"Bắc Giang cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp"
Bắc Giang là tỉnh miền núi. Trong số 9 huyện, 1 thành phố của tỉnh có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao nghèo thuộc diện 30a; hơn 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, gần 65% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đảng bộ tỉnh hiện có 15 đảng bộ trực thuộc, 869 tổ chức cơ sở đảng, 4.052 chi bộ trực thuộc cơ sở với trên 7 vạn đảng viên.
Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Bắc Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghe báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của tỉnh Bắc Giang theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh đã duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2013 ước đạt 9,2%. Năm 2013, bình quân GDP theo đầu người đạt 1.080 USD (tăng 440 USD so với năm 2010). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, năm 2013 ước đạt 1,7 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mục tiêu. Nông nghiệp vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng, phát triển khá toàn diện, cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, lạc giống, lúa thơm...
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân gần 16%/năm, thu nhập của nông dân tăng 2,86 lần so với đầu nhiệm kỳ. Sự nghiệp giáo dục đào tạo, dạy nghề đạt được nhiều kết quả tích cực, nhờ vậy Bắc Giang đứng trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu ngành giáo dục đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,6% năm 2010 xuống còn 12,4% năm 2012 và ước năm 2013 còn 11%; chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng thu hồi đất nông nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Quán triệt sâu sắc quan điểm “xây dựng Đảng là then chốt,” Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt như Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, thực hiện bài bản việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình các tổ chức đảng và từng đảng viên.
Sau kiểm điểm, các cấp ủy, tổ chức đảng đều có kết luận về những việc cần làm ngay và kế hoạch khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế làm việc, chấn chỉnh kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc; phát huy tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; kịp thời sắp xếp lại một số vị trí công tác cho phù hợp; đồng thời xử lý nghiêm một số cán bộ có vi phạm... Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã hoàn thành 17/21 nội dung Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung thảo luận, làm rõ những thành tích và hạn chế, thuận lợi và khó khăn của tỉnh, đồng thời gợi mở, đề xuất những giải pháp giúp Bắc Giang phát huy tiềm năng, lợi thế, bứt phá vươn lên trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Các ý kiến đều thống nhất cho rằng Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, mặc dù chưa có bước đột phá, nhưng tỉnh đã duy trì đà tăng trưởng ổn định, nhất là trong phát triển nông nghiệp. Cùng với phát triển kinh tế, Bắc Giang cần quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Bắc Giang kiến nghị Trung ương sớm đầu tư, hỗ trợ tỉnh cải tạo, nâng cấp, xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Đề Thám, đạt được những bước phát triển quan trọng trên các lĩnh vực, tạo tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển trong chặng đường sắp tới.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư chỉ rõ Bắc Giang vẫn là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, chưa tạo được sự bứt phá trong phát triển kinh tế, quy mô sản xuất trên các lĩnh vực còn nhỏ, chưa giúp người dân phát triển một cách bền vững. Bắc Giang còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, phát huy. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở còn hạn chế, yếu về tư duy đổi mới...
Về phương hướng, nhiệm vụ sắp tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Bắc Giang cần nhận thức thật rõ đặc điểm, truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, tiềm năng cả về đất đai, con người, nguồn lực, kinh nghiệm...; thấy rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế để khắc phục, cũng như tiềm năng, lợi thế để phát huy, quyết tâm bứt phá vươn lên không thua kém các tỉnh bạn.
Tổng Bí thư mong muốn trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo, Bắc Giang cần bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh, triển khai thực hiện ráo riết, quyết liệt, với quyết tâm cao hơn nữa, với tư duy đổi mới mạnh hơn, chọn khâu đột phá để phát triển.
Khẳng định nông, lâm nghiệp vẫn là thế mạnh của Bắc Giang, Tổng Bí thư chỉ rõ thực hiện công nghiệp hóa nhưng không bỏ quên nông nghiệp, quan trọng là phải tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, bền vững, tăng cường công nghiệp chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, dồn điền đổi thửa... Bên cạnh đó, Bắc Giang cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra một số sản phẩm chủ lực, có giá trị, chất lượng cao, đồng thời mở rộng thị trường, mở hướng xuất khẩu...
Trong công nghiệp, Bắc Giang cần phát triển có chọn lọc, đi vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, tập trung vào một số dự án, công trình, không đầu tư dàn trải, không phát triển công nghiệp bằng bất cứ giá nào. Muốn vậy, Bắc Giang phải tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, làm tốt công tác quy hoạch, có cơ chế chính sách khuyến khích, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng...
Tổng Bí thư lưu ý Bắc Giang cần tăng cường liên kết với các địa phương bạn để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh về du lịch, dịch vụ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; chú ý công tác bảo vệ môi trường. Tổng Bí thư đề nghị Bắc Giang tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thực hiện bài bản, thường xuyên, liên tục Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất chính đáng của Bắc Giang đối với Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh hỗ trợ của Trung ương là quan trọng, nhưng nội lực của địa phương là chính. Tổng Bí thư mong muốn Bắc Giang phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, huy động tối đa các nguồn lực để vươn lên phát triển, không thua kém các tỉnh bạn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại xã Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy tình hình kinh tế - xã hội của xã Cảnh Thụy đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/người/năm, sản lượng lương thực hàng năm đều tăng, giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/ha/năm. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” theo hướng sản xuất hàng hóa được xây dựng trên hầu hết các thôn xóm của xã Cảnh Thụy. Đến nay, xã Cảnh Thụy đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hoàn thành việc thực hiện quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp còn 1-3 thửa/hộ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh dồn điền đổi thửa là quy luật của sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa, tạo tiền đề để thực hiện cơ giới hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân.
Tổng Bí thư hoan nghênh Đảng bộ xã Cảnh Thụy đã triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; đồng thời mong muốn xã Cảnh Thụy thường xuyên chăm lo làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, nuôi dưỡng trong dân niềm tự hào, lòng yêu quê hương đất nước, năng động sáng tạo, vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Đình Hùng, ở thôn Dưới, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng; trồng cây lưu niệm tại Công viên Hoàng Hoa Thám (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang)./.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc ở Cao Bằng  (21/08/2013)
Bế mạc phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (21/08/2013)
"Dự án thủy điện Lai Châu đang bám sát tiến độ đề ra"  (21/08/2013)
Một số văn bản chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  (21/08/2013)
Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 3,16%  (21/08/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên