Nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, từ ngày 25 đến 27-6.

Thái Lan vốn là một nước nông nghiệp truyền thống. Bắt đầu từ năm 1960, Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lần thứ nhất. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Thái Lan thực hiện chính sách "hướng vào xuất khẩu"; ASEAN, Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Năm 2012, tăng trưởng kinh tế của nước bạn đạt 6,4%, cao hơn nhiều so với mức dự báo, trong đó tăng trưởng quý 4-2012 đạt tốc độ kỷ lục là 18,7%. Năm 2013, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 4,5%-5,5%, nhờ gia tăng xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đang thực hiện Kế hoạch phát triển lần thứ 11 (2012 - 2016), điều chỉnh trọng tâm vào xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng có chất lượng và bền vững, mở rộng kết nối khu vực và quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra, Chính phủ thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội như tăng lương tối thiểu 300 baht (10 USD) /ngày kể từ ngày 1-4-2012 và mức lương cơ bản của cử nhân đại học là 15.000 baht (500 USD)/tháng, thực hiện chính sách cam kết giá gạo, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng tại khu vực nông thôn...

Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6-8-1976. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước được cải thiện và phát triển, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.

Quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, hai bên đã tăng cường trao đổi đoàn cấp cao. Năm 2011, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã nối lại cuộc họp Nội các chung lần thứ 2 (10-2012).

Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Thái Lan ngày càng mở rộng, nhất là trên các lĩnh vực hợp tác sản xuất và xuất khẩu gạo, tài chính, vận tải, dầu khí... Thương mại hai chiều năm 2012 đạt 8,62 tỷ USD. Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 10/96 của Việt Nam với 300 dự án, trị giá 6,11 tỷ USD. Về phía Việt Nam, cho đến nay Việt Nam có 7 dự án đầu tư sang Thái Lan với tổng vốn đầu tư 11,35 triệu USD.

Về hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, Thái Lan hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo và giảng dạy tiếng Thái tại một số trường đại học của Việt Nam như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Hà Nội...; hỗ trợ thực hiện nhiều đợt đào tạo ngắn hạn cho cán bộ Việt Nam về những nội dung trọng tâm của chương trình hợp tác giữa hai nước.

Ngoài ra, hằng năm Việt Nam cũng đã cử hàng trăm lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại Thái Lan trong khuôn khổ các chương trình đào tạo tại nước thứ ba và các chương trình hợp tác khu vực. Thái Lan ủng hộ Đề án thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam tại Thái Lan và đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu Thái Lan trong các trường đại học tại Việt Nam.

Thái Lan đã ủng hộ Việt Nam đăng ký Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn và giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Thái Lan đã tạo điều kiện cho việc xây dựng hai khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Uđôn Thani và Nakhon Phanôm là nơi năm xưa Bác Hồ đã từng sống và làm việc.

Hiện có khoảng 100.000 Việt kiều đang sinh sống tại Thái Lan. Thái Lan luôn khẳng định chính sách nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt kiều và các tổ chức Hội Việt kiều phát triển, giúp đỡ để cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống, hội nhập và thành đạt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và gắn bó với quê hương, đất nước.

Ngoài ra, hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác cũng có những bước phát triển tích cực.

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, khẳng định chính sách coi trọng và giành ưu tiên cao tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực; khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực, sẵn sàng cùng Thái Lan và các nước ASEAN nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn kết, vững mạnh vì một Đông Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện mong muốn nâng quan hệ Việt Nam Thái Lan lên tầm cao mới, tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước./.