức và tài, phục vụ sự phát triển của tỉnh trong tương lai không xa.
Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nam Định (giai đoạn 2006 - 2010), Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU (tháng 8-2007) về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2007 - 2015 và những năm tiếp theo. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm cả về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý... nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, hướng đến sự phát triển bền vững. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá thực hiện Nghị quyết là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước mắt tập trung chủ yếu cho cán bộ thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế, tài chính, y tế, giáo dục... phù hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh.
Trên cơ sở chất lượng giáo dục - đào tạo ở các bậc học, tỉnh tuyển chọn gửi đi đào tạo chính quy với các hình thức khác nhau phù hợp với từng loại cán bộ; mở lớp đào tạo tại chức tại tỉnh và cử cán bộ đi học tập trung tại các trường của Trung ương. Tỉnh kết hợp việc đào tạo tại các trường, lớp với rèn luyện cán bộ qua thực tiễn công tác, lao động sản xuất, thực hiện luân chuyển cán bộ theo đúng kế hoạch, chú trọng nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện và thành phố Nam Định. Tỉnh ủy đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bảo đảm chất lượng đào tạo trước mắt và lâu dài; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, con em công nhân, nông dân và gia đình có công với cách mạng; chỉ đạo các ngành có liên quan, các trường, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, bảo đảm gắn lý luận với thực tiễn, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng hoạt động thực tế cho người học.
Thứ ba, tăng cường đầu tư ngân sách, đầu tư đúng và trúng để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật nhà trường, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập. Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của các địa phương và sự đóng góp trực tiếp của nhân dân, các trường học trong tỉnh đã được kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2007 - 2008, 567 phòng học ở các bậc học được xây mới và sửa chữa. Các trường học từng bước được trang bị công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ công tác giảng dạy và quản lý (mạng in-tơ-nét, xây dựng giáo án điện tử, sử dụng hệ thống trình chiếu đa năng Projecter, phần mềm thư viện điện tử...). Trường Chính trị Trường Chinh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, trung tâm đào tạo tại chức cũng được tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tốt hơn; đồng thời tỉnh thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức đi học sau đại học và hỗ trợ một lần cho người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II về công tác tại tỉnh, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công việc đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thực tiễn.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục - đào tạo, trong những năm tới, tỉnh Nam Định tập trung thực hiện tốt các đề án của tỉnh về giáo dục - đào tạo; tăng cường việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học; xây dựng lộ trình và tích cực đưa công nghệ - thông tin vào trường học; đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến học, khuyến tài gắn với xã hội hóa giáo dục, nhằm xây dựng xã hội học tập; đặc biệt, kết hợp chặt chẽ với việc triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm tạo không khí phấn đấu, thi đua rèn đức, luyện tài rộng khắp trên địa bàn, thiết thực phục vụ sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh./.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 tăng cao  (30/07/2009)
Phát triển nông nghiệp ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức  (30/07/2009)
Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển bền vững ở Việt Nam  (30/07/2009)
Quản lý và nâng cao chất lượng các công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế  (30/07/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên