Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16-9 đến ngày 22-9-2013)
1. Phát hành Sách Trắng về công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2013
Ngày 16-9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ công bố phát hành Sách Trắng về công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2013. Sách Trắng về công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2013 cung cấp thông tin, số liệu thuộc các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông; công nghiệp công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông; phát thanh - truyền hình; ứng dụng công nghệ thông tin; nguồn nhân lực; an toàn thông tin. Cuốn sách cũng tiếp tục cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quốc gia về công nghệ thông tin - truyền thông; các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam; các sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông nổi bật; các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu tại Việt Nam. Ngoài những nội dung cơ bản như mọi năm, Sách Trắng 2013 còn bổ sung thêm nhiều nội dung hữu ích như: số thuê bao 3G, số doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực công nghệ thông tin, doanh thu lĩnh vực phát thanh - truyền hình, số liệu đào tạo nghề công nghệ thông tin - truyền thông, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, danh sách các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin.
2. Nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho thiếu nhi dịp Tết Trung thu
* Hà Nội: Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp cùng các nhà tài trợ tổ chức chương trình “Trung thu hồng” với nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho các em, nhằm góp phần làm vơi đi phần nào nỗi đau bệnh tật. Sân chơi cho các em được tổ chức theo hình thức “Hội chợ” với nhiều gian hàng thú vị như: Tô tượng, vẽ tranh cát, phát sách vở miễn phí, nặn tò he, vẽ chân dung, cắt tóc miễn phí và nhiều chương trình chơi hấp dẫn khác. Đặc biệt, mỗi em nhỏ được tặng một phần quà gồm sữa, bánh trung thu và đèn ông sao. Đặc biệt chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” với sự tham gia tình nguyện của các nghệ sĩ như là những đêm cỗ đặc biệt, đem Tết Trung thu đến với 1.600 bệnh nhân đang điều trị. Tất cả số tiền quyên góp được trong dịp Trung thu sẽ được tặng cho những trường hợp bệnh nhân khó khăn nhất của bệnh viện.
* Vĩnh Long: Ngày 17-9, tỉnh Vĩnh Long trích ngân sách trên 120 triệu đồng tổ chức 9 đoàn cán bộ đi thăm, tặng bánh Trung thu, lồng đèn, tổ chức vui Trung thu cho gần 3.900 em thiếu nhi nghèo, trẻ em vùng sâu, trẻ em con đồng bào dân tộc thiểu số. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tỉnh Vĩnh Long vận động được 700 phần quà Trung thu cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đồng thời dịp này, mỗi, huyện, thị xã, thành phố và mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh còn vận động từ nhiều nguồn tặng thêm hàng ngàn phần quà cho trẻ em nghèo vui Trung thu.
* Kon Tum: Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Kon Tum đã trích 82,5 triệu đồng để tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Kon Tum đã vận động, khuyến khích các tổ chức chính trị, xã hội, từ thiện,… thăm, tặng quà và tổ chức Tết Trung thu cho các em thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
* Cà Mau: Nhân dịp Tết Trung thu, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã trích ngân sách hơn 170 triệu đồng mua khoảng 900 suất quà tặng trẻ em ở Làng trẻ SOS, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, Mái ấm tình thương, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - Mồ côi nhân ái,...
* Đắk Lắk: Ngày 17-9, tại Quảng trường huyện Lắk, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk và Ủy ban nhân dân huyện Lăk tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em nghèo trên địa bàn huyện. Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao 60 suất học bổng trị giá 500 nghìn đồng, 275 suất trị giá 200 nghìn đồng tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số vượt khó vươn lên học giỏi, 700 phần quà và 1000 lồng đèn cho các em tham dự đêm hội. Ủy ban nhân dân huyện Lăk cũng trao 50 suất quà cho các em khuyết tật trên địa bàn huyện.
* Hậu Giang: Ngày 17-9, tại trường tiểu học Vĩnh Trung 4, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, Tỉnh đoàn Hậu Giang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đón Trung thu cho 250 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Các em thiếu nhi từ 6 - 14 tuổi là trẻ mồ côi đang sinh sống tại 2 nhà trẻ Hoa Mai trong tỉnh, trung tâm Ánh Dương, học sinh khuyết tật của trường dạy trẻ khuyết tật Hậu Giang và các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đã được đón Trung thu với nhiều hoạt động vui tươi, ý nghĩa.
* Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhân dịp Tết Trung thu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức các hoạt động đón Tết Trung thu và trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Gần 2.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được nhận quà Tết Trung thu và học bổng; trong đó các em là con gia đình chính sách, trẻ em nghèo hiếu học, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật học giỏi cũng đã được nhận học bổng vào dịp này, với mức học bổng là 1.000.000 đồng/em.
* Hưng Yên: Với phương châm mọi trẻ em đều có Tết Trung thu, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm đặc biệt tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở những xã nghèo, nơi điều kiện vui chơi giải trí còn thiếu thốn. Mỗi huyện, thành phố dành hơn 20 suất học bổng tặng các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em tiếp bước đến trường trong năm học mới; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí hướng tới các sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, tổ chức lễ đón trăng, phát quà cho trẻ em,... Ngoài ra, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã dành 250 triệu đồng tặng hơn 80 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, hơn 600 suất quà cũng được trao tặng tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em đang học tập tại 2 trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh; tặng thiết bị vui chơi cho Trường mầm non xã Tân Tiến (Văn Giang), Trường mầm non xã Trung Dũng, Trường phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ (huyện Tiên Lữ).
* Phú Yên: Ngày 19-9, tổ chức Đoàn các xã, phường, thị trấn tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh địa phương tổ chức nhiều hoạt động vui Tết Trung thu cùng hơn 20.000 trẻ trong tỉnh. Tại các điểm vui Tết Trung thu, các em được chơi các trò chơi dân gian bổ ích đậm đà bản sắc dân tộc như: Múa lân, kể sự tích chị Hằng - chú Cuội, thi lồng đèn, bịt mắt đập nồi đất, chuyền bong bóng,…; trao quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương.
3. Kỳ họp lần thứ 31 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cu-ba
Sau 3 ngày làm việc, ngày 19-9, kỳ họp lần thứ 31 Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Cu-ba về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật đã bế mạc tại Hà Nội.
Tại kỳ họp, hai đoàn đại biểu Việt Nam và Cu-ba đã làm việc tích cực với tinh thần hợp tác và khẩn trương, hai bên đã đi đến ký kết biên bản kỳ họp thứ 31 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cu-ba. Những kết quả đạt được trong kỳ họp 31 là sự nỗ lực triển khai thực hiện của các bộ, ban ngành, doanh nghiệp hai bên, chứng tỏ quyết tâm và nỗ lực của mỗi bên nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục nhằm mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, xứng tầm với quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp trong hơn nửa thế kỷ qua. Đây cũng là cơ sở pháp lý để hai bên phối hợp triển khai một cách hiệu quả những nội dung, hoạt động, chương trình, dự án hợp tác mà hai bên đã xác định. Nội dung của kỳ họp lần này tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ sinh học và y tế, thương mại, khoa học công nghệ,... nhằm góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ hai bên, đáp ứng mong muốn của nhân dân hai dân tộc anh em Việt Nam - Cu-ba trong thời gian tới.
4. Kỷ niệm 40 năm lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam
Ngày 19-9, tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh Quảng Trị, đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày lãnh tụ Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) tới thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9-1973 - 9-2013).
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã ôn lại chuyến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam của lãnh tụ cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô. Ngày 15-9-1973, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã vượt nửa vòng trái đất sang thăm Việt Nam khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Chủ tịch Cu-ba đã đến thăm và dự mít tinh tại cao điểm 241 Tân Lâm, vốn là căn cứ lớn của Mỹ mới được ta giải phóng, còn ngổn ngang xác xe tăng, thiết giáp, đại bác của địch.
Tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khẳng định, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô - Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đặt chân tới tuyến lửa vừa mới được giải phóng, chính là nguồn động viên và cổ vũ to lớn đối Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhân dân Việt Nam không quên câu nói bất hủ của Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại tình cảm đặc biệt giữa Cu-ba với Việt Nam, thể hiện tình cảm của người dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung với Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô.
5. Kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản
Ngày 20-9, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2013).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân nhấn mạnh những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Có thể khẳng định đây là thời điểm quan hệ giữa hai nước đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay và Năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013 là cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước.
Nhấn mạnh mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp hơn giai đoạn hiện nay, ông Ha-ru-mit-su Hi-da, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực không ngừng thay đổi, Nhật Bản và Việt Nam vẫn luôn vun đắp xây dựng lịch sử các mối quan hệ giao lưu và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển hơn nữa trên cơ sở là đối tác chiến lược “tự nhiên” của nhau.
Hiện nay, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn nhất, một trong ba đối tác thương mại song phương quan trọng nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 25 tỷ USD trong năm 2012 và dự kiến đạt 29 tỷ USD vào năm 2013. Về đầu tư trực tiếp, tính đến tháng 8-2013, Nhật Bản đã có 1.900 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 33 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, bất chấp những khó khăn trong nước, Nhật Bản vẫn là quốc gia cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiểm khoảng 30% tổng vốn cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
6. Tưởng niệm 571 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi
Ngày 20-9, tại Đền thờ Nguyễn Trãi, Khu di tích Côn Sơn, phường Cộng Hoà, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức đại lễ tưởng niệm 571 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (1442 - 2013).
Tại buổi Lễ, đồng chí Lương Văn Cầu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương đã đọc diễn văn tưởng niệm ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi. Sau diễn văn tưởng niệm và văn tế Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, các đại biểu và du khách trong và ngoài nước đã dâng hương tưởng niệm tại chùa Côn Sơn và đền thờ Trần Nguyên Đán.
Trước đó, tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã diễn ra Lễ rước văn từ chùa Côn Sơn tới Khu Đền thờ Nguyễn Trãi với sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương cùng với du khách trong và ngoài nước. Ngày 19-9, cũng tại Khu Đền thờ Nguyễn Trãi, Ban tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2013, Tỉnh hội phật giáo Hải Dương đã tổ chức lễ cầu siêu, cầu cho quốc thái, dân an.
7. Kỷ niệm 68 năm Ngày Nam bộ kháng chiến
Ngày 21-9, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 68 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2013).
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ôn lại diễn biến, ý nghĩa lịch sử của sự kiện Nam bộ kháng chiến - ngày 23-9-1945 và nhấn mạnh: Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ đã tạo ra thời gian và điều kiện để Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài trong cả nước. Tinh thần đại đoàn kết, kiên cường đấu tranh cho độc lập dân tộc là truyền thống quý báu của nhân dân ta, được ngời sáng trong Nam bộ kháng chiến, được tiếp tục gìn giữ và nâng cao trong nhiều năm đấu tranh gian khổ tiếp theo và cả trong thời bình xây dựng đất nước.
Năm 2013, kỷ niệm 68 năm ngày Nam bộ kháng chiến, cũng là 38 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã kế thừa và không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần năng động, sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong thời kỳ cách mạng mới trên các lĩnh vực và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Tại Lễ kỷ niệm, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ cũng đã thể hiện quyết tâm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; trong đó, việc xây dựng và tổ chức chính quyền đô thị trong thời gian tới đây với vai trò là một đô thị đặc biệt sẽ giúp cho Thành phố tiếp tục phát triển một cách năng động hơn, xứng danh là thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại - Thành phố anh hùng.
8. Đại lễ tưởng niệm 713 năm ngày mất Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2013
Ngày 21-9, tại đền Vạn Kiếp, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, Ủy Ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 713 năm ngày mất Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và chính thức Khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2013.
Buổi lễ diễn ra long trọng gồm lễ rước bộ, hội trống và múa rồng. Sau diễn văn tưởng niệm 713 năm Ngày mất Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và văn tế, các đại biểu và nhân dân đã dâng hương tưởng niệm ngày mất của vị Anh hùng dân tộc; dâng hương tại đền Nam Tào, Bắc Đẩu.
Sau Lễ tưởng niệm Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, đã diễn ra Lễ Hội quân trên sông Lục Đầu. Đây là một cuộc diễu binh bằng thuyền tái hiện lại cảnh ra quân của tướng lĩnh nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Thuyền tham gia Lễ được trang hoàng rực rỡ, trên cắm cờ xí thời Trần và chia thành 2 đội, đội mặc áo màu vàng và đội mặc áo đỏ từ hai phía Nam Tào, Bắc Đẩu tiến về đoạn Lục Đầu Giang trước cửa đền Kiếp Bạc. Trên bờ, các đội múa rồng lân, đội võ Nhất Nam cùng tham gia biểu diễn. Trong khi các thuyền giao nhau dưới nước, trên bờ, các đội cờ, đội gậy, đội võ hò reo theo nhịp trống vô cùng náo nhiệt./.
Xây dựng lối sống đô thị trong bối cảnh đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay  (26/09/2013)
Giải thoát trước, giải pháp sau  (26/09/2013)
Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp  (25/09/2013)
Đoàn công tác của Bộ Chính trị làm việc với Hà Nội  (25/09/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay