Nâng cao mọi mặt đời sống đồng bào Mông - nỗ lực thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành
Những đặc điểm của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Hà Giang
Dân tộc Mông chiếm 31,5% trong tổng số trên 743.000 người của tỉnh Hà Giang. Đồng bào dân tộc Mông cư trú chủ yếu tại 4 huyện vùng cao là: Đồng Văn (89% dân số toàn huyện), Mèo Vạc (78%), Yên Minh (54,45%), Quản Bạ (61%). Ở các địa phương khác của tỉnh, tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông trên tổng số dân có từ 1% đến 24%.
Do điều kiện sinh sống chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, núi đá, những nơi đặc biệt khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nước sinh hoạt và sản xuất đều thiếu, giao thông bị cản trở… nên đời sống đồng bào Mông còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Mông chiếm 57% trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Hà Giang. Chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo trong đồng bào Mông còn thấp, ảnh hưởng không tốt tới nhiều mặt cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc Mông còn thấp so với trung bình chung toàn tỉnh… Những đặc điểm trên đã gây nên những khó khăn không nhỏ cho đồng bào trong sinh hoạt và sản xuất cũng như vươn lên bằng các tiêu chí của đồng bào các dân tộc khác trong tỉnh.
Nỗ lực và những kết quả đạt được trên các mặt
Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23-9-1994, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông; Thông báo Kết luận số 64-TB/TW, ngày 09-3-2007, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, là định hướng để tổ chức đảng, hệ thống chính trị các cấp nỗ lực, tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị mang ý nghĩa quan trọng này. Sau hơn 6 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 64-TB/TW, đến nay tỉnh Hà Giang đã đạt được một số kết quả trên một số lĩnh vực quan trọng.
Về an sinh xã hội, do kinh tế Hà Giang duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, các chỉ tiêu cơ bản luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, an ninh lương thực được bảo đảm… nên đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng hồ chứa nước sinh hoạt đã phát huy hiệu quả tích cực, việc đưa vào sử dụng 37 hồ chứa nước đã giải quyết một phần nước sinh hoạt trong đời sống đồng bào các dân tộc vùng cao, núi đá vôi 4 huyện phía Bắc, trong đó có đồng bào Mông.
Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện có hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc được nâng lên. Đã có 410.000 đồng bào dân tộc được mua thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định. Các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo, trợ giúp người nghèo được thực hiện có hiệu quả, đồng thời làm tốt việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ đột xuất để ổn định đời sống nhân dân. Trong 5 năm thực hiện phong trào làm nhà đại đoàn kết, Hà Giang đã làm được 331 nhà cho đồng bào Mông.
Thời gian qua, Hà Giang đã ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn và biên giới. Tổng nguồn vốn cho chương trình này giai đoạn 2005 - 2010 là 2.500 tỷ đồng, trong đó, từ ngân sách nhà nước là 2.337 tỷ đồng. Đến nay, đường đến trung tâm xã được trải nhựa đạt 82,6% tổng chiều dài; 100% số thôn, bản có đường xe cơ giới đi được; 55% số thôn, bản có nhà văn hóa; 100% số xã có trạm y tế, trường học, trụ sở chính quyền được xây dựng kiên cố. Việc quy hoạch, quy tụ dân cư thực hiện chương trình “Hạ sơn”, sắp xếp dân cư vùng biên giới, xây dựng trung tâm cụm xã… đã góp phần định cư được trên 4 vạn hộ đồng bào. Nhiều nơi ở các huyện đã hình thành các cụm đồng bào dân tộc Mông định cư ổn định như Suối Đồng (huyện Vị Xuyên), Phiêng Luông (huyện Bắc Mê), Phố Cáo (huyện Đồng Văn), Sủng Máng, Pả Vi (huyện Mèo Vạc)…
Căn cứ điều kiện, tình hình thực tế của đồng bào Mông, hằng năm Hà Giang đã có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm dần tỷ lệ đói nghèo. Các chính sách tập trung chủ yếu vào: chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi; đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Theo đó, tập trung phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, với các chương trình như: sản xuất lúa, ngô hàng hóa; phát triển chăn nuôi đại gia súc; phát triển cây chè, cây đậu tương, cây dược liệu; khuyến khích phát triển thủ công nghiệp, khôi phục các làng nghề truyền thống với những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Kết quả, trồng mới được 14.000ha cỏ, phát triển đàn gia súc với tỷ lệ tăng trưởng 6%/năm, đưa giá trị ngành chăn nuôi chiếm trên 26% giá trị sản xuất nông nghiệp… Tập trung khai thác tiềm năng, phát triển trồng rừng kinh tế ở các huyện vùng thấp, xây dựng và triển khai thực hiện tốt dự án bảo vệ và phát triển rừng ở 4 huyện vùng cao phía Bắc…
Về đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, Hà Giang đã thành lập mới 05 trường phổ thông trung học ở các cụm xã, mở các trường phổ thông dân tộc nội trú theo khu vực, các trung tâm học tập cộng đồng, phát triển loại hình trường nội trú dân nuôi ở các xã vùng sâu, vùng xa. Thực hiện miễn, giảm học phí, các khoản đóng góp cho 374.661 lượt học sinh; trợ cấp xã hội và tiền ăn cho 1.136.974 lượt học sinh phổ thông dân tộc nội trú và bán trú dân nuôi; cấp phát sách, vở, dụng cụ học tập miễn phí cho 293.977 lượt học sinh. Nhờ đó, con em đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào Mông nói riêng đã có điều kiện học tập tốt hơn. Việc cử tuyển học sinh là con em các dân tộc thiểu số đi học các trường cao đẳng, đại học, sau đó tiếp nhận, bố trí việc làm cho số này khi tốt nghiệp luôn được thực hiện đúng đối tượng, bảo đảm mục đích đào tạo và đáp ứng yêu cầu cho việc phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Đến nay, Hà Giang đã tuyển dụng được 290 sinh viên thuộc đối tượng này để bố trí tại các xã, nhằm tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Hà Giang rất quan tâm thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như những vấn đề có liên quan đến đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh; tiến hành việc sưu tầm, nghiên cứu để khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có đồng bào Mông; công tác phát thanh, truyền hình vùng đồng bào dân tộc đã được chú trọng. Đến nay, tất cả các huyện, thị trong tỉnh đều có trạm thu, phát truyền thanh, truyền hình, bưu chính, viễn thông. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 98%, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 92%; thực hiện tốt chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc Mông. Báo đảng được phát hành đến 100% số chi bộ, báo Hà Giang được phát hành đến 100% các trưởng thôn, tổ dân phố; phát hành rộng tờ báo Cực Bắc dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, nhằm tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa những kiến thức trên các lĩnh vực cần thiết của cuộc sống đến đồng bào các dân tộc, cũng như chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, để ý Đảng, lòng dân được gặp gỡ, cuộc sống đồng bào các dân tộc ngày càng cải thiện.
Bên cạnh đó, Hà Giang đã làm tốt công tác vận động, chấn chỉnh, đưa hoạt động tôn giáo trong các dân tộc, trong đó có đồng bào Mông vào nề nếp, theo pháp luật. Từ đó, giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của nhân dân, góp phần đấu tranh chống lại các hoạt động lôi kéo, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Về nâng cao tính tích cực của đồng bào các dân tộc, đến nay, 100% số thôn, bản đã xây dựng được hương ước, quy ước, qua đó, thu hút đông đảo nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào ở địa phương, giải quyết hiệu quả những vấn đề nảy sinh trên địa bàn. Đã xây dựng được lực lượng cốt cán cũng như phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, để từ đó cùng chính quyền thực hiện tốt những công việc chung và giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống đồng bào.
Thông qua việc thành lập những mô hình thích hợp như Hội Nghệ nhân dân gian, Làng Mông tự quản, tổ chức hội nghị các già làng, trưởng bản và những người có uy tín, tổ chức đảng và chính quyền địa phương đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động đồng bào, Hà Giang đã thực hiện mô hình kinh tế - quốc phòng, theo đó, các tổ công tác được tăng cường cho các xã trọng điểm; đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản biên giới. Từ đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trên địa bàn, như: giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng thông qua việc thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc sống trên địa bàn biên giới, góp phần giữ vững biên cương Tổ quốc; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, hạn chế những hoạt động trái pháp luật, thực hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh theo quy định của pháp luật.
Việc củng cố tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Mông nói riêng cũng được quan tâm. Đến nay, 100% số thôn, bản dân tộc Mông có đảng viên. Sau đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy cơ sở chiếm 67,7% (tăng 3,6% so với nhiệm kỳ trước); trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, số ủy viên người Mông đạt 16,6%; số đảng viên người Mông tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp huyện đạt tỷ lệ 18,8% trên tổng số. Có 12 ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh là người Mông. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số cũng được Đảng bộ Hà Giang tiến hành thường xuyên. Trường Chính trị tỉnh đã mở 27 lớp trung cấp lý luận chính trị, trong đó học viên người dân tộc thiểu số là 1.168/1.772 tổng số học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, về các kiến thức chung của các tổ chức chính trị - xã hội cho 1.621 học viên, trong đó có 1.057 học viên là người dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá chung, cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ của tổ chức đảng các cấp, việc thực hiện Thông báo Kết luận số 64-TB/TW đã đạt được kết quả tích cực. Đa số đồng bào Mông chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân; sống hòa nhập với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; tham gia xây dựng, bảo vệ quê hương và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…
Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan (tập quán canh tác lạc hậu chậm chuyển biến, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong đồng bào chưa đạt được như mục tiêu đề ra…) nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông vẫn còn khó khăn, vì vậy các cấp, các ngành cũng như chính đồng bào Mông cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần.
Đôi điều rút ra từ thực tiễn Hà Giang thời gian qua
Một là, để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách cho đồng bào các dân tộc, điều quan trọng nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu, góp phần vào sự vững mạnh của hệ thống chính trị cơ sở. Thời gian qua, mặc dù tổ chức đảng, chính quyền các cấp Hà Giang đã tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhưng nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác dân tộc chưa thực sự đầy đủ; trình độ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế. Công tác tham mưu thực hiện nhiều chủ trương của các cấp, các ngành còn thiếu tính chủ động, chất lượng chưa cao; một số vấn đề nảy sinh trong nhân dân chậm được nắm bắt hoặc giải quyết chưa kịp thời, thỏa đáng…
Thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp Hà Giang cần tăng cường hơn nữa giáo dục về tư tưởng, nhận thức cho đội ngũ cán bộ về công tác với người dân tộc thiểu số; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nói chung, người Mông nói riêng. Thông qua các hình thức tuyên truyền phù hợp, xây dựng cho đồng bào Mông ý thức về vai trò và vị trí của mình trong xây dựng quê hương, đất nước và phát triển dân tộc mình bên cạnh các dân tộc anh em.
Hai là, cần thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác về đồng bào dân tộc nói riêng. Thời gian qua, công tác này ở một số cấp, một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, đôi lúc còn nặng về hình thức. Thời gian tới, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Hà Giang cần cụ thể, sâu sát, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Muốn vậy, phải thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, thực hiện và giám sát các chương trình, kế hoạch trên địa bàn.
Ba là, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ hỗ trợ vốn, vật tư, kỹ thuật… để đồng bào đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển chăn nuôi. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đầu tư trên địa bàn; lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn bảo đảm sử dụng tối ưu các nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học, thực hiện tốt chính sách ưu tiên đối với đội ngũ giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, nâng cao dân trí, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc Mông.
Bốn là, mong muốn Trung ương tiếp tục cho kéo dài thời gian thực hiện các quyết định về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, như Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg. Có cơ chế đặc thù ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số cho địa phương. Có chính sách đãi ngộ, đầu tư đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu; đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ mọi mặt cho đồng bào các dân tộc./.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế Hà Nội nhìn từ khía cạnh xã hội  (29/11/2013)
Từ ngày 01-01-2014, Hiến pháp (sửa đổi) chính thức có hiệu lực  (28/11/2013)
Hội nghị Sơ kết thực hiện Kết luận số 29 của Ban Bí thư khu vực phía Bắc  (28/11/2013)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay