Yên Bái vươn lên theo lời Bác dặn

Nguyễn Thành Công
20:52, ngày 21-09-2013

TCCSĐT - Cách đây 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, nói chuyện và dặn dò cán bộ lãnh đạo và toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất đồng bào Yên Bái được đón Bác về thăm. Sự kiện này là nguồn động viên to lớn giúp cho Yên Bái đạt được những bước phát triển quan trọng.


Chiều ngày 24-9-1958, hàng trăm đại biểu, đại diện cho nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đến đón Bác tại sân ga. Cùng đi với Bác hôm đó, có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Lê Dung, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, cùng một số cán bộ, chuyên viên Trung ương. Ngay trong buổi chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh.

Sáng ngày 25-9-1958, tại sân vận động thị xã Yên Bái, hàng ngàn người đã tập trung về dự lễ mít tinh, nghe Bác Hồ nói chuyện, căn dặn. Buổi nói chuyện đã để lại cho nhân dân Yên Bái và đồng bào cả nước những ý nghĩa sâu sắc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc trong tỉnh Yên Bái nói riêng là vấn đề cốt lõi làm nên mọi thắng lợi

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, nhất quán và lâu dài, xuyên suốt tiến trình cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần nhấn mạnh luận điểm này. Người cho rằng: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó”(1). Hay: “Bây giờ còn một luận điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì sẽ đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”(2).

Chính vì lẽ đó, trong buổi nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, điều đầu tiên Người nhắc đến chính là vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Người chỉ rõ: “Tỉnh nhà có 10 dân tộc anh em. Trước kia bọn thực dân phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh có được những tư tưởng hết sức vĩ đại, nhưng Người luôn trình bày và mô phỏng vấn đề một cách rất gần gũi, giản dị để mọi người dễ biết, dễ hiểu. Nói về vấn đề đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, Người đưa ra một ví dụ rất đơn giản để đồng bào ai cũng hiểu được: “Ví dụ: 10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xòe 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó. Đó là điểm thứ nhất tại sao phải đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc”(4). 

Toàn thể đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái lắng nghe từng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghe Người giải thích, ai ai cũng hiểu một điều, “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”(5).

“Phải tăng gia sản xuất”, phát triển kinh tế tỉnh nhà

Tăng gia sản xuất chính là hoạt động để cải thiện đời sống nhân dân. Sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ thì đời sống mới được cải thiện. Sản xuất và đời sống như nước với thuyền, nước dâng cao thì thuyền mới lên cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đồng bào tỉnh Yên Bái: “Trước kia chúng ta khổ vì thực dân phong kiến bóc lột. Bây giờ chúng ta đã được thoát khỏi, chúng ta phải làm thế nào cho sướng hơn. Muốn sướng hơn phải ǎn no mặc ấm. Muốn ǎn no mặc ấm phải làm thế nào? Phải tǎng gia sản xuất!”(6).

Không chỉ đưa ra nhiệm vụ cần tăng gia sản xuất, Người cũng chỉ ra hướng đi và cách làm cho đồng bào Yên Bái. Đầu tiên, đồng bào phải sống định canh. Người chỉ rõ: “Song có một số đồng bào nǎm nay làm chỗ này, nǎm sau làm chỗ khác. Có đúng thế không? Như thế không tốt. Ví dụ như cây bưởi nǎm nay trồng chỗ này sang nǎm trồng chỗ khác thì không tốt. Phải trồng một chỗ thì rễ mới sâu, nhành mới tốt, quả mới tốt. Như thế đồng bào cần cố gắng phải làm ǎn định canh”(7). Tiếp theo đó, “là nên tǎng vụ. Những ruộng làm một mùa cố gắng làm cả chiêm, cả mùa. Ruộng một vụ gặt được nhiều hay hai vụ gặt được nhiều? Và “Đồng bào biết làm phân bón hơn trước nhưng còn hơn một nửa số ruộng cấy chay. Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm có lớn được không? Lúa không có phân có tốt không?” (8).

Một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, mà ở đây là đoàn kết trong lao động, sản xuất. Người nói: “Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được”(9). Người còn nhấn mạnh thêm: “Muốn tǎng gia sản xuất tốt phải có tổ chức, phải có tổ đổi công”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ví dụ: “nông thôn làm ǎn riêng lẻ 1 - 2 nhà thì không tốt, làm ít kết quả, 5-10 nhà cùng làm thì nhanh hơn, tốt hơn. Cho nên phải vào tổ đổi công. Thế nào là tổ đổi công? Không phải đánh trống, đếm đầu người 1,2,3 rồi báo cáo lên huyện, lên tỉnh”(11). Bên cạnh việc hướng vào đối tượng người dân lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở những người làm công tác vận động quần chúng cần khéo léo trong từng hành động: “Tổ đổi công phải thật sự giúp đỡ nhau, chứ không phải chỉ khai trên giấy. Không phải là cầm tay dắt cổ bảo “anh phải vào tổ đổi công” mà phải làm cho đồng bào tự nguyện tự giác”(12). Những lời dạy của Người chính là động lực, là kim chỉ nam cho hành động của công cuộc phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Phải thực hành tiết kiệm và từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề tiết kiệm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô. Người cho rằng, để giàu mạnh, bên cạnh tăng gia sản xuất, tiết kiệm đóng vai trò quan trọng. Người chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(13).

