Theo Sở Tài Nguyên - Môi trường Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố  về việc quản lý các khu đất xây dựng công trình công cộng tại các dự án Khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Tài Nguyên - Môi trường đã giao Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất tiến hành kiểm tra rà soát các quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra giai đoạn 1, có 14 dự án khu đô thị, khu nhà ở phải bàn giao cho thành phố 31 trường học các cấp với diện tích 20,55ha.

 

Cũng theo Sở này, qua báo cáo đề xuất bổ sung xây dựng các trường học công lập tại các khu dân cư mật độ cao ngoài các khu đô thị của quận, huyện, thị xã của 9/29  quận, huyện là: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Ba Vì, Quốc Oai, Mê Linh, Hà Đông, Đan Phượng, Thanh Trì.

 

Quận Tây Hồ đề xuất 10 địa điểm xây dựng, mở rộng trường công lập, trong đó đề xuất thành phố thu hồi 3.158m2 tại số 4 ngõ 108 An Dương, phường Yên Phụ do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội đang quản lý để xây dựng trường mầm non Yên Phụ; cơ sở 2.2133,9m2 đất tại số 17-19 Thụy Khê do Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đang quản lý nhưng để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả đề xuất thu hồi và để mở rộng xây dựng trường mầm non Chu Văn An.

 

Quận Hoàn Kiếm đề xuất bổ sung và thu hồi 7 địa điểm với diện tích 3.353m2 để xây dựng trường  mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở.

 

Huyện Thanh Oai đề nghị bổ sung 42.528m2 đất làm trường mầm non tại 22 xã, 9.904m2 đất làm trường tiểu học, 3.500m2 đất làm trường THCS, 15.100m2 đất làm trường THPT.

 

Huyện Ba Vì đề nghị sử dụng khoảng 86,01ha đất cho sự nghiệp giáo dục của huyện, trong đó có 13,86ha là đất lúa.

 

Huyện Quốc Oai đề xuất dự kiến đến năm 2020 xây dựng mở rộng 16 trường mầm non và xây dựng mới 2 trường, xây dựng mở rộng 11 và xây mới 1 trường THCS, xây dựng mở rộng 8 trường, xây dựng mới thêm 1 địa điểm và di chuyển 1 địa điểm trường THCS.

 

Huyện Mê Linh đề xuất xây dựng mới 4 trường mần non với diện tích 20.865m2.

 

Quận Hà Đông đề nghị cải tạo, xây mới và mở rộng thêm 87 trường học cả 3 cấp học, tổng diện tích 698.669m2, trong đó có 21 trường nằm trong khu dân cư có mật độ cao với diện tích 132.375m2.

 

Huyện Đan Phượng đề xuất mở rộng 11 trường mầm non diện tích mở rộng là 96.727m2, 4 trường cần mở rộng đất để tách trường, diện tích cần bổ sung là 28.162m2, mở rộng 14 trường tiểu học, diện cần mở rộng là 78.994m2, 1 trường cần bổ sung để tách trường, tổng diện tích cần bổ sung là 10.000m2.

 

Huyện Thanh Trì không có nhu cầu bổ sung thêm trường công lập.

 

Tuy nhiên, báo cáo của các quận, huyện này không gửi kèm hồ sơ, tài liệu về quản lý sử dụng đất của các địa điểm đề nghị thu hồi.

 

Báo cáo của Sở Tài Nguyên - Môi trường cũng cho biết, Sở đã và đang thu hồi đất của 35 tổ chức với diện tích 827,8ha, trong đó 3/35 dự án đã giao cho UBND các quận, huyện xây dựng trường học, 32/35 dự án đã giao cho các đơn vị để quản lý và lập phương án sử dụng đất theo quy hoạch.

 

Trên cơ sở địa điểm xây dựng các trường công lập do UBND các quận, huyện đề xuất, Sở Tài Nguyên - Môi trường đề nghị  thành phố, đối với 31 trường học tại các dự án khu đô thị, khu nhà ở đơn vị nhận bàn giao quỹ đất xây dựng trường học có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên, đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất và nhận bàn giao đất, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.

 

Đối với 35 dự án thu hồi đất và các dự án trường học, các quận, huyện , thị xã có trách nhiệm khẩn trương phối hợp với các đơn vị được giao để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất nếu có, đề xuất phương án sử dụng đất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương lập và thực hiện dự án đầu tư qua Sở Kế hoạch và Đầu theo quy định./.