Đưa doanh nghiệp về nông thôn: bài toán khó giải

Đỗ Mai Thành
22:14, ngày 27-03-2014

TCCSĐT - Với việc Chương trình Xây dựng nông thôn mới được triển khai theo Nghị quyết số 26/NQ/TW, ngày 05-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, hoạt động của các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề đưa doanh nghiệp về nông thôn vẫn còn khá nhiều bất cập.

Doanh nghiệp về nông thôn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân

Doanh nghiệp ngày nay đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển sản xuất của khu vực nông thôn. Ở nơi nào thu hút được nhiều doanh nghiệp thì nơi đó kinh tế phát triển nhanh, thu nhập của người dân được nâng cao. Doanh nghiệp giúp người nông dân thông qua việc hỗ trợ vốn sản xuất, cung cấp vật tư nông nghiệp, đào tạo kỹ thuật, tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Ở rất nhiều miền quê nhờ có các doanh nghiệp về đầu tư nên đã hình thành được nhiều vùng sản xuất rau, quả, nguyên liệu các loại, phát triển nuôi trồng thủy sản… từ đó khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sử dụng nguồn lao động dồi dào còn dôi dư, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện nâng cao đời sống dân cư, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của các làng quê Việt Nam. 

Đã có hàng trăm các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau về đầu tư tại địa bàn nông thôn, như: ở xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), các doanh nghiệp đã đầu tư và cùng bà con tại đây xây dựng vùng sản xuất rau, quả nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; ở xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang), Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư và ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho nông dân sản xuất nguyên liệu thuốc lá; ở xã Trực Hùng (huyện Trực Ninh, Nam Định), doanh nghiệp Cường Tân hoạt động khá hiệu quả theo hướng thuê đất canh tác của nông dân với giá thỏa thuận, cải tạo đồng ruộng và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đủ điều kiện cho sản xuất lớn mang tính công nghiệp, sau đó, công ty giao lại đất cho nông dân sản xuất giống lúa lai và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, chịu mọi rủi ro. Nhiều doanh nghiệp còn ứng vốn hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp, tạo điều kiện để bà con có thể nhận thâm canh trên những cánh đồng mẫu lớn rộng từ 5 đến 7 ha.

Là một trong 5 xã được thụ hưởng chủ trương "đưa công nghiệp dệt may về nông thôn" của NATEXCO, Chủ tịch UBND xã Yên Tân (Ý Yên, Nam Định) Nguyễn Văn Tín cho rằng, đây là “điểm nhấn” để một xã thuần nông như Yên Tân xây dựng nông thôn mới thành công.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành may mặc, chế biến, gia công sản xuất trên khắp cả nước đóng góp rất lớn tới việc tạo công ăn việc làm ở khu vực nông thôn. Có thể kể đến Công ty Cổ phần Dệt may Liên Tỉnh (đơn vị vệ tinh của Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam), với gần 600 máy dệt đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động ở xã Nam Hồng (huyện Nam Trực, Nam Định) với thu nhập ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Tổng công ty Cổ phần Dệt Nam Ðịnh (NATEXCO) mở 5 nhà máy may ở 4 huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh và Vụ Bản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động tại địa phương. 

Lý giải vì sao các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, chính là sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân. Bản thân các doanh nghiệp sẽ giảm chi phí hơn khi phải thuê nhân công tại các thành phố, đô thị lớn bởi giá sinh hoạt tại những nơi đó khá cao. Ngoài ra, vì chi phí sức lao động cao tại các thành phố lớn nên để sản xuất doanh nghiệp sẽ gặp sức ép về lao động, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của toàn đơn vị. Nếu doanh nghiệp đầu tư về khu vực nông thôn những bất lợi trên sẽ không còn, trong khi đó, về phía người nông dân, thì họ sẽ được lợi là có công ăn việc làm và thu nhập ổn định hằng tháng, không phải xa quê hương, người thân, không phải tốn kém nhiều chi phí cho việc đi thuê nhà và các dịch vụ để sống nếu phải lên thành phố làm việc. Nhất là, với lao động nữ điều này càng thuận lợi hơn bởi họ có điều kiện gần gũi gia đình và chăm sóc bố mẹ già, con nhỏ. Với nhiều nông dân tuổi đã cao, khả năng tiếp thu kiến thức mới kém, chỉ có kinh nghiệm là nghề nông, thì việc các doanh nghiệp đầu tư hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp là cơ hội rất tốt để họ có thu nhập, đồng thời sử dụng được những kinh nghiệm mà họ đã tích lũy trong nhiều năm. 

Những rào cản chưa dễ vượt qua

Mặc dù có nhiều lợi thế khi các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất về khu vực nông thôn, nhưng trên thực tế số lượng doanh nghiệp về khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn, nếu có cũng thường là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ so với các doanh nghiệp khác, ngoài ra, đầu tư của các doanh nghiệp chỉ mới giới hạn ở một số lĩnh vực, chứ chưa thực sự hướng tới số đông người nông dân. Theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, chủ trương ban đầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là sẽ huy động 40% nguồn vốn để thực hiện chương trình từ ngân sách nhà nước, 20% từ doanh nghiệp - hợp tác xã và chỉ 10% do người dân đóng góp. Nhưng thực tế, trong 3 năm qua, Nhà nước vẫn đóng góp phần lớn, chiếm 50% ngân sách, người dân phải đóng từ 15% - 20% trong khi doanh nghiệp mới chỉ đóng góp khoảng 5% tổng vốn trong chương trình này, rất thấp so với kỳ vọng.

Vậy điều gì khiến các doanh nghiệp vẫn còn chưa mấy mặn mà với việc đầu tư vào khu vực nông thôn? Có thể kể ra một số lý do chính như sau:

Thứ nhất, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ở khu vực nông thôn thường có lợi nhuận thấp, độ rủi ro cao do phải chịu những tác động trực tiếp từ điều kiện tự nhiên nên chỉ những doanh nghiệp thật sự có tâm huyết và đam mê mới kiên trì theo đuổi, chấp nhận có lúc bị thất bại để gắn bó lâu dài.

Thứ hai, một số doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng những vùng sản xuất lớn chuyên trồng nông sản, hay nguyên liệu, tuy nhiên lại gặp khó khăn do thực trạng ruộng đất ở nhiều địa phương hết sức manh mún, nhiều chủ trên một cánh đồng nhỏ, nên rất khó tổ chức sản xuất đạt hiệu quả. Trong khi đó, tư duy của người nông dân lại chậm đổi mới theo cơ chế của kinh tế thị trường, nhiều người vẫn không dám từ bỏ mảnh ruộng nhỏ của mình, kể cả khi đã chuyển nghề, đề phòng khi sa cơ lỡ vận. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cũng vấp phải những rào cản tương tự do ở nhiều địa phương chưa có quy hoạch phát triển công nghiệp rõ ràng, chưa có chính sách cấp đất tạo thuận lợi cho công nghiệp như giá thuê đất quá cao, chỉ cấp đất tập trung tại các thành phố, thị xã không có nhiều lao động dồi dào như ngành mong muốn (như ngành may mặc).

Thứ ba, vấn đề hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện, nước, điện thoại, đường truyền Internet yếu kém cũng gây nhiều trở ngại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài những bất lợi trên thì hạ tầng nông thôn yếu kém còn làm tăng thêm các khoản chi phí của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp nản lòng khi có ý định đầu tư vào vùng nông thôn. 

Thứ tư, về nguồn nhân lực làm việc cho doanh nghiệp thì trừ những người nông dân vốn có nhiều kinh nghiệm về nghề nông có thể canh tác tốt trên các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, còn nhìn chung chất lượng lao động phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp thấp kể cả trình độ, tay nghề lẫn ý thức làm việc. Do chưa có tác phong làm việc công nghiệp nên công nhân hay nghỉ việc tùy tiện (vì những lý do như nhà có giỗ, đám cưới, hỏi...) làm ngưng trệ sản xuất, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhất là khi có những đơn đặt hàng lớn cần làm gấp.

