Phe hành pháp và lập pháp có những cách nhìn nhận khác nhau đối với chương trình giám sát mật do chính phủ Mỹ tiến hành.
Sau khi tờ “Bưu điện Washington" (The Washington Post) công bố báo cáo cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã vi phạm quyền riêng tư cá nhân và hành động vượt quá thẩm quyền tổng cộng lên tới 2.000 lần, một số nghị sỹ Mỹ đã đồng loạt kêu gọi cải cách và gia tăng tính minh bạch đối với các hoạt động do thám của cơ quan này. Trong khi đó, các quan chức của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh bất kỳ lỗi lầm nào đều “không cố ý”.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, Hạ nghị sỹ Nancy Pelosi, cho rằng hành vi vi phạm nói trên là rất đáng lo ngại và yêu cầu Quốc hội phải có hành động cụ thể nhằm đảm bảo không lặp lại sự việc trên.

Trong khi đó, hai Thượng nghị sỹ Ron Wyden và Mark Udall lên án mạnh mẽ chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng chính quyền Mỹ từ lâu đã đánh giá thấp tác động của hệ thống này đối với quyền riêng tư của người dân Mỹ.

Trong một tuyên bố chung, hai nghị sĩ này cho biết người dân Mỹ nên biết rõ báo cáo về các vi phạm của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”.

Trong một phản ứng sau tiết lộ trên của báo “Bưu điện Washington", Giám đốc Giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ John DeLong khẳng định cơ quan này đã tuân thủ nghiêm túc các quy định. Ông John DeLong kêu gọi người dân nước này cần hiểu rằng không có hành vi vi phạm cố ý trong chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, và nếu có thì những vi phạm chỉ là rất nhỏ trong vài thập kỷ qua. Ông nêu rõ hàng tháng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã thực hiện 20 triệu giải đáp liên quan đến cơ sở dữ liệu của mình.

Trong một tuyên bố tại Nhà Trắng mới đây nhằm làm rõ độ minh bạch của chương trình giám sát của Mỹ, Tổng thống Barack Obama cũng kêu gọi xem xét lại các chương trình giám sát, đồng thời cho biết ông sẽ làm việc với Quốc hội để nâng cao niềm tin của công chúng Mỹ về vai trò giám sát của Tòa án đối với các hoạt động của cơ quan này.

“Cơ quan tình báo của chúng tôi đang tập trung vào các nỗ lực tìm kiếm những biện pháp thiết yếu nhất để bảo vệ người dân Mỹ và trong nhiều trường hợp là còn để bảo vệ các quốc gia đồng minh của Mỹ. Đó là sự thật,” ông Obama nói. “Chúng tôi cần có một số năng lực đặc biệt. Đó cũng là một số hạn chế của chúng tôi mà chính phủ nhiều nước trên thế giới không nghĩ như vậy. Đó là lý do tại sao trong một số trường hợp, chúng ta phải hứng chịu những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất.”

Các phản ứng trái chiều nảy sinh sau khi tờ “Bưu điện Washington" đăng tải thông tin về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã “phá vỡ các quy tắc hoặc vượt quá thẩm quyền pháp lý hàng nghìn lần” trong những năm gần đây và khẳng định của Chánh án Tòa án Giám sát Đặc biệt Liên bang Mỹ chịu trách nhiệm giám sát các chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nói rằng tòa án chỉ có thể giám sát có giới hạn đối với các hoạt động của NSA.

Theo đó, kể từ khi cơ quan này được Quốc hội Mỹ trao quyền lực mới vào năm 2008, phần lớn các vi phạm của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đều liên quan đến việc thực hiện các hoạt động giám sát không được phép đối với các công dân Mỹ, hoặc các mục tiêu tình báo nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ, cho dù cả hai hoạt động này đều bị hạn chế bởi luật và sắc lệnh hành pháp./.