TCCSĐT - Trong khi tình hình các tỉnh miền Đông Ukraine tiếp tục gia tăng căng thẳng do làn sóng biểu tình lan rộng thì những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế đã thu xếp được cuộc gặp bốn bên gồm đại diện Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Chính phủ tạm quyền Ukraine tại Geneva (Thụy Sĩ).

Thỏa thuận bốn bên về Ukraine

Kết thúc hội nghị bốn bên tại Geneva đêm ngày 17-4, đại diện Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ tạm quyền Ukraine đã nhất trí thông qua tuyên bố chung xác định các bước đi cụ thể đầu tiên nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine, với bảy nội dung chính.

Thứ nhất, các bên tham gia hội nghị tại Geneva về tình hình Ukraine thống nhất các bước đi cụ thể đầu tiên nhằm giảm căng thẳng và khôi phục an ninh đối với tất cả các công dân.

Thứ hai, tất cả các bên cần tránh mọi hành động vũ lực, đe dọa hoặc khiêu khích. Tất cả các bên tham gia hội nghị kiên quyết lên án và bác bỏ mọi biểu hiện quá khích, phân biệt chủng tộc hoặc không dung hòa về tôn giáo, bao gồm cả chủ nghĩa bài Do Thái.

Thứ ba, tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp, toàn bộ các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép phải được trả cho chủ sở hữu hợp pháp, tất cả các đường phố, quảng trường và các địa điểm công cộng khác bị chiếm đóng trái phép ở các thành phố và các điểm dân cư của Ukraine phải được giải phóng.

Thứ tư, lệnh ân xá sẽ bảo đảm cho tất cả những người biểu tình rời khỏi các tòa nhà, các công trình công cộng khác và giao nộp vũ khí, trừ những người phạm tội nghiêm trọng.

Thứ năm, các bên thống nhất phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đóng vai trò đi đầu trong hỗ trợ chính quyền Ukraine và các cộng đồng địa phương thực thi các biện pháp giảm căng thẳng ở các khu vực cần thiết nhất ngay trong những ngày tới. Mỹ, EU và Nga sẽ ủng hộ phái bộ này, bao gồm cả việc cử các quan sát viên.

Thứ sáu, tiến trình cải cách hiến pháp đã được công bố phải toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm. Quá trình này sẽ bao gồm việc nhanh chóng tổ chức đối thoại dân tộc rộng rãi và giải thích rõ ràng ở tất cả các vùng miền và khu vực bầu vử trên toàn Ukraine, đồng thời cho phép xem xét các ý kiến và sửa đổi công khai.

Cuối cùng, các bên tham gia hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định tình hình kinh tế và tài chính ở Ukraine, sẵn sàng thảo luận các biện pháp hỗ trợ bổ sung trong khuôn khổ thực thi các bước đi đã nêu.

Những tín hiệu lạc quan

Những bước đi đầu tiên theo thỏa thuận bốn bên đã được thực hiện. Theo Tân Hoa xã, ngày 18-4, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk cho biết Chính phủ đã đề xuất ân xá cho những người biểu tình ủng hộ Nga tại miền Đông nếu lực lượng này rút lui. Phát biểu trước Quốc hội, ông Yatsenyuk tuyên bố: "Lệnh ân xá sẽ áp dụng cho những người biểu tình giao nộp vũ khí và rời các tòa nhà bị chiếm đóng." Theo ông Yatsenyuk, dự luật ân xá sẽ được đem ra bỏ phiếu trong thời gian sớm nhất.

Dự luật ân xá là một trong những bước đi nhượng bộ của chính quyền lâm thời Ukraine đối với các nhà hoạt động ủng hộ Nga nhằm chấm dứt làn sóng bất ổn mới tại miền Đông.

Ông Yasenyuk khẳng định dự luật miễn tất cả trách nhiệm hình sự cho người biều tình phản đối chính quyền, trừ người phạm tội nghiêm trọng, là để đáp ứng nguyện vọng của người biểu tình.

Bản tin Đài tiếng nói nước Nga ngày 18-4 dẫn thông báo từ nội các Ukraine cho biết Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk đã chỉ thị tổ chức thảo luận về những sửa đổi trong Hiến pháp Ukraine theo hướng phân quyền trước ngày 01-10 tới.

Chỉ thị được đưa ra tại phiên họp bất thường của Chính phủ tạm quyền Ukraine tối 17-4, theo đó, các bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan hành pháp, chính quyền khu vực và thành phố Kiev có nhiệm vụ tổ chức thảo luận sửa đổi Hiến pháp trước thời hạn trên với sự tham gia của chính quyền tự quản địa phương, các hiệp hội cộng đồng, giới khoa học và kinh doanh.

Việc điều phối các cuộc thảo luận do Bộ Phát triển khu vực, Xây dựng và Dịch vụ nhà ở đảm trách.

Kiev cũng khẳng định sẽ tiếp tục các công việc nhằm phân cấp chính quyền nhà nước, song phủ nhận động thái này là để thực hiện thỏa thuận bốn bên tại Geneva của Thụy Sĩ. Các nhiệm vụ ban đầu là sửa đổi bộ luật thuế và ngân sách, ra luật bảo vệ tất cả các dân tộc ít người, trong đó có người nói tiếng Nga.

Về phần mình, Nga cam kết hỗ trợ Ukraine chấm dứt khủng hoảng. Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Nga, được đưa ra ngày 19-4, cũng cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin đã gặp ứng cử viên tổng thống của Ukraine và là người đứng đầu phong trào Đông Nam, Oleg Sarev, tại Moskva.

Tuyên bố tóm tắt cuộc họp cho biết ông Karasin nói: “Nga lưu ý rằng vấn đề giải quyết khủng hoảng chính trị nội bộ cần phải được chính người dân Ukraine tự quyết định với sự hợp tác chặt chẽ với một phái bộ giám sát đặc biệt” của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Tuyên bố còn nhấn mạnh: “Nga đã chuẩn bị để thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất”.

Về phần minh, ông Sarev khẳng định muốn tiếp xúc trực tiếp với chính quyền hiện nay ở Kiev để giải thích lập trường của các khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine đối với các vấn đề cấp bách của xã hội Ukraine.

Ông bày tỏ hy vọng sau hội nghị 4 bên về Ukraine tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 17-4, các bên có thể tìm được giải pháp và áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm giảm căng thẳng và khôi phục an ninh tại tất cả các khu vực.

Trước đó, trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân ngày 17-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng hợp tác với tất cả các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine.

Và những khó khăn, cản trở

Theo Báo cáo của phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE công bố ngày 19-4 thì tình hình miền Trung và miền Tây Ukraine tương đối yên tĩnh trong khi tình hình ở tỉnh Lugansk và Donesk vẫn căng thẳng. Theo báo cáo trên, tình hình ở miền Đông vẫn căng thẳng do tình trạng đối đầu có vũ trang vẫn tiếp diễn. Báo cáo nêu rõ thỏa thuận Geneva hiện vẫn chưa bắt đầu được thực hiện, còn tại địa phương vẫn chưa có đủ thông tin về cơ chế thực hiện thỏa thuận.

Trong khi đó Nga và phương Tây đều hối thúc nhau thực hiện thỏa thuận đạt được tại Geneva.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18-4 nhấn mạnh chính quyền Kiev cần phải thực hiện ngay thỏa thuận Geneva, theo đó chính quyền cần phải từ bỏ sử dụng vũ lực và mở đối thoại toàn dân về hiến pháp mới với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và các khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì nhấn mạnh những ngày sắp tới mang tính quyết định cho việc thực hiện thỏa thuận Geneva về Ukraine, theo đó tất cả các nhóm vũ trang phải bị giải giáp và các tòa nhà bị chiếm phải được trả lại cho chủ sở hữu.

Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố chỉ có chính quyền Kiev mới có thể làm yên lòng người dân miền Đông, nước Nga không thể ra lệnh cho họ bình tĩnh và giải tán. Ông bác bỏ cáo buộc nước Nga có liên quan tới những gì diễn ra tại miền Đông Ukraine.

Về phần mình, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) tuyên bố tiếp tục chiến dịch truy quét những người biểu tình đòi liên bang hóa ở miền Đông nước này bất chấp thỏa thuận bốn bên đạt được tại Geneva.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Kiev của Ukraine, phát ngôn viên SBU Marina Ostapenko nói rõ chiến dịch chống khủng bố đang tiếp diễn và sẽ kéo dài chừng nào các "phần tử khủng bố" còn hiện diện trên lãnh thổ Ukraine.

Phản ứng trước tuyên bố trên của SBU, Hội đồng tỉnh Lugansk ra tuyên bố cáo buộc chính quyền lâm thời Ukraine phạm tội ác chống nhân dân, yêu cầu Kiev dừng ngay chiến dịch quân sự và bắt đầu đối thoại với người dân.

Trong khi đó, thủ lĩnh của người biểu tình ở nước Cộng hòa tự xưng Donetsk, ông Denis Pushilin đòi lãnh đạo Ukraine - gồm quyền Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov - từ chức trước khi người biểu tình rút khỏi các trụ sở công quyền mà họ đang chiếm giữ.

Ông Pushilin chỉ ra rằng người biểu tình đã không được tham vấn về nội dung thỏa thuận bốn bên ở Geneva và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ký văn bản này không phải nhân danh họ.

Ông Pushilin cho biết người biểu tình sẽ đòi tổ chức trưng cầu ý dân trong khu vực về chủ quyền vùng này vào ngày 11-5 tới.

Đại diện Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimir Chizhov ngày 18-4 cho rằng nhà chức trách ở Kiev đã lý giải sai một thỏa thuận quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này, nơi bùng phát các cuộc nổi dậy tại những tỉnh miền Đông nói tiếng Nga.

Phát biểu với đài truyền hình quốc gia Rossiya-24 của Nga, ông Chizhov nói: “Nếu nói đến việc nhà chức trách hiện nay ở Kiev đang lý giải văn kiện Geneva như thế nào, thì thật đáng tiếc là họ đã hiểu sai. Cụ thể là văn kiện này chỉ áp dụng cho các tỉnh miền Đông và miền Nam Ukraine cũng như những địa phương muốn thiết lập chế độ liên bang, chứ không phải áp dụng cho Kiev, nơi (họ cho rằng) mọi thứ đều là hợp pháp kể cả việc chiếm giữ đang diễn ra ở Quảng trường Độc lập”.

Trước đó, Nga đã nhiều lần cáo buộc phương Tây "đạo đức giả" trong vấn đề Ukraine, khi cho rằng cuộc biểu tình đẫm máu ở Kiev là ủng hộ dân chủ, trong khi lại coi những cuộc biểu tình hòa bình ở miền Đông và Nam Ukraine là gây bất ổn, phá hoại./.