Tương lai EU: ẩn số thử thách

Đình Hùng
09:32, ngày 30-06-2009

TCCSĐT - Cho tới nay, xét trên cấp độ các hình thức liên kết khu vực, Liên minh châu Âu (EU) vẫn được xem là một trong những hình mẫu thành công nhất trên thế giới. Khởi đầu là một Cộng đồng than thép châu Âu (ECSC) hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một tổ chức hợp tác kinh tế giữa các nước Pháp, Tây Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Lúc-xăm-bua và Hà Lan được thành lập năm1952  nhằm phối hợp quản lý giá cả, sản xuất và điều kiện lao động liên quan đến các tài nguyên than và thép  là những đầu vào thiết yếu cho sản xuất quân nhu - những yếu tố góp phần gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới, cho đến Hiệp ước Mát-xtrích năm 1992 đánh dấu chính thức việc ra đời EU, tổ chức này đã tiến một bước dài trên con đường nhất thể hóa, xây dựng một liên minh khu vực có tầm ảnh hưởng quan trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên, trên con đường nhất thể hóa, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi EU đặt những mục tiêu cao hơn trong việc thực thi các chính sách của mình, khối này đang gặp phải không ít những khó khăn, thách thức.

Chủ nghĩa bảo thủ mới

Một điều mà giới quan sát nhận thấy rõ nhất là xu hướng các đảng bảo thủ mới ở châu Âu đang thắng thế trong các cuộc bầu cử vào nghị viện châu Âu (EP), cơ quan quyền lực của EU. Bằng chứng rõ nhất là trong cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu tổ chức từ ngày 4 đến 7-6-2009, các đảng cánh hữu bảo thủ đã giành chiến thắng áp đảo trước các đảng xã hội theo cánh tả tại hầu hết các nước thành viên EU.

Tại Anh và Tây Ban Nha, nơi cánh tả đang nắm quyền, các cử tri lại đi bỏ phiếu cho cánh hữu. Tại Anh, Công đảng của thủ tướng Gô-đơn Brao thua nặng, tụt xuống hạng thứ ba sau đảng Bảo thủ và đảng Độc lập. Tại Tây Ban Nha, đảng Xã hội cầm quyền bị đảng Nhân dân bảo thủ đối lập đánh bại.
 
Còn ở Pháp và I-ta-li-a, nơi cánh hữu đang nắm quyền, cử tri tiếp tục bỏ phiếu cho cánh hữu. Đảng trung hữu UMP của Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di thắng đối thủ cánh tả. Tại I-ta-li-a, mặc dù liên tiếp dính vào nhiều bê bối liên quan cá nhân nhưng liên minh trung hữu của Thủ tướng Xin-vi-ơ Béc-lút-xcô-ni vẫn về trước cánh tả. Thậm chí tại Đức, đảng trung hữu CDU của Thủ tướng An-giê-la Méc-ken tuy không còn được mến mộ như trước nữa nhưng số phiếu họ nhận được vẫn cao gấp đôi số phiếu bầu cho cánh tả.

Trong số 27 nước EU tham gia cuộc bầu cử nghị viện, chỉ có Hy Lạp, Đan Mạch và Man-ta bầu cho cánh tả nhưng số phiếu dành không cao như mong đợi.

Người dân ngày càng thờ ơ

Bên cạnh việc các đảng cánh hữu bảo thủ thu được nhiều phiếu hơn, một điểm đáng chú ý nữa là trong các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu gần đây, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ngày càng thấp.

Trong 30 năm qua, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ngày càng giảm, từ 62% năm 1979, năm đầu tiên diễn ra bầu cử nghị viện châu Âu, xuống còn 45,47% năm 2004. Năm nay, tỷ lệ đi bầu còn thấp hơn (43,55% trong số 388 triệu cử tri). Cá biệt, ở Lát-vi-a, tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức rất thấp (14%). Các con số phản ánh một sự thật rõ ràng: cử tri rất thờ ơ với cuộc bầu cử EP.

