Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về chống tham nhũng, lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống “giặc nội xâm” theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rất sớm nguy cơ đối với đảng cầm quyền không những là bệnh quan liêu, hách dịch, lên mặt “quan cách mạng”, mà cả thói hư, tật xấu khác rất dễ nảy sinh trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền như bệnh địa vị, công thần, cục bộ, địa phương, bè phái, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công,...
Người quan niệm về tham ô một cách đầy đủ, toàn diện, cả tham ô trực tiếp và tham ô gián tiếp: “Nói đến tham ô, có người chỉ nghĩ đến ăn cắp của công làm của tư mà không thấy thứ tham ô gián tiếp. Thí dụ một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hằng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân”(1). Từ đó, Người khẳng định: “Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra. Vì vậy từ nay, toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sĩ, toàn thể cán bộ phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội có tội đã đành; người thấy những tội ấy mà không nêu ra, cũng như có tội”(2).
Kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”. Thậm chí đó là những “Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(3). Người cũng cho rằng tham ô là đồng minh của thực dân và phong kiến, nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta, nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính. Vì vậy, Người cũng cho rằng, phạm tội tham ô, lãng phí và quan liêu cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám: “những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”(5). Người còn nhấn mạnh: “Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”(6).
Theo Người, chống tham ô là dân chủ, việc chống này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng. Người viết: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ... Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(7).
Có thể khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam là phải thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, nêu cao cảnh giác, kiên quyết, nghiêm khắc chống tham ô, lãng phí, quan liêu và đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Người viết: “Kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham ô và lãng phí”(8), đó là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta; “các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức”(9).
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng, lãng phí để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI của Đảng nhận định: “... Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(10).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ... Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”(11).
Trên cơ sở đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã yêu cầu tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây: “Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”(12).
Trong điều kiện hiện nay, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh thì việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng, lãng phí để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là hết sức cần thiết. Theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng, lãng phí trong toàn Đảng và trong xã hội để các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (trước hết là người đứng đầu) và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân của tham nhũng, lãng phí, điều kiện nảy sinh tham nhũng, lãng phí và sự cần thiết của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình hiện nay. Từ đó có sự lên án, khinh ghét tệ tham nhũng, lãng phí, coi tham nhũng, lãng phí thực sự là quốc nạn, là “giặc nội xâm” và phải thường xuyên, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “nói một đằng, làm một nẻo”.
Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng, toàn bộ hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tỏ rõ quyết tâm, cam kết không tham nhũng, không để bố mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi, làm ăn bất chính; bản thân cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm dụng, vay, mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý trái quy định; tự chịu trách nhiệm cá nhân khi khi để tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Những người tự giác nộp lại tài sản, tiền của của Nhà nước, tổ chức, cơ quan đơn vị đã chiếm dụng trái quy định trước khi bị phát hiện sẽ được xem xét, giảm mức truy cứu trách nhiệm. Cán bộ lãnh đạo các cấp, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân.
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ động kiểm điểm, liên hệ theo chức trách, nhiệm vụ được giao, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, chân thành, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác. Phải gương mẫu phấn đấu thực hiện “3 tự”: Một là, đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính. Hai là, bản thân phải biết tự trọng, từ đó không tự kiêu, tự mãn, tự tung, tự tác. Ba là, phải không tự ái thì mới tự phê bình và phê bình, tiếp thu phê bình để phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng và Nhà nước; kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú để quần chúng và nhân dân giám sát. Những trường hợp cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm phải xem xét, xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh cả kỷ luật về đảng và xử lý theo pháp luật. Những trường hợp có biểu hiện tham nhũng, lãng phí chưa có điều kiện xem xét, kết luận nhưng uy tín giảm sút thì kịp thời điều chuyển sang làm công tác khác.
Thứ năm, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện tốt công tác chất vấn trong Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện tham nhũng, lãng phí từ trong tổ chức đảng, chi bộ, ngay tại cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm.
Thứ sáu, coi trọng và phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sớm ban hành quy chế để nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên; cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cấp ủy các cấp chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức, động viên nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh với những cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cho dù người đó là ai, ở cấp nào và không có “vùng cấm”, nhằm tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ và đấu tranh kiên quyết với các tệ nạn này. Mặt trận Tổ quốc các cấp phải theo dõi, giám sát, thúc đẩy việc xử lý nghiêm mọi vi phạm theo đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra tình trạng “chìm xuồng” hoặc “nhẹ trên, nặng dưới”.
Trong suốt quá trình cách mạng nước ta, từ khi thành lập Đảng đến nay, nhất là trong những năm qua, còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ trung, cao cấp, không thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trượt ngã vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, trở thành phần tử quan liêu, ức hiếp quần chúng, tham nhũng, hối lộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(13). Vì vậy, cần chú trọng nghiên cứu, thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng, lãng phí để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh, giữ vững vai trò là Đảng cầm quyền, lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta./.
-----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 436
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 394-395
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 490
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 490
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 534
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 475
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 494-495
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 410
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 573
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 173
(11) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 21-22
(12)Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 26
(13) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 557-558
Nhiều hoạt động thiết thực nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2557  (22/05/2013)
IMF đánh giá tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam  (22/05/2013)
Tặng Kỷ niệm chương Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam  (22/05/2013)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Y-ê-men  (22/05/2013)
Đoàn đại biểu Ủy ban Khoa học - Quân sự Lực lượng vũ trang Liên bang Nga thăm Việt Nam  (22/05/2013)
Chủ tịch Hạ viện Ô-xtrây-li-a chính thức thăm Việt Nam  (22/05/2013)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên