“Rừng Đại tướng” rơi lệ
TCCSĐT - Hòa cùng với cả nước, đất rừng và con người Mường Phăng tiếc thương một con người, Anh hùng dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Giọt nước trong biển cả”
Trong tiết trời bắt đầu se lạnh của những ngày đầu thu, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế đau xót rơi lệ trước tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị danh tướng lẫy lừng thế giới cả về tài và đức, đi vào cõi vĩnh hằng. Hàng triệu triệu người đủ các thành phần, lứa tuổi, dân tộc, trang nghiêm, thành kính, kiên nhẫn xếp hàng dài tít tắp chờ đến lượt được vào ngôi nhà số 30, phố Hoàng Diệu để thắp hương tỏ lòng thành kính trước di ảnh của Đại tướng.
Ở vùng núi rừng Tây Bắc trùng điệp, tin đau buồn này bay tới từng mái nhà sàn, như cứa vào tim gan của bà con các dân tộc tỉnh Điện Biên. Mất mát này thật là lớn lao! Thế là hy vọng được đón Đại tướng về thăm lại mảnh đất lịch sử, nơi đã làm lên uy danh của Đại tướng và cả dân tộc không còn nữa. Buồn vô hạn, người khóc, cây rừng Mường Phăng và con suối cũng như hiểu được nỗi lòng ấy mà thôi đùa giỡn với gió và bớt róc rách chảy. Chừng như chúng đang rơi lệ trước sự ra đi mãi mãi của một người con vĩ đại của dân tộc, từng được thế giới tôn vinh là “một trong những người làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới ở thế kỷ XX”.
Đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ được coi là vị tướng tài đức vẹn toàn, mà còn được coi là người trong nhà. Từ các em nhỏ cho đến cụ già gần trăm tuổi đều gọi Đại tướng với ngôn từ hết sức giản dị - “Cụ Giáp”. Trong các dịp kỷ niệm 40 năm, 50 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mặc dù tuổi cao, sức khỏe không cho phép, nhưng Đại tướng vẫn về thăm Điện Biên. Và điểm dừng chân đầu tiên mà Đại tướng đến là rừng Mường Phăng. Cánh rừng này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong Cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Đặc biệt là bởi, trong chiến dịch ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn nơi đây để đặt Sở chỉ huy chiến dịch. Và cũng tại nơi này, Đại tướng đã đưa ra một quyết định, mà như sau này Đại tướng từng nói: Đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân - quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định ấy đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, vang dội năm châu, chấn động địa cầu, khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Ngược dòng thời gian trở về với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cuối năm 1953, sau khi bị những đòn thua đau trên khắp các chiến trường ở Việt Nam, quân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để nhử, kéo chủ lực của ta đến để tiêu diệt hòng tìm “lối thoát trong danh dự” trên bàn đàm phán. Ngày 20-11-1953, quân Pháp nhảy dù xuống đây và xây dựng nơi này thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó, với khoảng 16.100 quân cùng nhiều trang bị, vũ khí hạng nặng. Chúng tổ chức phòng ngự thành 3 phân khu lớn với 8 trung tâm đề kháng cùng 49 cứ điểm liên hoàn, kiên cố có thể yểm trợ lẫn nhau. Ngoài ra, chúng có 2 sân bay để lập cầu hàng không tiếp tế. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ Cát (Christian de Castries), chỉ huy Tập đoàn cứ điểm, làm tan rã bộ máy chiến tranh và hệ thống cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, ghi một mốc vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước.
Người dân Việt Nam cũng như thế giới, nhắc đến Điện Biên Phủ là nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế nhưng, năm 2004, trong lần về thăm Điện Biên Phủ, Đại tướng lại khiêm nhường phát biểu trong nước mắt: “Tôi lên Điện Biên Phủ, cả ngày đêm nhớ anh em, nhớ những nấm mồ. Tôi có nói: “Đó là những chàng trai, cô gái Phù Đổng làm xong nhiệm vụ, đã bay lên trời. Tổ quốc, nhân dân ghi công còn nhớ mãi. Bản thân tôi, các anh chị có nói đến cống hiến, nhưng thật ra tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả”. Có lẽ, chính sự khiêm nhường ấy đã làm cho uy danh, đức độ của Đại tướng càng bay xa, được nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội và cả bạn bè quốc tế mến mộ và kính phục…
Tại Ban Quản lý di tích rừng Mường Phăng, anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ khu di tích ra tận sân tiếp đón và dẫn chúng tôi lên tầng 2 của căn nhà để thắp hương cho Đại tướng. Bàn thờ Đại tướng được làm bằng gỗ rừng, chưa kịp khô và để mộc. Cạnh phía bên trái của bàn thờ theo hướng nhìn vào là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mái đầu bạc trắng, ngực lấp lánh huân chương, huy chương đang tươi cười vẫy tay chào mọi người. Bàn thờ được bài trí đơn giản, có hoa mẫu đơn đỏ thắm, loài hoa có rất nhiều ở rừng Mường Phăng. Chờ cho mọi người lần lượt thắp hương xong, anh Hoàng mời chúng tôi ra uống nước. Anh rỉ rả tâm sự:
- Sáng 5-10, bà con Bản Phăng kéo đến đây cùng chúng tôi lập bàn thờ để thắp hương cầu cho linh hồn Đại tướng siêu thoát. Ở nơi sơn thẳm cùng cốc này, có được chiếc bàn thờ như thế là tốt lắm rồi! Bà con nơi đây vốn không trọng hình thức mà cốt là bởi tấm lòng thôi.
Linh thiêng “Rừng Đại tướng”
“Rừng Đại tướng”, hay còn gọi là “Rừng Cụ Giáp” được người dân cho là cánh rừng thiêng, tuyệt nhiên không ai được xâm phạm, chặt hoặc đốt phá. Thỉnh thoảng đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là các đoàn viên, thanh niên tự nguyện vào rừng dọn lá, tỉa cành, phòng cháy rừng. Trẻ em, học sinh vào “rừng Cụ Giáp” chơi đánh trận giả, trốn tìm... một cách thanh bình. Chẳng thế mà cả cánh rừng rộng tới 293,18 ha, riêng vùng lõi rộng tới 83,3 ha với rất nhiều loại cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao như dổi, vàng tâm, bối thuốc, xoan hương, xoan đào đường kính cỡ 60 cm - 70 cm này chỉ có 5 bảo vệ thay phiên nhau tuần tra, canh gác mà chưa hề xảy ra bất cứ hiện tượng chặt phá nào.
Trước khi vào thăm nơi làm việc của Đại tướng, anh Hoàng dẫn chúng tôi sang nhà bà Lò Thị Đôi, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Phăng và cũng là bà ngoại của anh ở ngay cổng của Ban quản lý di tích. Bà Đôi năm nay đã gần trăm tuổi và là người cao tuổi nhất ở địa phương, người đã từng giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi bắt đầu chọn cánh rừng này là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mắt bà Đôi đã mờ đục, lưng còng gập xuống, nhưng bước đi thì khá vững chãi, đặc biệt bà còn khá minh mẫn. Bà lấy cho chúng tôi xem ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004, khi về thăm Mường Phăng nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng dân tộc Thái, thỉnh thoảng bà lại đưa tay lên gò má nhăn nheo ngăn dòng nước mắt bởi cảm xúc thương nhớ. Bà Đôi cho biết, kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Cụ Giáp dặn bà ở lại tổ chức mổ bò, liên hoan khao quân và dân cho chu đáo. Năm 2004, khi lên thăm Mường Phăng, Đại tướng nói chuyện với bà gần 30 phút. Đại tướng dặn phải ăn uống điều độ, ngủ tốt, giữ gìn sức khỏe. Bà vẫn mong sống được đến dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, để đón Đại tướng như ngày nào. Nhưng giờ thì chẳng thể thực hiện được mong ước giản dị ấy…
Chia tay dòng cảm xúc của cụ Đôi, chúng tôi theo anh Hoàng vào “Rừng Đại tướng”. Vừa đi anh Hoàng vừa chia sẻ:
- Chẳng hiểu sao, tại nóc hầm của Cụ Giáp ở khi xưa có 2 cây dổi vàng tâm rất to, đẹp, thân cây thẳng tắp vươn lên mạnh mẽ và xanh tốt quanh năm. Vào mùa thu, mùa cây thay lá, nhưng hai cây này thay lá rất nhanh, khác với nhiều loại cây khác trong rừng.
Tại đây, tôi được tận mắt thấy khu thông tin, nhà giao ban, nhà Đại tướng ở và cả căn hầm nơi Đại tướng từng làm việc, nghiên cứu phương án tác chiến. Tìm hiểu qua anh Hoàng tôi được biết, những công trình trong Sở chỉ huy chiến dịch ngày nào đã được tu bổ trên nền cũ nhiều lần, tuy không được nguyên vẹn như thời kỳ đầu song vẫn tạo cho khách tham quan những cảm giác thật sự gần gũi về vị tướng, Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vào “Rừng Đại tướng” tôi như lạc vào khu sinh thái nguyên sơ. Đang mải tần ngần ngắm căn nhà nơi Đại tướng từng ở từ xa, tôi thấy vài người cầm ảnh một ông lão đứng chụp ảnh trước cửa căn nhà ấy. Lân la làm quen thì được biết, người trong ảnh là ông Itami Tadao, một họa sĩ người Nhật Bản vừa mất cách đây gần một tháng tại Sài Gòn. Lúc còn sống ông rất kính phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp, muốn được gặp Đại tướng, được đến Điện Biên Phủ, về Mường Phăng để tìm hiểu và vẽ cảnh vật, chân dung Đại tướng. Trước lúc mất ông đã trăng trối lại với cô con gái nuôi Đoàn Thị Ngọc Anh phải mang di ảnh của ông đến Điện Biên Phủ, thăm lại chiến trường xưa của Việt Nam. Chị Anh chia sẻ:
- Từ lâu mình đã rất kính phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đến Điện Biên thì được tin Đại tướng mất. Sau khi thăm các di tích ở Điện Biên Phủ mình sẽ về Hà Nội, mang theo di ảnh của bố nuôi đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.
Chiều thu ở Mường Phăng, nắng vàng nhạt trải đều trên những ngọn cây cao vút. Con suối cạn bên đường chảy róc rách hòa với tiếng gió du dương. Cảnh vật còn đây, nhưng người đã về chín suối. Đồng bào Mường Phăng và cả nước tiếc thương một con người, vị anh hùng dân tộc hết mình vì độc lập, tự do; đã góp phần nâng tầm Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Khi nắng thu đã tắt, những đoàn khách đến thăm “Rừng Đại tướng” lặng lẽ ra về. Gió thu như ngừng thổi, cây lá trong “Rừng Đại tướng” lặng im, khoảng lặng ấy như cứa vào lòng người, như đang hướng về vong linh Đại tướng, như cùng đồng bào các dân tộc Điện Biên, Mường Phăng tiếc thương một trái tim vĩ đại đã đi vào cõi vĩnh hằng./.
Tuyên bố chung làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới  (16/10/2013)
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”  (16/10/2013)
Bế mạc phiên họp 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII  (16/10/2013)
Thủ tướng tiếp Phó Thủ tướng thứ nhất của Liên bang Nga  (16/10/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên