Xây dựng mô hình huyện điểm văn hóa ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số hiện nay
Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa - thông tin. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với những phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị, xã phường văn hóa đã góp phần "làm cho văn hóa thấm sâu vào từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người" và đặc biệt làm cho văn hóa trở thành "nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".
Những năm gần đây, vai trò của văn hóa ngày càng được khẳng định: Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho sự phát triển, phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người - nguồn lực lớn nhất và quyết định nhất đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, xóa đói, giảm nghèo, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao dân trí cho mọi người, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Thời gian qua mô hình xây dựng huyện điểm văn hóa đã xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước, trong đó có các huyện miền núi, hải đảo như Quỳ Hợp, Anh Sơn (Nghệ An), Điện Biên (Điện Biên), Lục Ngạn (Bắc Giang), thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), Krông Pắc (Đắc Lắc), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cô Tô (Quảng Ninh). Trong số các huyện trên có Quỳ Hợp, Lục Ngạn, thị xã Nghĩa Lộ, Krông Pắc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt đề án huyện điểm văn hóa. Mô hình xây dựng huyện điểm văn hóa chưa có tiền lệ, các địa phương đã tự xây dựng đề án huyện điểm văn hóa. Căn cứ vào đặc điểm địa lý, điều kiện kinh tế, các địa phương đã vận dụng các phương pháp khác nhau nhưng đều chung mục đích: nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên quy mô toàn huyện. Xây dựng huyện văn hóa có phong trào toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, trong đó tập trung vào việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở; đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
Thị xã Nghĩa Lộ có 7 đơn vị hành chính gồm 4 phường, 3 xã, có 121 tổ dân phố, thôn, bản. Diện tích tự nhiên 2.966,6 ha. Tổng dân số gần 26.000 người, gồm 13 dân tộc anh em cùng chung sống trong đó dân tộc Thái chiếm 44,6%, dân tộc Kinh chiếm 43,3% còn lại là dân tộc khác. Nghĩa Lộ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Tây Yên Bái. Thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2003 - 2005 - 2010, chỉ sau 2 năm thực hiện, đến nay thị xã đã có 79/121 tổ dân phố, thôn, bản ra mắt xây dựng tổ dân phố, thôn bản văn hóa bằng 65,28%. Có 36 tổ dân phố, thôn, bản đạt chuẩn danh hiệu văn hóa các cấp bằng 26,44%. Có 88/88 cơ quan, đơn vị đăng ký cơ quan, đơn vị văn hóa, qua kiểm tra đánh giá có 90% đạt tiêu chuẩn. Mô hình xây dựng thị xã văn hóa đã khẳng định vai trò tự nguyện và tự quản, phát huy dân chủ xã hội hóa các hoạt động văn hóa gắn với các phong trào hoạt động của các cấp, các ngành, chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện, nhà văn hóa, biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể thao, bảo vệ môi trường, tăng cường hoạt động từ thiện, thực hiện công tác y tế, giáo dục... Các quy ước tổ dân phố, thôn bản văn hóa, tiêu chuẩn đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa thực sự là những tiêu chí phấn đấu, thi đua trong cộng đồng. Đời sống văn hóa và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được cải thiện nâng cao, phấn đấu đến năm 2010 xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa.
Huyện Quỳ Hợp quan tâm chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa: 21/21 xã, thị trấn cơ bản hoàn thành việc xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin thể thao; 16/21 xã, thị trấn có sân vận động cấp xã; toàn huyện có 112 sân bóng đá, 293 sân bóng chuyền, 119 sân cầu lông; 4/21 xã, thị trấn có thư viện cấp xã; 100% số xã còn lại đều có tủ sách đặt tại trụ sở UBND xã; 17/21 xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa; 210/263 làng, bản, khối xóm có hương ước được cấp huyện phê duyệt; 100% số cán bộ chuyên trách văn hóa xã, thị trấn có trình độ trung cấp văn hóa. Trong 3 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng huyện điểm văn hóa đã huy động được 11,34 tỉ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa và các công trình hạ tầng cơ sở. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm chú trọng như tổ chức các cuộc thi ẩm thực vào dịp lễ, tết nhằm phục hồi, bảo tồn văn hóa ẩm thực truyền thống như mọc, thịt chua, cơm lam, rượu cần... Các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ như Nhuôm, Lả, Suối của đồng bào Thái, Dạ Ời, Đu đu điềng điềng, Tập tình, tập tang của đồng bào Tày và các sinh hoạt văn nghệ dân gian khác như đánh cồng, nhảy sạp, đu quay, múa... được tái hiện trong các lễ hội và liên hoan nghệ thuật quần chúng. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, đã khắc phục được xu hướng người dân tộc thiểu số không muốn sử dụng sắc phục và tiếng nói của dân tộc mình trong sinh hoạt giao tiếp và bán nhà sàn ra khỏi địa bàn. Đồng bào các dân tộc đã có ý thức giữ lại số nhà sàn hiện có và xây dựng mới các nhà sàn cải tiến lợp ngói, thưng ván và đóng trần gỗ. Khôi phục nghề dệt thổ cẩm, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.
Krông Pắc lại mang những đặc trưng tự nhiên, xã hội của vùng cao nguyên: địa hình bị chia cắt phức tạp, đây cũng là địa bàn quy tụ dân cư của mọi miền đất nước đến lập nghiệp trong cộng đồng dân cư của huyện Krông Pắc với 21.500 nhân khẩu, có hơn 18 dân tộc anh em cùng sinh sống (đồng bào dân tộc Ê Đê tại chỗ chiếm 30%) do đó có nền văn hóa hợp thành đa dạng phong phú. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, các phong tục tập quán riêng độc đáo với những nét văn hóa tiêu biểu, luôn được phục hồi, bảo tồn lưu giữ đến hôm nay như lễ hội cầu mùa, lễ hội cồng chiêng của đồng bào Ê Đê, Xê Đăng, Vân Kiều, hát đối đáp, kể khan trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Với phương châm phát triển kinh tế phải gắn kết với phát triển văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng động lực cho sự phát triển. Trong những năm đổi mới, kinh tế, văn hóa, xã hội huyện Krông Pắc đã có những bước phát triển bền vững, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao rõ rệt; 16/16 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia với 85% số hộ được sử dụng, có máy điện thoại với 5.434 máy thuê bao, đã xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã. Mạng lưới giao thông trong toàn huyện được chú trọng và phát triển đến tận vùng sâu, vùng xa; 16/16 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã; đường đến thôn, buôn được cứng hóa hoặc rải cấp phối góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Các chương trình hoạt động văn hóa đã tạo ra sự sáng tạo, hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia nhằm tăng cường bảo tồn văn hóa dân tộc tốt nhất. Hằng năm, huyện thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc tại trung tâm huyện, kết hợp các trò chơi dân gian truyền thống như: múa lân, võ vật, thi cà kheo, bắn nỏ, thi mặc trang phục đẹp, thi dệt thổ cẩm, thi gùi nước và thi văn hóa ẩm thực... Tại các cụm cơ sở, nhiều xã tổ chức "Buôn vui chơi, buôn ca hát", "Hội thi tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê", "Tìm hiểu văn hóa truyền thống", phục hồi lễ hội cồng chiêng, lễ cúng bến nước, cúng cầu mưa... chú trọng khai thác, phát huy các yếu tố đặc sắc, tiến bộ. Phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao được đẩy mạnh, huyện có 20 dàn nhạc tư nhân và nhiều đội nhạc cổ ngũ âm, toàn huyện còn 211 dàn chiêng Ê Đê, Xê Đăng, Vân Kiều, 300 nghệ nhân đàn hát dân ca, kể khai. Toàn huyện đã phục hồi được 126 khung dệt thổ cẩm, xây dựng được 109 hội trường thôn, buôn trị giá từ 30 đến 140 triệu đồng/hội trường chủ yếu bằng nguồn vốn huy động của nhân dân và ngân sách địa phương, xây dựng được 140/239 cổng chào thôn, buôn, xã (trị giá từ 4 đến 18 triệu đồng/cổng chào). Trong đó huyện trực tiếp làm mới và xây dựng 40 cổng chào cho 40 buôn đồng bào dân tộc trị giá 160 triệu đồng. Mỗi thôn, buôn đăng ký xây dựng thôn, buôn văn hóa được huyện hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện đã xóa được điểm trắng về văn hóa, 100% xã, thị trấn không có hủ tục mê tín dị đoan, không còn tình trạng "chảy máu" cồng chiêng. Ngoài ra, huyện đã quy hoạch xây dựng khu du lịch văn hóa thể thao hồ Tân An 19 ha, khu du lịch sinh thái hồ Ea nhái đưa vào hoạt động tốt. Với những mô hình hoạt động hiệu quả Krông Pắc đã được ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc và Bộ Văn hóa - Thông tin phê duyệt xây dựng huyện điểm văn hóa khu vực miền núi Tây Nguyên giai đoạn 2005-2010 và trở thành huyện thứ 5 trong toàn quốc thực hiện đề án xây dựng huyện điểm văn hóa cấp bộ.