Theo một cuộc thăm dò được công bố trên báo chí Pháp, gần 2/3 người dân châu Âu cho biết không hiểu rõ hoặc không quan tâm đến bầu cử EP. Đấy là chưa kể ở một số nước như ở Anh, cuộc bầu cử nghị viện châu Âu được tổ chức đồng thời với cuộc bầu cử địa phương nên thu hút cử tri đi bỏ phiếu nhiều hơn, nếu không, tỷ lệ cử tri đi bầu có thể còn thấp hơn nữa.

Như vậy, phải chăng người dân châu Âu ngày càng thờ ở với EU? Có hai nguyên nhân có thể giải thích cho điều này. Lý do thứ nhất được nhắc đến nhiều là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, người dân châu Âu đang rơi vào tâm trạng chán nản, thất vọng do bức tranh kinh tế quá ảm đạm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong thông báo mới nhất cho biết, nền kinh tế khu vực các nước sử dụng đồng ơ-rô sẽ tăng trưởng âm 4,6% trong năm 2009. Tăng trưởng âm đồng nghĩa với mức sản lượng giảm, tổng cầu của nền kinh tế giảm và kéo theo thất nghiệp gia tăng. Kinh tế suy giảm đương nhiên sẽ khiến nhiều người dân châu Âu lo sợ bị cạnh tranh việc làm, và từ chỗ lo sợ sự bất ổn do suy thoái kinh tế, đã quyết định bầu cho cánh hữu, những người luôn phản đối người nhập cư, quan tâm hơn đến vấn đề an ninh, luật pháp quốc gia.

Lý do thứ hai thể hiện chính trong vai trò của Nghị viện châu Âu. Cũng giống như Quốc hội các nước, EP cũng có những quyền hành căn bản về mặt lập pháp, ngân sách và kiểm tra, giám sát.Về mặt lập pháp, EP cùng với hội đồng các bộ trưởng thông qua những dự luật do Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị trong tổng cộng 42 lĩnh vực khác nhau, từ môi trường, giao thông, đến bảo vệ người tiêu dùng. EP còn có trách nhiệm thông qua các hiệp ước như hiệp ước thu nhận thành viên mới hoặc hiệp ước liên kết với các quốc gia khác.Về mặt ngân sách, EP có quyền ngang với Hội đồng các bộ trưởng, tức là có thể bác bỏ dự toán ngân sách của châu Âu.

Vì là đại diện của nhân dân các nước thành viên, EP có quyền giám sát đối với mọi định chế như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu. Các nghị viên châu Âu cũng có quyền thành lập những ủy ban điều tra.Tuy nhiên, cho đến nay, nghị viện này được cho là vẫn mang tính hình thức nhiều hơn.

Mặt khác, tại nhiều quốc gia, bầu cử EP chỉ là một cơ hội để so sánh thực lực của các chính đảng trong nước, chuẩn bị cho các cuộc bầu cử có tính chất địa phương. Ngay bản thân những người dân châu Âu cũng không hiểu nghị viện này sẽ làm những việc cụ thể gì và có ảnh hưởng như thế nào. Họ tham gia bầu cử chỉ bởi vì muốn có tiếng nói ở những vấn đề của quốc gia mình mà thôi.

Trông chờ vào Chủ tịch mới

Nhiệm kỳ chủ tịch EU vừa qua của Cộng hòa Séc được xem là không thành công. Séc cũng là nước duy nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch EU có Thủ tướng đương nhiệm phải từ chức, một nguyên nhân gây nhiều trở ngại cho việc điều hành EU của nước này. Chính vì vậy, người ta đặt nhiều hy vọng vào nhiệm kỳ tới đây của Thụy Điển, nước sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của EU bắt đầu từ ngày 1-7, trong bối cảnh những thách thức do khủng hoảng kinh tế gây ra cùng với những bất ổn về thể chế của EU.

Thủ tướng Thụy Điển Phre-đrích Rên-pheo (Fredrik Reinfeldt) đã đưa ra một số đường hướng chính trong chính sách điều hành EU trong nhiệm kỳ 6 tháng tới. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, Thụy Điển sẽ tiếp tục kế hoạch phục hồi, vực dậy các ngân hàng với sự bảo đảm về tính thanh khoản và bảo lãnh, nhằm khôi phục luồng vốn tín dụng. Thụy Điển cũng sẽ quan tâm đến vấn đề nạn thất nghiệp ở châu Âu, đồng thời cải thiện cơ quan giám sát tài chính, nhằm phát hiện ra những lỗ hổng và nhanh chóng ngăn chặn, không để xảy ra những sự đổ vỡ tài chính. Bảo vệ thị trường châu Âu chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới nổi lên gần đây do khủng hoảng kinh tế cũng là một trọng tâm trong chính sách kinh tế thương mại của Thụy Điển.

Nhiệm kỳ của Thụy Điển cũng sẽ khá nặng nề do Hiệp ước Li-xbon vẫn chưa được tất cả các nước thành viên phê chuẩn, trong đó quan trọng nhất là cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 tại Cộng hòa Ai-len dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2009. Nếu như cuộc trưng cầu dân ý thắng lợi sẽ là cơ hội tốt để hiệp ước này có hiệu lực ngay trong năm nay, nếu không, nó sẽ là một thất bại nữa cho tiến trình nhất thể hóa EU. Theo Hiệp ước này, nhiệm kỳ chủ tịch 6 tháng sẽ được thay thế bằng một nhiệm kỳ 2 năm rưỡi. Sẽ có một ngoại trưởng quyền lực hơn đại diện cho toàn khối và một nghị viện có vai trò rộng rãi hơn, đặc biệt trong việc chỉ định Ủy ban châu Âu mới và đưa số nghị sĩ từ 736 lên 754 ghế.

Một châu Âu bảo thủ và khép kín?

Nếu như cùng với thời gian, người ta có thể tìm ra giải pháp cho quá trình nhất thể hóa EU thông qua Hiệp ước Li-xbon cũng như khắc phục hậu quả của cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu thì hiện tại có những vấn đề khác đang thực sự nổi lên thành những thách thức tiềm tàng cho tương lai của EU. Kết quả cuộc bầu cử nghị viện châu Âu cho thấy một điều đáng lo ngại là dường như chủ nghĩadân tộcđang cản trở quá trình thống nhất châu Âu.

Châu Âu muốn tăng cường sức mạnh, mở rộng khối của họ đến những biên giới mới, nỗ lực tiến đến nhất thể hóa với một bộ mặt cởi mở hơn, đấy là những điều mà trong những tuyên bố chính sách của EU nêu rõ. Thế nhưng, trên thực tế lại khác. Ở Pháp, một quốc gia có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong EU, đảng của Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di lại thắng cử với những lời hứa mạnh mẽ về việc phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và bảo vệ công dân nước mình trước sự cạnh tranh của người lao động nhập cư. Hay như ở I-ta-li-a, dù liên tục vấp phải các bê bối cá nhân, thủ tướng Béc-lút-xcô-ni vẫn đưa đảng mình đến thắng lợi nhờ những cam kết tương tự.
 
Việc các đảng cánh hữu thắng thế ở Pháp, I-ta-li-a và nhiều nước thành viên EU khác cùng với tư tưởng chống người nhập cư cho thấy một châu Âu đang đi theo xu hướng khép kín và bảo thủ hơn. Tất nhiên, đây cũng là hậu quả của tình hình kinh tế khó khăn và có thể sẽ có chuyển biến khi bức tranh kinh tế châu Âu sáng sủa hơn. Dù vậy, ngay cả khi thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, EU vẫn sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức không chỉ từ bên ngoài mà ngay từ trong nội bộ khối như: bất đồng về cải cách bộ máy, cải cách kinh tế và mâu thuẫn giữa các thành viên mới với các thành viên cũ, nhất là liên quan đến việc xây dựng một chính sách đối ngoại chung cho toàn khối, làm sao vẫn bảo đảm chủ quyền quốc gia của mỗi nước thành viên…

Tham vọng xây dựng một liên minh EU nhất thể hóa cao không phải là không có cơ sở, nhưng chắc chắn là mức độ nhất thể hóa càng cao cũng sẽ đồng nghĩa với những thách thức, khó khăn đối với EU sẽ ngày càng nhiều. Tiến trình nhất thể hóa của một nhóm các nước cùng khu vực như EU là chưa có tiền lệ. Vì vậy, tương lai của EU ra sao sẽ vẫn là một ẩn số đầy thử thách./.