Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23-6-2013
Trong lĩnh vực cải cách về thể chế, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã tập trung xây dựng khối lượng lớn văn bản và đề án quan trọng. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng nội dung, tiến độ đề ra, có những đề án hoàn thành trước thời hạn.
Đặc biệt, đề án Luật Hải quan sửa đổi - một đề án có ý nghĩa quan trọng của ngành - đã được hoàn thiện và trình Chính phủ vượt tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã tham mưu và ban hành các thông tư điều chỉnh thuế nhập khẩu xe ô tô chở người đã qua sử dụng; hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với một số mặt hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan...
Trong cải cách thủ tục hành chính, nổi bật nhất là việc triển khai thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tới hầu hết các đơn vị trong toàn ngành. Tính đến giữa tháng 5-2013, đã có 132 Chi cục Hải quan triển khai TTHQĐT, trong đó 22 Cục Hải quan đã triển khai tại 100% Chi cục trực thuộc. Tổng số có 36,8 nghìn doanh nghiệp tham gia thực hiện TTHQĐT (chiếm 93,8% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên toàn quốc), với tổng số tờ khai lên tới 2,04 triệu tờ (chiếm 90% số lượng tờ khai xuất nhập khẩu của cả nước) với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 95,72 tỷ USD, chiếm 93,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 808/QĐ-BTC ngày 24-4-2013, theo đó công bố mới 01 thủ tục, sửa đổi bổ sung 22 thủ tục và bãi bỏ phần về điện tử trong 01 thủ tục.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đang nghiên cứu, đề xuất mô hình và phương án tổ chức bộ máy, kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Trong 6 tháng cuối năm 2013, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện đề án Luật Hải quan sửa đổi, triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Ngành cũng sẽ nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác giám sát quản lý về hải quan thông qua việc đổi mới phương thức quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu; xây dựng quy trình hướng dẫn nghiệp vụ giám sát hải quan bằng seal định vị (GPS) với một số loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu; triển khai tiếp nhận, khai thác trước thông tin về chuyến bay, hàng hóa, hành khách xuất nhập cảnh đường hàng không...
Tiếp tục triển khai TTHQĐT đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất; áp dụng chữ ký số; mở rộng kết nối trao đổi thông tin với kho bạc trong thu ngân sách; nhanh chóng triển khai kiểm tra sau thông quan với TTHQĐT, bảo đảm nguyên tắc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm... Ngành Hải quan cũng sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát sự hài lòng của khách hàng với hoạt động của mình trong năm.
Khảo sát ý kiến doanh nghiệp năm 2013: Đi tìm những con số “biết nói”
Cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp năm 2013 sẽ được toàn ngành Hải quan thực hiện trong quý III-2013. Với tinh thần cầu thị, cuộc khảo sát này thể hiện quyết tâm thay đổi văn hóa hải quan và quan hệ với doanh nghiệp theo hướng coi doanh nghiệp là khách hàng của cơ quan Hải quan - một tổ chức cung cấp dịch vụ công. Đây là xu hướng chung của công cuộc cải cách hành chính tại Việt Nam nói chung và ngành Hải quan nói riêng…
Kết quả khảo sát ý kiến doanh nghiệp sẽ giúp ngành Hải quan hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật Hải quan.
Quyết tâm cải cách và tinh thần cầu thị
Khảo sát ý kiến doanh nghiệp là một trong những chỉ số đánh giá hoạt động hải quan, đây là hệ thống chỉ số được thống nhất trong toàn ngành Hải quan, đo lường được, giúp cơ quan Hải quan xác định kết quả, hiệu quả hoạt động định đánh giá. Đây chính là những con số “biết nói”, đánh giá được một cách chính xác và trung thực nhất hiệu quả hoạt động của Hải quan Việt Nam.
Mục đích của cuộc khảo sát doanh nghiệp năm 2013 đã được lãnh đạo Tổng cục xác định rõ ràng, đó là: Hoàn thiện dịch vụ hải quan nhằm giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan; có cái nhìn khách quan, thực tế về hoạt động hải quan; xây dựng và củng cố hợp tác giữa Hải quan và doanh nghiệp. Kết quả khảo sát còn là cơ sở cho việc thực hiện Kế hoạch cải cách phát triển và hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định 1514/QĐ-BTC ngày 22-6-2011 của Bộ Tài chính và Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 theo Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả khảo sát sẽ giúp Tổng cục Hải quan và các cục Hải quan địa phương nhìn nhận khách quan về thực tế hoạt động hải quan nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác thực thi pháp luật hải quan. Đặc biệt, kết quả cuộc khảo sát sẽ được sử dụng làm căn cứ mang tính khách quan để cơ quan Hải quan xem xét, hoàn thiện các văn bản pháp lý quản lý nhà nước về hải quan và tính thực thi của các quy định đó trong quá trình thực hiện.
Thay đổi hình ảnh trong mắt doanh nghiệp
Cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp năm 2013 sẽ tập trung 6 nội dung, cụ thể: Mức độ chuyên nghiệp, liêm chính; tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giải đáp pháp luật; thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; kiểm tra sau thông quan; xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại.
Để có sự đồng thuận trong việc khảo sát ý kiến khách hàng năm 2013, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội thảo trong ngành để thống nhất việc triển khai cuộc khảo sát doanh nghiệp năm 2013. Hội thảo đã tập trung thảo luận, trao đổi, thống nhất về một số vấn đề liên quan, trong đó, thống nhất về nội dung, tiêu chí đánh giá; bảng hỏi; trọng số tính điểm đối với mỗi lĩnh vực hoạt động của hải quan; phương án thực hiện cuộc khảo sát doanh nghiệp năm 2013.
Các ý kiến đều thống nhất cuộc khảo sát sẽ được thực hiện và hoàn thành trong quý III-2013. Để bảo đảm tính khách quan, đơn vị được lựa chọn thực hiện cuộc khảo sát phải là một đơn vị/tổ chức độc lập hoàn toàn với cơ quan Hải quan và có kinh nghiệm thực hiện các cuộc điều tra xã hội học. Năm 2012, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn thành cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp. Theo kế hoạch thực hiện cuộc khảo sát năm 2013, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với VCCI để thực hiện cuộc khảo sát.
Đánh giá cao công việc này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI cho rằng, bằng việc khảo sát lấy ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về hoạt động hải quan, Tổng cục Hải quan đã đi trước một bước trong việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan. Đây là một việc làm rất hữu hiệu để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.
Với cách làm khoa học, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung Phiếu khảo sát, cỡ mẫu khảo sát và quyết tâm của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, có sự đồng thuận từ hải quan địa phương thì cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp năm 2013 thể hiện quyết tâm thay đổi văn hóa Hải quan và quan hệ với doanh nghiệp theo hướng coi doanh nghiệp là khách hàng của cơ quan Hải quan - một tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Ngành Thuế An Giang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp
Một trong những giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, bảo đảm nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được Cục Thuế tỉnh An Giang xác định là đẩy mạnh cải cách hành chính, tuyên truyền và thực hiện tích cực các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp này đã thực sự tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp trong bối cảnh chung nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay…
Thời gian qua, Cục Thuế An Giang với nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung và công tác giải quyết thủ tục hành chính về thuế nói riêng đã được toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt trên các lĩnh vực quản lý thuế. Điển hình là công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật thuế, thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và thực hiện “một cửa” liên thông phối hợp một số ngành, cung cấp cho người nộp thuế sử dụng phần mềm hỗ trợ khai thuế, áp dụng khai thuế qua mạng, xây dựng kênh cung cấp thông tin và trực tuyến với người nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, đơn giản hóa phương thức quản lý hộ kinh doanh cá thể, áp dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế…, đã giúp người nộp thuế giảm đáng kể chi phí thời gian, công sức, tiền của trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế, đồng thời giúp cơ quan thuế đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo các chương trình, chiến lược cải cách, hiện đại hóa của ngành, tạo được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn không tránh khỏi tồn tại, một vài bộ phận của cơ quan thuế, cán bộ thuế còn gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế, chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ chưa đảm bảo, hiện tượng sách nhiễu, vòi vĩnh, thái độ thờ ơ, đôi lúc vẫn còn xảy ra trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hoặc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra..., gây tác động xấu đến mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.
Kết quả khảo sát ý kiến năm 2012 đối với các doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang để đánh giá năng lực cạnh tranh (CPI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cũng như kết quả điều tra xã hội học được một số tổ chức chuyên ngành phối hợp thực hiện để nắm bắt về tình hình và kết quả thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã công bố, cho thấy những tín hiệu tích cực, rất đáng phấn khởi, minh chứng được hiệu quả công tác CCHC mà nhiều ngành, nhiều đơn vị từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, thành phố đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của các cấp lãnh đạo thuộc hệ thống chính quyền địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, “lành mạnh hóa” môi trường đầu tư.
Theo kết quả xếp hạng PCI, năm 2012 tỉnh có sự vượt bậc đáng kể, đạt 63,42 điểm, tăng 1,2 điểm so năm trước và đứng hạng thứ hai so 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Để giữ vững thứ hạng này trong những năm tiếp theo, đòi hỏi chính quyền nói chung, từng cơ quan nhà nước thuộc các ngành, các cấp nói riêng cần có những giải pháp tiếp tục đổi mới một cách hiệu quả, trong đó, ngành thuế không đứng ngoài cuộc.
Quản lý thuế là một ngành quản lý “nhạy cảm”, có nhiều khả năng tạo nên thiện cảm hoặc gây ra phàn nàn, khiếu nại đối với người nộp thuế. Do đó, để triển khai thực hiện tốt Chương trình CCHC tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Chương trình CCHC nhà nước tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015 theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành, Cục Thuế đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý thuế với mục tiêu hỗ trợ người nộp thuế có được thuận lợi cao nhất khi thực hiện pháp luật thuế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Trong đó: Tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác CCHC của từng đơn vị trong ngành; quán triệt đến từng cán bộ thuế trong đơn vị hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của công tác CCHC và nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng cán bộ thuế làm việc ở các bộ phận có chức năng tiếp xúc với người nộp thuế đi đôi với giáo dục tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp ứng xử, chuyên môn nghiệp vụ; phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục của người nộp thuế hoặc thực hiện công tác kiểm tra... sớm hơn hạn định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức quản lý theo cơ chế phân tích rủi ro về thuế nhằm hạn chế số cuộc và thời gian thực hiện thanh tra, kiểm tra tại cơ sở kinh doanh; công khai đầy đủ thủ tục hành chính về thuế để người nộp thuế thực hiện dễ dàng, đồng thời giám sát quá trình giải quyết của cơ quan thuế; nâng cao hiệu quả cơ chế “một cửa” liên thông với các ngành và Ủy ban nhân dân huyện để giải quyết các thủ tục liên quan về thuế; thường xuyên đối thoại với người nộp thuế để nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh; tăng cường giám sát, kiểm tra công vụ để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ làm việc giữa cán bộ thuế với người nộp thuế.
Doanh nghiệp là chủ thể kinh tế quan trọng, là lực lượng tạo ra nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Trong tình hình hiện nay, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp trong tỉnh luôn đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt để phát triển, nhưng nhờ môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, chính quyền luôn “sát cánh” cùng doanh nghiệp để vượt qua mọi trở ngại - là yếu tố thuận lợi cho kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển bởi sự đồng tâm cộng lực của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân.
TP. Hồ Chí Minh: Cải cách thủ tục hành chính hiệu quả
Quý II-2013, TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và xử lý dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Bên cạnh đó, Thành phố đã chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông" để giải quyết tốt công việc của tổ chức và công dân. 24/24 UBND quận, huyện đã triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa UBND quận, huyện và UBND phường, xã, thị trấn trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế.
Việc thực hiện Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 30-1-2013 ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú đã giúp giảm được thời gian thực hiện, giảm đầu mối và chỉ tập trung một đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại UBND phường, xã, thị trấn, tiết kiệm được nhiều công sức, chi phí, thời gian đi lại, được người dân đánh giá tốt, mức hài lòng cao.
Hiện tổng số thủ tục hành chính ở TP. Hồ Chí Minh là 2.221 (giảm gần 30% so với trước kia), trong đó có 1.620 thủ tục hành chính áp dụng tại các sở, ngành, số thủ tục hành chính áp dụng tại UBND quận, huyện chỉ còn 468 và 132 thủ tục áp dụng tại UBND phường, xã, thị trấn.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng được Thành phố tiếp tục phát triển. Hệ thống quản lý văn bản đã được triển khai cho 72 sở, ngành, quận, huyện (16 sở; 32 ban, ngành; 24 quận, huyện) và đã liên thông kết nối các đơn vị triển khai với nhau. Hiện nay, đã có 22 quận, huyện đã triển khai liên thông phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc xuống phường, xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch số hóa toàn bộ dữ liệu vân tay người dân trên địa bàn Thành phố, hoàn thành trước ngày 01-01-2014.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng được giao đề xuất chuẩn hóa dữ liệu vân tay được số hóa; xây dựng Quy chế khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư và dữ liệu vân tay và giải pháp quản lý dân cư gắn trên bản đồ số (ứng dụng GIS).
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Kiên quyết loại trừ cán bộ vô cảm
Kiên quyết trị bệnh vô cảm, tầng nấc trung gian, thường xuyên đối thoại với người dân là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2013”.
Theo ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, sau 6 tháng, hệ thống cơ quan hành chính nhà nước của thành phố đã triển khai nhiều hoạt động cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, mở rộng mô hình, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đột xuất 59 cơ quan hành chính đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế.
Điển hình, tại thời điểm kiểm tra UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm) không có cán bộ trực, không có ghế ngồi cho công dân đến giao dịch; UBND huyện Ba Vì chưa công khai cụ thể thời gian giải quyết hồ sơ; Việc giải quyết thủ tục hành chính tại UBND huyện Thường Tín như đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, cải chính hộ tịch, cấp lại bản chính giấy khai sinh còn chậm so với quy định. Cũng trong 6 tháng qua, hàng chục cán bộ, công chức của huyện Ba Vì, Hoài Đức, Sóc Sơn, UBND quận Hà Đông, Sở Y tế... đã bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, 6 tháng qua, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố đã được cải thiện rõ nét, đã có nhiều sáng kiến. Tuy nhiên, tại một số cơ quan vẫn còn biểu hiện vô cảm trước những kiến nghị, bức xúc của người dân, do vậy, thành phố sẽ kiên quyết phải loại trừ những cán bộ này.
Tình trạng cán bộ quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm vẫn còn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Cải cách hành chính còn chậm. “Lẽ ra có những việc phải làm thẳng luôn nhưng lại cứ phải tầng nấc, tầng nấc. Có những việc cấp bách khi họp thành phố đã có chỉ đạo cụ thể thì bắt tay vào việc ngay trong khi lại cứ phải chờ văn bản thông báo của thành phố mới làm" - Đồng chí Nguyễn Thế Thảo nói.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thế Thảo, họp hành trong cơ quan hành chính vẫn còn rườm rà, cần cắt giảm tối đa. Nhiều trường hợp không cần họp mà chỉ cần gửi văn bản rồi ghi ý kiến gửi lại là được.
Ninh Thuận khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch
Nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính trong thu hút đầu tư; tăng cường quảng bá hình ảnh và xúc tiến các hoạt động du lịch, nhất là sự sáng tạo để nắm bắt nhu cầu du khách cùng với làm tốt các dịch vụ, cho nên vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió ngày càng được đông đảo du khách tìm đến tham quan, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên còn nguyên sơ.
Ninh Thuận là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, như: có biển, có rừng và nhiều loại đặc sản nông nghiệp, nho, hành, tỏi, dê, cừu... nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, do giao thông đường bộ xuống cấp; hệ thống khách sạn, resort, cơ sở lưu trú ít, các loại hình dịch vụ du lịch còn kém, cho nên nhiều năm qua, du lịch ở Ninh Thuận còn chậm phát triển.
Từ năm 2010 đến nay, để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch bằng chính nội lực, ngoài việc thường xuyên đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa, nâng cấp nhiều di tích văn hóa, xây dựng đường giao thông đến tận các điểm du lịch vịnh Vĩnh Hy, các tháp Chăm, bẫy đá Anh hùng Pi Năng Tắc, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm, các điểm du lịch sinh thái... Hiệp hội du lịch của tỉnh cũng thường xuyên cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố đang phát triển du lịch; phối hợp với các công ty lữ hành quảng bá hình ảnh Ninh Thuận thông qua Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ và tại Hội chợ Du lịch tổ chức tại Liên bang Nga. Qua đó, đã thu hút đông đảo du khách người Nga đến Ninh Thuận, tạo được diện mạo mới cho hoạt động du lịch./.
Phó Thủ tướng Lào thăm và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh  (24/06/2013)
Hà Nội sẽ có Trung tâm triển lãm quốc gia mới  (24/06/2013)
Tây Nguyên tăng cường hợp tác với các tỉnh Nam Lào  (24/06/2013)
Qua một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI: Những kết quả và kinh nghiệm bước đầu  (24/06/2013)
Nữ Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga đầu tiên  (24/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên