Quảng Ninh: Đổi mới công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý
Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh việc bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển cạnh tranh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1261-QĐ/TU ngày 10-11-2008. Công việc này bước đầu triển khai đạt kết quả tốt, đã tạo ra môi trường khách quan trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, việc trình bày đề án cạnh tranh lúc này chỉ thực hiện đối với các cán bộ nguồn đã được quy hoạch tại các cơ quan mà chưa thực sự tạo ra cơ hội để xem xét lựa chọn các ứng viên ở ngoài cơ quan, đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và cũng là để từng bước hoàn thiện phương thức bổ nhiệm cán bộ, từ cuối năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo thống nhất trong các cấp ủy và chính quyền cần phải tiếp tục đổi mới cách thức đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thông qua việc tiến hành thi tuyển cạnh tranh để lựa chọn đội ngũ vừa có năng lực, vừa có tư cách phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khắc phục hạn chế của công tác thi tuyển những năm về trước, đề án thi tuyển theo hình thức trình bày đề án cạnh tranh năm 2013 có điểm đổi mới mấu chốt là mở rộng các đối tượng dự thi ra nhiều nguồn trong xã hội. Người dự thi có thể là cán bộ đang hoạt động ở các lĩnh vực chuyên môn tại các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, nhưng cũng có thể là những người ở ngoài ngành, ngoài tỉnh. Hơn nữa, việc dự thi này không quá phụ thuộc vào bằng cấp hay thâm niên, kinh nghiệm công tác mà chú trọng nhiều đến việc phát hiện những ứng viên có tố chất nổi trội về năng lực lãnh đạo, quản lý, tư duy có tính đột phá, đưa ra được ý tưởng sáng tạo. Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sát đối với thực tiễn quản lý tại địa phương nhằm đề xuất các giải pháp có tính đặc thù, khả thi, thiết thực, khắc phục được những yếu kém, những điểm ách tắc hiện có trong công tác quản lý, lãnh đạo nhằm tạo đà khởi sắc cho lĩnh vực quản lý mà các ứng viên thi tuyển tham gia. Đồng thời, việc nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm nước ngoài cũng như kinh nghiệm quản lý tại các địa phương khác cũng được khuyến khích mở rộng.
Ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất
Nhằm tạo điều kiện cho công tác thi tuyển được tiến hành thuận lợi và thống nhất trên toàn địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo sát sao việc ban hành các văn bản như kế hoạch, nội quy, quy chế thi tuyển, phiếu chấm điểm... Hệ thống văn bản này chính là căn cứ và cũng là những hướng dẫn cụ thể cho những người tổ chức khởi động và thực hiện công việc một cách thống nhất.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc thành lập Hội đồng thi tuyển và Ban Thẩm định cuộc thi. Hội đồng thi tuyển cấp tỉnh gồm đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Chủ tịch; tham gia hội đồng còn có Giám đốc Sở Nội vụ và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ; đối với chức danh thi tuyển cần có chuyên môn sâu thì mời thêm chuyên gia của lĩnh vực chuyên môn. Hội đồng thi tuyển hoạt động theo phương châm trách nhiệm, khách quan, minh bạch và công tâm. Trong kỳ thi tuyển phải đảm bảo trên 2/3 số lượng thành viên giám khảo có mặt chấm thi trực tiếp.
Ban Thẩm định gồm đại diện Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ, Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, cơ quan thanh tra, một số sở, ngành có liên quan và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm. Ban Thẩm định có nhiệm vụ giúp Hội đồng thi tuyển làm công việc sơ tuyển ứng viên dự thi như: xem xét thủ tục đăng ký; thẩm định hồ sơ; xác minh lý lịch, điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, quá trình đào tạo, công tác, trình độ ngoại ngữ và tổ chức sát hạch để đánh giá bước đầu năng lực của ứng viên. Ngoài ra, Ban còn tham mưu đề xuất nội dung đề tài thi tuyển.
Xác định vị trí chức danh và đối tượng thi tuyển
Theo chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, năm 2013, Quảng Ninh mới chỉ thí điểm thi tuyển các vị trí chức danh bổ nhiệm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định 8 vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý các sở, ngành cấp tỉnh còn khuyết để thí điểm thi tuyển cạnh tranh, trong đó cuối năm 2012 lựa chọn thí điểm thi tuyển 2 vị trí (Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long - đơn vị đặc thù vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa có tính chất sự nghiệp, dịch vụ và Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông phụ trách lĩnh vực thông tin, báo chí - một lĩnh vực quan trọng trong tình hình hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của truyền thông, báo chí xuất bản trên địa bàn. Năm 2013, tiếp tục mở rộng thí điểm thi tuyển 6 vị trí chức danh còn lại bao gồm: Phó Giám đốc các sở Nội vụ, Ngoại vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải.
Đề án thi tuyển năm 2013 có những điểm mới đáng lưu ý như:
- Mở rộng đối tượng dự thi ra ngoài nguồn cán bộ, công chức trong danh sách quy hoạch của cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, bổ nhiệm. Ngoài cán bộ nguồn trong quy hoạch, người đăng ký dự tuyển có thể từ các cơ quan đảng, Nhà nước, doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp khác trong và ngoài tỉnh, miễn là có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng được tiêu chí của vị trí chức danh và vượt qua được kỳ thi tuyển do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương quy hoạch “động” và “mở” để thu hút những người có tài năng từ bên ngoài bổ sung cho nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính nhà nước mà Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trương từ nhiều năm nay.
- Khuyến khích các đối tượng đăng ký vào các vị trí chức danh theo định hướng: chuyên ngành đào tạo đại học phù hợp với vị trí thi tuyển; có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị hoặc đủ điều kiện cử đi học cao cấp lý luận chính trị; có trình độ ngoại ngữ B trở lên, trình độ tin học đáp ứng yêu cầu của cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cán bộ thi tuyển phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm công tác lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên; 02 năm liền kề thời điểm thi tuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ; đảm bảo độ tuổi bổ nhiệm lần đầu theo quy định và đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.
Sơ tuyển hồ sơ, sát hạch trình độ ngoại ngữ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, Ban Thẩm định có nhiệm vụ thẩm định các thủ tục đăng ký, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, nhận xét của cơ quan, đơn vị về quá trình công tác của các ứng viên. Tiếp theo bước sơ tuyển này, các đối tượng dự thi sẽ trải qua khâu sát hạch trình độ ngoại ngữ và phỏng vấn, trao đổi về nhu cầu, nguyện vọng, nhận thức chung đối với các vấn đề kinh tế xã hội. Tất cả công việc nêu trên đều được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng dưới sự chỉ đạo và giám sát của Chủ tịch Hội đồng thi tuyển. Những đối tượng đăng ký nhưng không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn ban đầu đặt ra hoặc xin rút hồ sơ sẽ không tiếp tục đưa vào danh sách dự thi bước tiếp theo.
Chuẩn bị đề tài và giao đề tài dự thi
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của mỗi vị trí chức danh và đề xuất của các sở, ngành có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ, Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo lựa chọn, công khai chủ đề dự thi đối với mỗi vị trí chức danh. Yêu cầu đối với đề tài dự thi là chủ đề “mở”, sao cho trong quá trình chuẩn bị, đối tượng thi tuyển không chỉ bó hẹp nhận thức trong việc tìm hiểu thực tiễn hoạt động của cơ quan, đơn vị mà còn phải tham khảo xu hướng lý luận hiện đại, mô hình hoạt động thực tiễn của các lĩnh vực gần lĩnh vực chuyên môn ở trong và ngoài nước. Ban Thẩm định sẽ thông báo bằng văn bản đến từng đối tượng đăng ký dự thi về nội dung đề tài và thời gian chuẩn bị (30 ngày) trước khi trình bày trực tiếp trước Hội đồng thi tuyển. Hội đồng thi tuyển chỉ đạo các bộ phận giúp việc tạo không gian, thời gian thuận lợi, điều kiện bình đẳng tối đa để thí sinh tiếp cận tài liệu và nghiên cứu thực tế, có thể phát huy hết mức khả năng tư duy sáng tạo. Đồng thời, chú trọng những ý tưởng mới, mang tính đột phá trong nội dung dự thi của các thí sinh.
Tổ chức thi tuyển
Cuộc thi tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh, mọi thí sinh đủ tiêu chuẩn đều có cơ hội, điều kiện như nhau để thể hiện tốt nhất khả năng, ý tưởng sáng tạo của mình.
Theo thứ tự bốc thăm, các ứng viên sẽ lần lượt thực hiện hai phần thi, bao gồm:
- Phần thuyết trình: trước Hội đồng thi tuyển, từng ứng viên trực tiếp trình bày kết quả nghiên cứu (đề tài cạnh tranh) theo cách thức thuyết trình kết hợp với trình chiếu slides.
- Phần trả lời câu hỏi: nội dung các câu hỏi của Hội đồng xoay quanh yêu cầu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị ứng tuyển, vai trò, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý... Các ứng viên dự thi phải trả lời các câu hỏi theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn tương ứng với từng vị trí chức danh cần tuyển. Người phù hợp phải là người am hiểu sâu về chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt quá trình quản lý; đồng thời có năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất các cơ chế, giải pháp quản lý về ngành, lĩnh vực được giao; có khả năng tạo lập các mối quan hệ công tác tốt với các cơ quan liên quan.
