Giao đất, giao rừng cho làng ở miền núi Quảng Nam
Việc giao đất, giao rừng cho làng (với tư cách cộng đồng) của đồng bào các dân tộc thiểu số là chuyện mới. Mới là nói về cách làm của cơ quan quản lý nhà nước, chứ thực ra không mới đối với đồng bào miền núi. Trước đây, rừng đã từng là của làng. Nay giao rừng cho làng là trở lại như nó vốn có. Lâu nay, trong các văn bản pháp lý về đối tượng giao đất, giao rừng, chưa nói đến làng (nhưng có thể vận dụng được vì làng là nhóm hộ, và làng ở miền núi thật sự là một tổ chức xã hội - đối tượng được pháp luật cho phép giao đất, giao rừng). Trong các văn bản quy phạm pháp luật mới gần đây đã bắt đầu nói đến làng, là đối tượng được Nhà nước giao đất, còn rừng thì luôn gắn với đất, nằm trên đất.
Tỉnh ủy Quảng Nam có chủ trương về việc này hơn 2 năm trước và đã làm thí điểm ở vài nơi, đang sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng. Nói chung, thực tiễn của công việc chưa nhiều. Tuy nhiên, về phương pháp tư duy và qua tình hình thực tế ở miền núi có thể cho thấy, đây là việc đúng, rất đúng. Khẳng định việc giao đất, giao rừng cho làng là một việc rất đúng, vì những lẽ sau:
Một là, rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số có vị trí đặc biệt. Rừng là không gian sinh tồn và phát triển. Trước hết rừng cho cái ăn, rừng bảo vệ và cứu con người khỏi cái đói. Còn nhớ 5 - 6 năm trước đây, có lần nắng hạn mất mùa, sợ nhân dân đói, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam chủ trương đem gạo xuống cứu đói cho nhân dân. Đồng bào đã đem gạo đổi muối và mì chính, còn thêm một chai rượu. Đồng bào nói, gạo chỉ đủ ăn 5 - 7 ngày, còn mì chính và muối có thể ăn mấy tháng với những thứ của rừng. Chỉ có đồng bào mới nghĩ được như thế. Con người đã làm nương rẫy, lấy rau, lấy măng, mật ong, thú rừng... Rừng còn cho con người cái nhà để ở, áo quần để mặc, giấy bút để học hành, con người đã lấy gỗ, củi của rừng để sống.
Cơ cấu kinh tế ở miền núi Quảng Nam trước nhất và chính yếu là lâm nghiệp (chứ không phải công nghiệp, dịch vụ, cũng không phải nông nghiệp). Tư liệu sản xuất chính là rừng và đất rừng, giống như ruộng đất đối với sản xuất nông nghiệp ở nông thôn đồng bằng. Giao rừng cho làng là giao tư liệu sản xuất, tạo điều kiện kinh tế để nhân dân sống bằng nghề rừng, với nghề rừng. Không phải sống bằng khai thác rừng, mà bằng phát triển rừng, bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ sản phẩm tận dụng của rừng. Cuộc sống của đồng bào phải được khá giả lên khi rừng nhiều thêm và tươi tốt.
Rừng còn nhắc nhở, khuyên bảo và răn dạy con người về cách sống, cách ứng xử với môi trường sinh thái. Nhân dân thờ "Thần Núi", tôn kính rừng "thiêng", lạy cây gỗ trước khi chặt hạ làm nhà, cấm chặt những cây gỗ (dù là gỗ tạp) nhưng có bộ rễ giữ nước tốt... Bề ngoài là quan niệm thần linh, nhưng bên trong là văn hóa sống với rừng. Con người ứng xử với nhau và ứng xử với tự nhiên, đó là văn hóa. Tôi nghĩ, riêng về văn hóa ứng xử với rừng, đồng bào miền núi không thua kém, thậm chí có khi còn cao hơn đồng bào miền xuôi. Hàng nghìn năm nay, đồng bào các dân tộc thiểu số đã giữ rừng (chứ không phải phá rừng). Nếu không giữ rừng thì làm sao tồn tại được? Chính cuộc sống đã ngấm sâu triết lý đó.
Rừng cho con người lửa để ấm, rượu để say; làm phong phú tâm hồn từ tiếng chim, tiếng suối - bản nhạc rừng, cho con người tình yêu thương và nỗi nhớ mong... Con người về với rừng như cá về với nước, như con chim về với bầu trời tự do, như con người đi xa được trở về với nơi mình yêu thương, mê say. Mỗi khi về với rừng, gần rừng, con người có thể vứt bớt những lớp áo bụi của các quan hệ xã hội phức tạp để "người hơn". Con người được sinh ra ở giữa rừng, được rừng nuôi và đùm bọc đến khôn lớn. Con người khi chết được trả về với rừng, nằm mãi với rừng thiêng.
