Chất lượng tăng trưởng kinh tế Hà Nội nhìn từ khía cạnh xã hội

Vũ Thúy Anh Ths,Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
16:04, ngày 29-11-2013

TCCSĐT - Tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội có mối quan hệ biện chứng. Nếu tăng trưởng kinh tế hướng tới cải thiện và phát triển xã hội thì những yếu tố xã hội sẽ tác động tích cực trở lại góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững và ngược lại.

Thực trạng gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội của Hà Nội

Là thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong suốt hơn 20 năm qua: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Hà Nội giai đoạn 1991 - 2000 đạt 11,6%/năm; giai đoạn 2001 - 2010 là 10,98%/năm; năm 2011 GDP tăng 10,1%; năm 2012 đạt 8,1%; còn trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt tốc độ tăng trưởng 7,67%(1) . Tính chung, tốc độ tăng trưởng GDP của Hà Nội luôn ở mức cao, gấp 1,5 lần so với cả nước.

Cơ cấu kinh tế của Hà Nội được chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành dịch vụ và công nghiệp. Hà Nội là một trong số ít địa phương có tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ cao hơn nhóm ngành công nghiệp (năm 2011 tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ trong GDP là 52,53%).

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội tăng khá nhanh. Năm 2010 GDP bình quân đầu người/năm đạt 37,3 triệu đồng; năm 2011 con số này là 41,3 triệu đồng. Tính chung cả giai đoạn 2001 - 2010, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cao gấp 1,6 lần so với cả nước.

Nhờ tăng trưởng kinh tế, Hà Nội đã thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo: tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội năm 2011 là 3,14% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung 11,76% của cả nước. Tốc độ giảm nghèo của Hà Nội cũng nhanh hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

Theo báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con người (HDI) - thước đo tổng hợp về sức khỏe, giáo dục và thu nhập của Hà Nội là 0,77, đứng thứ 3 cả nước, sau tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này chứng tỏ rằng, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội thời gian qua đã có những tác động tích cực nhất định đến sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, việc gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Hà Nội trong thời gian qua chưa thật rõ nét. Công tác xóa đói giảm nghèo chưa thật ổn định và chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm xuống chỉ còn 1,21%, nhưng sau khi sáp nhập với Hà Tây tỷ lệ này lại tăng mạnh, lên tới 8,43%. Hơn nữa, tỷ lệ giảm nghèo không đồng đều giữa các quận, huyện trên địa bàn, nhất là giữa thành thị và nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn cao gấp 1,5 lần so với thành thị, số người nghèo ở nông thôn chiếm trên 90% tổng số hộ nghèo của cả thành phố. Trên địa bàn vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là giữa dân di cư và dân có hộ khẩu trong thành phố. 

Ngoài ra, khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo có xu hướng rộng hơn. Nếu như năm 1990, sự cách biệt về thu nhập của 20% số hộ giàu nhất và 20% số hộ nghèo nhất chỉ là 4,1 lần, thì đến năm 1999 là 7,6 lần, năm 2004 là 6,8 lần, còn đến năm 2010 con số này đã tăng lên tới 8,9 lần.

Như vậy, sự tăng trưởng kinh tế cao của Hà Nội trong thời gian qua chưa thực sự gắn kết với phát triển xã hội, vẫn còn nhiều hạn chế trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội và còn những bất cập khi phân bổ nguồn lực giữa các tầng lớp dân cư. 

Một số nguyên nhân

Những hạn chế, bất cập của việc gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội ở Hà Nội thời gian qua xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau đây:

Một là, chưa có sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng về việc tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển các vấn đề xã hội, vẫn còn có tư tưởng coi trọng việc tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ các yếu tố xã hội trong quá trình phát triển. 

Hai là, việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư khá dàn trải, hiệu quả kinh tế thấp, nhất là nguồn vốn đầu tư công. Chưa lồng ghép được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các vấn đề xã hội trong các chương trình, dự án. 

Ba là, quy mô đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn khá hạn chế, dẫn đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Việc đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, chưa có chính sách hiệu quả để giải quyết việc làm cho nông dân sau khi thu hồi đất ở khu vực nông thôn dẫn đến tình trạng một số nông dân mất đất không có việc làm, góp phần tăng thêm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.

Bốn là, công tác giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập với cơ cấu và nội dung đào tạo chưa hợp lý, chưa gắn với nhu cầu thực tiễn cuộc sống để đáp ứng được sự tăng trưởng kinh tế. Các cơ sở giáo dục, đào tạo phân bố không đều giữa thành thị và nông thôn.

Năm là, đầu tư cho công tác y tế và chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế, số cơ sở y tế phân bố không đều. Chất lượng hoạt động của các cơ sở này ở khu vực nông thôn, ngoại thành còn thấp, trang thiết bị sơ sài, lạc hậu, cùng với năng lực trình độ của một số cán bộ y tế yếu dẫn tới việc ngày càng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên của trung ương…

Giải pháp gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề phát triển xã hội

Để tăng trưởng kinh tế thực sự góp phần vào quá trình phát triển xã hội ở Hà Nội, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, đưa Hà Nội ngày càng giàu mạnh, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Không nên quá coi trọng mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội, hoặc chạy theo những mục tiêu ngắn hạn, nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn. 

Các chính sách đề ra cần hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư, người lao động có nhiều cơ hội (môi trường và năng lực) tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế; đồng thời phân bổ hợp lý các thành quả của quá trình tăng trưởng kinh tế, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. 

Thứ hai, sử dụng hợp lý các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội. Tăng cường thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng… Kêu gọi Trung ương đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng lớn trên địa bàn Thủ đô. Vốn đầu tư công cần được hướng chủ yếu vào những ngành, lĩnh vực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo phúc lợi nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, ngoại thành. Sử dụng đầu tư công như một công cụ hữu hiệu bảo đảm sự phát triển hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng và nhóm xã hội. 

Giảm dần quy mô và tỷ trọng vốn đầu tư công vào những lĩnh vực kinh doanh, nên xác định một tỷ trọng hợp lý của đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội. Vốn đầu tư chỉ sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ, mở đường cho những lĩnh vực mới có khả năng lôi kéo và có tác động lan tỏa tới nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa. 

Thứ ba, nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đổi mới quan điểm về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, nên coi khu vực kinh tế này là động lực cơ bản cho tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, cần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thực hiện cơ chế cạnh tranh bình đẳng theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường. 

Hỗ trợ khu vực tư nhân bằng những chính sách thiết thực, sát với nhu cầu thực tế, gắn với các nhu cầu của doanh nghiệp. Áp dụng các hình thức cho vay linh hoạt để doanh nghiệp có thể vay vốn trong điều kiện không có tài sản thế chấp hoặc có thể cho phép họ sử dụng khoản thế chấp linh hoạt hơn.

Đổi mới chính sách thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trước mắt, cần tập trung điều chỉnh tiền thuế đất; sử dụng có hiệu quả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập; có chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, doanh nghiệp cần thiết... 

Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân, đổi mới chính sách đào tạo, khoa học và công nghệ và khuyến khích các doanh nghiệp khu vực này sử dụng nhiều hơn nữa công nghệ sản xuất hiện đại, nguồn nhân lực có trình độ,... 

Thứ tư, gia tăng quy mô đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp nông thôn nhằm đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp để chuyển bớt sang các ngành, nghề, dịch vụ có thế mạnh khác, đồng thời vừa tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân theo đúng chủ trương của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các mô hình cơ giới hóa để nhân rộng trên địa bàn.

Có chính sách khuyến khích xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, giao lưu thương mại và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Thứ năm, tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Muốn vậy, việc đầu tư nên có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các chương trình mục tiêu, khắc phục tình trạng bình quân, dàn trải, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hoá. Tập trung vào các mục tiêu đào tạo đón đầu, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của người lao động phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý kinh tế… Tăng cường xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề để khai thác các nguồn lực của toàn xã hội.

Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và phục vụ xuất khẩu lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường lao động, chú trọng đào tạo lao động trình độ cao. Củng cố và quản lý tốt các trung tâm dịch vụ việc làm; duy trì và phát huy có hiệu quả mô hình các hội chợ việc làm trên địa bàn thành phố. Thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. 

Thứ sáu, chú trọng phát triển mạnh hệ thống chăm sóc sức khoẻ và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tiếp tục tăng đầu tư công, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển nhanh hệ thống y tế; hoàn chỉnh mô hình tổ chức và củng cố mạng lưới y tế cơ sở. Khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở y tế chuyên khoa có chất lượng, khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn. 

Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch. Chuẩn hóa chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng bệnh viện, từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đổi mới và hoàn thiện đồng bộ các chính sách bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh và viện phí phù hợp; có lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người dân tộc thiểu số, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế. 

Thứ bảy, xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, đa dạng, ngày càng mở rộng phù hợp với tiềm năng, đặc điểm, yêu cầu và trình độ phát triển của Hà Nội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo và hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội; phát triển mạnh và đa dạng hóa hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người có công và chính sách bảo trợ xã hội.

Đẩy mạnh phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, hình thành một môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế bền vững./.