Trong buổi nói chuyện với đồng bào tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra câu hỏi: Vì sao phải tiết kiệm? Người lấy ví dụ hết sức đơn giản, dễ hiểu: “mỗi gia đình trước kia thu được 1 tấn. Bây giờ nhờ có phân bón nên được 2 tấn. Thế là có tǎng gia. Tǎng gia nhiều đấy. Nhưng làm được bao nhiêu lại chén hết, như thế kết quả cũng như không”(14). Bên cạnh đó, Người cũng chỉ ra những điểm tốt, những khuyết điểm cho đồng bào thấy được: “Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng, đi vay nợ. Như thế là không tốt. Mà đã không tốt là xấu. Đã xấu thì phải sửa. Đám cưới như thế, đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ, nhưng cũng cứ phải chén. Thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng(15).

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra một ví dụ và phân tích để đồng bào hiểu sâu sắc hơn: “Bây giờ ví dụ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt một dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành được nửa kilô. Trong kháng chiến chúng ta đã làm được. Làm như thế trong tỉnh nhà, mỗi nǎm tiết kiệm được 750 tấn gạo. Với 750 tấn gạo đồng bào làm được bao nhiêu việc to tát. Trước kia, ta phải đưa gạo ở dưới xuôi lên. Đồng chí Chủ tịch có cho biết là vừa rồi cũng phải đưa lên 300 tấn. Nếu tiết kiệm được như trên thì không phải đưa gạo ở dưới xuôi lên”(16). Nói rồi, Người khẳng định: “Làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không? Không dễ. Mà phải có tổ chức”(17).

Thực hiện lời dạy của Người 55 năm về trước, trong những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phấn đấu nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực. Ghi nhận quá trình phấn đấu hy sinh và cống hiến của Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh, ngày 23-6-2003, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định phong tặng cán bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn tỉnh đã có 7/9 huyện, thị xã, thành phố, 12 xã, phường được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, 1 huyện và nhiều đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới. Đó là thành quả từ trí tuệ, mồ hôi, xương máu của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh qua nhiều thế hệ.

Khắc ghi lời dạy của Người, tận dụng những thế mạnh, vượt qua thử thách, trong những năm gần đây, với sự đoàn kết thống nhất, năng động, tích cực tập trung chỉ đạo thực hiện khắc phục những khó khăn, tồn tại, tập trung các giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển tăng trưởng khá. Năm 2012, tỉnh Yên Bái đã đạt được một số thành tựu quan trọng:

Về phát triển kinh tế, vượt qua nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 12,11%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.851 tỷ đồng, tăng 14,6% so năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,5 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2011. Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì được sự phát triển, bảo đảm đời sống của người nông dân. Cải tạo trồng mới giống chè năng suất, chất lượng được 590ha. Trồng mới được 15.017ha rừng, trong đó trồng rừng sản xuất tập trung 14.198,8ha. Chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích cao su, hiện có là 687,2ha; trồng mới được 300ha.

Đề án phát triển giao thông nông thôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của của các cấp, các ngành và sự ủng hộ tích cực của nhân dân các địa phương, một số địa phương có tiến độ thực hiện nhanh và hoàn thành kế hoạch. Năm 2012, toàn tỉnh hoàn thành kiên cố đường bê tông với tổng chiều dài đạt 131km, (kế hoạch là 120,7km), bằng 108,5% kế hoạch; đường đất mở mới với tổng chiều dài đạt 348km, (kế hoạch là 346,6km), bằng 100,4% kế hoạch.

Kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả, tổng nguồn vốn ODA và NGO thực hiện đạt 368 tỷ đồng, một số dự án sử dụng vốn ODA như dự án Bệnh viện đa khoa 500 giường; dự án Giảm nghèo giai đoạn II, dự án năng lượng điện nông thôn II cơ bản bảo đảm tiến độ.

Thương mại, dịch vụ có những bước chuyển khá. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 20,47% so với năm 2011; kim ngạch xuất khẩu trực tiếp tăng cao (23,4%) so năm 2011, đạt 44,3 ngàn USD; dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách tiếp tục tiến bộ về chất lượng; viễn thông phát triển mở rộng tiện ích và vùng phủ sóng, mật độ điện thoại đạt 48 máy/100 dân.

Về phát triển văn hóa - xã hội, trên lĩnh vực giáo dục, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục có chuyển biến nâng lên, năm học 2011 - 2012 tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 98,89%, hệ bổ túc THPT đạt 97,53%; đạt 29 giải học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia. Kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì, giữ vững.

Trên lĩnh vực y tế, hoạt động khám chữa bệnh, thường trực cấp cứu phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ; đã khám chữa bệnh cho trên 1.389.803 lượt người, trong đó khám tại phòng khám đạt trên 1.308.629 lượt người, điều trị nội trú cho 85.677 lượt bệnh nhân.

Trên lĩnh vực công tác xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công và các chính sách xã hội; bảo đảm hiệu quả công tác an sinh và phúc lợi xã hội, thực hiện trợ cấp khó khăn, hỗ trợ gạo, mua thẻ bảo hiểm y tế, chi trả tiền điện cho hộ gia đình nghèo theo đúng chế độ. (Trợ cấp thường xuyên cho 19.379 đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng. Trợ cấp nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh cho 71 người, trong đó: 11 người già cô đơn không nơi nương tựa, 60 trẻ em mồ côi. Tiếp nhận và phân bổ 1.282,8 tấn gạo cứu đói cho 26.982 lượt hộ, trong đó hỗ trợ 377 tấn gạo cho 9.505 hộ thiếu đói dịp Tết Nguyên đán; 905,6 tấn gạo cho 17.477 hộ thiếu đói giáp hạt). Tạo việc làm mới cho 17.700 lao động (xuất khẩu lao động đạt 590 người)).

Để xứng đáng với sự kỳ vọng của Người: “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi, liệu các cô các chú có hứa với Bác thực hiện được không?”(18), thời gian tới, Yên Bái tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 cho kế hoạch 2012 bảo đảm khả thi. Chủ động rà soát, điều chỉnh các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp sát thực, thích hợp, bảo đảm phát triển bền vững.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; thực hiện lập, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết các huyện, thị xã, thành phố, quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm và quy hoạch sử dụng đất các cấp. Công bố công khai các quy hoạch đã được phê duyệt và tổ chức quản lý thực hiện tốt các quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các ngành, các huyện và cấp xã nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và biện pháp thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bốn là, chủ động, tích cực thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế; từ ngoài tỉnh, đồng thời khai thác, sử dụng tốt nội lực, quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, đất đai, rừng; tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác, chủ động trong tiếp cận các nhà tài trợ, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp và một số dự án mới từ các nhà tài trợ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),... Thực hiện tốt cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội;

Năm là, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh trong quản lý, điều hành gắn với tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở 3 lĩnh vực khoáng sản, lâm sản và thu ngân sách.

Sáu là, chăm lo thực hiện tốt các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, bảo đảm tốt an sinh xã hội; thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bảy là, tăng cường quốc phòng, an ninh; tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Duy trì nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; cập nhật, phản ánh kịp thời các vấn đề nảy sinh ở cơ sở.

Tám là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện; nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đốc thúc kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực còn yếu, còn chậm, còn trì trệ, nhất là các nhiệm vụ đã được tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Thực hiện giám sát cộng đồng theo Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 28-8-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020. Theo đó, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020 với một số nội dung chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2015 là 13,5%, thời kỳ 2016 - 2020 là 14,0%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp xây dựng - Dịch vụ - Nông, lâm nghiệp năm 2015 là 41% - 34% - 25%, năm 2020 là 45% - 37% - 18%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 25 triệu đồng trở lên, năm 2020 là 59 triệu đồng. Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn năm 2015 là 1.700 tỷ đồng, năm 2020 là 5.200 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm 2011 - 2015 khoảng 34.000 tỷ đồng, 5 năm 2016 - 2020 khoảng 70.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 18.000 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 là 45%, năm 2020 là 55%... 

Đề hoàn thành tốt những nội dung trên, quan trọng hơn cả, vẫn là sự đồng lòng, đồng sức, đại đoàn kết toàn dân của nhân dân tỉnh Yên Bái để vượt qua những khó khăn, thử thách. Phấn đấu xây dựng Yên Bái trở thành một tỉnh giàu mạnh, phát triển, đúng như mong muốn của Người ./.

-------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 07, tr. 392

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 10, tr. 607

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 11, tr. 154

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 05, tr. 642

(18) Bác Hồ với Yên Bái, Yên Bái với Bác Hồ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái

(3), (4), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (14), (15), (16), (17): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t. 9, tr. 232 - 234