“Bốn yêu”

Nguyễn Đức
21:28, ngày 26-06-2013
TCCSĐT - Học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có cách triển khai cụ thể khác nhau và câu chuyện sau đây về cách làm sáng tạo của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh H xứng đáng để chúng ta cùng suy ngẫm, học tập.

Là người trực tiếp phụ trách công tác chính trị của đơn vị, Đại tá P, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh H chia sẻ:

Lúc đầu, khi Đảng ta ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tiếp đến là Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi rất lo lắng, trăn trở. Chủ trương thì rõ ràng rồi, thống nhất, quán triệt về nhận thức, nhưng triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả, thiết thực, để tạo nên phong trào sâu rộng, thường xuyên là vấn đề mà chúng tôi phải băn khoăn, tìm tòi, suy nghĩ.

Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có đủ nhưng triển khai vẫn lúng túng, khó khăn. Bác là lãnh tụ của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng, đạo đức, tác phong, phong cách của Bác là một chỉnh thể, tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh. Vậy triển khai cho bộ đội học tập như thế nào đây cho phù hợp và có ý nghĩa thiết thực? Đây là một câu hỏi lớn mà chúng tôi đặt ra cho cấp ủy Bộ Chỉ huy suy nghĩ, tìm phương án giải quyết.

Từ đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, bằng trí tuệ tập thể, chúng tôi đi đến thống nhất đề ra “Bốn yêu” - như là những nội dung cốt yếu nhất cần triển khai thực hiện trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là:

- Yêu Đảng - Phải tuyệt đối trung thành;

- Yêu Tổ quốc - Phải sẵn sàng cống hiến;

- Yêu Quân đội - Phải học tập, rèn luyện;

- Yêu đơn vị - Phải tự giác chấp hành.

Chính ủy P giải thích: Là lực lượng Quân đội nhân dân, trong thời bình, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn. Quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân,…”, Yêu Đảng phải là một tiêu chí rèn luyện, phấn đấu, học tập đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ. Yêu Đảng được cụ thể hóa bằng phẩm chất quan trọng nhất: tuyệt đối trung thành, trung thành với mục đích, lý tưởng của Đảng, với chủ trương, đường lối, mệnh lệnh và kỷ luật của Đảng. Anh P nhấn mạnh, quân đội phải như thế, không có lơ mơ!

Yêu Tổ quốc - Phải sẵn sàng cống hiến. Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc đã là truyền thống của Quân đội ta. Trong lịch sử, lớp lớp chiến sĩ quân đội ta chiến đấu hy sinh, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay, vì độc lập, tự do, vì từng tấc đất, bầu trời, vùng biển của Tổ quốc, người chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện để trong bất kỳ thời điểm nào cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, cống hiến, kể cả tính mạng mình.

Yêu Quân đội - Phải học tập, rèn luyện. Học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực, thuần thục kỹ năng, làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại, làm chủ khoa học, kỹ thuật để vừa bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, vừa từng bước xây dựng Quân đội ta theo hướng chính quy, hiện đại là bổn phận của mỗi người chiến sĩ.

Yêu đơn vị - phải tự giác chấp hành. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự giác chấp hành sự phân công, giao nhiệm vụ của tổ chức, chỉ huy, nỗ lực thực hiện để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mà Đảng và Nhà nước giao cho, thiết thực xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.

“Bốn yêu” cụ thể hóa những tiêu chí cơ bản theo mức độ từ yêu cầu về lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, nhân cách đến các yếu tố về chuyên môn, nghiệp vụ, chức trách, nhiệm vụ mà mỗi cán bộ, chiến sĩ cần phấn đấu rèn luyện trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng, trong đời sống thường nhật của Quân đội ta hiện nay nói chung.

Anh P nói tiếp: Tuy chưa khái quát được toàn diện các nội dung của học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng chúng tôi nghĩ đạo đức của Bác đã tỏa sáng thành tình yêu của Người đối với dân, với nước mà xả thân vì nước, vì dân. “Bốn yêu” của chúng tôi là học và làm theo Bác trong điều kiện người chiến sĩ hôm nay. Vì thế, “Bốn yêu” nhanh chóng được triển khai trong đơn vị và trở thành phong trào thực tiễn, có sức lan tỏa rộng khắp vì nó đáp ứng các yêu cầu của một phong trào hành động quần chúng là: Dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và dễ kiểm tra, giám sát; làm cho việc học tập và làm theo tác phong, phong cách của Bác được thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ đồng chí, đồng nghiệp…

Cụ thể hóa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị thông qua các hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và dễ kiểm tra, giám sát ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh H đã có hiệu quả thiết thực và đây là cách làm xứng đáng để chúng ta suy ngẫm, học tập và làm theo./.