Theo cách nói của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc thì ở miền núi, rừng là tất cả, bao trùm, ám ảnh, mê hoặc, nhấn chìm. Con người vừa bị hòa tan trong rừng, là bộ phận nhỏ không thể tách rời của rừng, vừa cố phân biệt mình với rừng, bằng ngọn lửa. Bếp lửa không phải chỉ để nấu nướng. Không nấu nướng gì cả cũng phải đốt cái bếp giữa nhà sàn. Ở đó ngọn lửa sống, lúc bùng lên, lúc âm ỉ, suốt đêm, trong khi bên ngoài bốn bề là rừng âm u, mịt mùng, bí ẩn. Như vậy, rừng với đồng bào là môi trường sinh tồn và phát triển, là kinh tế và văn hóa, là vật chất và tinh thần, là kỷ niệm và ước mơ. Thật quan trọng và to lớn biết bao. Đồng bào không thể không có rừng.
Hai là, rừng ở Quảng Nam hầu như tất cả là đầu nguồn, chống lũ lụt, bảo vệ cho đồng bằng, giữ mạch nước ngầm và cung cấp nước, điện cho công nghiệp hóa, không riêng gì cho Quảng Nam mà còn cho Đà Nẵng và nhiều tỉnh khác. Hàng chục con sông ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ đều bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh của Trường Sơn hùng vĩ. Việc bảo vệ rừng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược sống còn.
Ai sẽ bảo vệ rừng? Đương nhiên là Nhà nước và các cơ quan chức năng (lâm nghiệp và kiểm lâm)... Dù có giao rừng cho ai, cho cá nhân hoặc tổ chức, hoặc cộng đồng, thì vai trò của Nhà nước trong bảo vệ rừng vẫn là không thay đổi, không ai thay thế, cực kỳ quan trọng. Nhưng chỉ vậy thôi thì hoàn toàn chưa đủ, thậm chí thiếu mất cái cơ bản nhất. Rừng núi mênh mông, nếu không có nhân dân quản lý, bảo vệ thì làm sao giữ nổi. Con người là chủ nhân của rừng, biển và sông, núi. Nếu một cơ chế nào đó mà chủ nhân không giữ thì còn đâu rừng, núi. Tại sao trước đây, khi kẻ lạ đến xâm phạm rừng, chặt gỗ hoặc làm ô uế rừng, thì làng bắt phạt; còn bây giờ, khi lâm tặc hoặc đào vàng trái phép đến phá rừng thì không thấy làng ngăn cản, không có nhân dân bảo vệ (mà thậm chí một số nơi có những người dân tham gia phá rừng cùng với lâm tặc?). Phải chăng vì rừng không phải của nhân dân, không phải của làng nữa, mà là của lâm trường, của dự án, của Nhà nước rất chung chung và trừu tượng. Rừng coi như không có chủ. Phải giao rừng và đất rừng cho làng để làng là chủ, để rừng có chủ.
Thực tế ở thôn Tống Cói (xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam), sau khi giao rừng và đất rừng cho làng thì cộng đồng nhân dân đã thật sự bảo vệ rừng với một trách nhiệm cao, hơn hẳn trước đó (khi chưa giao). Năm trước, có thông tin rằng, ở Tống Cói, sau khi giao rừng cho làng thì nạn phá rừng tăng hơn. Tôi đã tìm hiểu khá kỹ việc này. Không phải vậy, kể cả tình hình và nguyên nhân đều không phải. Việc phá rừng ở đó là trước khi giao, chưa giao xong.
Ba là, ở miền núi, đối với đồng bào dân tộc thiểu số đơn vị kinh tế cơ bản là làng chứ không phải hộ cá thể. Nhiều vấn đề kinh tế thuộc trách nhiệm cá nhân đều quy về trách nhiệm cho làng. Một gia đình trong làng không gọi là hộ mà là bếp, làng là đơn vị tổ chức xã hội cơ bản. Có một văn hóa làng thực sự, không phải là một phần của văn hóa dòng tộc đâu. Còn nhớ cách đây mấy năm, khi đưa gạo về cứu đói cho nhân dân bị mất mùa, hướng dẫn là phải đưa cho các hộ đói, nhưng đồng bào cứ chia bình quân. Tỉnh yêu cầu huyện đưa từng túi gạo 10 kg trực tiếp cho danh sách các hộ đói, đồng bào đã đến nhận đem về đổ chung và lại chia bình quân cho các bếp. Làng vừa là thực thể vật chất vừa là thực thể tinh thần. Làng là cộng đồng cư trú, sản xuất, tự vệ, sở hữu và văn hóa, tâm linh. Ý thức cá nhân chưa phát triển, con người tự đồng nhất mình với làng, hòa tan trong làng, không tách rời khỏi làng. Hình phạt nặng nhất trong luật tục của đồng bào là không thừa nhận đứa con của làng, đuổi ra khỏi làng (khi ấy, phần nhiều, người đó sẽ ăn lá ngón để tự tử).
Làng là đơn vị xã hội trực tiếp đối với đồng bào. Dưới làng và trên làng, hoặc không có một tổ chức xã hội nào nữa, hoặc có ở mức độ manh nha, chưa rõ, chưa hình thành xong. Trong ý thức của đồng bào, trong ngôn ngữ cũng vậy, không có tổ chức xã hội nào cao hơn làng. Đồng bào hầu như chưa có ý thức gì về khái niệm xã, huyện, tỉnh. Đất nước, Tổ quốc - trước hết là làng, bắt đầu từ làng. Làng là nền tảng cho sự ổn định của xã hội - điều này cho chúng ta suy nghĩ rằng: không được phá vỡ đơn vị làng. Không thể sáp nhập mấy làng nhỏ thành một làng lớn. Không thể hợp nhất thuần túy các làng có các dòng tộc khác nhau. Sự ổn định của làng là nền tảng cho ổn định xã hội. Mặc dù sự ổn định của làng không phải là ổn định mãi mãi, một tương lai xa chắc chắn sẽ có sự thay đổi theo hướng phát triển ý thức cá nhân, hình thành hộ cá thể (còn tính cộng đồng sẽ phát triển theo hướng mới: sự liên kết bền vững giữa các hộ cá thể độc lập), nhưng việc đó còn khá lâu và xảy ra từ từ, rất tự nhiên, không được vội vã tác động bằng hành chính. Cộng đồng làng đã cho con người sức mạnh, làm cho con người hoàn thiện hơn, điều chỉnh tư tưởng và hành vi của con người. Không còn cộng đồng làng, hành vi của từng cá thể sẽ tự phát và rối loạn. Xã hội (hiểu theo khái niệm lớn hơn làng, trên làng, gồm nhiều làng) chỉ có thể giữ ổn định khi điều chỉnh và chi phối được các cộng đồng dân cư thông qua cơ chế tự quản của làng. Sự lộn xộn ở Tây Nguyên vừa qua, theo tôi, do hệ thống chính trị không nắm được làng, để "mất" làng; còn kẻ địch thì dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lừa phỉnh... kích động gây rối.
Làng là một phần của rừng đó được người hóa. Chung quanh làng là rừng. Làng ở giữa rừng. Làng và rừng gắn với nhau vô cùng mật thiết. Văn hóa làng và văn minh rừng gần giống như hai mặt của một vấn đề, của một chỉnh thể thống nhất.
Chế độ sở hữu truyền thống là sở hữu của cộng đồng làng đối với rừng và đất rừng. Đất và rừng của làng là thiêng liêng. Làng chưa bao giờ bán đất và rừng. Làng cho chuyển nhượng nhưng chỉ chuyển nhượng cho người ở trong làng. Trong khi đó, nếu giao đất và rừng cho cá nhân, thì có thể bán rẻ, thậm chí có thể "đổi" rượu, rồi sau đó chuyển vào nơi khác hẻo lánh và khó khăn hơn để sản xuất và sinh sống. Nếu làng không có đất và rừng thì làng cũng tan rã vì không có nền tảng vật chất làm cơ sở.
Vì những lẽ trên, việc giao rừng và đất rừng cho làng là rất đúng, có cơ sở khoa học. Giao để quản lý, bảo vệ, trồng thêm và hưởng lợi. Cơ chế hưởng lợi là bắt buộc. Tất cả sản phẩm của rừng, từ sợi mây đến cây gỗ lớn, giá trị kinh tế của nó là của đồng bào, do đồng bào hưởng tuyệt đại bộ phận. Không phải Nhà nước thuê nhân dân giữ rừng và trả tiền công, mà rừng là của cộng đồng nhân dân (làng), nhân dân phải giữ lấy, chăm sóc và hưởng lợi. Cần được chuẩn bị kỹ về tư tưởng cho nhân dân. Khi được Nhà nước giao rừng, nhất thiết làng phải có hương ước để bảo vệ rừng. Trước đây, làng có luật tục để bảo vệ. Nay cần có một hương ước kết hợp hài hòa giữa luật pháp và luật tục. Và, rừng còn là của quốc gia, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, cho phép lấy gỗ khi nào và với điều kiện nào, thông qua cơ quan chức năng của Nhà nước và chính quyền địa phương. Thời gian đầu, khi chưa có sản phẩm của rừng, tùy theo tính chất của khu rừng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh phí cho nhân dân bớt khó khăn, có điều kiện giữ rừng.
* TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
Chọn ai vào Quốc hội khóa XII  (27/04/2007)
Quốc hội nước ta qua các kỳ bầu cử  (27/04/2007)
Năm 2007 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao  (27/04/2007)
Mức tăng trưởng Du lịch  (27/04/2007)
Kinh tế thị trường qua các bước đổi mới tư duy  (25/04/2007)
Kết quả tốt đẹp của kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XI  (25/04/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm