TCCS - Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện tư duy chính trị - pháp lý mới trong việc quy định chế định quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý quan trọng về bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người ở nước ta. Tuy vậy, trong nội dung và cách thức quy định về chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 còn nhiều hạn chế, như chưa có sự phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân; chưa xác định cụ thể về trách nhiệm, cơ chế trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người và quyền công dân…

Quyền con người, quyền công dân là vấn đề cốt lõi nhất của hiến pháp trong bất kỳ mô hình hiến pháp nào. Con người, các quyền, tự do của con người là những giá trị cao quý nhất trong hệ thống các giá trị xã hội. Trong xã hội dân chủ, pháp quyền, quyền tự do con người, công dân và các nghĩa vụ của họ là chế định xã hội - chính trị - pháp lý nền tảng, là tiêu chí cơ bản đánh giá trình độ phát triển của xã hội. Quyền con người là thuộc tính không tách rời của mỗi một con người và những thuộc tính cơ bản của đời sống con người. 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục kế thừa, phát triển chế định quyền con người, quyền công dân phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền cũng như với các nguyên tắc của các bộ luật quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên. Nội dung các quy định Hiến pháp nói chung và về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói riêng đã thể hiện rõ nét, sâu sắc hơn. Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã thể hiện chính sách nhất quán của Đảng ta về coi trọng và phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Dự thảo lần này đã khắc phục nhiều hạn chế trong cách thức và nội dung thể hiện chế định này trong Hiến pháp năm 1992 hiện hành.

Về những nội dung mang tính pháp quyền, dân chủ trong chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 

Thứ nhất, những điểm mới về cách thức thể hiện, thiết kế, sắp xếp chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Khác với Hiến pháp hiện hành, quyền con người, quyền công dân nay đã được đưa lên vị trí thứ 2 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cách thiết kế của Chương II trong Dự thảo Hiến pháp là hợp lý, xứng tầm với vị thế, vai trò của vấn đề quyền con người, quyền công dân; được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) của Hiến pháp năm 1992, chuyển các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân tại các chương khác về chương này. Trước kia, chế định về quyền và nghĩa vụ của công dân cũng đã được ghi ngay tại Chương II Hiến pháp năm 1946, Chương III Hiến pháp năm 1959. Đây là xu thế chung của hiến pháp các quốc gia trên thế giới. Dù theo mô hình hiến pháp nào thì quyền con người, quyền công dân cũng là chế định cơ bản, quan trọng nhất, là nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ nội dung hiến pháp. Quyền con người được nhà nước tôn trọng, thừa nhận “bằng” hiến pháp và pháp luật chứ không phải “theo” quy định của hiến pháp và pháp luật.

Dự thảo sắp xếp lại các điều theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, giữa các thế hệ quyền con người trên bình diện quốc tế; bảo đảm tính khả thi hơn. Các điều của Chương II được sắp xếp theo thứ tự như sau: những quy định chung về các nguyên tắc, bảo đảm thực hiện quyền, giới hạn quyền và hạn chế quyền (từ Điều 15 đến Điều 20); các quyền dân sự, chính trị (từ Điều 21 đến Điều 32); các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (từ Điều 33 đến Điều 46); các nghĩa vụ của công dân (từ Điều 47 đến Điều 50); về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài (Điều 51, Điều 52).

Như vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã khắc phục được hạn chế trong Hiến pháp hiện hành chính là đã tách biệt giữa quyền con người, quyền công dân, khắc phục sự đồng nhất hai khái niệm này. Trên bình diện thế giới, vấn đề quyền con người xét về mức độ và phạm vi ngày nay đã thực sự trở thành thông điệp toàn cầu. Vấn đề không chỉ là hình thức của sự thay đổi tên gọi, sắp xếp vị trí chương (từ Chương V lên Chương II) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà còn thực sự là một bước tiến dài cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, bởi lẽ Hiến pháp đã xác định đúng bản chất, giá trị của quyền con người và bản thân con người. Con người là giá trị cao quý nhất trong hệ thống các giá trị xã hội. Điều này cũng xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân. Quyền con người trở thành một trong những giá trị văn hóa, văn minh cao nhất, là thước đo sự tiến bộ, công bằng xã hội, trình độ đạt được của nhà nước pháp quyền dân chủ. Thế kỷ XXI là “thế kỷ sinh mệnh con người”, mọi hoạt động của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng phải nhằm mục tiêu phục vụ con người. 

Thứ hai, sự hiến định khuôn mẫu pháp quyền về mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Trong xã hội pháp quyền dân chủ, điều đặc biệt quan trọng là phải xác định một khuôn mẫu cho mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, công dân, bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa hai bên. Đây chính là điều kiện đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của mỗi con người và xã hội. Khuôn mẫu đó phải được thể hiện ở các quyền, tự do và nghĩa vụ của các cá nhân đối với nhà nước, xã hội và trách nhiệm của nhà nước trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Nguyên tắc pháp quyền trên đã được quy định ở Điều 15 của Chương II: “1- Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2- Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Việc kết hợp hai nội dung quyền con người, công dân và trách nhiệm tương ứng của Nhà nước cũng được thể hiện trong các điều luật cụ thể của Hiến pháp liên quan đến quyền, tự do của con người và công dân. Như vậy, vấn đề quyền, tự do của con người và công dân không chỉ là vấn đề liên quan đến mỗi cá nhân mà còn là lợi ích, là nguyên tắc cốt lõi của mối quan hệ cân bằng giữa Nhà nước, cá nhân và xã hội. Nhà nước phải có trách nhiệm thường trực là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền, tự do của con người và công dân. Nội dung, cấu trúc và cách thức thể hiện chế định này phải làm sao cho mỗi cá nhân, mỗi công dân nhận biết được các quyền, tự do và cả bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ với xã hội, với Nhà nước và những người khác. 

Ràng buộc trách nhiệm nhà nước trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền, tự do của con người và công dân phải được thẩm thấu trong toàn bộ tinh thần, nguyên tắc, các chế định cơ bản của một bản hiến pháp dân chủ. Nhà nước có trách nhiệm thừa nhận, tôn trọng các quyền, tự do của con người vốn mang thuộc tính tự nhiên, vốn có của con người, không thể chuyển nhượng của mỗi người, không phải do nhà nước ban phát. Nghĩa vụ tôn trọng quyền con người đòi hỏi các cơ quan nhà nước, cá nhân công quyền phải kiềm chế không can thiệp vào việc thực hành, thụ hưởng các quyền của cá nhân một cách trái luật. Các cơ quan nhà nước, các cá nhân công quyền không được ban hành các quy định trái với trật tự hiến pháp, tước bỏ hoặc xem nhẹ các quyền và tự do của con người và công dân.

Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ các quyền, tự do của con người, công dân theo đúng các nguyên tắc, quy định về nội dung và thủ tục luật định. Tính pháp quyền, tính nhân bản của nhà nước pháp quyền thể hiện ở nguyên tắc tuân thủ đúng thủ tục hiến định và luật định trong các hoạt động bảo vệ quyền con người. Nhà nước đồng thời còn có trách nhiệm bảo đảm sự trợ giúp pháp lý cần thiết để bảo vệ các quyền, tự do của con người. 

Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quyền, tự do của con người, công dân, xác lập, hỗ trợ những điều kiện cần thiết về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ, kỹ thuật để thực hiện các quyền, tự do trên thực tế. Trách nhiệm của nhà nước không chỉ là kiềm chế những hành vi xâm phạm hoặc hạ thấp các quyền con người mà còn phải tạo dựng, thiết lập những điều kiện cần thiết để hiện thực hóa các quyền, tự do của con người. Nói đến trách nhiệm nhà nước về bảo đảm quyền con người, không thể không nói đến trách nhiệm nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Xây dựng, thực thi pháp luật có hiệu quả trên quan điểm quyền, tự do con người, tạo lập niềm tin cho dân chúng là một trong những yếu tố cơ bản xác định, đánh giá, đo lường trách nhiệm nhà nước trong nhà nước pháp quyền, nơi hiến pháp được viện dẫn.

Như vậy, nội dung của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã loại bỏ nhiều quy định bất cập về nội dung và hình thức so với Hiến pháp hiện hành, như sự đồng nhất giữa quyền con người và quyền công dân, cách quy định dường như là sự “ban phát” của Nhà nước chứ không phải là từ thuộc tính tự nhiên, vốn có của con người. Quyền, tự do của con người là những quyền, tự do bẩm sinh, vốn có của con người, những nhu cầu, lợi ích tự nhiên vốn có, không thể chuyển nhượng của mỗi người, được ghi nhận và bảo vệ bởi pháp luật quốc gia và quốc tế.

Thứ ba, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Điểm mới đặc biệt quan trọng trước khi đi vào các quyền cơ bản cụ thể là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng của quyền con người và cũng chính là nguyên tắc nền tảng của nhà nước pháp quyền. Điều 16 được bổ sung mới để khẳng định nguyên tắc quan trọng của quyền con người trong mối quan hệ với người khác và các quy định được thể hiện trong các công ước quốc tế: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác” và “Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Một trong những điểm mới căn bản so với Hiến pháp hiện hành là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung một nguyên tắc hiến định về sự giới hạn quyền con người, quyền công dân (như đã nêu trên tại khoản 2 Điều 15). Tiếp đến là nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật tại Điều 17: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Nguyên tắc tôn trọng quyền của người khác, không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác được khẳng định tại Điều 16.

Thứ tư, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bổ sung nhiều quyền, nghĩa vụ mới cho phù hợp với bối cảnh mới và xu thế thời đại. 

Việc bổ sung nhiều quyền mới cũng chính là kết quả của quá trình phát triển đất nước, tiếp thu có chọn lọc lý luận nhà nước pháp quyền, xây dựng, thực thi hiến pháp của các quốc gia khác, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đó là quyền sống (Điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 23), quyền sở hữu tư nhân (Điều 33), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 35), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 39), quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 44), quyền xác định dân tộc (Điều 45), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 46) và “Mọi người có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại môi trường”. Dự thảo bổ sung một điều mới (Điều 45) ghi nhận về quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, phù hợp với chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Điều này ghi rõ “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. 

Về những điểm hạn chế cần được nghiên cứu để hoàn thiện trong chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Bên cạnh nhiều điểm mới, phù hợp với các nguyên tắc pháp quyền, dân chủ nêu trên, trong nội dung của chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo chúng tôi, cũng còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Có thể nêu một số điểm chủ yếu sau đây:

- Về vấn đề “các quyền cơ bản” và “không cơ bản”: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa quy định vấn đề này. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng để bảo đảm đúng bản chất, giá trị của các quyền cơ bản và trật tự thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi, hạn chế sự vi phạm quyền con người, quyền công dân. Đối với vấn đề này, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm lập hiến của các quốc gia trên thế giới. 

- Các quyền và nghĩa vụ cơ bản là các quyền và nghĩa vụ thiết yếu đối với công dân. Nhưng các quyền và nghĩa vụ không cơ bản xét về ý nghĩa và giá trị đối với cuộc sống của họ thì cũng rất quan trọng. Một số nước đã xử lý hài hòa mối quan hệ giữa hai loại quyền và nghĩa vụ trên. Hiến pháp Mỹ, sau khi đã liệt kê các quyền thiết yếu cơ bản trong 8 Tu chính án, Tu chính thứ 9 quy định: “Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân”(1). Còn theo Hiến pháp Nga: Việc ghi nhận các quyền và tự do cơ bản trong Hiến pháp Liên bang Nga không có nghĩa là phủ định hay hạ thấp các quyền và tự do khác của người dân đã được thừa nhận rộng rãi. 

- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng chưa loại bỏ hoàn toàn các quy định trong Hiến pháp hiện hành theo công thức là: “Công dân có quyền... theo quy định pháp luật”. Cách quy định này chưa chính xác với bản chất, các thuộc tính cơ bản của quyền con người và dễ dẫn đến sự vi phạm nguyên tắc tối cao của luật trong hệ thống pháp luật, nhất là trong điều kiện rất đa dạng về chủ thể nhà nước có thẩm quyền ban hành pháp luật. Trong thực tiễn, cách quy định này đã tạo ra những hạn chế việc sử dụng, bảo vệ quyền của con người và công dân bởi sự tùy tiện đặt ra nhiều rào cản từ phía các cơ quan, cá nhân công quyền.

- Về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền con người, công dân: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 15). Đây là một điểm tiến bộ, phát triển sâu sắc. Tuy vậy, cần được hiến định rõ ràng, đầy đủ hơn bằng cách bổ sung thuật ngữ “trách nhiệm” của Nhà nước trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Một số gợi ý về việc quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền con người trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 

Hiến định trách nhiệm của Nhà nước trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân là vấn đề liên quan đến quan điểm tiếp cận cũng như kỹ thuật lập hiến. Tham khảo nguyên tắc của các bộ luật nhân quyền quốc tế, hiến pháp một số quốc gia trên thế giới, có thể nêu một số gợi ý về việc quy định trách nhiệm Nhà nước đối với quyền con người, quyền công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như sau:

Thông thường, trong một điều quy định của Hiến pháp chứa đựng cả hai nội dung quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm - bổn phận tương ứng của Nhà nước: thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện. Chẳng hạn, Điều 1 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức quy định: Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nghĩa vụ của tất cả các cơ quan nhà nước. Nhân dân Đức do đó thừa nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như là cơ sở của mọi cộng đồng, của hòa bình và công lý trên thế giới. Điều 2, ngay trong Chương I - nền tảng của chế độ Hiến pháp, Hiến pháp Liên bang Nga quy định: Con người, các quyền và tự do của con người là những giá trị cao quý nhất. Việc thừa nhận, tuân thủ và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân là bổn phận của Nhà nước. Việc kết hợp hai nội dung này: quyền con người, công dân và trách nhiệm tương ứng của Nhà nước cũng được thể hiện trong các điều luật cụ thể của Hiến pháp liên quan đến quyền, tự do của con người và công dân. 

Cần quy định rõ hơn đối với nhóm quyền quyền dân sự, chính trị, cách quy định sẽ tập trung hơn về việc giới hạn quyền lực nhà nước, sự tuân thủ các thủ tục pháp lý theo luật định, những điều cấm xâm phạm, tước bỏ quyền, tự do và cả cơ chế tư pháp độc lập bảo vệ quyền, tự do con người. 

Đối với các nhóm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa thì phương diện “bảo đảm” thực hiện từ phía Nhà nước được thể hiện rõ nét hơn và là điều kiện đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò, năng lực quản lý của Nhà nước với tư cách là người phục vụ xã hội. Nhà nước với vai trò là người phục vụ xã hội, có trách nhiệm là phải đem lại cuộc sống thật sự làm người cho tất cả mọi người là vai trò của Nhà nước hiện đại. Ở cấp độ Hiến pháp, trong các điều luật thuộc các nhóm quyền này cần quy định rõ trách nhiệm Nhà nước về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ, hỗ trợ, thúc đẩy, bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong thực tế.

Về giới hạn quyền, tự do của con người, công dân: Việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung quy định về giới hạn quyền, tự do của con người và công dân cho phù hợp với bản chất của quyền, tự do, nghĩa vụ và trách nhiệm theo tinh thần của các bộ luật nhân quyền quốc tế, xu hướng lập hiến đương đại là một sự phát triển vượt bậc so với cách quy định trong Hiến pháp hiện hành. Tuy vậy, cách quy định tại khoản 2, Điều 15 vẫn còn chung chung, thiếu tính chặt chẽ, cụ thể so với tính chất quan trọng và độ phức tạp của vấn đề này trong thực tiễn nhận thức, thực thi các quyền con người, quyền công dân. 

Hiến pháp cần quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các nguyên tắc, điều kiện, mục đích xác định và áp dụng giới hạn quyền, tự do con người và công dân, bảo đảm không vi phạm các quyền tuyệt đối mà trong mọi trường hợp không bị áp dụng các hạn chế, giới hạn, như quyền sống, phẩm giá con người, quyền bảo vệ danh dự và uy tín của mình; quyền được bảo vệ quyền và tự do của mình trước tòa án...

Cần có những quy định rõ để loại trừ việc hạn chế hay phương hại đến quyền con người từ phía Nhà nước, từ phía các cơ quan công quyền. Phải quy định là chỉ trong trường hợp cần thiết quyền con người, quyền công dân mới có thể bị giới hạn. Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo một số hiến pháp trên thế giới. Chẳng hạn, Hiến pháp Liên bang Nga, Điều 55 quy định: Các quyền và tự do của con người và công dân có thể bị giới hạn bởi pháp luật Liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khỏe, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia,… và không được hạn chế các quyền và tự do được quy định tại các Điều 20, 21, 23 (khoản 1); Điều 24, 28, 34 (khoản 1); Điều 46 - 54 của Hiến pháp Liên bang Nga (các quyền mang tính tuyệt đối theo nguyên tắc của các bộ luật quốc tế về quyền con người).

Về hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp và các quyền hiến định: Cần bổ sung quy định rõ ràng hơn, mang tính pháp quyền hơn về hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp và của quyền con người. 

Xuất phát từ trật tự pháp luật của nhà nước pháp quyền, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần quy định hiệu lực trực tiếp của các quyền, nghĩa vụ hiến định, các cơ quan nhà nước không được viện dẫn lý do chưa có luật “hướng dẫn thi hành” để ngăn cản thực hiện các quyền hiến định. Thực tiễn thi hành Hiến pháp ở nước ta trong nhiều năm qua cho thấy, tư duy ngược chiều này, một mặt, làm hạn chế khả năng có hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp; mặt khác, làm giảm vai trò và giá trị của các quy phạm Hiến pháp. Đồng thời, cần có quy định về quyền tự bảo vệ của các cá nhân khi bị xâm phạm các quyền hiến định, quyền vận dụng các cơ chế bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Hiến pháp và luật. 

Và một vấn đề đặc biệt căn bản nữa là sự hiến định rõ ràng, chặt chẽ cơ chế bảo vệ hữu hiệu quyền con người, quyền công dân. Nội dung, nguyên tắc của cơ chế bảo vệ các quyền con người, quyền công dân cần được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong nội dung của Hiến pháp nói chung và trong Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói riêng./.

------------------------------------------

(1) Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2012, tr. 542