Phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 15-8 dẫn kết quả nghiên cứu chung vừa được các chuyên gia y học Hong Kong và Trung Quốc đại lục công bố, cho biết virus cúm gia cầm H7N9 có thể lây qua đường bài tiết của con người.

Trong một công trình nghiên cứu chung, các chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong và Bệnh viện Chi nhánh số 1 của Đại học Chiết Giang đã tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm lấy từ 12 bệnh nhân cúm gia cầm H7N9 nhập viện trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 23-4, trong đó một nửa số trường hợp đã bị tử vong.

Xét nghiệm cho thấy các mẫu phân được lấy từ 4/6 bệnh nhân tử vong có kết quả dương tính với virus H7N9, tương đương tỷ lệ 67%.

Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5% và 33% ở những bệnh nhân nhiễm cúm thông thường ở người hoặc cúm gia cầm H5N1.

Trong khi đó, trong máu, nước tiểu, phổi, tim, gan, thận và tủy xương của các bệnh nhân này không chứa virus H7N9.

Giáo sư Viên Quốc Dũng, một chuyên gia về vi trùng học thuộc Đại học Hong Kong cho biết, về mặt lý thuyết, virus H7N9 có thể lây nhiễm giống như cách thức lây nhiễm của virus viêm đường hô hấp cấp (SARS) vào năm 2003 là thông qua hệ thống cống dẫn nước thải.

Phát hiện mới vừa được công bố rất quan trọng đối với chiến dịch kiểm soát sự lây nhiễm của dịch cúm H7N9 do loại virus này trong phân người có thể bị thải ra ngoài môi trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc virus H7N9 có thể lây nhiễm qua đường bài tiết là lý do tại sao đến nay mới chỉ phát hiện một trường hợp lây nhiễm dịch cúm này từ người sang người, bởi nếu lây qua đường hô hấp trực tiếp thì dịch bệnh sẽ lan nhanh hơn.

Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm H7N9 đầu tiên đã được phát hiện ở miền Đông Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua. Đến nay, nước này đã phát hiện tổng cộng 135 người nhiễm loại virus chết người này, trong đó có 45 trường hợp đã tử vong./.