TCCSĐT - Ngày 22-6-2013, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu giám sát xã hội và phản biện xã hội ở nước ta hiện nay”. Hội thảo thuộc đề tài độc lập cấp Nhà nước do PGS, TS. Trần Hậu làm chủ nhiệm, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 1 là cơ quan chủ trì.
Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Trần Hậu đã chỉ ra những vấn đề cốt yếu của giám sát xã hội và phản biện xã hội: Thứ nhất, dân chủ là tất yếu khách quan của quá trình phát triển xã hội, là giá trị văn hóa và thành quả đấu tranh của nhân dân, được thực hiện thông qua nhiều giải pháp, trong đó có giám sát xã hội và phản biện xã hội. Đó là xu thế khách quan đi lên ngày càng cao của quá trình dân chủ hóa; Thứ hai, nhìn vào các hoạt động nghiên cứu lý thuyết và vận hành trong thực tế về các hoạt động giám sát xã hội và phản biện xã hội, chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh đa dạng. Trong đó, có những khoảng trống nhất định về lý thuyết của hoạt động giám sát xã hội và phản biện xã hội, thêm vào đó, bị chi phối bởi yếu tố lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm dẫn đến tình trạng trì trệ, bảo thủ trong việc thực hiện giám sát xã hội và phản biện xã hội; Thứ ba, cơ sở khoa học của giám sát xã hội và phản biện xã hội được quan niệm bao gồm 2 bình diện là cơ sở lý thuyết và cơ sở thực tiễn. Tuy là hai vấn đề nhưng chúng không tách rời một cách cơ học. Cho nên, cơ sở khoa học của giám sát xã hội và phản biện xã hội hàm chứa cả hai bình diện: lý thuyết và thực tiễn.

Với tham luận “Cách tiếp cận trong nghiên cứu giám sát xã hội và phản biện xã hội ở nước ta hiện nay”, GS,TS. Dương Phú Hiệp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng, việc tiếp cận nghiên cứu giám sát xã hội và phản biện xã hội cần cả cơ sở lý luận và phương pháp luận. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam đã mạnh dạn đề ra chủ trương phản biện xã hội, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quy chế, cơ chế cụ thể để thực hiện. GS, TS. Dương Phú Hiệp nêu lên một số cách tiếp cận bổ sung vào báo cáo đề dẫn, đó là: Tiếp cận lịch sử: mức độ đạt được qua các thời kỳ lịch sử, chủ yếu cung cấp những cơ sở thực tế cho việc nghiên cứu những vấn đề đặt ra, từ đó so sánh những bước tiến đã đạt được; Tiếp cận triết học: bàn về mối quan hệ chủ thể - khách thể trong giám sát và phản biện xã hội, làm rõ khái niệm giám sát, phản biện, giám sát khác phản biện như thế nào. Mối liên hệ mật thiết giữa giám sát và phản biện ở chỗ, trong giám sát có đánh giá, thẩm định, trong phản biện có nhận xét; Tiếp cận chính trị: vấn đề giám sát và phản biện xã hội diễn ra chủ yếu ở lĩnh vực chính trị; các tổ chức xã hội có vai trò như thế nào trong giám sát và phản biện xã hội, cần làm rõ mối liên hệ giữa các yếu tố có liên quan, nổi lên là vấn đề dân chủ; Tiếp cận pháp luật: dân chủ và pháp luật liên quan đến nhau, vì vậy cần có hành lang pháp lý thi hành vấn đề này; Tiếp cận xã hội học: cần được thực thi cụ thể trong đời sống nhằm làm rõ mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn.

Một số vấn đề được Hội thảo đưa ra đề nghị các đại biểu, các nhà nghiên cứu cùng thảo luận, làm rõ, đó là: 1. Vấn đề phản biện xã hội và giám sát xã hội có liên quan như thế nào đối với việc nâng cao dân trí? 2. Vấn đề trên có liên quan đến vấn đề dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp không, ở mức độ như thế nào? 3. Làm rõ giám sát quyền lực của Nhà nước, quyền lực của Đảng. 4. Vì sao dân chủ trở thành yêu cầu bức xúc của nhân dân? 5. Tại sao nói chưa làm rõ cơ sở khoa học của đề tài, ngoài cơ sở là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quan điểm của Đảng,… còn cơ sở nào khác không? 6. Điều kiện thực hiện giám sát xã hội và phản biện xã hội? 7. Vì sao lãnh đạo còn e ngại vấn đề này? 8. Dân chủ còn là sự ban phát của cấp trên đối với cấp dưới không? Việc phối hợp giữa ban phát và đấu tranh như thế nào?

Theo PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 1, phản biện xã hội là một nhu cầu được lắng nghe những ý kiến, yêu cầu đa dạng của cuộc sống. Trong xã hội, có những phản biện thật tâm, hiểu tâm lý con người nên sự phản biện mang tính chất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn e ngại do ranh giới giữa phản biện và phản đối. Khi thời cơ xuất hiện, các lực lượng chống đối mượn phản biện để chống đối. Trong chính trị có một hiện tượng thực tế mượn danh nghĩa phản biện, ẩn nấp để chờ cơ hội… Có thể nói, ranh giới phản biện và phản đối rất mong manh, đòi hỏi phải rất khéo léo trong quản lý.

PGS, TS. Trần Hậu cho rằng, giám sát xã hội và phản biện xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ. Hiện nay, những điều kiện tiền đề cho giám sát xã hội và phản biện xã hội chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa có những giải pháp mang tính đột phá. Vì vậy, trước hết cần nâng cao dân trí. Bổ sung ý kiến này, GS, TS. Dương Phú Hiệp cho biết, để khắc phục những khó khăn giữa giám sát xã hội và phản biện xã hội cần những điều kiện: cần có chủ trương của Đảng, cần được thể chế hóa bằng những quy định của pháp luật để thực hiện dân chủ trong xã hội; cần nâng cao dân trí; phải có thông tin cần thiết…

GS, TS. Phạm Minh Sang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, nếu không có dân chủ thì không có khái niệm giám sát, phản biện. Cần làm rõ quan niệm về giám sát xã hội và phản biện xã hội và tìm ra những thuật ngữ tương thích. Phản biện xã hội chỉ là một động tác trong giám sát xã hội. Động thái thứ hai chính là vận động chính sách. Vì vậy, cần tách hai động thái trong một vấn đề, và những ý kiến đó cần phải được đưa đến những nhà quản lý, những cơ quan chuyên môn để làm rõ. Khó nhất hiện nay là phương pháp luận khoa học xã hội, đưa ra được những bằng chứng cụ thể, thuyết phục, bao gồm cả định lượng và định tính, từ quan điểm, ý kiến của các nhà khoa học. Điều kiện cần phải có dân chủ, điều kiện đủ là quyền, luật được tiếp cận thông tin; quyền và luật về các vấn đề khác có liện quan./.