Theo ông Dương Tất Thắng - Tổng giám đốc Công ty Khoáng sản và Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Tĩnh thì trong phát triển sản xuất, nông dân không thể trụ vững nếu không có doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng không thể đứng vững nếu không có chính sách trợ giúp từ Nhà nước.
Thứ năm
, mặc dù các địa phương đều có chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn, nhưng do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có nhiều chính sách tốt để khuyến khích các doanh nghiệp về hoạt động tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn

Có thể khẳng định muốn phát triển được nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị thì không thể bỏ qua vai trò quan trọng của các doanh nghiệp. Chừng nào doanh nghiệp còn chưa thực sự vào cuộc, chưa tâm huyết, xác định gắn bó lâu dài với người nông dân thì chắc chắn nông nghiệp, nông thôn chưa thể phát triển được. Song, hoạt động của doanh nghiệp luôn gắn với lợi nhuận vì thế để giải bài toán đưa doanh nghiệp về nông thôn cần xuất phát từ nguyên tắc phải hài hòa được lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân, trong đó bắt buộc phải có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước. Từ những rào cản đã nêu trên thiết nghĩ cần:

Trước hết, từng địa phương phải có những chiến lược trước mắt và trong tầm trung, dài hạn về phát triển nông nghiệp, trong đó có việc kêu gọi các nhà đầu tư. Từ đó xây dựng cụ thể các loại quy hoạch như vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực,... Đặc biệt, phải nghiên cứu để có những chính sách hết sức hấp dẫn, khuyến khích, cuốn hút các doanh nghiệp.

Hai là, đẩy nhanh tiến trình dồn điền đổi thửa, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ những lợi ích của việc tham gia những mô hình phát triển nông nghiệp do các doanh nghiệp đưa về, từ đó tích cực liên kết cùng doanh nghiệp để đi tới thành công.

Tại Diễn đàn “Phát huy vai trò của Doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương hết sức kịp thời và phù hợp, trong đó cần nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp như những chủ thể quan trọng tạo nên sự thay đổi.
Ba là,
hiện nay mặc dù Nhà nước từ lâu đã khuyến khích mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông ở nhiều nơi, nhiều lúc còn khá lỏng lẻo. Thông thường xảy ra tình trạng khi thị trường tiêu thụ tốt thì doanh nghiệp mua nhiều của nông dân với giá cao, khi gặp khó khăn thì mua ít, giá thấp. Vì vậy tạo tâm lý không yên tâm cho người nông dân khi sản xuất vì lo làm nhiều mà không tiêu thụ được hoặc dù có được doanh nghiệp mua sản phẩm để tiêu thụ nhưng với giá cả lại không đủ để bù chi phí sản xuất. Còn về phía doanh nghiệp khi muốn huy động nhiều hàng lại không có đủ vì người nông dân lo khó tiêu thụ nên không sản xuất nhiều. Bởi vậy, nhằm chia sẻ lợi nhuận và rủi ro giữa doanh nghiệp và người nông dân khi liên kết sản xuất để cùng làm ăn lâu dài cần có cơ chế xác định giá thu mua của nông dân tại thời điểm thu hoạch một cách hợp lý.

Bốn là, khi doanh nghiệp về nông thôn, liên kết với người nông dân chắc chắn sẽ gặp những khó khăn như thiếu các thông tin về môi trường của địa phương, hay gặp những vướng mắc trong quá trình làm ăn vì thế các sở, ban, ngành tại địa phương cần áp dụng hệ thống thông tin điện tử, và có bộ phận hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn đó. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo các cấp chính quyền hoàn thiện hơn hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp nhiều hơn nữa./.