Từ thực tế hoạt động và kết quả của một số huyện điểm văn hóa, chúng tôi cho rằng xây dựng huyện điểm văn hóa là phù hợp với thực tế khách quan, phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội. Kinh tế phát triển, đòi hỏi văn hóa phát triển, văn hóa còn mang tính dự báo cho sự phát triển. Vì vậy, để mô hình huyện điểm văn hóa ở khu vực miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, chúng ta phải vận dụng kinh nghiệm: các huyện điểm văn hóa miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có các dân tộc sống xen kẽ do đó đòi hỏi việc xây dựng và phát triển văn hóa vừa bảo đảm cho bản sắc riêng của mỗi dân tộc được giữ gìn và phát huy trong cộng đồng. Việc xây dựng làng, bản, xã, phường văn hóa, gia đình văn hóa phải chú ý các đặc trưng văn hóa của từng dân tộc. Đối với các xã vùng còn khó khăn phải đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo tạo điều kiện để các xã này phát triển văn hóa, lấy văn hóa làm động lực đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội, góp phần ổn định tình hình chính trị tại địa phương.
Để mô hình huyện điểm văn hóa ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bảo đảm những tiêu chí thống nhất, cần có giải pháp thực hiện cụ thể sau:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng huyện điểm văn hóa. Từ nhận thức đó, có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện thành công đề án xây dựng và phát triển huyện điểm văn hóa từ cơ sở xã, phường, thôn, bản, cơ quan đơn vị văn hóa.
- Tăng cường xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nhất là các thiết chế ở cơ sở gần dân nhất, đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế này, tạo điều kiện để nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa tại chỗ theo hướng xã hội hóa hoạt động văn hóa.
- Xây dựng huyện điểm văn hóa, phải chú trọng quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống, lựa chọn những yếu tố văn hóa tiên tiến phù hợp với địa phương để vận dụng thực hiện. Tiếp tục vận dụng xây dựng các chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo để nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh.
- Xây dựng huyện văn hóa phải có lộ trình và những bước đi thích hợp, luôn bám sát sự chỉ đạo của ngành và các cấp uỷ, chính quyền. Quá trình xây dựng phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì vận động nhân dân tham gia, không chạy theo thành tích, áp đặt, duy ý chí.
- Vào thời gian thích hợp, cần sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng huyện điểm văn hóa.
Xây dựng huyện điểm văn hóa cần phải bắt đầu từ xây dựng tốt đời sống văn hóa từ những tế bào như là mỗi gia đình, đến cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Các mục tiêu, chỉ tiêu hướng tới tiêu chí một huyện điểm văn hóa phải hướng vào mục đích nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân. Những vấn đề nêu ra trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phải phù hợp với điều kiện của từng cơ sở xã, phường, làng, thôn, ấp, bản để nhân dân có trách nhiệm và khả năng thực hiện.
* ThS, Cục văn hóa - Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa - Thông tin
Chọn ai vào Quốc hội khóa XII  (27/04/2007)
Quốc hội nước ta qua các kỳ bầu cử  (27/04/2007)
Năm 2007 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao  (27/04/2007)
Mức tăng trưởng Du lịch  (27/04/2007)
Kinh tế thị trường qua các bước đổi mới tư duy  (25/04/2007)
Kết quả tốt đẹp của kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XI  (25/04/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm