Những sáng kiến độc đáo trong chiến đấu của chiến sĩ Điện Biên
TCCSĐT - Cách đây tròn 60 năm, trên cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên, dân tộc ta đã làm nên một chiến thắng vô cùng to lớn: một đội quân “đầu trần, chân đất, súng thô” đã đánh bại đội quân nhà nghề với xe tăng, đại bác, máy bay, tàu chiến hiện đại ngay tại tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương và được mệnh danh là “Pháo đài bất khả xâm phạm”, kết thúc thắng lợi 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ nhiều sáng kiến độc đáo, sáng tạo trong đánh giặc được bộ đội Điện Biên phát huy đã góp phần quan trọng vào sự toàn thắng, điển hình như:
Sáng kiến cải tiến xe đạp thồ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác hậu cần là nhiệm vụ khó khăn vì khoảng cách xa xôi giữa tiền tuyến và hậu phương, thời tiết lại khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn. Để đánh thắng thực dân Pháp, quân đội ta phải bảo đảm cung cấp một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đồ dùng, thuốc men một cách nhanh chóng và liên tục. Hơn nữa, việc tiếp tế cần phải được tuyệt đối giữ bí mật nhằm tránh bị giặc đánh phá trên đường đi.
Một trong những phương tiện vận chuyển hiệu quả nhất thời điểm đó là chiếc xe đạp thồ. Tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta đã sử dụng hơn hai mươi nghìn chiếc xe đạp thồ, đi dọc quãng đường trên 1.500 km. Để biến một chiếc xe đạp thành xe thồ, dân công và bộ đội đã buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1 mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển vào ghi-đông. Bên cạnh đó là một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50 cm được buộc vào trục yên xe, đoạn tre này có tác dụng vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi. Để tăng độ cứng của khung xe, dân công và bộ đội đã hàn thêm sắt, buộc thêm gỗ. Trong khi đó, vải lự, quần áo cũ, săm cũ được dùng để “gia cố”, tăng độ bền của săm, lốp. Thời gian đầu, mỗi xe thồ chỉ chở được 80 đến 100 kg. Về sau, trọng tải được tăng dần lên nhờ các sáng kiến cải tiến gá, buộc. Mỗi xe thồ có thể chở được 2 thùng phuy nhiên liệu loại 150 lít hoặc 15 đến 20 can loại 20 lít. Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đi-na-mô phát điện còn được sử dụng để chiếu sáng cho các thầy thuốc phẫu thuật trong đêm. Xe có tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật tư cồng kềnh, chất lỏng (xăng, dầu), đi được trên nhiều loại đường, địa hình khác nhau mà ô tô không đi được. Mặt khác, loại phương tiện này không cần nhiên liệu lại dễ sửa chữa, ngụy trang và có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết, ưu thế hơn hẳn so với gánh gồng, mang vác. Nếu như mỗi dân công gánh trung bình chỉ được 25 kg thì một xe đạp thồ có năng suất gấp 7 đến 8 lần. Kỷ lục vận chuyển bằng xe đạp thồ phải kể đến chiến sĩ dân công Cao Văn Tỵ (đoàn Thanh Hóa) với 320 kg/chuyến. Sau này có chiến sĩ Ma Văn Thắng (đoàn Phú Thọ) có chuyến chở 325 kg hàng, tức là gấp 13 lần một người gồng gánh.
Về biên chế, tổ chức và hoạt động, các đơn vị xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở đồ nghề, phụ tùng thay thế, bếp than để sửa chữa và vá chín. Dọc đường, “xưởng sửa chữa lưu động” này sẵn sàng thay lốp, lên vành, hàn khung để bảo đảm toàn đội không bị rơi rớt. Đêm đi, ngày nghỉ, chiều chiều xe được bảo dưỡng, ra trạm nhận hàng rồi “binh đoàn ngựa sắt” lại lên đường.
Nói về lực lượng vận tải thô sơ của ta, trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”, ký giả G. Roa viết: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Nava bị thua chính những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320 kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni-lông trải trên đất”.
Đội quân xe đạp thồ sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, không chỉ ở Việt Nam mà cả lịch sử chiến tranh thế giới
Phan Tư - một chiến sĩ dũng cảm và có nhiều sáng kiến trong chiến đấu
Trong danh sách 23 Anh hùng Lực lượng vũ trang được vinh danh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Nghệ An đóng góp 02 đồng chí. Phan Tư là một trong hai cái tên đó. Phan Tư, sinh năm 1934 ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tháng 6-1951, anh nhập ngũ và được phân công vào đơn vị công binh. Trong chiến đấu, anh được giao các nhiệm vụ mở đường, phá bom bảo đảm giao thông... Dù nhận bất cứ nhiệm vụ gì, ở cương vị nào, Phan Tư cũng luôn luôn nêu cao tinh thần anh dũng, vượt mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có lần một quả bom nổ chậm rơi xuống nằm giữa mặt đường, ngăn cản việc lưu thông vận chuyển. Trước tình huống nếu phá nổ bom thì hỏng đường, xe sẽ không qua được, không nổ thì cũng không thể qua được, đồng chí Phan Tư đã dũng cảm đốt đuốc đứng cạnh quả bom, làm lộ tiêu cho dân công vượt qua an toàn, nhanh chóng.
Tháng 2 năm 1954, trung đội Phan Tư nhận nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na. Dòng sông Nậm Na thượng nguồn Sông Đà, đây là con sông hung dữ, có độ dốc lớn và nhiều thác ghềnh. Dọc sông, có tới trên 90 con thác lớn nhỏ chặn dòng. Nguy hiểm nhất là 21 khối đá khổng lồ chặn đứng, cắt ngang dòng chảy, tạo nên những dòng thác rất cao. Phá thác, thông dòng chảy là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, đòi hỏi cả về trí, lực và lòng dũng cảm. Thuốc nổ thì sẵn nhưng dây cháy chậm thì ít, ni lông để bọc bộc phá không có. Trung đội trưởng Hoàng Viết Sâm đã huy động anh em chiến sĩ hiến kế. Cả trung đội sau một tuần vẫn chưa đưa ra được một giải pháp hợp lý. Phan Tư luôn trăn trở tìm cách và trong một giây lát nhớ quê nhà, nhớ dịp Tết mình vẫn thường gói bánh chưng, bánh tét bằng lá chuối, buộc lạt. Một ý tưởng, một sáng kiến độc đáo đã xuất hiện trong anh đó là dùng lá chuối để gói bộc phá và dùng lạt giang để buộc. Tuy nhiên, một vấn đề nữa đặt ra, đó là lấy đâu ra sáp, nhựa đường để trét kín lỗ tra nối dây cháy chậm vào thuốc nổ. Có ý kiến là tìm đất sét nhưng vẫn chưa hợp lý và trong một bữa cơm của bộ đội, cơm bị nát khó ăn làm Phan Tư liên tưởng và đưa ra sáng kiến dùng cơm nếp nghiền cho nhuyễn để làm keo dính thay sáp và đã thành công. Từ đó, anh và các đồng đội đã ngày đêm phá thác, thông đường thuỷ để kịp thời vận chuyển hàng hóa, tiếp tế hậu cần cho tiền tuyền góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vì sự anh dũng và có những sáng kiến độc đáo trong chiến đấu, Phan Tư đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 11 lần được trung đoàn, đại đoàn và Tổng cục Chính trị khen thưởng. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Phan Tư được Chủ tịch nước trao quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Sáng kiến dùng than củi sưởi ấm chiến sĩ bị thương
Đồng chí Lê Minh Tường, sinh năm 1930 tại Thanh Hóa. Tháng 2-1950, đồng chí vào bộ đội và được biên chế về Đội điều trị 4, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 - Một trong 2 Sư đoàn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Khi chiến dịch Điện Biên diễn ra, bộ đội bị thương nhiều, đội điều trị của đồng chí Tường là trạm quân y tuyến đầu có nhiệm vụ phân loại thương binh, sơ cứu kịp thời và nhanh chóng chuyển thương binh về tuyến sau để cấp cứu điều trị chấn thương. Nhiệm vụ tiến hành chủ yếu dưới hầm, Lê Minh Tường được phân công phụ trách ánh sáng. Ngoài đèn pin, đồng chí còn dùng bánh xe đạp quay dynamo để phát điện lấy ánh sáng rọi thẳng vào vết thương khi các y bác sĩ làm vệ sinh, cấp cứu và sơ cứu cho thương binh. Do thời tiết giá lạnh, nằm trong hầm mổ, vết thương đau đớn, nên việc chống rét cho thương binh trước và sau khi mổ là một nhiệm vụ quan trọng. Đồng chí Lê Minh Tường đã đưa ra sáng kiến cùng dân công hỏa tuyến vào rừng cách đơn vị trên 10 km để đốt than, vận dụng mô hình bếp “Hoàng Cầm” với đường dẫn thoát khói dài chia nhiều nhánh tỏa ra xa, khi đốt than khói trải đều trên mặt đất hòa lẫn với sương mù, địch không thể phát hiện. Sau đó đồng chí và đồng đội nhanh chóng chuyển than về đơn vị để sưởi ấm cho thương binh. Nhờ những gánh than ấy mà tinh thần và sức sức khỏe của thương bệnh binh nhanh chóng được hồi phục. Sau chiến dịch, đồng chí vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”.
Sáu mươi năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là một trong những mốc son lịch sử vĩ đại, sự kiện có tiếng vang và tầm ảnh hưởng to lớn không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới trong thế kỷ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho lòng dũng cảm, truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước và trí tuệ Việt Nam. Những sáng kiến độc đáo trong chiến đấu của chiến sĩ Điện Biên đã tô thắm truyền thống anh hùng của một dân tộc anh hùng, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc ta./
Nga không định đáp trả biện pháp trừng phạt của phương Tây  (10/04/2014)
Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Hậu Giang và Cần Thơ  (10/04/2014)
Bảo đảm quyền xây dựng của người dân trong vùng quy hoạch  (10/04/2014)
Đẩy mạnh xã hội hóa để tạo ổn định dịch vụ công chứng  (10/04/2014)
Hà Nội lọt vào tốp 10 điểm đến ưa thích nhất thế giới  (10/04/2014)
Ngân hàng duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng lớn của The Asset  (10/04/2014)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay