Xây dựng doanh nghiệp nhà nước xứng đáng là nòng cốt của nền kinh tế quốc dân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI
Về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước
Thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại một bước quan trọng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt Nhà nước cần nắm giữ; góp phần quan trọng để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo: ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thế và lực của đất nước.
Doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm trong nước, tổng thu ngân sách, kim ngạch xuất, nhập khẩu, hợp tác đầu tư với nước ngoài; là lực lượng quan trọng trong thực hiện các chính sách xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm nhiều sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp nhà nước đã ngày càng thích ứng hơn với cơ chế thị trường, cơ cấu và quy mô doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh hợp lý hơn; trình độ công nghệ và quản lý có nhiều tiến bộ, hiệu quả và sức cạnh tranh từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, như thể chế, cơ chế quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước vẫn còn những sơ hở, bất cập, chưa thực sự làm tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu chưa hợp lý, còn dàn trải, một bộ phận quy mô còn nhỏ, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả; trình độ công nghệ lạc hậu, quản trị yếu kém nên năng suất lao động thấp, chưa thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Qua phân tích tình hình, tổng kết thực tiễn, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên được xác định là do chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với doanh nghiệp nhà nước; việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về doanh nghiệp nhà nước còn chậm và có nhiều thiếu sót; nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có một số suy thoái về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật.
Tiếp tục xây dựng doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt của nền kinh tế quốc dân
Trước tình hình trên, việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là một yêu cầu cấp bách. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết cần thống nhất nhận thức rằng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; là lực lượng vật chất quan trọng; là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo những quy luật khách quan của kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước và chịu sự chi phối, giám sát toàn diện của chủ sở hữu là Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục được sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả để có cơ cấu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng. Đổi mới và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước.
Để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu:
Một là, hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư. Hoàn thiện cơ chế tài chính để bảo đảm người lao động có mức thu nhập hợp lý, doanh nghiệp có lãi, thu hút được nguồn lực của xã hội tham gia. Mở rộng chế độ đấu thầu, đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch cụ công ích. Đối với các doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, quốc phòng, an ninh hoặc bình ổn giá, thì Nhà nước có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp hạch toán kinh doanh bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Đổi mới quản trị để doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Có cơ chế quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị,... của doanh nghiệp. Rà soát, đánh giá để bố trí đúng cán bộ chủ chốt tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động hiệu quả.
Ban hành quy định công khai kết quả, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và trách nhiệm giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đồng thời với chế độ công bố minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, đánh giá cán bộ quản lý ở doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp.
Hai là, triển khai thực hiện tốt nghị định của Chính phủ mới ban hành về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Ba là, thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, định hướng chung đến năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ tại một số ít doanh nghiệp đặc biệt quan trọng, liên quan đến thực hiện nhiệm vụ an ninh - quốc phòng và độc quyền nhà nước. Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tùy theo mức độ quan trọng của lĩnh vực hoạt động, ngành, nghề kinh doanh, Nhà nước xem xét giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần. Nhà nước coi cổ phần hóa là một công cụ quan trọng nhằm tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản nhà nước, huy động thêm nguồn lực xã hội vào phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp đổi mới quản trị và đặc biệt là tăng cường sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp thông qua vai trò giám sát của xã hội và các cổ đông.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc diện Chính phủ phê duyệt điều lệ; các bộ, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của các tổng công ty nhà nước còn lại. Mục tiêu là đến năm 2020 nước ta có một số doanh nghiệp đạt tầm khu vực, bao gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, như dầu khí, điện lực, công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, viễn thông, lương thực, cao su, hóa chất, hàng không, xăng dầu, ngân hàng...
Sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hóa để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại, nhất là đất đai, định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, công nợ, chế độ đối với người lao động, ngăn ngừa thất thoát tài sản. Áp dụng hình thức thuê đất theo quy định đối với doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp trả tiền thuê đất hằng năm theo giá trị trường, giá thuê đất không tính vào giá trị doanh nghiệp. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo đúng quy hoạch, quy định của pháp luật về đất đai. Giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa phải được xác định thực sự theo nguyên tắc thị trường.
Phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tổng kết việc xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước, khắc phục nợ dây dưa, chiếm dụng vốn. Đánh giá và có biện pháp phát huy công cụ mua, bán nợ của doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán.
Đẩy mạnh việc thoái vốn nhà nước đối với những khoản vốn doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải ngành kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính và vốn nhà nước ở các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.
Thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo những quan điểm chỉ đạo, định hướng và giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã đề ra./.
Tăng cường tuyên truyền về Đại hội Mặt trận Tổ quốc  (04/09/2013)
Diễn biến mới xung quanh kế hoạch tấn công Xy-ri  (04/09/2013)
Mong muốn Công ty Gazprom Neft tiếp tục mở rộng hợp tác với PVN  (04/09/2013)
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong tình hình mới  (04/09/2013)
Dự án VNREDSat-1 đã đánh dấu mốc Việt Nam trong không gian  (04/09/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên