Bản sắc dân tộc và sự phát triển văn hóa
Văn hóa với sự phát triển xã hội
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú trọng tới vai trò của văn hóa đối với sự phát triển xã hội. Bắt đầu từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và từ định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, lĩnh vực này đã được nhận thức theo nghĩa rộng nhất: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”(1). Trong định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa chính là sáng tạo và phát minh. Nội hàm của sáng tạo và phát minh là “tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần” và “tìm ra cái có ý nghĩa, có giá trị lớn cho khoa học và loài người” (2). Như vậy, sản phẩm sáng tạo của con người có mặt trong toàn bộ đời sống xã hội, nhưng quan trọng nhất là những giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra. Những giá trị đó làm nên cốt lõi, làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc. “Cốt lõi của sức sống đó là văn hóa với ý nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả một hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức và phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sức nhạy cảm tiếp thụ cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ bản lĩnh và bản sắc của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh…”(3). Hệ giá trị văn hóa Việt Nam là bản sắc văn hóa Việt Nam, do cộng đồng các dân tộc sáng tạo nên, được sàng lọc và tích lũy trong chiều dài lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, kết tinh trí tuệ và tình cảm, quan niệm đạo đức và lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc. Có thể hiểu, văn hóa thực chất là sự hoàn thiện và vận dụng bản sắc dân tộc vào quá trình xây dựng và phát triển xã hội. Như vậy, nói đến văn hóa đồng nghĩa với cuộc sống và sự phát triển.
Bản sắc là danh từ chỉ “những yếu tố tốt đẹp tạo nên một tính chất đặc thù, nói chung”(4). Đi cùng với danh từ bản sắc là văn hóa. Nếu văn hóa là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra thông qua hoạt động thực tiễn một cách có ý thức để tác động vào tự nhiên và xã hội, được sàng lọc bởi sự thừa nhận của cộng đồng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì bản sắc dân tộc là cái riêng biệt, đặc trưng, cái tốt đẹp và giá trị. Điều đó làm nên cốt lõi vững chắc, dấu ấn đặc biệt của một nền văn hóa, được coi như “chứng minh thư tâm lý” của dân tộc để phân biệt văn hóa dân tộc này với dân tộc khác.
Nói đến bản sắc là nói đến văn hóa truyền thống đã được định hình trong lịch sử, nhưng truyền thống đó không “nhất thành bất biến” mà luôn vận động phát triển. Chủ thể văn hóa luôn sáng tạo thêm những giá trị văn hóa mới, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc để văn hóa song hành với cuộc sống, nhưng vẫn giữ được nét ổn định, tính nhất quán, tức là giữ được sắc thái gốc của văn hóa. Bản sắc dân tộc cá tính hóa cho văn hóa Việt Nam, có nghĩa là văn hóa Việt Nam chấp nhận những biến đổi và bổ sung trong quá trình giao lưu tiếp biến với văn hóa thế giới. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao giữ được sự ổn định mà vẫn phát triển, giữ được cá tính sáng tạo độc đáo của dân tộc mà không từ chối hội nhập quốc tế. Giải quyết hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa ổn định và phát triển cần bắt đầu từ việc xác định văn hóa là nền tảng, động lực và là mục tiêu của sự phát triển như quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hệ giá trị trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam hiện nay là kết quả của quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam từ ngày đổi mới. Những phẩm chất tốt đẹp kết tinh thành tinh hoa dân tộc, được thử thách và tôi luyện trở thành chuẩn mực, vừa có sức mạnh liên kết cộng đồng, điều chỉnh hành vi lối sống của cá nhân, vừa không ngừng dung hòa để đổi mới, vừa luôn ý thức giữ gìn bản sắc để sinh tồn.
Người Việt Nam vốn sống trong hoàn cảnh “sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”, ngay từ buổi bình minh của lịch sử đã tôi luyện cho mình những phẩm chất, những tính cách đặc trưng. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, là lối sống cộng đồng, bao dung và vị tha, là đức tính cần cù trong lao động, kiên cường bất khuất trong đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, sự kiên cường bất khuất ấy đã trở thành tính cách, thành lòng dũng cảm của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, họ rất giàu lòng nhân ái, khoan dung, giàu lòng vị tha, biết ứng xử một cách linh hoạt và uyển chuyển. Lối sống trọng tình, trọng nghĩa xuất phát từ hiện thực cuộc sống của những cư dân nông nghiệp lúa nước là nét đẹp trong văn hóa ứng xử, giúp Việt Nam biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vừa kiên định giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa chủ động tiếp thu và biến đổi những yếu tố văn hóa tiến bộ của các nước khác để làm giàu thêm cho văn hóa chính mình, không khép kín cũng không cam chịu bị đồng hóa, hội nhập mà không để bị hòa tan.
Xây dựng nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc
Bản sắc văn hóa làm nên sức mạnh của Việt Nam, sức sống của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng xác định nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Biểu hiện bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam, trước hết là ở lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc. Lòng yêu nước là phẩm chất hàng đầu, là giá trị thiêng liêng nhất trong bảng giá trị của văn hóa Việt Nam. Yêu nước là chuẩn mực giá trị, là lẽ sống và đạo đức bởi đối với người Việt Nam, ý thức dân tộc phát triển từ rất sớm. Yêu nước gắn liền với yêu nhà, yêu Tổ quốc bởi các dân tộc Việt Nam đều là “con một cha, nhà một nóc” có chung ngày giỗ Tổ Hùng Vương, chung dòng máu Lạc Hồng. Hơn nữa, người Việt Nam có tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc. Những giá trị này không tách rời mà luôn gắn kết, hòa quyện chặt chẽ. Yêu nước thì phải đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là sự lựa chọn thông minh và sâu sắc. Bên cạnh đó, người Việt Nam có lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý. Lòng nhân ái được biểu hiện ở “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, luôn lấy dân làm gốc. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc cũng bởi “đất nước này là đất nước nhân dân - đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại”. Sau cùng, người Việt Nam xưa và nay đều có những phẩm chất tốt đẹp, đó là đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử và giản dị trong lối sống... Văn hóa ra đời trong lao động, trở thành động lực và mục tiêu phát triển của xã hội từ thấp đến cao.
Văn hóa thể hiện chiều sâu trình độ phát triển của một dân tộc, nói đến văn hóa là nói đến phát triển, bởi vậy nói đến sáng tạo trong lao động như một phẩm chất tốt đẹp, cũng đồng thời khẳng định văn hóa là biểu hiện năng lực và khát vọng sáng tạo của con người, giúp con người hoàn thiện bản thân. Người Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua diện mạo, tư chất, tính cách, năng lực sáng tạo của chủ thể văn hóa. Bản sắc dân tộc thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong cách sản xuất, tư duy, trong ứng xử với tự nhiên và xã hội... Phong tục, tập quán biểu hiện bản sắc dân tộc một cách đậm đà và sâu sắc nhất. Đây không chỉ là thói quen, lối sống của một cộng đồng mà còn biểu hiện triết lý vũ trụ, nhân sinh. Phong tục tập quán vừa có cái chung vừa có cái riêng. Ví như, niềm tin được linh thiêng hóa thể hiện trong tín ngưỡng vốn không chỉ có mặt trong văn hóa Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam mới có những biểu hiện đặc thù, như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên phát triển từ cấp độ gia đình, gia tộc đến cấp độ dân tộc. Việt Nam có những ngày giỗ lớn mang ý nghĩa lịch sử, đó là ngày giỗ Tổ Hùng vương, ngày giỗ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Mẫu Liễu Hạnh “tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Quan hệ giữa cá nhân và dòng họ, giữa người sống và người chết không chỉ đơn thuần là quan hệ ứng xử mà đã trở thành nét văn hóa, vừa mang ý nghĩa tình cảm sâu sắc vừa chứa đựng triết lý đạo đức của dân tộc. Sự cần cù, sáng tạo trong lao động và tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống là biểu hiện của thái độ quý trọng lao động, của tinh thần tự lực tự cường, của ý chí và khí phách dân tộc. Trong quá trình phát triển văn hóa hôm nay, những phẩm chất ấy không mất đi, ngược lại cần được nâng niu quý trọng và phát triển, làm giàu thêm nội hàm giá trị văn hoá. Phát huy bản sắc dân tộc của văn hóa, phát triển được truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc sẽ giúp Việt Nam chủ động và tích cực trong việc lựa chọn những giá trị văn hóa phù hợp để tiếp nhận và biến đổi.
Bản sắc dân tộc là tiền đề, là cơ sở để mỗi nền văn hóa tìm thấy điểm tựa và nguồn lực nội sinh cho sự phát triển. Xây dựng văn hóa Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đặt ra rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Phát triển văn hóa trước hết là cân bằng giữa các khuynh hướng văn hóa - kinh tế - chính trị - xã hội, trong đó lấy con người làm gốc, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của con người. Đó là nội dung và định hướng phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay./.
------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 431
(2) Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm từ điển học, Hà Nội, 2013, tr. 1091, tr. 990
(3) Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 18
(4) Từ điển Tiếng Việt, Trung tâm từ điển học, Hà Nội, 2013, tr. 42
Đoàn Tạp chí Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại Italia  (17/07/2013)
Cải cách hành chính theo mô hình doanh nghiệp ở các nước phương Tây  (17/07/2013)
Cải cách hành chính theo mô hình doanh nghiệp ở các nước phương Tây  (17/07/2013)
Kết thúc thi cao đẳng: Đình chỉ 35 thí sinh, kỷ luật 5 cán bộ  (16/07/2013)
Hà Nội đánh giá công tác cán bộ sau 5 năm mở rộng  (16/07/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên