TCCSĐT - Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần thu hút được nhiều nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trong dân, tạo thêm việc làm cho người lao động ở nông thôn - góp phần đẩy mạnh phân công lao động xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng thêm lượng nông sản hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Mô hình kinh tế trang trại tại Trà Vinh đã đạt được thành công ban đầu, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mình.

Phát triển kinh tế trang trại ở Trà Vinh những năm qua

Ngày 2-2-2000 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về phát triển kinh tế trang trại. Chủ trương này góp phần cởi trói, khuyến khích nông dân tích tụ đất đai để phát triển mô hình kinh tế trang trại dựa trên nền tảng kinh tế hộ nhưng với quy mô sản xuất lớn hơn theo hướng sản xuất hàng hóa. Trên cơ sở Nghị quyết này, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 13/2001/QĐ-UBT ngày 15-03-2001 về kế hoạch phát triển kinh tế trang trại tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2001 - 2010.

Tính đến cuối 2010 toàn tỉnh có 1.820 trang trại, trong đó: Trang trại trồng cây hằng năm: 303 trang trại, chiếm 16,65% trong tổng số trang trại; trang trại chăn nuôi: 151 trang trại chiếm 8,29%; trang trại nuôi trồng thủy sản: 1.265 trang trại chiếm 69,5%; trang trại tổng hợp: 101 trang trại chiếm 5,55% .

Số lao động của các trang trại là 10.249 lao động, trong đó, lao động của chủ trang trại là 3.681 người, chiếm 35,92% tổng số lao động; lao động thuê thường xuyên 1.086 người, chiếm 10,7%; lao động thuê thời vụ 5.482 người, chiếm 53,49% tổng số lao động của các trang trại. Cũng đến cuối năm 2010, tổng diện tích đất trang trại đang sử dụng là 5.431ha, bình quân mỗi trang trại có 2,98ha diện tích đất sử dụng; tổng đàn trâu, bò của các trang trại đang nuôi là 523 con; đàn gia cầm của các trang trại là 11.681 con. Trà Vinh đã phát huy được thế mạnh phát triển các trang trại thủy sản, với số lượng tôm giống của các trang trại sản xuất giống bình quân 1,2 tỷ con/năm đã góp phần cung ứng cho nhu cầu giống nuôi của tỉnh, điển hình là trang trại giống Duy Khương ở ấp Thống nhất, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải sản xuất nhiều năm liền đạt hiệu quả cao. Các trang trại đã đóng góp cho kinh tế Trà Vinh 993,659 tỷ đồng, góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Sau hơn 10 năm phát triển kinh tế trang trại, điều kiện sản - xuất kinh doanh đã có nhiều thay đổi nên ngày 13-04-2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Theo đó, trang trại trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải đạt về diện tích đất tối thiểu 3,1ha (vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ), và giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với trang trại chăn nuôi, giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Đối với trang trại lâm nghiệp, phải có diện tích tối thiểu 31ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm. 

Để xây dựng mô hình trang trại theo Thông tư này, UBND tỉnh Trà Vinh đã ra Quyết định số 57/2001/QĐ-UBT ngày 08-10-2011, quy định về việc thực hiện một số chính sách ưu đãi đầu tư đối với kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; và các quyết định khác liên quan điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh. 

Tiêu chí trang trại mới này đã tác động rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, quy mô sản xuất hàng hóa ngày càng lớn, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, liên kết và hình thành mô hình khép kín từ khâu giống, thức ăn, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm… Song, vì tiêu chí mới cao hơn tiêu chí trước đây, nên nhiều trang trại đã không còn đủ điều kiện tồn tại, vì vậy số lượng trang trại đã giảm rõ rệt. Đến năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn lại 19 trang trại đủ điều kiện, chủ yếu các trang trại tập trung ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cụ thể như sau: Trang trại nuôi trồng thủy sản có 16 trang trại, chiếm 82,21% tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành (1 trang trại), Cầu Ngang (8 trang trại), Duyên Hải (7 trang trại); trang trại chăn nuôi có 2 trang trại, chiếm 10,52% tập trung ở huyện Cầu Ngang; trang trại tổng hợp 1 trang trại, chiếm 5,26 % ở huyện Cầu Kè. Tổng lao động thường xuyên của trang trại là 124 người, với giá trị thu được từ các trang trại là 4,439 tỷ đồng; trong đó, từ thủy sản là 4,049 tỷ đồng, tiêu biểu nhất là trang trại tôm sú giống của ông Duy Khương tại ấp Thống Nhất, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải; trang trại chăn nuôi heo của anh Trịnh Văn Nhu, ấp Bưng Lớn A, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè. 

Những kết quả bước đầu và những khó khăn, yếu kém cần khắc phục 

Cùng với các chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng và Nhà nước, các trang trại góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tại địa phương, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng (lúa giống) vật nuôi (tôm sú giống, heo giống), sản phẩm chất lượng cao, trang bị máy móc, nông cụ, tăng năng suất, giảm thiểu hao hụt sau thu hoạch, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, nâng cao năng suất, tăng sản lượng, chất lượng nông sản phẩm địa phương, tăng sản lượng hàng hóa (thường các trang trại cung cấp trên 80% sản lượng hàng hóa ra thị trường) và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để có được thành công này, bên cạnh những chủ trương, chính sách kịp thời đối với phát triển trang trại của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 5 hội nghị triển khai các chủ trương, chính sách về kinh tế trang trại cho cấp huyện, xã và các chủ trang trại. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ trang trại, nội dung tập huấn gồm: kỹ thuật chăn nuôi heo, bò sinh sản; kỹ thuật sản xuất giống thủy sản, kỹ thuật nuôi tôm sú công nghiệp; kỹ thuật trồng lúa, trồng màu, với 35 lớp tập huấn có 1.400 lượt chủ trang trại tham dự. Ngoài ra, còn được hỗ trợ tổ chức 33 lớp tập huấn về các nội dung hướng dẫn lập dự án phát triển sản xuất cho 1.150 lượt chủ trang trại và những hộ chuẩn bị thành lập trang trại, với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng.

Những mặt hạn chế và nguyên nhân:

Thứ nhất,
các chủ trang trại còn thiếu cập nhật thông tin thị trường, hạn chế về kiến thức khoa học - kỹ thuật và quản lý để đổi mới công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi, phát triển quy mô để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Kết quả khảo sát về số lao động đang làm việc ở trang trại tỉnh Trà Vinh cho thấy gần 90% số lao động của các trang trại không có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc chỉ mới được bồi dưỡng kiến thức.

Thứ hai, các trang trại thiếu vốn đầu tư sản xuất. Qua kết quả khảo sát có gần 90% trang trại có nhu cầu vay vốn nhưng khả năng tiếp cận đồng vốn khó vì giá trị tài sản thế chấp không nhiều (chủ yếu tính giá đất nông nghiệp theo quy định Nhà nước nên giá trị rất thấp), các chủ trang trại không đủ khả năng lập dự án.

Thứ ba, thiếu liên kết và chưa có tổ chức hội nghề nghiệp để các trang trại tham gia, nhằm hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cùng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Thứ tư, khu vực sản xuất của trang trại chăn nuôi, để bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến khu dân cư, thường xa trục đường giao thông, nên gặp trở ngại trong vận chuyển.

Thứ năm, nhiều trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không đủ mức hạn điền (3,1ha). Qua khảo sát điều tra, thì thấy: gần 65% hộ nuôi tôm có diện tích nhỏ hơn 3ha; Đối với các hộ sản xuất lúa thì trên 58,1% số trang trại có quy mô diện tích từ 1,1- 2ha; các trang trại trồng hoa màu có đến 78,3% có diện tích từ 0, 6 - 1,5ha. 

Thứ sáu, do giá cả thị trường biến động nên nhiều trang trại không đạt đủ các tiêu chí. Cũng theo ông Vĩ, năm 2012 gia đình ông thu hoạch trên 6,6 tấn tôm thương phẩm, giá bán bình quân 110.000 đồng/kg (so với vụ tôm 2011, do tôm rớt giá đã mất khoảng 500 triệu đồng); như vậy, giá trị hàng hóa của gia đình ông Vĩ đạt khoảng 720 triệu đồng, không bảo đảm chỉ tiêu. Ông Trần Văn Mười, chủ trang trại heo (ấp Bến Cát, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang), cho biết: Trang trại nuôi heo của gia đình chỉ dừng lại ở quy mô 25 con heo nái; hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 150 heo thịt và khoảng 400 heo con. Nếu so với tiêu chí mới, thì giá trị hàng hóa làm ra của gia đình ông không đạt, do đó đến nay ông chỉ dừng ở mô hình kinh tế hộ chứ không phải mô hình trang trại…

Để phát triển hiệu quả hơn mô hình kinh tế trang trại trong thời gian tới 

Để đạt mục tiêu đến năm 2015 có 50 trang trại và đến năm 2020 đạt 200 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN PTNT ngày 13-4-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới Trà Vinh cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, các ban, ngành và địa phương quán triệt, tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế trang trại. 

Hai là, các huyện tiến hành triển khai cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với số trang trại đạt theo tiêu chuẩn mới nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư và vay vốn sản xuất. 

Ba là, UBND tỉnh xem xét tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại để các trang trại có điều kiện mở rộng quy mô và đầu tư cơ sở vật chất đạt theo tiêu chí mới.

Bốn là, cần quy hoạch phân vùng phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để mở rộng diện tích cho các trang trại. Thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích của các ngành về lĩnh vực nông nghiệp. 

Năm là, chú trọng và tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho công tác khuyến nông - khuyến ngư, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để chuyển giao tiến bộ khoa - học công nghệ cho trang trại, hộ gia đình, thực hiện các chính sách hỗ trợ của dự án 50.000ha lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung và gắn với triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Đưa các giống cây trồng, vật nuôi có phẩm chất tốt, sản phẩm chất lượng cao vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới bảo quản sản phẩm nông nghiệp; rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình thành công. 

Sáu là, cần có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý sản xuất - kinh doanh của chủ trang trại, hộ gia đình, đồng thời các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn và vay vốn theo các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với phát triển kinh tế trang trại.

Bảy là, thực hiện quản lý nhà nước đối với quá trình sản xuất - kinh doanh của trang trại, nhằm định hướng phát triển và bảo đảm công bằng trong sản xuất - kinh doanh, hạn chế những tiêu cực của loại hình kinh tế trang trại, khắc phục tình trạng phát triển mang tính tự phát tích tụ ruộng đất tràn lan.

Tám là, các địa phương cần điều tra, phúc tra, cập nhật thông tin hình thành cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển các loại hình kinh tế trang trại nông thôn, đồng thời cần công bố rộng rãi các quy hoạch liên quan đến phát triển sản xuất và hướng dẫn để người dân biết thực hiện.

Tóm lại, mặc dù đã được tỉnh hỗ trợ, nhưng quy mô trang trại không lớn xét về các khía cạnh diện tích canh tác, lao động, nguồn vốn. Phần lớn các trang trại làm ăn có lãi, nhưng theo chúng tôi hiệu quả chưa tương xứng với mức đầu tư đã bỏ ra. Nguyên nhân của những vấn đề trên chủ yếu do trình độ của chủ trang trại, người quản l‎ý‎ trang trại và đội ngũ lao động đang làm việc ở trang trại còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải nắm bắt đầy đủ và kịp thời thông tin thị trường, sản phẩm phải bảo đảm chất lượng thỏa mãn được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Để phần nào tránh được những bất cập đã nêu, các chủ trang trại rất mong muốn được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi; bồi dưỡng kỹ thuật; thị trường tiêu thụ và vốn sản xuất. Thực hiện được điều đó, chắc chắn kinh tế trang trại của tỉnh Trà Vinh sẽ có điều kiện phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới./.