Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 14-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Tháo gỡ vướng mắc cho người dân tham gia bảo hiểm y tế

Các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội, theo đó nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế nhằm tiếp tục góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; kịp thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nhận định dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế mới chỉ tập trung tháo gỡ những vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước, còn những quy định đối với người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa được đề cập nhiều. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc cho người dân tham gia bảo hiểm y tế thuận lợi hơn.

Đối với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về việc mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế nhưng cần bổ sung cơ chế tham gia bảo hiểm y tế phải theo hộ gia đình. Đại biểu giải thích việc tham gia bảo hiểm y tế thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân thực hiện trách nhiệm tự chăm sóc bản thân. Nếu mọi người bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế sẽ rất khó thực hiện bởi đời sống của nhiều người dân vẫn còn khó khăn. Quy định tham gia bảo hiểm y tế đối với mỗi người cần thực hiện từ từ.

Trái ngược với ý kiến của đại biểu Hoàn, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng dự án luật cần quy định mọi người dân bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế, bởi vì đây là loại bảo hiểm y tế xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, với mức mệnh giá không cao, nhằm bảo đảm cho mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế tối thiểu, cơ bản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến bảo hiểm y tế toàn dân. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy áp dụng nguyên tắc bắt buộc là điều kiện để thực hiện thành công bảo hiểm y tế toàn dân.

Về vấn đề thanh toán khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế trái tuyến, vượt tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) kiến nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu theo hướng xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, cho phép người dân được đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, có cơ sở vật chất bảo đảm theo quy định. Bởi, với điều kiện quá tải tại các cơ sở y tế hiện nay, người dân có mong muốn tham gia bảo hiểm y tế và đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Luật Hôn nhân và Gia đình nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng; khắc phục những tồn tại, hạn chế của quy định hiện hành; đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan của thực tiễn đời sống xã hội. Dự án luật cũng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Liên quan quy định tuổi kết hôn, các đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng quy định của dự án luật về điều kiện tuổi kết hôn là nam, nữ phải “đủ 18 tuổi trở lên” là phù hợp với thực tế hiện nay. Đại biểu Dương phân tích: “18 là độ tuổi trưởng thành, bảo đảm về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, người nam đã phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật. Quy định như dự án luật sẽ bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ”.

Xung quanh quy định về việc mang thai hộ, các đại biểu Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa), Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) tán thành với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự án luật cần quy định chặt chẽ, cụ thể vấn đề này.

Quy định về việc kết hôn giữa hai người đồng tính cũng được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến. Các đại biểu nhất trí với việc bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính của luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nhằm giúp những người đồng tính thực hiện quyền cơ bản của mình; giảm thiểu sự phân biệt kỳ thị đối với những người cùng giới. Bên cạnh đó, một số nước trên thế giới cũng đã thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính./.