Với hình thức thi thuyết trình kết hợp trả lời trực tiếp câu hỏi của Hội đồng, thí sinh có điều kiện trình bày nội dung đã chuẩn bị sẵn, đồng thời còn phát huy được khả năng sáng tạo, ứng xử với các tình huống nảy sinh, có cơ hội thể hiện thêm các kỹ năng mềm khác bên cạnh khả năng tư duy và kỹ năng quản lý cơ bản.
Tính điểm và xử lý kết quả thi tuyển
Điểm dành cho các ứng viên dự thi được tính theo thang điểm 100; các giám khảo chấm độc lập bằng phiếu kín gồm phần thi thuyết trình đề tài 50 điểm, phần trả lời câu hỏi của giám khảo 50 điểm. Điểm mỗi phần của ứng viên dự thi là điểm trung bình cộng của các thành viên Ban Giám khảo của mỗi phần thi cộng lại. Trường hợp có giám khảo cho điểm cao hơn (hoặc thấp hơn) quá 20% so với điểm trung bình cộng của các thành viên Ban giám khảo thì không được tính để lấy điểm trung bình nếu vị giám khảo đó không điều chỉnh điểm chênh lệch quá mức.
Người trúng tuyển là những ứng viên đạt số điểm cao nhất trong số các ứng viên dự thi cùng một vị trí chức danh. Đối với các ứng viên khác đạt từ 80 điểm trở lên sẽ được bảo lưu kết quả, sẽ xem xét bổ nhiệm vào vị trí phù hợp với chức danh đăng ký dự thi trong thời hạn 01 năm.
Kết quả thi tuyển cạnh tranh năm 2013
Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo tổ chức 2 cuộc thí điểm thi tuyển 8 vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý với 35 ứng viên dự thi. Các ứng viên đã chuẩn bị nội dung và thuyết trình đề tài, trả lời câu hỏi phản biện của các giám khảo, đồng thời thông qua các hình thức đánh giá khác để bộc lộ các ý tưởng của mình trong vai trò của người lãnh đạo, quản lý. Trên thang điểm 100, có rất nhiều ứng viên đã đạt kết quả cao như vị trí Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (đạt 87,21 điểm), vị trí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đạt 86,2 điểm), vị trí Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ (đạt 84,47 điểm).
Căn cứ vào kết quả thi tuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, kiểm tra, đánh giá kết quả thi một cách công khai, dân chủ; thực hiện quy trình bổ nhiệm 8 vị trí chức danh theo quy định và đến nay, theo quy chế thi tuyển đã bổ nhiệm thêm 4 vị trí chức danh căn cứ vào kết quả bảo lưu. Sau cuộc thi, kết quả thi tuyển và bổ nhiệm được công bố rộng rãi, công khai.
Điều đáng ghi nhận là, sau mỗi cuộc thi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho các ứng viên trúng tuyển được bổ nhiệm, tổng hợp từ các đề tài dự thi cùng vị trí những giải pháp khả thi, những ý tưởng sáng tạo khả dụng để hoàn thiện đề tài quản lý trên vị trí chức danh đã được bổ nhiệm, coi đây là cam kết để thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực ở vị trí công tác mới.
Có thể nói, thi tuyển cạnh tranh là cách làm mới, chưa được áp dụng nhiều trong công tác tuyển chọn cán bộ ở Việt Nam. Thực hiện công việc này, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tạo ra bước đột phá trong công tác cán bộ, thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Là tỉnh đầu tiên tổ chức thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành nên Quảng Ninh đã gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn và chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quảng Ninh đã tạo được sự thống nhất và đồng thuận trong các cấp ủy, chính quyền. Hơn nữa, thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là cách làm mới nhằm hướng tới khắc phục những hạn chế cố hữu trong công tác cán bộ, phòng chống tiêu cực nên đã được các cơ quan, các địa phương cùng toàn thể cán bộ, đảng viên đồng thuận, hưởng ứng nên đã triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, không những bước đầu tìm ra được những cán bộ quản lý đủ tiêu chuẩn, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước mà còn tránh được tiêu cực trong công tác cán bộ, gây dựng được niềm tin tưởng, phấn khởi trong toàn thể cán bộ, nhân dân. Kết quả này chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, khát khao đổi mới, ý chí quyết tâm và quyết liệt trong hành động./.
Lễ truy điệu và tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh  (03/04/2014)
Lễ Thượng cờ cấp quốc gia tại Quân cảng Cam Ranh  (03/04/2014)
Hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc (*)  (03/04/2014)
Việt Nam đang xúc tiến các thủ tục để sớm đưa công dân Vừ Già Pó về nước  (03/04/2014)
Trao Kỷ niệm chương tặng Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam  (03/04/2014)
"Quảng Ninh phải là gương sáng về cải cách hành chính"  (03/04/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm