Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12-8 đến ngày 18-8-2013)
1. Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày để cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thảo luận 7 dự án luật, trong đó có 4 dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến sau khi Quốc hội đã thảo luận; 3 dự án luật cho ý kiến lần đầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Pháp lệnh cảnh sát cơ động và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế và Nghị định về hoạt động kinh doanh casino đều được thảo luận tại phiên họp này.
Thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề liên quan tới quản lý ngành.
2. Vườn quốc gia U Minh Thượng được công nhận là Vườn di sản ASEAN
Ngày 12-8, tại thành phố Rạch Giá, Ban quản lý Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, đã vinh dự đón nhận Chứng chỉ công nhận Vườn di sản ASEAN.
Mặc dù đang đối mặt với những khó khăn về nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp, nhưng tỉnh Kiên Giang vẫn nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên trên đất than bùn. Những cố gắng này đã được ASEAN công nhận là Vườn di sản Đông Nam Á đối với Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Thành công bước đầu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị “xanh” với 5 trên tổng số 9 tiêu chí của Công ước Ramsar đã tạo ra cơ sở để cơ quan chức năng lập hồ sơ đăng ký Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar. Hiện nay, cả nước đã có 5 khu Ramsar là Sơn Thủy, Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên; Vườn Quốc gia Ba Bể; Vườn Quốc gia Tràm Chim và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng thành lập theo Quyết định số 11/QĐ-TTg, ngày 14-1-2002, của Thủ tướng Chính phủ. Vườn Quốc gia U Minh Thượng được bao bọc bởi hệ thống đê bao khép kín có chiều dài 60km. Trong hệ sinh thái rừng úng phèn của Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000ha. Đây cũng là căn cứ của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Với đặc điểm này, Vườn Quốc gia U Minh Thượng không chỉ là khu vực có các hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất than bùn mà nơi đây còn được xem như khu di tích lịch sử của tỉnh Kiên Giang.
3. Liên hoan nghệ thuật Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam
Từ ngày 12 đến ngày 18-8, tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Trị, đã diễn ra Liên hoan nghệ thuật Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam.
Tham dự liên hoan có gần 1.000 diễn viên của 17 đoàn nghệ thuật, trong đó có 3 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Liên bang Mi-an-ma và 14 đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc trong nước. Các tác phẩm tham gia liên hoan như: thanh nhạc, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, nhạc đệm cho hát,... mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt của mỗi quốc gia tham dự liên hoan. Các tác phẩm tham gia liên hoan thể hiện những chủ đề chính như: ca ngợi quê hương, đất nước; ca ngợi những thành tựu của dân tộc, quốc gia đã đạt được trong quá khứ và hiện đại; ca ngợi tình hữu nghị của các nước trong cộng đồng ASEAN, đặc biệt là tinh thần đoàn kết giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam; ca ngợi những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện niềm tin, khát vọng vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của cộng đồng dân tộc Việt Nam,…
Liên hoan nghệ thuật Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam xuất phát từ Liên hoan Đường 9 xanh được tổ chức thường kỳ tại Quảng Trị để tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị. Liên hoan là dịp để nghệ sĩ các nước giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật, thắt chặt tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị của cộng đồng khối ASEAN trong lĩnh vực văn hóa. Trước đó, Ban Tổ chức đã tiến hành dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và tổ chức diễu hành trên các đường phố Đông Hà.
4. Hà Nội vinh danh 329 thủ khoa xuất sắc năm 2013
Ngày 13-8, Thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt 206 thủ khoa và tuyên dương 123 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn.
206 thủ khoa được gặp mặt và 123 được tuyên dương là những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện với số điểm rất cao trong số hàng vạn sinh viên tốt nghiệp năm 2013. Các thủ khoa đến từ nhiều khoa, ngành đào tạo của các trường thuộc hệ đào tạo tập trung, chính quy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong số đó, có nhiều thủ khoa là đảng viên, có thủ khoa là sinh viên nghèo, cán bộ nòng cốt trong các hoạt động Đoàn - Hội, có nhiều bạn đạt điểm trung bình toàn khóa trên 9,0. Đặc biệt, không ít bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã tự lực vươn lên, vượt khó trong học tập và có những công trình nghiên cứu khoa học, những đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong số này có 3 bạn là thủ khoa cả khi thi vào đại học và khi tốt nghiệp đại học.
Năm 2013 là năm thứ 11 liên tiếp thành phố Hà Nội tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. 10 năm qua, đã có 1.203 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó có 103 em đang làm việc tại các cơ quan, sở, ban, ngành của thành phố.
5. Tổng kết 8 năm thực hiện Chiến lược cải cánh tư pháp đến năm 2020 trong ngành Tòa án nhân dân
Ngày 14-8, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe và thảo luận, góp ý kiến nhiều nội dung cụ thể, thiết thực vào báo cáo 8 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp của Ban Cán sự Tòa án nhân dân tối cao. Hội nghị cũng đề ra những phương hướng, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của ngành trong thời gian tới.
Tám năm qua, toàn ngành đã giải quyết trên 1,88 triệu vụ án các loại trong tổng số gần 1,97 triệu vụ án đã thụ lý, đạt 96%. Việc chấp hành quy định của pháp luật về thời hạn xét xử được các Tòa án thực hiện nghiêm túc, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án từng bước được nâng lên. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán năm sau thấp hơn năm trước. Một số khuyết điểm, thiếu sót trong công tác giải quyết, xét xử lại các vụ án như để vụ án quá hạn luật định, cho hưởng án treo không đúng quy định, bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự,... đã được tòa án các cấp khắc phục có hiệu quả. Công tác xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cơ bản bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, tập thể và công dân. Trung bình mỗi năm, tòa án các cấp đã tổ chức khoảng 5.000 phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương nơi xảy ra vụ án,... Tòa án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của họ, chú trọng việc đánh giá chứng cứ mới. Việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận không chỉ ở các phiên tòa xét xử hình sự mà được áp dụng đối với cả các phiên tòa xét xử dân sự, hành chính.
6. Diễn tập quốc gia về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Ngày 14-8, tại tòa nhà Diamond Plaza, Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc diễn tập quy mô quốc gia về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với sự tham gia của trên 3.600 người. Cuộc diễn tập nhằm đối phó với các tình huống mang tính chất thảm họa, tai họa do cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng.
Theo tình huống giả định, khoảng 9 giờ 25 phút ngày 14-8, do sự cố kỹ thuật rò rỉ khí gas dẫn đến nổ và cháy lớn tại khu vực bếp ăn ở tầng 5, tòa nhà Diamond Plaza. Một phần tầng 5 tòa nhà bị sập, lối thoát hiểm từ tầng 5 xuống dưới bị hỏng do vụ nổ. Ngọn lửa cháy lan ra toàn bộ tầng 5 và phát triển đến các tầng khác với diện tích khoảng 3.000m2 . Lúc này, trong tòa nhà có khoảng 2.500 người, trong đó có hơn 100 người tại tầng 5 bị thương tích, nhiều người bị mắc kẹt trong khu vực cháy do lối thoát hiểm bị bịt kín. Khi vụ cháy nổ xảy ra, các đơn vị đã huy động lực lượng tại chỗ để hạn chế đám cháy và cứu chữa người bị thương, đồng thời báo cho cơ quan chức năng. Chỉ 5 phút sau, Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhanh lực lượng tới hiện trường, bao gồm cả lực lượng chữa cháy của các quận, huyện gần nhất. Nhận định vụ cháy phức tạp, Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy nhanh chóng báo cáo cấp trên để phối hợp các lực lượng khác ứng cứu kịp thời. Các cơ quan chức năng đã huy động 2 máy bay trực thăng của Sư đoàn Không quân 370, 99 xe ô tô các loại, 4 máy bơm chữa cháy, cùng các phương tiện cứu nạn, cứu hộ,… với gần 400 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chữa cháy và trên 500 người tham gia cứu nạn, cứu hộ. Các lực lượng đã tích cực giải thoát các nạn nhân khỏi nơi nguy hiểm, đưa người xuống dưới bằng thang dây, đường ống tuột, nệm hơi, dây leo,… Khoảng 40 phút sau khi sự cố xảy ra, toàn bộ hơn 2.500 người trong tòa nhà đã được cứu thoát ra bên ngoài, đám cháy cũng được khống chế.
Cuộc diễn tập nhằm ứng phó kịp thời với những thảm họa tại các nhà cao tầng. Đây là cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng thực tế cho cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là thiết lập cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn. Cuộc diễn tập đã huy động lực lượng đông nhất, phương tiện hiện đại nhất mà các nước khác đang sử dụng và bắt đầu triển khai tại Việt Nam.
7. Khen thưởng 3 nhân viên tố cáo sai phạm tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội
Ngày 16-8, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã trao Giấy khen tặng 3 cá nhân đã dũng cảm tố cáo những sai phạm tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, từ tháng 7-2012 đến tháng 5-2013, gồm các bà: Hoàng Thị Nguyệt, viên chức Khoa Xét nghiệm; Phan Thị Nam Đông, Khoa Liên chuyên khoa; Khuất Thị Định, Khoa Phụ sản.
Quyết định khen thưởng đối với 3 cá nhân của Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức là khen thưởng hành động dũng cảm đã đứng ra, chỉ ra những việc làm sai trái. Việc khen thưởng chính là ghi danh những hành động dũng cảm và đây phần thưởng vô giá với những cá nhân tích cực.
Hiện, các khoa phòng của Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức đang hoạt động bình thường, riêng Khoa Xét nghiệm đã được Sở Y tế Hà Nội tăng cường cán bộ có chuyên môn của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Đống Đa và Hà Đông.
8. Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013
Ngày 17-8, tại Hội trường Thành phố Hồ Chí Minh, 9 cá nhân điển hình đại diện cho hơn 2 triệu lao động của thành phố có sáng kiến mang lại giá trị trong lao động sản xuất và tận tâm trong công tác đào tạo thợ trẻ đã vinh dự được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII, năm 2013.
Chín cá nhân điển hình nhận giải thưởng lần này bao gồm: ông Nguyễn Tấn Thành, Phó phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết; ông Trương Anh Văn, Tổ trưởng Tổ điện, Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất; bà Bạch Thị Vững, nghiên cứu viên, Giám đốc Dự án lúa lai Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam; ông Phùng Bá Lực, cán bộ kỹ thuật, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Tháp Kim; ông Trần Minh Phụng, thợ cơ khí, Công ty cổ phần Cơ khí Thủ Đức; ông Nguyễn Đức Huy, Trưởng bộ phận Kỹ thuật hàng gia công, Công ty TNHH Neissei Electric Việt Nam; ông Lê Minh Biện, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Điện thoại Tây Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật phát triển, Xí nghiệp Bao bì Liksin Tổng Công ty Liksin; và ông Đặng Hồng Đức, Phụ trách Bộ phận thủy sản Công ty Liên doanh Bio-Pharmachie.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay có nhiều nét mới. Đặc biệt, lần đầu tiên có những công nhân kỹ thuật, kỹ sư đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật mới, có tính đột phá, hiệu quả cao; hoặc đề xuất sản xuất sản phẩm mới từ các công trình nghiên cứu, thể hiện sự nhạy bén cả về lĩnh vực kỹ thuật và lĩnh vực kinh tế./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-8-2013  (19/08/2013)
Nhân rộng mô hình tổ chức Nghiệp đoàn nghề cá - “Ngôi nhà chung” của ngư dân Việt Nam  (19/08/2013)
Nhân rộng mô hình tổ chức Nghiệp đoàn nghề cá - “Ngôi nhà chung” của ngư dân Việt Nam  (19/08/2013)
Tăng cường công tác xây dựng Đảng - yếu tố quyết định xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại  (19/08/2013)
Chính giới Mỹ phản ứng trái chiều về chương trình nghe lén  (18/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay