Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-8 đến ngày 25-8-2013)
1. Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2013)
* Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 19-8, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2013). Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, đại diện cho giai cấp lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son đã bày tỏ lòng biết ơn, tự hào và nguyện kế thừa sự nghiệp của Bác Tôn; ra sức thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, tạo hiệu quả kinh tế ngày càng cao, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, ngày 18-8, Ban Tổ chức các ngày lễ lớn của Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980)” tại Cung Văn hóa Lao động và Triển lãm “Bác Hồ - Bác Tôn, tình bạn và tấm gương mẫu mực” tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Tại các điểm triển lãm, Ban Tổ chức đã giới thiệu gần 200 hình ảnh, thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng như tình bạn, tình đồng chí cao cả, gắn bó keo sơn trong mọi chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
*An Giang: Ngày 20-8, tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cùng với thân tộc Bác Tôn và đông đảo nhân dân thành phố Long Xuyên đã tổ chức trang trọng lễ dâng hoa, dâng hương Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2013). Trong dịp này, tỉnh An Giang còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, triển lãm tranh ảnh về thân thế và sự nghiệp của Bác Tôn; khánh thành tượng Bác Tôn đặt tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, thành phố Long Xuyên.
2. Bế mạc Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Ngày 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã bế mạc Phiên họp thứ 20. Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Sau một tuần làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thảo luận 7 dự án, trong đó có 4 dự án luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến sau khi Quốc hội đã thảo luận, 3 dự án luật cho ý kiến lần đầu; cho ý kiến về Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; Nghị định về hoạt động kinh doanh ca-si-nô.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009 - 2013, đề xuất Phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014; đặc biệt là giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thiết thực phục vụ Hội nghị Trung ương sắp tới và việc ban hành Nghị quyết về giáo dục đào tạo; Nghị quyết đổi mới chương trình - sách giáo khoa thực hiện sau năm 2015 và một số nội dung quan trọng khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm nay.
3. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”
Ngày 22-8, Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” đã khai mạc tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển lãm bao gồm các nhóm tư liệu chính: Phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do Việt Nam, do các nước phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; bốn cuốn Atlas (tập bản đồ chính thức) do Nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1917, 1919, 1933 cùng một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây.
Triển lãm được tổ chức với mục đích góp phần khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, giúp bạn bè quốc tế, trong đó có người dân Trung Quốc hiểu được mong muốn của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Triển lãm cũng một lần nữa khẳng định ý chí quyết tâm của người dân Việt Nam trong việc bảo vệ mỗi tấc đất, vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm được tổ chức cũng là một cách tri ân đồng bào, đồng chí ở trong và ngoài nước đã dày công sưu tầm, lưu giữ, truyền tải tới thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu quý giá về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
4. Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Ngày 24-8, tại Thủ đô Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã long trọng tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có 150 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc, đại diện cho gần 3.000 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong toàn quân về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Qua hơn 2 năm qua học tập và làm theo lời Bác, toàn Đảng bộ Quân đội đã có mô hình “Tự soi, tự sửa”; các tổ chức đảng và cán bộ chủ trì các cấp tự kiểm điểm, chỉ ra khuyết điểm, hạn chế, đăng ký sửa chữa, khắc phục và công khai kết quả sửa chữa, tiến bộ trước đơn vị. Toàn quân đã thực hiện “3 khâu đột phá”: Thực hiện dân chủ, chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự, đổi mới phương pháp, tác phong công tác,…
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ đã thực sự góp phần đẩy mạnh xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, phức tạp, Quân đội luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, đội quân chiến đấu, đội quân công tác tuyệt đối tin cậy và trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục tỏa sáng trong thời kỳ mới.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã biểu dương, tôn vinh và tặng Bằng chứng nhận đối với 50 tập thể, 100 cá nhân có thành tích xuất sắc toàn quân trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ năm 2011 đến năm 2013. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định: thưởng một bậc lương, chuyển công nhân viên chức quốc phòng, chuyển quân nhân chuyên nghiệp, thăng quân hàm trước niên hạn cho 18 cá nhân điển hình tiên tiến toàn quân trong học tập và làm theo lời Bác.
5. Ngày hội giới trẻ 2013
Ngày 25-8, tại Công viên Gò Đống Đa, thành phố Hà Nội, Chi hội 27 Tháng 2, trực thuộc Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức “Ngày hội giới trẻ - Youth day 2013”. Với thông điệp “Tôi tự hào - Tôi người Việt Nam”, ngày hội đã thu hút hơn 10.000 người tới dự và tham gia các hoạt động vì cộng đồng, kết nối những trái tim chung mục đích, chung lý tưởng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển và tươi đẹp hơn.
Tại ngày hội, hơn 2.100 thanh niên đã tham gia hiến 1.702 đơn vị máu phục vụ công tác điều trị trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2-9 sắp tới. Tham gia hoạt động nhân văn này, các bạn trẻ đã rất nhiệt tình và vui vẻ, tình nguyện đóng góp một phần sức mình, tiếp thêm sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan đến máu.
Trong khuôn khổ “Ngày hội giới trẻ - Youth Day 2013”, chương trình còn tổ chức một loạt các hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo giới trẻ tham gia, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng xã hội. Điển hình như trong chương trình “Tôi trẻ - Tôi sẻ chia”, các tình nguyện viên đã chung tay ủng hộ trên 5.000 quyển vở và 5.000 cây bút tới các em học sinh nghèo nhân dịp năm học mới,…
6. Hà Nội: Tôn vinh thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện năm 2013
Ngày 25-8, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành phố Hà Nội, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ tuyên dương 123 thủ khoa xuất sắc, 205 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện và 34 thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013 tại 65 trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Đây là những sinh viên tốt nghiệp với số điểm rất cao trong số hàng vạn sinh viên tốt nghiệp tại các khoa, ngành, của các trường thuộc hệ đào tạo tập trung, chính quy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại buổi lễ, các thủ khoa đã được vinh danh, ghi nhận thành tích học tập vượt bậc, đồng thời được đón nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Cúp biểu trưng, cùng phần thưởng do thành phố trao tặng. Nhân dịp này, các thủ khoa cũng đã bày tỏ biết ơn sự chăm lo của các bậc phụ huynh; sự tận tụy của các thầy cô giáo; sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường; sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên,… Đây chính là hành trang, là nguồn động lực quý giá thôi thúc các em tiếp bước, phấn đấu, trưởng thành trên chặng đường dài tiếp theo.
Đây là năm thứ 11 liên tiếp, Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc, thể hiện truyền thống hiếu học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội. Trong những năm qua, hoạt động gặp mặt và tuyên dương thủ khoa của thành phố Hà Nội có tác dụng khuyến khích các sinh viên hăng hái thi đua học tập, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước.
7. Tuần lễ văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Từ ngày 17 đến ngày 25-8, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã diễn ra “Tuần lễ văn hóa Việt Nam - Nhật Bản”.
Tuần lễ văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức với các hoạt động mang đậm tình hữu nghị giữa 2 nước như: Cuộc thi tìm hiểu 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; triển lãm ảnh “Việt Nam - Nhật Bản, Bà Rịa - Vũng Tàu - Kawasaki: Đất nước, con người”; Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên và không chuyên của hai nước, với những bài ca, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của 2 đất nước như: Tiếng vọng non ngàn, Sakura Sakura, Nghe tiếng Goonk’la, Tình yêu trên đỉnh Gung Zang, Zo - ressha, Mùa hoa anh đào, Diễm xưa, Thế giới muôn hoa, Kể chuyện ngày mùa, Múa trống Nhật Bản,…
Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản được trình diễn đã thể hiện những nét đặc trưng trong âm nhạc, nghệ thuật của Việt Nam và Nhật Bản, góp phần tô thắm tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản./.
Lần đầu tiên Việt Nam giải mã hoàn chỉnh hệ gen của cây lúa  (28/08/2013)
Ngoại giao Việt Nam 68 năm: Hội nhập quốc tế làm nền tảng  (28/08/2013)
Kiên trì nguyên tắc giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (28/08/2013)
Làm gì và làm thế nào để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ?  (28/08/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên